ĐHQGHN - Dấu ấn trong tôi 17:12:41 Ngày 19/04/2024 GMT+7
Bằng kép – Cơ hội nhân đôi
Học 2 trường đại học hoặc 2 ngành cùng một lúc đang là lựa chọn của rất nhiều sinh viên, khi mà tương lai, các công ty, doanh nghiệp tuyển dụng đòi hỏi nhân viên của họ ngày càng nhiều các kĩ năng. Đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người học, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN đã mở chương trình đào tạo bằng kép ngành Du lịch học từ năm học 2008-2009. Năm 2012, hơn 20 sinh viên đầu tiên của chương trình bằng kép đã tốt nghiệp. Dưới đây là ý kiến của một số sinh viên vừa tốt nghiệp bằng kép trong năm nay.
Phạm Lê Thuỳ Linh: bằng kép là cơ hội mới
(Tốt nghiệp bằng Khá Khoa tiếng Anh, Trường Đại học Ngoại Ngữ và bằng Giỏi ngành Du lịch học, chuyên ngành Khách sạn, hiện là thực tập sinh chuyên ngành đào tạo tại khách sạn Sofitel Plaza Hà Nội)
Thực sự bằng kép đã cho mình một cơ hội, cho mình một con đường đi đầy thú vị. Mặc dù lúc đầu không có ý định theo học ngành này nhưng cho đến giờ mình thấy việc chọn học bằng kép ngành Du lịch học là đúng đắn. Bởi khi theo học mình đã tiếp cận nhiều cơ hội mà không phải ai cũng có được. Ví dụ như, hàng năm Khoa Du lịch học đều đón sinh viên tình nguyện từ Canada tới, và mình lại nắm lấy cơ hội này giao tiếp, kết bạn với nhiều sinh viên nước ngoài. Hay là tất cả các sinh viên Khoa Du lịch học đều trải qua chương trình thực tập miền Trung rất thú vị, giúp lớp mình càng gắn bó với nhau hơn mà không phải lớp bằng kép trường nào cũng có. Ngoài ra, mình thường xuyên được gặp gỡ với các doanh nghiệp và giao lưu với các bạn cùng khoá trong quá trình học tập. Ra trường với hai tấm bằng, mình thoải mái để chọn ngành nghề hơn khi mình có cả ngoại ngữ và kiến thức ổn về chuyên ngành Khách sạn Khoa Du lịch học. Mình dễ dàng làm nhiều nơi với nhiều vị trí hơn chứ không chỉ đơn giản là phiên dịch như trước đây mình nghĩ.
Tuy nhiên, để theo học được văn bằng kép không đơn giản. Phải có quyết tâm cao độ và sự cố gắng không ngừng, đặc biệt là phải có phương pháp trong học và thi vì thời gian không có nhiều. Trên lớp mình luôn ngồi bàn đầu để tập trung nghe giảng và hăng hái phát biểu. Đến kì thi, mình hệ thống lại nội dung đã học bằng mindmap; mỗi lần ghi chú lại như thế khiến mình nhớ bài rất nhanh. Ngoài ra, mình cũng tạo cơ hội cho bản thân tham gia các hoạt động ngoại khoá để tăng cường kĩ năng mềm và khả năng giao tiếp tiếng Anh. Thường thì người ta học bằng kép để bổ sung cho ngành học chính nhưng với mình thì bằng ngoại ngữ tiếng Anh đã trở thành yếu tố bổ trợ cho ngành kép Du lịch học. Với mình bằng kép là cơ hội và mình tự hào vì mình biết nắm bắt cơ hội đó và biến nó thành vốn liếng của mình.
Nguyễn Hồng Nhung: học bằng kép là một sự đầu tư tốt
(Tốt nghiệp Khoa tiếng Trung, Trường Đại học Ngoại Ngữ, theo học bằng kép ngành Du lịch học, chuyên ngành Khách sạn, hiện đang làm việc tại Khách sạn Calidas)
Bằng kép ngành Du lịch học đã cho mình một công việc thú vị và mình hài lòng với công việc hiện nay. Khi tốt nghiệp với hai tấm bằng trong tay mình thực sự thấy tự tin hơn vì có nhiều cơ hội hơn so với các bạn khác. Và tâm lí đó đã phần nào giúp mình tìm được một công việc tốt như hiện nay.
Vào năm cuối của Trường Đại học Ngoại ngữ, mình rất hoang mang không biết ra trường sẽ làm gì vì thực sự không có nhiều lựa chọn nghề nghiệp. Thế nhưng, với những gì mình thu nhận và có được hôm nay mình thấy bằng kép quả thực đã là một sự đầu tư tốt cho tương lai.
Tất nhiên là khó khăn trong quá trình học cũng nhiều lắm và khó khăn lớn nhất là về mặt thời gian. Thực sự nhiều khi mình đã có ý định ngừng việc học giữa chừng vì nản chí, vì rất mệt. Bọn mình học văn bằng 1 cả ngày, tối thì học văn bằng 2, lại phải học cả tuần, nhiều khi thứ bảy, chủ nhật bọn mình ở trường cả sáng và chiều để học, rồi có nhiều bạn là sinh viên năm cuối, phải đi thực tập, nên thời gian học tập khá eo hẹp. Hơn nữa địa điểm học là bên Trường ĐHKHXH&NV cách khá xa Trường ĐH Ngoại ngữ, nhiều bạn không có phương tiện cá nhân, phải đi xe bus, nên hay bị muộn học. Nhưng những khó khăn cũng chính là điều kiện giúp các bạn trong lớp gần nhau hơn, mọi người thường hay đưa đón nhau đi học. Cái thứ nữa là khó khăn về tài chính, đương nhiên là học hai bằng thì học phí sẽ đắt hơn nhiều lần rồi. Và những lúc thấy khó khăn trở ngại thì mình luôn nghĩ đến những điều lí thú mà thầy cô giảng dạy trên lớp. Mình nhớ, thầy Tô Quang Long – giảng viên của Khoa Du lịch học đã nói với bọn mình: “Thành công chỉ đến với những người kiên trì nhất” nên mình lại quyết định lên lại dây cót tinh thần. Thực ra mỗi thầy cô giảng dạy bọn mình đều để lại cho lớp những ấn tượng khó phai, mỗi người đều có 1 câu nói để đời trong đầu mỗi sinh viên của lớp, thế nên với lớp mình “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.
Bằng kép đã không chỉ cho mình cơ hội nghề nghiệp mà còn cho mình cơ hội được trưởng thành hơn, được mở rộng kiến thức, các mối quan hệ đáng quý, những con người đáng trân trọng.
Phạm Thị Vân Anh: tự hào vì tốt nghiệp hai bằng
(Tốt nghiệp Khoa tiếng Nhật ,Trường ĐH Ngoại Ngữ, bằng kép ngành Du lịch học, chuyên ngành Khách sạn, hiện nay đang là nhân viên phòng kinh doanh của một công ty Nhật Bản)
Mình tham gia học bằng kép chỉ đơn giản là muốn học thêm một chuyên ngành sát với thực tế mà bọn mình vẫn sử dụng là ngoại ngữ để làm việc. Được biết là hiện nay số người làm về du lịch biết tiếng Nhật rất ít, trong khi lượng khách Nhật vào Việt Nam du lịch ngày càng tăng nên mình nghĩ đây sẽ là một cơ hội nghề nghiệp đầy tiềm năng.
Lịch học chủ yếu của Trường ĐH Ngoại ngữ là buổi sáng, học ngành kép ngành Khách sạn của Trường ĐHKHXH&NV là buổi tối nên với lịch học dày đặc như vậy trong năm học đầu tiên mình gặp khá nhiều khó khăn. Rồi khi đến kì thi cuối năm thì số lượng môn phải thi tăng lên gấp đôi so với các bạn khác. Lúc đó cũng stress lắm. Thực sự, đã rất nhiều lần mình muốn buông xuôi vì mệt mỏi, nhất là trong năm học thứ 3 thì số lượng các môn và lượng kiến thức tăng lên rất nhiều. Nhưng thực sự lúc đó một trong những động lực giúp mình tiếp tục vượt qua đó là các anh chị trong lớp, và sự tận tình, tâm lí của thầy cô Khoa Du lịch học. Mọi người đã quá gắn bó qua nhiều năm học và cùng giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn. Hiện nay khi mọi người đã ra trường và có nhiều anh chị đã ra nước ngoài làm việc mọi người vẫn thỉnh thoảng trao đổi với nhau các kinh nghiệm trong công việc. Tinh thần đoàn kết, gắn bó của mọi người trong lớp cũng là động lực giúp cho mình tiếp tục theo học đến cùng. Ngoài ra học ngành kép thì học phí đắt hơn chương trình bình thường nên gia đình phải rất khó khăn để đảm bảo được việc đóng học phí thì mình mới yên tâm tập trung cho việc học. Tất cả các kĩ năng mà mình thu lượm được từ việc tiếp xúc thực tế khi đi thực tập của ngành kép cũng đã giúp ích cho mình rất nhiều trong xây dựng mối quan hệ với mọi người, quan hệ công việc, làm quen với môi trường khách sạn chuyên nghiệp… Đặc biệt khi làm hồ sơ xin việc mình đã tự tin hơn rất nhiều với việc có hai bằng tốt nghiệp xếp loại Giỏi, điều đó khiến mình tự hào.
Đỗ Huy Hoàng: học hai bằng không hề “nặng” nếu biết cách
(Tốt nghiệp Khoa Tiếng Trung, Trường ĐH Ngoại Ngữ, bằng kép ngành Du lịch học, chuyên ngành Lữ hành – Hướng dẫn, làm việc ở Carnival Tours)
Theo học ngành kép với mình là để tăng sự lựa chọn nghề nghiệp, cũng là để tự kiếm cho mình thêm những hướng đi mới. Mình thấy thật sáng suốt khi học bằng kép cũng như việc chọn Khoa Du lịch học của Trường ĐHKHXH&NV để theo học. Đến năm cuối của Khoa tiếng Trung Trường Đại học Ngoại ngữ, mình nhận ra cơ hội nghề nghiệp là không nhiều và để có một bước đệm tốt hơn mình đã chọn học bằng kép. Và có thể nói bằng kép đã tạo nên bước ngoặt trong cuộc đời mình.
Thời gian học hai trường quả thực khiến mình phải gồng mình lên để theo nhưng mình thấy thú vị vì những gì mình thu lại. Bằng kép không chỉ tạo cho mình thêm lựa chọn nghề còn cho mình cơ hội được mở rộng hiểu biết, được quen biết nhiều bạn bè, được gặp các thầy cô tâm huyết và tận tâm với sinh viên, cho mình những trải nghiệm thú vị. Hơn một lần, mình phải cảm ơn các thầy cô ở Khoa Du lịch học Trường ĐHKHXH&NV. Các thầy cô không chỉ dạy cho mình những kiến thức chuyên môn mà còn mở rộng ra cả những kiến thức xã hội, những kĩ năng mà quả thật lúc theo học bên Trường ĐH Ngoại ngữ bọn mình chưa được tiếp cận. Chính sự tâm huyết của thầy cô đã góp phần tạo động lực cho mình theo đuổi đến cùng và hoàn thành việc học bằng kép một cách tốt nhất.
Thực chất học bằng kép sẽ không “nặng” và khó khăn nhiều nến bạn chọn cho mình một ngành tương đồng hoặc có thể bổ sung cho ngành chính bạn đang học. Bởi bên cạnh việc bạn được miễn những môn đã học ở bằng thứ nhất thì những kiến thức chuyên ngành ở cả hai ngành có thể hỗ trợ nhau và giúp bạn “chín nghề” hơn. Bênh cạnh đó học một cách nghiêm túc, chuyên cần và nỗ lực thì cuối cùng bạn sẽ có được kết quả xứng đáng. Mình nghĩ là trong tương lai nên mở thêm nhiều ngành có thể học bằng kép hơn giúp sinh viên có thêm nhiều lựa chọn phù hợp và tối ưu hơn cho bản thân.

 

 Trà My (thực hiện) - Bản tin số 262-263 – VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC