ĐHQGHN - Dấu ấn trong tôi 04:17:59 Ngày 20/04/2024 GMT+7
Giáo sư Sakurai Yumio: Nặng tình với Việt Nam
Ngày 29/11/2012, chúng tôi chia tay Thầy ở Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ IV với lời “hẹn hò” sẽ đón Thầy ngày 19/12 để ngày 20/12 thầy bắt đầu lên lớp môn học Lý thuyết nghiên cứu Khu vực cho lớp học viên khóa 8, một thời gian biểu suốt 5 năm nay. Vậy mà sáng 18/12, tất cả chúng tôi bàng hoàng khi nhận được tin: Thầy đột ngột ra đi ngày 17/12 khi chuẩn bị tới tham dự một buổi tọa đàm khoa học.
Người mà chúng tôi đều gọi Thầy một cách tôn kính là Giáo sư Sakurai Yumio. Ông là nhà nghiên cứu hàng đầu về lịch sử Việt Nam và Đông Nam Á, nhà Việt Nam học nổi tiếng của Nhật Bản và thế giới. Ông bắt đầu bén duyên với nghiên cứu về Việt Nam từ năm 1965, nhưng chủ yếu thông qua các tài liệu bằng tiếng Anh, tiếng Pháp. Đến năm 1985, khi là Tùy viên văn hóa Đại sứ quán Nhật tại Hà Nội, ông mới có cơ hội tiếp xúc với người Việt và kể từ đó bắt đầu chuyên tâm nghiên cứu về Việt Nam. Năm 1987, ông nhận bằng Tiến sĩ Sử học tại Đại học Quốc gia Tokyo với đề tài Tìm hiểu sự thành lập làng xã Việt Nam. Sau 5 năm, năm 1992 ông tiếp tục bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Nông nghiệp với đề tài Lịch sử khai thác thủy lợi trên đồng bằng sông Hồng.
Kể từ đó Giáo sư Sakurai đã dành hầu hết thời gian, trí tuệ và tâm lực để xây dựng các chương trình, dự án nghiên cứu về thủy lợi, nông nghiệp, hợp tác xã điển hình ở châu thổ sông Hồng của Việt Nam theo hướng khu vực học. Ông đã có công rất lớn trong việc giúp đỡ chính phủ Việt Nam phát triển đời sống kinh tế, giáo dục, giao thông ở các vùng nông thôn, miền núi. Bằng những minh chứng khoa học và tình yêu với Việt Nam, ông đã thuyết phục được chính phủ Nhật Bản và các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ 100% kinh phí cho các dự án nghiên cứu của Việt Nam, cấp một số học bổng thường niên cho lưu học sinh và nguồn vay vốn ODA cho chính phủ Việt Nam sau này.
Trong số các chương trình, dự án nghiên cứu mà giáo sư tâm huyết nhất phải kể đến chương trình nghiên cứu làng cổ Bách Cốc (Vụ Bản, Nam Định). Đây là công trình nghiên cứu của tập thể học giả Nhật Bản dưới sự chủ trì của GS. Sakurai được giới khoa học quốc tế và Việt Nam đánh giá là một trong những nghiên cứu điển hình về nghiên cứu khu vực theo định hướng liên ngành. Chương trình kéo dài liên tục trong suốt thời gian 14 năm (từ năm 1994 đến 2008) với sự hợp tác của Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Giao lưu văn hoá và tiếp theo là Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, với số lượng chuyên gia, nghiên cứu sinh, sinh viên Nhật Bản tham gia lên tới khoảng hơn 300 lượt người. Rất nhiều tài liệu, di vật của người Việt cổ như lăng mộ, văn bia, trống đồng, đồ đá, nhiều đặc trưng văn hóa về một làng Việt cổ tiêu biểu vùng đồng bằng sông Hồng đã được phát hiện qua chương trình nghiên cứu nổi tiếng này. Cũng qua chương trình nghiên cứu Bách Cốc, Giáo sư đã đào tạo được nhiều thế hệ nhà Việt Nam học người Nhật Bản, những người hiện đang giữ vai trò chủ chốt trong nghiên cứu Khu vực học và Việt Nam học tại nhiều trường đại học và trung tâm nghiên cứu nổi tiếng ở Nhật Bản. Giáo sư Sakurai Yumio luôn tự hào nói rằng: làng Bách Cốc đã trở thành “đứa con thứ hai” của mình. Chúng tôi cũng nhiều dịp được đi cùng Giáo sư xuống Bách Cốc và hết sức ngạc nhiên khi từ người già đến trẻ nhỏ đều quen và hết sức thân thiết với Giáo sư như người trong nhà. Từ năm 2004, cùng các nhà nghiên cứu Nhật Bản, ông chủ trì dự án nghiên cứu lịch sử thị dân Hà Nội nhằm phân tích quá trình biến đổi cư dân qua các giai đoạn trong lịch sử của Hà Nội hiện đại và dự án nghiên cứu lao động địa phương và chính sách khu công nghiệp mới của Việt Nam.
Giáo sư Sakurai Yumio còn là một chuyên gia xây dựng các mối quan hệ hữu nghị gắn bó giữa hai chính phủ Nhật -Việt và giữa các trường đại học ở Việt Nam và Nhật Bản, trong đó đặc biệt phải kể đến là ĐHQGHN với Đại học Quốc gia Tokyo, Đại học Kyoto, Viện nghiên cứu Đông Nam Á của Đại học Kyoto... Năm 1999, ông là người đầu tiên đứng ra vận động thành lập Văn phòng liên lạc của Đại học Quốc gia Tokyo tại ĐHQGHN có thời hạn 10 năm. Văn phòng là sự kết nối giữa hai đại học và các cơ quan nghiên cứu nhằm giúp đỡ các nhà khoa học, lưu học sinh Nhật Bản nghiên cứu về Việt Nam và sinh viên Việt Nam nghiên cứu về Nhật Bản. Thành công của chương trình nghiên cứu tại Bách Cốc và một số chương trình khác chính là kết quả hoạt động của văn phòng liên lạc này.
Ông còn là Chủ tịch Hội nghiên cứu Nhật Bản về Việt Nam, Chủ tịch Hội Hữu nghị Nhật - Việt. Ông là một trong những người sáng lập, tổ chức lễ hội Hoa Anh Đào, lễ hội Kimono, lễ hội Trà đạo, lễ hội ẩm thực… và nhiều chương trình giao lưu nghệ thuật được tổ chức ở Việt Nam hoặc Nhật Bản nhằm tăng cường tình hữu nghị Nhật – Việt.
Năm 2004, Giáo sư Sakurai Yumio được tặng danh hiệu Tiến sĩ danh dự của ĐHQGHN, một danh hiệu hết sức cao quý dành cho nhà khoa học quốc tế có những cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học và đào tạo, đặc biệt cho ĐHQGHN. Giáo sư hết sức tự hào vì danh hiệu này, cứ mỗi lần sang Việt Nam, chúng tôi lại nhìn thấy chiếc huy hiệu ĐHQGHN được cài ngay ngắn trên ngực áo véc. Hàng năm, vào buổi lên lớp đầu tiên cho học viên Việt Nam, câu đầu tiên Giáo sư tự giới thiệu "Tôi là Sakurai Yumio, giáo sư Đại học Tokyo và Tiến sĩ danh dự ĐHQGHN". Cứ mỗi lần được nghe câu tự giới thiệu này, tôi lại ứa nước mắt và tự hỏi tại sao có những người yêu Việt Nam đến thế. Chúng tôi không thể quên được "sự cố" năm 2009, khi Thầy đang trong thời gian dạy tại Viện thì đột nhiên nghe báo Thầy bị gẫy chân do một chiếc xe máy đâm phải khi qua đường. Tới bệnh viện, trước gương mặt hoảng hốt của chúng tôi, Thầy ra sức an ủi, cố làm chúng tôi an lòng, nhưng lại tỏ ra băn khoăn khi giờ dạy cho sinh viên bị ảnh hưởng so với kế hoạch. Thế rồi, mấy ngày sau, sinh viên được thông báo giờ học vẫn được tiếp tục, nhưng địa điểm chuyển từ trường vào Bệnh viện Việt Pháp. Hóa ra quá cảm động trước đề nghị thiết tha của Thầy, bệnh viện đã thu xếp một phòng học đặc biệt tại Viện cho "Bệnh nhân Sakurai" lên lớp dạy sinh viên. Từng sự việc, từng ngày, từng năm... tình cảm của Giáo sư đối với chúng tôi cứ dày thêm, sâu thêm. Có những lúc chúng tôi "quên" mất thầy là giáo sư nổi tiếng nước ngoài mà là một người cha, người ông của chính mình.
Thầy kể rằng chưa một lần Thầy cầm sách đi học tiếng Việt nhưng với tình yêu và niềm say mê nghiên cứu Việt Nam Thầy đã tự học bằng đọc sách. Dần dần tiếng Việt ngấm sâu vào người và trở thành ngôn ngữ giao tiếp duy nhất của Thầy với người Việt.
Mấy hôm vừa rồi chúng tôi có nhận được thư từ con gái Giáo sư, em Shizuho Sakurai cho biết: Sau khi Giáo sư mất, gia đình đã giở bản di chúc của thầy, trong đó thầy viết: Nếu phải ra đi trên cõi đời này, tôi có một tâm nguyện là gia đình hãy hỏa thiêu và gửi một phần tro cốt của tôi sang Việt Nam. Các bạn Việt Nam hãy cho tôi xuôi trên dòng sông Hồng phù sa mát mẻ. Đây là “đất nước thứ hai của tôi” mà suốt cuộc đời tôi say mê khám phá bằng một tình yêu khoa học cháy bỏng!
Chúng tôi nhớ lúc sinh thời Thầy thường nói nửa đùa nửa thật: "Những sự kiện lớn trong cuộc đời tôi đều gắn với các sự kiện lớn của Việt Nam. Tôi sinh năm 1945, năm Việt Nam giành độc lập. Tôi cưới vợ năm 1975, năm Việt Nam hoàn toàn giải phóng...". Thưa linh hồn Giáo sư! Đất nước và con người Việt Nam vẫn luôn luôn chờ đón Giáo sư về với quê hương thứ hai của mình bằng những tình cảm nồng ấm nhất.
 Phương Thanh - Bản tin số 262-263 – VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC