ĐHQGHN - Dấu ấn trong tôi 14:22:02 Ngày 23/04/2024 GMT+7
Mỗi thách thức là một cơ hội
Tháng 6 năm 2012, Ban Thư ký Hiệp hội các trường đại học Đông Nam Á đã chính thức công bố kết quả đánh giá chất lượng Chương trình đào tạo Cử nhân Chất lượng cao ngành Sư phạm tiếng Anh, Trường ĐHNN, ĐHQGHN đạt 4.4/7.0 điểm theo tiêu chuẩn AUN-QA (ASEAN University Network - Quality Assurance). Bản tin ĐHQGHN phỏng vấn GS.TS Nguyễn Hòa – Hiệu trưởng Trường ĐHNN, ĐHQGHN về vấn đề này.

>>> Bản tin số 257

>>> Mỗi thách thức là một cơ hội (pdf)

Giáo sư có thể cho biết những nét cơ bản về Chương trình đào tạo cử nhân Chất lượng cao ngành Sư phạm tiếng Anh?

Chương trình đào tạo cử nhân Ngoại ngữ Chất lượng cao (CNCLC) ngành Sư phạm Tiếng Anh thuộc Khoa Sư phạm Tiếng Anh, Trường ĐHNN, ĐHQGHN bắt đầu triển khai từ năm học 2001-2002. Chúng tôi đã nhất trí rằng đào tạo chất lượng cao tức là chuẩn phải cao hơn: chuẩn ở đây không chỉ là kiến thức mà còn được xác định là các kĩ năng và phẩm chất thái độ cần có như khả năng làm việc nhóm, xác định và giải quyết vấn đề, khả năng chia sẻ, khả năng quản lí thời gian và làm việc dưới áp lực và năng lực giao tiếp. Thời gian đào tạo ngắn hơn. Chuẩn được xác định dựa trên khung tham chiếu châu Âu.

Mục tiêu thực hiện của chương trình là lấy người học làm trung tâm, và phát huy tính tự chủ của người học. Người học phải tham gia trong quá trình đào tạo, và tự họ phải kiến tạo ra kiến thức cho mình, tự phát triển các kĩ năng và phẩm chất cần thiết. Như vậy, quá trình đào tạo phải tạo ra các cơ hội hay điều kiện học tập cho người học. Ví dụ như việc giúp người học hình thành kĩ năng làm việc nhóm, thì các bài tập, dự án cho người học buộc phải đòi hỏi các tình huống làm việc trong nhóm. Hoặc khi giúp người học phát triển kĩ năng đánh giá, thì họ phải có cơ hội nhận xét đánh giá có thể bắt đầu bằng những bài viết của bạn học.

Với chương trình được thiết kế như vậy, việc học tập trở lên rất thú vị, song cũng tạo ra nhiều áp lực cho sinh viên, nhưng đây là những áp lực cần thiết

Sau 8 năm thực hiện, chương trình cử nhân CLC đã cho thấy nó phù hợp với sự phát triển của đất nước và thị trường lao động quốc tế.

Những chuẩn bị của Nhà trường cho đợt đánh giá vừa qua?

Mỗi lần kiểm định là một cơ hội để nhìn lại mình. Kiểm định góp phần xây dựng văn hóa chất lượng của Trường ĐHNN. Từ năm 2005, đến năm 2010, Trường ĐHNN – ĐHQGHN đã kiểm định chất lượng cấp đơn vị hai lần, đã thực hiện kiểm định chất lượng 7 chương trình đào tạo, và chương trình CLC SPTA được đánh giá theo Bộ tiêu chuẩn của ĐHQGHN, được chuyên gia Hoa Kì đánh giá độc lập và được thừa nhận là chương trình tiên tiến về giảng dạy cũng như học tập. Do đó việc chuẩn bị đã thành nếp. Năm 2011, Chương trình được ĐHQGHN chọn tham gia đánh giá theo tiêu chuẩn AUN. Ngay sau khi được được ĐHQGHN lựa chọn, Trường hoàn thành báo cáo đúng hạn và có chất lượng.

Qua đánh giá của AUN, thì điểm mạnh của Chương trình là gì, thưa Giáo sư?

Một trong các Tiêu chuẩn được AUN đánh giá cao nhất là Chất lượng sinh viên (6/7 điểm). Sinh viên của chương trình này đều là những học sinh giỏi đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, hoặc có kết quả thi tuyển đại học cao. Sinh viên các lớp cử nhân chất lượng cao luôn tỏ rõ sự vượt trội của mình so với sinh viên chính quy về thành tích học tập. Điều quan trọng là họ có cơ hội phát triển năng lực và kĩ năng của mình.

Các tiêu chuẩn khác như chiến lược dạy học, đánh giá sinh viên, đảm bảo chất lượng quá trình dạy và học, đầu ra và sự hài lòng của các bên liên quan cũng được AUN đánh giá cao (5/7 điểm). Chương trình đã xác định và thể hiện rất rõ các chuẩn về kiến thức, thái độ, kĩ năng mà người tốt nghiệp cần đạt được. Trong cuộc khảo sát với 20 viên sinh khóa đầu tiên của chương trình đào tạo cử nhân chất lượng cao, 100% sinh viên cho rằng chương trình đào tạo CNCLC đã trang bị cho họ những năng lực đáp ứng được yêu cầu của các bên liên quan, thị trường lao động và nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Vậy còn có những tiêu chuẩn nào chưa được đánh giá cao và Nhà trường cần làm thế nào để thúc đẩy cao hơn nữa?

Cũng có một vài tiêu chuẩn chưa được đánh giá cao như số lượng công bố kết quả NCKH, hay việc mô tả chương trình chưa đúng theo mẫu của AUN. Đây cũng là một thiếu sót không đáng có. Tuy nhiên, Nhà trường cũng nhận thấy đó là những mặt còn hạn chế của chương trình nên ngay sau khi có kết quả kiểm định của AUN, Nhà trường đã chỉ đạo Khoa SPTA xây dựng kế hoạch hậu kiểm định trên những đánh giá góp ý của AUN, vạch ra một lộ trình thực hiện những góp ý này.

Kết quả đánh giá của AUN có ý nghĩa gì đối với Nhà trường?

Đây là một trong những đợt kiểm định lớn, mang tính khu vực có rất nhiều ý nghĩa đối với Nhà trường. Thứ nhất, qua kiểm định AUN, Nhà trường nhận diện rõ hơn những điểm mạnh để phát huy và cả những điểm yếu để khắc phục; ý thức của cán bộ, giảng viên về văn hóa chất lượng được nâng lên, thấm nhuần, lan tỏa; rút ra được nhiều kinh nghiệm trong quá trình giảng dạy như xây dựng những quy trình và thực hiện quy trình đã đặt ra; lưu giữ một cách hệ thống các minh chứng để phục vụ các hoạt động kiểm định.

Thứ hai, Chương trình đạt chuẩn AUN đã khẳng định chất lượng của chương trình đào tạo, khẳng định uy tín, vị thế của Trường trong khu vực và quốc tế. Đây cũng là cơ hội mở ra các mối quan hệ hợp tác với các trường đại học trong và ngoài nước, nhưng đồng thời cũng là một thách thức làm thế nào để luôn giữ được đẳng cấp và nâng cao đẳng cấp bởi mỗi cơ hội là một thách thức, mỗi thách thức lại là một cơ hội. Mục tiêu cuối cùng của giáo dục đại học là đóng góp vào sự phát triển đất nước. Không phải hội nhập để lấy danh hiệu hay huân chương mà sứ mệnh của nhà trường là đóng góp vào sự phát triển của đất nước thông qua những hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học.

Thứ ba là mở ra cơ hội cho sinh viên được tham gia học tập ở nước ngoài và cũng sẽ có nhiều sinh viên nước ngoài theo học chương trình của Nhà trường.

Trong tương lai, Nhà trường có tham gia đánh giá những chương trình khác nữa hay có đưa chuyên ngành này tham gia đánh giá ở mức độ cao hơn không, thưa Giáo sư?

Văn hóa kiểm định chất lượng sẽ được thấm nhuần khi ta lôi kéo được nhiều người tham gia vào hoạt động kiểm định chất lượng. Một khi có nhiều giảng viên, cán bộ tham gia vào thì lúc đó mọi người sẽ ý thức được về chất lượng và dần tạo nên văn hoá chất lượng. Giám đốc ĐHQGHN, GS.TS Mai Trọng Nhuận đã chia sẻ: chìa khoá duy nhất để phát triển, để hội nhập, để xây dựng đất nước là 3C (chất lượng, chất lượng và chất lượng). Năm học vừa qua, Nhà trường đã kiểm định hai chương trình Chất lượng cao ngành Sư phạm Tiếng Trung và Sư phạm Tiếng Pháp đạt cấp độ 1 theo tiêu chuẩn KĐCL của ĐHQGHN, và Trường ĐHNN được kiểm định chất lượng chu kì 2 đạt chuẩn chất lượng quốc gia theo tiêu chuẩn ĐHQGHN, 1 chương trình CLC Sư phạm tiếng Anh đạt chuẩn AUN như vậy khối lượng công việc rất nhiều. Nhưng sang năm học tới, Nhà trường sẽ tiếp tục tham gia KĐCL hai chương trình ngôn ngữ Đức và ngôn ngữ Nhật theo tiêu chuẩn đào tạo của ĐHQGHN và chương trình thạc sĩ Ngôn ngữ Anh theo tiêu chuẩn AUN. Trong tương lai, Trường ĐHNN sẽ đưa tất cả các chương trình đào tạo vào kiểm định chất lượng đó là điều phải làm. Nhà trường sẵn sàng đưa chương trình Chất lượng cao Sư phạm Tiếng Anh tham gia ở mức độ cao hơn, mục đích sẽ đưa chương trình này bước vào sân chơi quốc tế.

Xin cảm ơn Giáo sư!

 

 Việt Hà (thực hiện) - VNU MEdia
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC