ĐHQGHN - Dấu ấn trong tôi 21:27:31 Ngày 19/04/2024 GMT+7
Nghiên cứu khoa học phải hướng đến ứng dụng thực tế
Không chỉ được biết đến như một địa chỉ uy tín đào tạo những chuyên gia kinh tế, nhà quản trị hàng đầu cả nước, Trường ĐHKT, ĐHQGHN còn khẳng định vị thế là cơ sở nghiên cứu khoa học mạnh với những công trình nghiên cứu được trong và ngoài nước biết đến như: Báo cáo Kinh tế thường niên, ấn phẩm về M&A… Trong thời gian qua, công tác nghiên cứu khoa học đã góp phần nâng cao hiệu quả chất lượng đào tạo của nhà trường. Bản tin ĐHQGHN đã có cuộc trao đổi với TS. Vũ Anh Dũng – Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKT.
Được biết, Trường ĐHKT là đơn vị chủ trì việc xây dựng một số sản phẩm khoa học có tiếng vang trong xã hội như Báo cáo Kinh tế thường niên, Vietnam M&A Review… Điều này cho thấy nhà trường rất coi trọng công tác nghiên cứu khoa học, Tiến sĩ cho biết ý kiến về nhận định này?
Từ trước tới nay, công tác NCKH luôn luôn được nhà trường xem là kim chỉ nam cho những hoạt động của mình. Phát triển với mục tiêu trở thành một trường đại học định hướng nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh, hoạt động và kết quả NCKH được xem là nòng cốt trong việc phát triển và khẳng định thương hiệu của Trường ĐHKT. Điều này cũng phù hợp với định hướng chiến lược phát triển của ĐHQGHN trở thành một đại học nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế. Ngoài ra NCKH sinh viên cũng là một điểm nhấn trong hoạt động của trường với nhiều thành tích được ghi nhận.
Xin Tiến sĩ cho biết, một số thành tựu nổi bật trong hoạt động nghiên cứu khoa học của nhà trường?
Về sản phẩm đầu ra trong năm học 2011-2012 số lượng bài báo đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín của cán bộ nhà trường đã tăng mạnh và đạt tỉ lệ trung bình 1 bài trên bình quân 4,5 giảng viên (tổng cộng 20 bài trên 85 giảng viên) và tỉ lệ này là 1,5 bài báo đăng trên tạp chí khoa học chuyên ngành trong nước trên một giảng viên (120 bài trên 85 giảng viên). Điều này thể hiện năng lực nghiên cứu của cán bộ, giảng viên nhà trường đã có bước chuyển mạnh mẽ, bước đầu tiệm cận chuẩn quốc tế.
Trường ĐHKT cũng là chủ biên của hai ấn phẩm nghiên cứu thường niên là: Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam (đã xuất bản lần thứ 4 bằng tiếng Anh và tiếng Việt kể từ năm 2009) và ấn phẩm “Vietnam M&A Review” về hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (đã xuất bản lần đầu vào năm 2012).
Trong vòng 3 năm qua, Trường ĐHKT đã chủ trì tổ chức nhiều hội thảo quốc tế như Hội thảo quốc tế do các học giả nổi tiếng thế giới diễn thuyết. Các hội thảo này cùng với sự xuất hiện của các giáo sư, chuyên gia nổi tiếng trên thế giới như GS.Tom Cannon, GS.TS Susan Schwab… là một chuỗi các sự kiện tiêu điểm của giới báo chí và kinh tế trong nước. Các sự kiện nói trên đã góp phần tôn vinh hình ảnh của ĐHQGHN nói chung và trường ĐH Kinh tế nói riêng đồng thời tạo cơ sở ban đầu cho việc tiếp tục thu hút các học giả nổi tiếng ở nước ngoài đến hợp tác với Trường. Trường cũng đã chủ trì tổ chức nhiều hội thảo lớn khác về tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, chuỗi hội thảo về chính sách công và sắp tới đây là hội thảo về sản xuất bền vững và quản lý môi trường (cùng Đại học Nagoya, Nhật Bản)… là diễn đàn cho các tổ chức, hiệp hội, nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách, doanh nhân và những người quan tâm trao đổi, thảo luận về các vấn đề kinh tế Việt Nam cũng như thế giới hiện nay, đặc biệt là hoàn cảnh Việt Nam đang tiến hành tái cơ cấu nền kinh tế đặt trong bối cảnh phát triển bền vững. Thêm vào đó, Trường cũng tham gia các sự kiện lớn trong vai trò ban tổ chức hoặc thành viên tham gia chính góp phần tư vấn chính sách, xã hội hóa phát triển khoa học công nghệ, thúc đẩy hợp tác hiệu quả nhà trường - doanh nghiệp như Hội thảo giao lưu hai Đảng cộng sản Việt Nam - Trung Quốc; Giải thưởng Bảo Sơn với vai trò là cơ quan thường trực của Giải thưởng; Diễn đàn M&A 2012 "Tạo giá trị cộng hưởng" với vai trò Chủ tịch hội đồng bình chọn thương vụ tiêu biểu, thành viên Ban kết nối đầu tư và đồng chủ biên ấn phẩm về M&A tại Việt Nam 2011 - 2012.
Ngoài việc đã và đang thực hiện 5 đề tài cấp nhà nước thuộc chương trình về kinh tế xã hội và về tài nguyên môi trường, 2 đề tài nghiên cứu cơ bản cấp nhà nước do Quỹ phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (Nafosted) tài trợ, Trường ĐHKT đã tham gia vào mạng lưới nghiên cứu quốc tế, thực hiện các chương trình nghiên cứu do các quỹ và ngân hàng quốc tế tài trợ như chương trình nghiên cứu của WTO Chair do tổ chức thương mại thế giới WTO tài trợ, các đề tài nghiên cứu do Quỹ NC Thái Lan, Quỹ JICA (Nhật Bản), chương trình nghiên cứu các nước thuộc tiểu vùng Mekong do ADB tài trợ, dự án quốc tế về “Phát triển kỹ năng khởi nghiệp cho phụ nữ ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ các nước ASEAN” do AUSAID tài trợ (Phối hợp với Đại học Sydney, Ôxtrâylia).
Hoạt động nghiên cứu khoa học có vai trò như thế nào trong việc nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường, thưa Tiến sĩ ?
Trường ĐHKT đã tiên phong chủ trì thành công đề án nghiên cứu về mô hình CDIO quốc tế và ứng dụng vào việc đổi mới xây dựng và tổ chức các chương trình đào tạo từ đại học lên tiến sĩ. Đây là một giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu xã hội trên cơ sở xác định chuẩn đầu ra để thiết kế nội dung chương trình và kế hoạch đào tạo. Quy trình này được xây dựng một cách khoa học, hợp lý, logic và về phương pháp tổng thể có thể áp dụng để xây dựng quy trình chuẩn cho nhiều lĩnh vực đào tạo khác nhau. Cho đến nay thì ĐHQGHN dựa vào kết quả của đề án đã ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng cho tất cả các chương trình đào tạo trong toàn ĐHQGHN. Tại trường ĐHKT khi áp dụng cách tiếp cận của mô hình CDIO cho chương trình đào tạo cử nhân Kinh tế quốc tế hệ chất lượng cao đã đạt được những thành công nhất định như về chuẩn đầu ra được thể hiện qua việc chương trình đã được kiểm định đạt chuẩn quốc tế của mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á.
Ở góc độ tài nguyên, giáo trình học liệu phục vụ cho giảng dạy thì nghiên cứu khoa học chính là một cách để nhà trường có thể sử dụng các kết quả thu được xây dựng cơ sở dữ liệu, giáo trình, sách chuyên khảo, tham khảo, học liệu… cho các chương trình đào tạo của mình. Hàng năm, trường ĐHKT xuất bản 8 - 10 sách chuyên khảo phục vụ ngay cho công tác đào tạo trong chương trình nhiệm vụ chiến lược (đẳng cấp quốc tế), chương trình chất lượng cao cũng như các chương trình giảng dạy khác trong trường.
Đối với giảng viên, nghiên cứu khoa học là chỉ tiêu bắt buộc hàng năm. Thông qua các hệ đề tài dự án trường sẽ có những yêu cầu cụ thể về sản phẩm đầu ra. Chẳng hạn đối với các đề tài nghiên cứu cấp trường, mục tiêu trường ưu tiên đặt ra cho giảng viên là một tình huống thực tiễn, một khía cạnh cụ thể nào đó về lý luận… có thể phục vụ chính cho bài giảng môn học của giảng viên. Điều này sẽ giúp giảng viên cập nhật được những kiến thức mới cho việc giảng dạy. Ngoài ra, Trường có chính sách gắn kết sự tham gia của người học vào các đề tài, dự án, chương trình nghiên cứu như là một trong các sản phẩm đầu ra và là yêu cầu bắt buộc đối với công trình nghiên cứu của giảng viên. Nếu tính cả việc khuyến khích và thúc đẩy mạnh mẽ phong trào NCKH trong sinh viên tại Trường ĐHKT thì điều này sẽ giúp hoàn thiện triết lý giáo dục của trường “người học là trung tâm – student centred”, “tự học và nghiên cứu – self learning” và “học tập suốt đời – lifelong learning” và qua đó tăng cường tính chủ động cho sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh đạt được mục tiêu của mình và chương trình đào tạo được các sản phẩm đầu ra đáp ứng tốt yêu cầu của xã hội.
Việc ứng dụng những nghiên cứu vào thực tiễn như thế nào, thưa Tiến sĩ?
Các chương trình, hệ đề tài, dự án nghiên cứu luôn hướng tới giải quyết một vấn đề thực tiễn cụ thể ở tầm vĩ mô hay vi mô và cần có địa chỉ ứng dụng và chuyển giao kết quả nghiên cứu cụ thể. Chẳng hạn khi thực hiện ba đề tài NCKH trọng điểm cấp Nhà nước trước đây, cả ba đề tài này đã có địa chỉ ứng dụng và góp phần tư vấn phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. Đề tài "Nhân cách doanh nhân và văn hóa kinh doanh ở Việt Nam trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế" đã được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) dùng làm cơ sở khoa học trong việc xây dựng Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Đề tài "Luận cứ khoa học cho việc phát triển ngành dịch vụ Việt Nam đến năm 2020" đã được chuyển giao cho Vụ Kinh tế Dịch vụ, Bộ Kế hoạch Đầu tư tham khảo trong việc xây dựng Chiến lược phát triển ngành dịch vụ của Việt Nam đến năm 2020. Đề tài "Định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển nền kinh tế thị trường ở Việt Nam" đã được chiết xuất để gửi tới Hội đồng Lý luận Trung ương phục vụ cho việc xây dựng các văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI.
Do nguồn lực còn hạn chế nên Trường đã và đang tích cực tìm kiếm các nguồn lực bên ngoài. Các hệ đề tài, dự án, chương trình nghiên cứu được đặt hàng bởi các tổ chức, doanh nghiệp, địa phương… có đòi hỏi rất khắt khe về tính thực tiễn và thường xuất phát từ chính các vấn đề nảy sinh trong quá trình hình thành, vận hành và phát triển của tổ chức hay địa phương đó. Do vậy, tính thực tiễn trong kết quả nghiên cứu của các nghiên cứu này là yêu cầu bắt buộc cũng như là thước đo uy tín của Trường.
Phương pháp của nhà trường trong việc “xã hội hóa” NCKH là gì?
Việc xã hội hóa NCKH tại Trường ĐHKT đã và đang được nhà trường thực hiện với nhiều hình thức như: biến nó thành các dạng thức được tiếp cận rộng rãi như giáo trình giảng dạy, tài liệu nghiên cứu, sách chuyên khảo, sách tham khảo, các mô hình chuyển giao, các bài báo trên tạp chí, báo cáo trong các hội thảo khoa học các cấp, in thành sách... Cụ thể, cũng giống như nhiều đơn vị hay tổ chức khác, đối với các đề tài nghiên cứu tùy các cấp chúng tôi đều có các yêu cầu nhất định về số giáo trình/học liệu được xây dựng, số bài đăng trên báo và tạp chí khoa học đặc biệt là quốc tế.
Một phương thức đưa công trình nghiên cứu khoa học tới công chúng mà chúng tôi đang thực hiện đó là giới thiệu nó trên hệ thống dữ liệu số (Dspace) tại website của nhà trường.
Vậy nhà trường có hướng đi nào cho hoạt động NCKH trong thời gian sắp tới của mình?
Đổi mới việc quản lý hoạt động NCKH theo sản phẩm đầu ra (hướng tới chuẩn quốc tế), tăng cường chất lượng nghiên cứu theo chuẩn quốc tế, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của cán bộ và đề xuất, xây dựng, thực hiện một số đề tài, chương trình nghiên cứu lớn trong nước và quốc tế theo định hướng KHCN của Trường là hoạt động ưu tiên trong thời gian tới.
Xin cảm ơn Tiến sĩ ?
 Đỗ Chiêm (thực hiện) - Bản tin số 259
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC