Hình ảnh 09:01:43 Ngày 20/04/2024 GMT+7
Nga xây dựng trung tâm nghiên cứu kiểu Mỹ
Nước Nga đang hoàn thiện các bước cuối cùng để khai trương một “trung tâm sáng tạo” (innovation center) gần Matxcơva. Nhà vật lý người Nga từng được giải thưởng Nobel Zhores Alferov được lựa chọn làm nhà tư vấn khoa học cho dự án.
Khó khăn lớn nhất đối với Nga, đó là việc quyết định trung tâm này sẽ hoạt động theo cách nào, với hình thức tài trợ ra sao để đảm bảo vừa phù hợp với cấu trúc pháp lý và tài chính của nước Nga, vừa hỗ trợ tinh thần đổi mới của loại hình doanh nghiệp này.
Nhiều ý kiến cho rằng, mặc dầu nước Nga có một đội ngũ kỹ sư tài năng nhưng họ vẫn cần nhiều hơn thế nữa để đảm bảo thành công của trung tâm công nghệ này khi đi vào hoạt động. Mục tiêu của dự án là tạo ra một trung tâm nghiên cứu và sản xuất công nghệ cao đủ mạnh để có thể có các sản phẩm trong vòng từ 5 đến 7 năm tới.
Vào tháng trước, nhà tài phiệt Viktor Vekselberg cũng đã được Thủ tướng Dmitry Medvedev bổ nhiệm làm giám đốc dự án khu nghiên cứu và sản xuất công nghệ cao này. Vekselberg, nhà tài phiệt 52 tuổi gốc Ukraina hiện là Chủ tịch Hội đồng giám đốc của Renova Group of Companies, hoạt động trong các lĩnh vực dầu khí, thép, năng lượng và công nghệ nano. Ông cũng được đánh giá là người giàu thứ 23 hiện nay ở Nga. Vekselberg tin tưởng rằng dự án đầy tham vọng này sẽ thu hút sự tham gia của các công ty đa quốc gia.
“Chắc chắn nước Nga không thiếu tài năng trong lĩnh vực kỹ thuật, với các ý tưởng lớn về công nghệ nhưng vấn đề lớn nhất sẽ là làm thế nào để vượt qua các rào cản về mặt kinh doanh”, Josh Lerner, một giáo sư về đầu tư ngân hàng của Trường Kinh doanh Harvard nói. Ông lo ngại rằng môi trường kinh doanh ở Nga sẽ là những trở ngại thực sự cho hoạt động của trung tâm này.
Đặc biệt, nước Nga, cần chứng tỏ họ có thể đảm bảo được vấn đề sở hữu trí tuệ cho các nhà đầu tư nước ngoài khi họ đưa các công nghệ mới vào nước này. Thêm vào đó, các nhà đầu tư cũng rất ngại phải đối mặt với hệ thống thuế khóa lằng nhằng, phức tạp và các hạn chế về tài chính đối với các dự án kinh doanh mạo hiểm. Và chính quyền Nga cần phải tháo gỡ các hạn chế này.
Dự án được Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev công bố vào tháng 2 vừa qua và sẽ được đầu tư một phần từ nguồn vốn hiện đại hóa của Chính phủ, khoảng 340 triệu USD. Silicon Valley của Nga sẽ nằm tại làng Skolkovo, phía Tây Maxcơva, ngay cạnh một trường đại học kinh doanh tư thục. Tổng thống Nga nhấn mạnh dự án này là một phần trong kế hoạch hiện đại hóa nước Nga và ông hy vọng Skolkovo sẽ thu hút được các gương mặt lỗi lạc của nước Nga cũng như các nhà khoa học và doanh nhân nước ngoài đến làm việc.
Mới đây, Vladislav Surkov, Phó Văn phòng Tổng thống Nga, người giám sát dự án đã cho tổ chức một cuộc họp ở Maxcơva, với sự tham gia của 200 nhà khoa học nhằm thảo luận, tìm ra cách thức tốt nhất để đạt được hai mục tiêu của dự án. Theo đó, mục tiêu thứ nhất là tạo ra một phòng thí nghiệm với sự tài trợ của nhà nước và một tổ hợp kinh doanh, từ đó tạo ra các công ty đỉnh cao, dựa trên các công nghệ có sẵn của nước Nga cũng như của các công ty đa quốc gia. Mục tiêu thứ hai của dự án là hình thành một trường đại học nghiên cứu, nơi mà các tiến sĩ khoa học làm việc được đảm bảo có một đồng lương xứng đáng, có các phương tiện nghiên cứu hiện đại và được tiếp cận các siêu máy tính để phát triển ra các công nghệ kinh doanh được trên thị trường.
Mục tiêu chung của Silicon Valley kiểu Nga là hướng đến mục tiêu thương mại hóa các công nghệ đang được ưa chuộng trong các lĩnh vực năng lượng, y sinh, công nghệ thông tin, viễn thông và kỹ thuật hạt nhân, từ đó có thể đa dạng hóa nền kinh tế của Nga, giúp nền kinh tế này khỏi lệ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt. “Các công nghệ mới mà chúng tôi tạo ra sẽ không phải là các đồ chơi của giới trí thức, mà sẽ là những thứ hoàn toàn khác”, Thủ tướng Nga Medvedev trả lời tờ Thời báo Maxcơva (Moscow Times). “Những công nghệ này sẽ giúp giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, cải thiện các điều kiện cho người lao động cũng như môi trường lao động”, ông nói tiếp.
Một điều thú vị là trong bước đầu của dự án, người ta không thấy ai lập ra một trang web để quảng bá cho trung tâm công nghệ này. Tuy nhiên, Ivan Zassoursky, một giáo sư về truyền thông mới của Đại học Liên bang Maxcơva cho biết ông và các cộng sự đã lập ra một nhóm quảng bá trên Facebook. Việc không đặt nhiều nỗ lực cho quảng bá trung tâm, theo ông cũng là điều bình thường bởi “Kremlin đang cố gắng trước hết làm đúng công việc của mình, chứ không đẩy mạnh quảng bá hoặc khuếch trương những công việc đang làm tới công chúng”. Đây quả thật là một lĩnh vực mà họ thực sự chưa phải là những chuyên gia và họ sẽ tìm cách của mình để thông tin tới cộng đồng khoa học trong nước, ông Zassoursky nói.
 H.A (tổng hợp) - Bản tin số 264 – VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC