Tin tức  Tin tức chung 05:07:32 Ngày 17/04/2024 GMT+7
Chương trình Tây Bắc: Khuyến khích đề xuất những vấn đề tiêu biểu mà nhiều tỉnh cùng quan tâm
Ngày 5/7/2019, trong khuôn khổ Chương trình Khoa học Công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc, đoàn công tác của ĐHQGHN do Phó Chủ nhiệm Chương trình Mai Trọng Nhuận, chủ nhiệm đề tài "Luận cứ khoa học và thực tiễn, đề xuất định hướng nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và chuyển giao tri thức phục vụ phát triển bền vững vùng tây Bắc gia đoạn 2019-2025; mã số KHCN-TB.27X/13-18" dẫn đầu đã có buổi làm việc với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Kạn để tổng kết giai đoạn 1 và lấy ý kiến đóng góp, đề xuất để triển khai giai đoạn 2 của chương trình.

 Tại buổi làm việc, đoàn công tác đã cùng đại diện Sở rà soát lại hiệu quả và đóng góp của các đề tài, dự án thuộc Chương trình Tây Bắc đã và đang triển khai trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2013 – 2018. Tới nay, đã có 4 đề tài được triển khai tại Bắc Kạn và đạt được các kết quả tương ứng với những mục tiêu đề ra ban đầu, bao gồm đề tài Nghiên cứu, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu liên ngành phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc (chủ trì: PGS.TS. Nguyễn Văn Vượng, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN); đề tài Nghiên cứu, áp dụng công nghệ tích hợp địa môi trường – địa sinh thái nhằm ngăn ngừa xử lý ô nhiễm môi trường tại một số điểm ở lưu vực sông vùng Tây Bắc (Chủ trì: TS. Nguyễn Thị Hoàng Hà, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN); đề tài Nghiên cứu đề xuất các giải pháp công nghệ trong quản lý và thu trữ nước mưa, nước mặt phục vụ dân sinh vùng Tây Bắc (Chủ trì: ThS. Phạm Văn Ban, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam) và đề tài Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn để xây dựng định hướng quy hoạch phát triển bền vững các tiểu vùng Tây Bắc (Chủ trì: PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thanh, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội).

Đoàn công tác từ ĐHQGHN làm việc với lãnh đạo và chuyên viên Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Kạn

Bên cạnh đó, những đề xuất của tỉnh về các nội dung, lĩnh vực cần thiết để triển khai nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và chuyển giao tri thức phát triển bền vững vùng Tây Bắc cho giai đoạn 2 (từ 2019 đến 2015) cũng được đoàn công tác lắng nghe và tiếp nhận. Cụ thể, theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Kạn Đỗ Thị Hiền, trong thời gian tới, tỉnh xác định ưu tiên phát triển Nông – Lâm nghiệp, tập trung vào các lĩnh vực chính là gỗ và chế biến lâm sản, trồng và chế biến dược liệu để vươn ra thị trường cả nước, ngoài ra, tỉnh cũng định hướng phát triển cây ăn quả như cam, quýt, cây có múi…), chăn nuôi gia súc và sản xuất chè, miến dong cho thị trường của tỉnh. Chính vì vậy, tỉnh Bắc Kạn mong muốn các chuyên gia của Chương trình Tây Bắc sẽ giúp tỉnh định hướng nhằm xác định những chiến lược phát triển khoa học công nghệ cho giai đoạn 2 sao cho gắn với những trục ưu tiên của tỉnh. Bà Hiền cho rằng những đề tài, dự án xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của địa phương sẽ trở thành những nghiên cứu mang tính xác thực, đưa đến những sản phẩm mà địa phương có thể ứng dụng được. Hơn thế, để giai đoạn 2 phát huy hết hiệu quả hợp tác giữa các nhà khoa học và chính quyền địa phương, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Kạn mong muốn các nhà nghiên cứu sẽ phối hợp chặt chẽ với tỉnh trong công tác thông tin về đề tài để địa phương có thể theo dõi, bám sát thực địa.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Kạn Đỗ Thị Hiền phát biểu tại buổi làm việc

Trước những đề xuất của tỉnh, Phó Chủ nhiệm Chương trình Tây Bắc Mai Trọng Nhuận khuyến nghị tỉnh có thể liên kết với các tỉnh lân cận trong việc tìm kiếm những vấn đề chung, tiêu biểu mà nhiều tỉnh cùng quan tâm để đề xuất thành đề tài cấp nhà nước nhằm quay trở lại giải quyết những nhu cầu của địa phương.

Phó Chủ nhiệm Chương trình Tây Bắc Mai Trọng Nhuận phát biểu tại buổi làm việc.

Chiều cùng ngày, đoàn công tác đã đến thăm mô hình thực địa của đề tài nghiên cứu đề xuất các giải pháp công nghệ và quản lý trong thu trữ nước mưa và nước mặt phục vụ dân sinh vùng Tây Bắc do Th.S. Phạm Văn Ban, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam chủ trì tại trường Mầm non Hảo Nghĩa, huyện Na Rì và tại cụm dân cư ở xã Côn Minh, Huyện Na Rì, Bắc Kạn.

Đoàn công tác thăm mô hình cấp nước sạch tại cụm dân cư ở xã Côn Minh, Huyện Na Rì, Bắc Kạn.

Tại đây, nhóm đề tài đã xây dựng được mô hình hệ thống thu trữ nước mưa và nước mặt, qua 4 lần xử lý để nguồn nước đầu ra phục vụ đời sống nhân dân đạt “Tiêu chuẩn 02” Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt. Đặc biệt, tại trường Mầm non Hảo Nghĩa, nguồn nước còn được đi qua thêm một lần lọc để đạt “Tiêu chuẩn 01” cho các em học sinh có thể uống trực tiếp tại vòi.

Đoàn công tác trao đổi với Ban Giám hiệu và phụ huynh học sinh tại trường mầm non Hảo Nghĩa, huyện Na Rì, Bắc Kạn

Bà Vũ Thị Hiên, Hiệu trưởng trường mầm non Hảo Nghĩa, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Trước đây nhà trường rất khó khăn vì nguồn nước trên núi lấy về khan hiếm vào mua khô, sau đó nhà trường phải mua của dân gần 10 năm, tốn 200 nghìn mỗi tháng. Sau khi được Viện Khoa học thủy lợi cung cấp mô hình thử nghiệm, chúng tôi đã có nguồn nước ổn định, tiết kiệm chi phí và hợp vệ sinh, phụ huynh yên tâm hơn khi gửi con ở chỗ chúng tôi. Tôi mong muốn mô hình này sẽ tiếp tục được duy trì và nhân rộng để người dân đều có nước sạch để dùng”.

>>> Các tin bài liên quan:

Hội thảo khoa học về các giải pháp công nghệ và quản lý trong thu trữ, xử lý nước mưa, nước mặt phục vụ dân sinh vùng Tây Bắc

 

 Thùy Trang- Ngọc Tùng - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC