Hình ảnh 20:19:11 Ngày 16/04/2024 GMT+7
Chương trình thám hiểm Mặt Trăng của trung quốc bước sang giai đoạn hai
Trung Quốc đang chuẩn bị tiến sang giai đoạn hai của chương trình thám hiểm Mặt trăng: đưa vệ tinh “Hằng Nga-3” đổ bộ lên Mặt trăng, trực tiếp đo đạc khảo sát thiên thể này ngay trên bề mặt nó.
Chương trình thám hiểm vũ trụ của Trung Quốc trước hết nhằm tới Mặt trăng và không dùng người, chỉ dùng thiết bị. Chương trình chia làm ba giai đoạn, gọi tắt là: 1- Vòng quanh Mặt trăng; 2- Hạ cánh xuống Mặt trăng; 3- Từ Mặt trăng trở về. Tổng cộng bố trí sáu vệ tinh Hằng Nga (Chang E, viết tắt CE); trong đó CE-1, 3 và 5 sẽ làm nhiệm vụ bay vòng Mặt trăng, hạ cánh xuống Mặt trăng và lấy mẫu đất Mặt trăng rồi trở về Trái đất. CE-2, 4, 6 là các vệ tinh dự bị của CE-1, 3, 5. Chương trình trên dự kiến hoàn thành vào khoảng năm 2020.
Hằng Nga-1 (CE-1) được phóng đi ngày 24/10/2007, bay vòng Mặt trăng ở cự ly 200 km, thực hiện nhiệm vụ chụp ảnh 3D bề mặt Mặt trăng (tổng cộng 589 tấm ảnh lớn, ghép thành ảnh chụp toàn cảnh Mặt trăng đầu tiên của Trung Quốc), phân tích hàm lượng các nguyên tố hữu ích trên bề mặt Mặt trăng và đặc điểm phân bố các loại vật chất, đo độ dầy lớp đất Mặt trăng, quan trắc không gian giữa Trái đất với Mặt trăng. Sau khi hoàn thành các nhiệm vụ đó, ngày 1/3/2009, theo lệnh từ Trái đất, CE-1 lao xuống địa điểm quy định trên Mặt trăng, kết thúc sứ mạng.
Hằng Nga-2 (CE-2) phóng ngày 1/10/2010, bay vòng Mặt trăng ở cự ly 100 km, với vận tốc 15 km/giây. Sau khi hoàn thành các nhiệm vụ quan trắc, chụp ảnh bề mặt Mặt trăng bằng máy ảnh có độ phân giải vật thể 10 m, chụp địa điểm sẽ chuẩn bị hạ cánh Hằng Nga-3, ngày 9/6/2011, theo lệnh từ Trái đất, CE-2 đã rời khỏi quỹ đạo Mặt trăng, bay đến điểm L2 (Lagrangian point, cách Trái đất 1,5 triệu km, là điểm cân bằng lực hút của Trái đất và Mặt trời) rồi bay vòng L2 trong 235 ngày để thực hiện nhiệm vụ quan sát Mặt trời.
Ngày 13/12/2012, CE-2 bay đến điểm cách Trái đất 7 triệu km, đi sát qua tiểu hành tinh Toutatis và chụp ảnh nó ở khoảng cách 3,2 km. Đây là lần đầu tiên chụp được ảnh Toutatis gần như vậy. Toutatis là tiểu hành tinh lớn nhất (dài 4,46km, rộng 2,4km) bay gần Trái đất.
Sau đó CE-2 tiếp tục bay vượt qua cự ly 10 triệu km. Tính đến 10 h18 ngày 28/2/2013, CE-2 đã ở cách Trái đất hơn 20 triệu km. Các thiết bị trên vệ tinh vẫn hoạt động tốt, vệ tinh Hằng Nga-2 đang tiếp tục bay sâu vào khoảng không vũ trụ để thăm dò hệ Mặt trời, chuẩn bị cho nhiệm vụ phóng vệ tinh lên sao Hỏa. CE-2 được thiết kế với tuổi thọ nửa năm, nặng 2480 kg, trong đó có 1300 kg nhiên liệu. Đến nay, CE-2 đã phục vụ vượt thời hạn gần hai năm. Đây là vệ tinh đầu tiên trên thế giới xuất phát từ quỹ đạo Mặt trăng bay sâu vào không gian.
Dựa trên 746 tấm ảnh do Hằng Nga-2 chụp được, đã hoàn thành việc vẽ bản đồ toàn cảnh Mặt trăng với độ phân giải 7m - một kỷ lục chưa từng có trong lịch sử. Ngày 6/2/2012, Trung Quốc đã công bố bản đồ này, đánh dấu một bước tiến lớn của ngành thăm dò vũ trụ .
Hiện nay Trung Quốc đang chuẩn bị tiến sang giai đoạn hai: đưa vệ tinh “Hằng Nga-3” đổ bộ lên Mặt trăng, trực tiếp đo đạc khảo sát thiên thể này ngay trên bề mặt của nó.
Ngày 3/3/2013, Viện sĩ Diệp Bồi Kiến (Ye Pei-jian), Cố vấn Tổng thiết kế sư và Tổng chỉ huy dự án Hằng Nga-2 và Hằng Nga-3, Tổng thiết kế sư kiêm Tổng chỉ huy dự án Hằng Nga-1 tuyên bố: trong nửa cuối năm 2013, Trung Quốc sẽ tiến hành phóng vệ tinh Hằng Nga-3 (CE-3), thực hiện vụ hạ cánh mềm lần đầu tiên một thiết bị thăm dò của Trung Quốc trên một thiên thể bên ngoài Trái đất.
Hằng Nga-3 gồm bộ phận hạ cánh nặng 100 kg và xe tự chạy nặng 120 kg. Xe có 6 bánh, chở được 20kg thiết bị, chạy bằng máy phát nhiệt điện chất đồng vị phóng xạ. Loại động cơ này cho phép xe có thể làm việc cả vào ban đêm khi nhiệt độ cực thấp làm ac-quy ngưng hoạt động, thiết bị điện tử bị đóng băng. Xe có thể chạy 10 km trong khu vực rộng 5 km2, lấy mẫu đất đưa vào xe phân tích và gửi kết quả về Trái đất.
Đây là một bước đột phá về các công nghệ quan trọng như hạ cánh mềm, thăm dò bề mặt Mặt trăng, khảo sát sự sinh tồn trên Mặt trăng, công nghệ thông tin và điều khiển xa, công nghệ đưa tên lửa vận tải trực tiếp đi vào quỹ đạo quay xung quanh Mặt trăng. Hằng Nga-3 sẽ là tàu vũ trụ đầu tiên hạ cánh mềm trở lại Mặt trăng kể từ sau ngày kết thúc Dự án Apollo của Mỹ.
CE-3 sẽ hạ cánh xuống địa điểm Sinus Iridum (Vịnh Cầu vồng), sau đó xe tự hành sẽ được “thả” ra để chạy trên Mặt trăng. Bộ phận hạ cánh có lắp kính viễn vọng thiên văn cận tử ngoại, camera siêu tử ngoại và radar quan trắc - đều là các sáng tạo đầu tiên trong lịch sử khám phá Mặt trăng. Xe tự hành cũng lắp radar quan trắc. Hai bộ phận này sẽ chụp ảnh, quay phim lẫn nhau. Bộ phận hạ cánh sẽ là đài quan trắc Mặt trăng đầu tiên trong lịch sử. Nó sẽ chụp ảnh quốc kỳ Trung Quốc cắm trên xe tự hành rồi gửi ảnh về Trái đất, dùng làm bằng cớ chứng tỏ Trung Quốc đã lên Mặt trăng. Mô hình thực bộ phận này đã được trưng bày lần đầu tại Triển lãm vũ trụ Chu Hải hôm 13/11/2012.
Hằng Nga-3 có nhiệm vụ lấy được các tư liệu về địa hình, địa mạo và cấu tạo địa chất của địa điểm nó hạ cánh và sẽ lần đầu tiên thực hiện qua đêm trên Mặt trăng. Một ngày đêm của Mặt trăng tương đương với 14 ngày đêm của Trái đất. Ban ngày nhiệt độ cao nhất lên tới 150oC, ban đêm nhiệt độ thấp nhất tới -170oC, gây khó khăn cho sự sinh tồn của thiết bị - ông Diệp Bồi Kiến nói. Ở đây đột phá quan trọng là hệ thống khống chế nhiệt cần dùng cho sự sinh tồn.
Hằng Nga-3 sẽ làm việc ba tháng; sau khi hoàn thành nhiệm vụ, nó sẽ ở lại Mặt trăng.
Viện sĩ Diệp Bồi Kiến cho rằng ông lấy làm tiếc về việc Trung Quốc vì các lý do nào đấy chưa tiến hành chương trình thăm dò sao Hỏa. Ngay từ khi thực thi dự án Hằng Nga-1, các nhà khoa học vũ trụ Trung Quốc đã nghĩ đến việc thăm dò sao Hỏa. Hiện nay Trung Quốc đã có khả năng làm việc đó, hơn nữa chu kỳ cửa sổ thời gian phóng tàu lên sao Hỏa là 26 tháng, bây giờ đang là thời kỳ cửa sổ, nếu bỏ qua thì phải chờ hơn hai năm nữa. Diệp Bồi Kiến nói: “Ít nhất hiện nay Trung Quốc đang có điều kiện đưa thiết bị lên thăm dò sao Hỏa tốt hơn điều kiện đưa người lên thăm dò Mặt trăng. Chỉ cần hạ quyết tâm thì khẳng định trong vòng 3-5 năm sẽ có thể thực hiện nhiệm vụ này”. Được biết năm nay Ấn Độ sẽ tiến hành phóng tàu thăm dò sao Hỏa.
 Hải Hoành (dịch) - Bản tin số 266 – VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC