Hình ảnh 22:57:48 Ngày 19/04/2024 GMT+7
Thổ dân Amazon bảo vệ rừng
Surui - thổ dân bản địa sống trong khu rừng rậm nhiệt đới ở Rondonia, Brazil đang ngày đêm chiến đấu không ngừng nghỉ để chống lại sự hủy diệt.

 Có điều, thay vì dùng cung, tên, họ sử dụng công nghệ hiện đại như Internet, GPS và Google. Họ còn đang lên kế hoạch đưa vào kinh doanh rác thải Carbon.

Tộc trưởng Almir Narayamoga tay rê con chuột máy tính, trước mặt ông là một phần của Copenhagen, Bristol, Washington. Ông tỏ ra thích thú khi dạo chơi trên bản đồ trực tuyến Google Earth, rồi ông lại nhảy sang một lục địa khác. Khi hỏi ông có biết Bristol không, ông trả lời: “Không biết, nhưng tôi chỉ việc tìm kiếm”. Trái đất ảo trước mặt Almir tiếp tục quay và ông dừng lại ở Brazil. Nơi đây, người tộc trưởng 35 tuổi này được sinh ra dưới sàn của một căn lều trong khu rừng nhiệt đới.

Trong khu rừng rộng 2.428km2, lớn gần gấp 3 diện tích thành phố New York là nơi sinh sống của khoảng 1.300 thành viên bộ lạc Surui - một trong hàng nghìn nhóm cư dân bản địa ở Brazil. Vùng đất này trước có tên gọi là Terra Indigena Sete de Setembro - đặt theo tên của người da trắng đầu tiên đặt chân tới đây vào ngày 7-111-1969. Trước khi bị cuộc sống hiện đại xâm nhập, người Surui chưa bao giờ bước chân ra khỏi ranh giới bộ tộc của mình.

Tộc trưởng Almir Narayamoga

Hơn 40 năm sau, tộc trưởng Almir ngồi trong ngôi nhà màu xanh lá cây tràn ngập ánh sáng. Trước mặt ông là một chiếc máy tính xách tay màu đen, đằng sau ông, trên bức tường treo một mũi tên được trang trí lông vũ. Ngay tại ngôi nhà này, ông bắt đầu cuộc chiến chống lại sự phá hoại rừng rậm, phá hoại vùng đất quê hương ông. Vũ khí của tộc trưởng Almir là Internet, Goolge và GPS. Ông kể vanh vách về những bức ảnh vệ tinh, về hàng triệu cây rừng mà ông đang có kế hoạch gây trồng, và 16,4 triệu tấn carbon dioxide ông bán ra thị trường.

Cách duy nhất để bảo vệ rừng

Bộ lạc Surui là những người thổ dân bản địa đầu tiên sử dụng công nghệ hiện đại để bảo vệ rừng - môi trường sống của họ. Họ cũng nhận được lời khuyên của các ngân hàng đầu tư, các luật sư và các nhà quản lý, nhưng họ là người đưa ra quyết định. Người Surui tin rằng bộ lạc của mình phải hiện đại để giúp bảo tồn truyền thống, và đây là cách duy nhất để họ bảo vệ được rừng, bảo vệ văn hóa và bộ lạc của mình.

Trong rừng rậm Amazon, bộ tộc Surui vẫn còn lưu giữ dáng vẻ hoang sơ gần như thuở ban đầu của nó bởi vì người Surui đã biết bảo vệ vùng đất của họ khỏi bị xâm phạm. Nhưng 2.428 km2 là một diện tích quá lớn cho khoảng 1.300 cư dân có thể bảo vệ suốt ngày đêm. Người Surui đã bị mất 7% diện tích đất rừng sinh sống, nhưng họ đã bảo vệ được 93% - diện tích đất cuối cùng của khu vực Rondonia, nơi có khoảng 4.000 người sống dựa vào ngành công nghiệp khai thác gỗ lậu.

Tộc trưởng Almir Surui nhớ lại, rừng bắt đầu biến mất dần khi ông 14 tuổi, giờ ông không còn nhớ nhiều về những cuộc chiến đấu của dân làng mình, cuộc chiến đấu của cung tên, mũi nỏ với những kẻ được trang bị súng máy để giành giật những khoảnh rừng, tấc đất của bộ lạc tự bao đời, và nhiều tộc trưởng đã phải chạy trốn khi bọn khai khác gỗ trộm treo tiền thưởng đầu của họ lên tới 100.000 USD.

Tất cả bắt đầu từ năm 1997, năm ra đời nghị định thư Kyoto. Almir Surui lúc đó 22 tuổi, đang ấp ủ một kế hoạch 50 năm, kế hoạch đơn giản nhưng hết sức tỉ mỉ: Bộ tộc Surui sẽ tự “hàn gắn” những vết thương mà những kẻ phá rừng đã gây ra trên mảnh đất sinh sống của họ. Trong vòng 50 năm, khu rừng của họ sẽ trở về nguyên thuỷ như nó vốn có. Almir tin rằng đây là hy vọng duy nhất cho sự sống còn của bộ lạc bởi trong cộng đồng vẫn còn tồn tại một số đối tượng hợp tác với bọn buôn lậu gỗ khai thác phá hoại rừng.

Bức thư gửi từ trái tim rừng thẳm

Tộc trưởng Almir Surui bắt đầu bằng cuộc vận động người dân trong chính cộng đồng. Những lời nói của người đứng đầu bộ tộc đã dần thuyết phục được hầu hết những người trong cộng đồng, họ bắt đầu say sưa chăn nuôi và trồng cây giống. Dần dà rừng xanh được hồi phục. Bất kể mưa nắng, họ lao động bằng đôi bàn tay của mình và gây lại được nhiều loài như: cọ Acai, Ipe, quả hạch Brazil, gỗ gụ… Phụ nữ, trẻ em và phụ lão đều góp một tay “thanh toán” bù trừ những phần rừng đã bị con người tàn phá. “Nhưng những bàn tay trồng cây không thôi sẽ không thể kịp với những kẻ phá hoại rừng” - tộc truwonwgr Almir kể lại.

Ðứng lẫn trong số những cư dân của bộ tộc Surui, trên cánh tay và mặt đầy những nốt muỗi đốt là một người đàn ông đến từ Thuỵ Sĩ – ông Thomas Pizer làm việc cho tổ chức Aquaverde. Pizer nhớ lại ngày ông đã nhận được một email của tộc trưởng Almir 6 năm trước đây. Bức thư viết: “Trên trang web của ông nói rằng ông đang tham gia vào việc tái trồng rừng ở Amazon. Nếu đúng vậy, xin ông hãy giúp chúng tôi…”. Pizer cười kể lại: “Tôi nhận được bức email được gửi đi từ trái tim của rừng thẳm! Chưa có một cộng đồng bản địa nào trên khắp Brazil đã nỗ lực như vậy cho sự hồi sinh của rừng”. Thomas Pizer đã gửi cho những người Surui số tiền đủ mua 500 cây giống. Cho đến nay, người Surui đã trồng được 120.000 cây và hết năm nay, họ sẽ trồng thêm được 4.000 cây nữa.

Quét Google tìm kẻ phá rừng

Ba năm trước đây, Almir Surui đã liên hệ được với một công ty nơi chứa đựng khối lượng dữ liệu kiến thức lớn nhất thế giới - Google, Inc. Trên đầu đội một chiếc mũ miện trang trí lông vũ, Almir bước vào trụ sở của Google ở số 1.600 đường Parkway, Mountain View ở California, Mỹ yêu cầu một cuộc gặp. Ông đã được dành thời gian 30 phút - và cuộc nói chuyện kéo dài hơn 3 giờ. Vài tháng sau, người của Google đã tới Lapetenha trang bị máy tính xách tay, điện thoại vệ tinh, camera và rada video. Từ khoá đầu tiên người Surui gõ truy vấn vào thanh công cụ tìm kiếm là “Desmatamento Amazon - Phá rừng ở Amazon).

Họ tải một video lên trang Youtube, xây dựng một trang web và học nghĩa của những từ như “blog”, “che phủ”, “3D”. Thậm chí họ còn sáng tạo ra một từ cho Google bằng ngôn ngữ bản địa Tupi-Mode - từ “ragogmakan” - dịch theo nghĩa đen là “sứ giả” bởi Google đã mang thông điệp cũng như kế hoạch bảo vệ rừng của họ đến với thế giới.

Người tộc trưởng hy vọng “số hóa” được vùng đất của dân làng mình. Ðầu tiên họ “nhập” khu rừng nơi họ sinh sống lên công cụ tra cứu bản đồ trực tuyến Google Earth, ở đó mọi người có thể xem những hình ảnh, tham gia những chuyến bay ảo tham quan vùng đất quê hương họ và xem những đoạn video phát cảnh các trưởng bộ tộc nói về truyền thống bản địa. Khi đó, trong căn lều lợp lá cọ giữa rừng, Almir Surui ngồi trước màn hình máy tính quét những bức ảnh vệ tinh độ phân giải cao đến từ inch để phát hiện những kẻ xâm phạm trái phép khu rừng, những bức ảnh này sẽ được vệ tinh CBERS III hợp tác giữa Trung Quốc và Brazil cung cấp liền sau đó. Ðến lúc đó, họ sẽ “ra tay”, từ những bức ảnh này giúp phát hiện được hàng chục nơi có bọn trộm gỗ và tìm vàng xâm nhập, giúp nhà chức trách dễ dàng truy đuổi.

Dự án kinh doanh khí thải carbon

Lần đầu tiên Almir Surui nghe đến thuật ngữ REDD - hoặc “retchy” theo như cách phát âm của ông cách đây 3 năm. Ðó là từ viết tắt của thuật ngữ “Giảm phát thải từ phá rừng và suy thoái rừng”. Ông đã khám phá ra một điều rằng, rừng hấp thụ nhiều carbon dioxide và không ít công ty trên khắp toàn cầu sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để có cây xanh hấp thụ loại khí thải này. Họ trả tiền đơn thuần là để cho khu rừng đó tồn tại, ngăn ngừa hành động phá hoại.

Theo mô phỏng một “kịch bản” sẽ xảy ra nếu những người Surui không bảo vệ rừng, trong khi các doanh nghiệp “hoạt động như bình thường”, không sử dụng biện pháp REDD - điều này đồng nghĩa với việc 30% rừng của người Surui sẽ biến mất và đến cuối thế kỷ này, toàn bộ diện tích rừng trên hành tinh cũng biến mất. Tuy nhiên, Almir Surui và những người trong cộng đồng nỗ lực để đem về một con số khổng lồ: 120 triệu USD. Ðó là thù lao cho việc bảo vệ chính khu rừng nguồn sống của họ trong vòng 44 năm và ngăn ngừa được 16.475.469 tấn carbon dioxide thải vào bầu khí quyển. Người mua tiềm năng là những công ty sản xuất gây nhiều khí thải, nhưng cũng có cả những ngân hàng đầu tư, những nhà môi giới, thậm chí cả các chính phủ. Hiện bang California của Mỹ là một trong những khách hàng “đặt chỗ” vì chính quyền bang này đã cam kết giảm khí thải CO2.

Người Surui muốn sử dụng một phần số tiền này để xây dựng nhà, trồng thêm thật nhiều cây rừng, trang bị máy móc cho ệnh viện, trường học, mua máy tính, trợ cấp cho những người già, người tàn tật. Phần lớn còn lại sẽ được gây quỹ, mua lại các công ty để tạo công ăn việc làm cho dân cư và trong đó có cả phần phúc lợi cho chính kẻ thù của mình, những kẻ trộm gỗ.

 

 Nguyễn Hà - Bản tin ĐHQG Hà Nội
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC