Hình ảnh 04:42:36 Ngày 20/04/2024 GMT+7
PROCON 2010: Đang tự khẳng định mình ở sân chơi Quốc tế
Tại cuộc thi PROCON 2010 được tổ chức tại Nhà văn hóa Cul - Port, tỉnh Kochi, Nhật Bản, Đội tuyển Trường ĐHCN, ĐHQGHN, đã giành giải Nhì trong phần thi Tranh tài và giải "Special Prize". Phóng viên đã có cụôc phỏng vấn với TS. Nguyễn Phương Thái - giảng viên Bộ môn KHMT, Khoa CNTT, người đã đưa đội tuyển của nhà trường tham dự cuộc thi PROCON tại Nhật lần này.

Ông có thể chia sẻ cảm xúc sau khi giành giải thưởng?

Tôi và các em sinh viên đều rất vui khi giành giải Nhì phần thi Tranh tài. Ðây được coi như là chiến thắng cao nhất từ trước đến nay mà đội tuyển Việt Nam có thể giành được. Tính đến nay, Việt Nam đã tham dự cuộc thi PROCON tổng cộng 7 lần, 3 năm trước là Trường Ðại học Bách Khoa và 4 năm trở lại đây Trường ÐHCN, ÐHQGHN.

Ông có thể giới thiệu qua về cuộc thi PROCON được không?

Cuộc thi PROCON được tổ chức thường niên tại Nhật Bản dành cho sinh viên các trường cao đẳng, đại học. Ban đầu chỉ tổ chức riêng tại Nhật Bản nhưng sau này ban tổ chức cuộc thi đã mở rộng và mời thêm một số trường nước ngoài tham dự. Cuộc thi gồm có hai nội dung là " Tranh tài" và "Chủ đề". Năm nay cuộc thi diễn ra trong hai ngày 16 và 17/10, gồm 60 đội thi tranh tài, 20 đội thi chủ đề đến từ 4 quốc gia : Nhật Bản, Trung Quốc, Mông Cổ, Việt Nam. Trong đó, Nhật Bản có số lượng đội tuyển tham gia đông nhất. Ðội trường ÐHCN có 4 sinh viên, 2 sinh viên tham gia thi tranh tài là Hoàng Thanh Tùng, Nguyễn Hữu Cường (K53 CA), 2 sinh viên thi chủ đề là Phạm Phúc Anh và Phạm Xuân Trường (K53CB)

Chủ đề của cuộc thi năm nay về Du lịch, nghĩa là các sinh viên sẽ làm ra các ứng dụng liên quan đến du lịch như cung cấp thông tin, trợ giúp thuận tiện,...

Ðể tham gia cuộc thi PROCON lần này, ông và sinh viên đã chuẩn bị như thế nào?

Từ khi thi chọn đội tuyển tại trường đến khi tham dự cuộc thi tại Nhật, nhóm chuyên môn gồm thầy Nguyễn Hoài Sơn, Lê Sĩ Vinh và tôi cùng các em sinh viên có 2 tháng để chuẩn bị. Trong khoảng thời gian ngắn đó, các thầy trong tổ chuyên môn có trách nhiệm lên kế hoạch làm việc, giám sát và trợ giúp khi sinh viên gặp khó khăn, duy trì tiến độ. Còn các sinh viên thì phải lập trình, chuẩn bị tài liệu, file trình chiếu, poster, rèn luyện kĩ năng thuyết trình, ngoại ngữ,…

Trước khi lên đường, các thầy trong Ban giám hiệu cũng đã có buổi gặp mặt để dặn dò, nhắc nhở, động viên tinh thần của cả đội trước khi lên đường.

Chiến thắng này cũng một phần là do trường đã có kinh nghiệm đi thi từ nhiều năm trước, cho nên khi thi tuyển chọn thi PROCON trong nhà trường có nhiều đội tham gia. đó là cơ sở để chúng ta lựa chọn được đội mạnh nhất. Hơn nữa, các sinh viên đều có lòng quyết tâm, tinh thần tích cực, chủ động, say mê công việc.

So với đội tham dự trong cuộc thi lần này, theo ông, đội tuyển của ta có thế mạnh và hạn chế nào?

Ðội tuyển của ta năm nay đạt giải Nhì là một tín hiệu đáng mừng, nhưng cũng tiếc là khi ta chỉ kém đội giải Nhất đúng 1 điểm, nếu như hai đội bằng điểm nhau chúng ta thắng vì có chỉ số phụ cao hơn. Theo tôi, lý do đội ta về Nhì là vì ngoài điều khiển tự động ra, thì đội giành giải Nhất còn điều khiển bằng tay, vì vậy một số thời điểm họ giành được ưu thế để chiến thắng.

Về chuyên môn, thì những nước phát triển như Nhật Bản, Trung Quốc có trình độ kĩ thuật cao hơn mình rất nhiều. Ðặc biệt ở phần thi chủ đề, sinh viên của ta còn hạn chế về ngoại ngữ và kĩ năng thuyết trình

Về tác phong, sinh viên của mình cũng cần rèn luyện nhiều vì văn hóa các nước vốn khác nhau, nên khi ra nước ngoài lần đầu, các bạn sinh viên không thể tránh khỏi bỡ ngỡ về một số quy định giờ giấc, sinh hoạt, .....

Vậy trong các đội tham gia, ông ấn tượng với đội tuyển nào nhất?

Ở vòng loại, các đội không tỏ ra đặc biệt nhưng càng vào vòng trong càng có nhiều đội thể hiện sức mạnh của mình. Có lẽ là các đội tuyển đến từ Nhật Bản để lại ấn tượng nhiều nhất vì họ có kĩ thuật rất tốt và có số lượng tham gia đông đảo.

Trong thời gian 4 ngày (15 - 19/10), ông và các sinh viên đã có những kỉ niệm gì?

Những ngày tại Nhật Bản là những ngày dày đặc các sự kiện. Ngoài 2 ngày thi chính vào 15 và 16, đoàn cũng được tham quan một số địa điểm: Lâu đài Osaka, Trung tâm Triển lãm Công nghệ của Panasonic (Panasonic Center), Bãi biển Katsura ở Kochi, Ðền Kotohira,…

Ðất nước Nhật Bản là một đất nước rất có quy tắc, vì vậy, lịch làm việc, ăn uống, tham quan đều có giờ giấc chặt chẽ. Vì thế, cuộc thi lần này là một cơ hội vô cùng tốt cho sinh viên được tìm hiểu, học hỏi và cọ xát.

Ông đặt hi vọng gì vào cuộc PROCON năm sau?

Rút kinh nghiệm của cuộc thi năm nay, hi vọng năm sau, chúng ta có thể tổ chức tuyển chọn các đội tuyển sớm hơn, dành nhiều thời gian chuẩn bị cho các sinh viên để đội tuyển của chúng ta đạt được thứ hạng cao hơn nữa.

Xin cảm ơn ông!


 

 Việt Nga (thực hiện) - Bản tin ĐHQG Hà Nội
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC