Hình ảnh 03:27:04 Ngày 26/04/2024 GMT+7
Chất lượng và đổi mới phải được đặt lên hàng đầu
Vừa qua, Trường Đại học Kinh tế (ĐHKT) - Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã triển khai việc đánh giá ngoài chương trình đào tạo cử nhân Kinh tế đối ngoại hệ chất lượng cao (KTĐN CLC) và các tiêu chí đánh giá này hoàn toàn đáp ứng tốt theo tiêu chuẩn kiểm định quốc tế của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (ASEAN University Network – Quality Assurance).

 Trước đó, cũng chính Trường ĐHKT – ĐHQGHN nghiên cứu thành công cách tiếp cận mô hình CDIO quốc tế và hiện đang tích cực áp dụng để đổi mới chương trình đào tạo nhằm tiệm cận với qui trình và chuẩn của các trường đại học tiên tiến quốc tế. Chúng tôi đã có cuộc gặp phỏng vấn với TS. Vũ Anh Dũng – Chủ nhiệm Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế (KT&KDQT), người đã trực tiếp phụ trách và thực hiện cả 2 đề án trên.

Tiến sĩ có thể giới thiệu sơ lược về chuẩn kiểm định quốc tế AUN-QA?

AUN-QA là chuẩn kiểm định chất lượng dành cho hệ thống các trường Ðại học thuộc khối ASEAN (ASEAN University Network – Quality Assurance) được thông qua từ năm 1998 và được triển khai liên tục từ năm 1999 đến nay, với khá nhiều hoạt động và thành tựu, trong đó có sự tham gia tích cực của ÐHQGHN. Kể từ khi thành lập hệ thống các trường Ðại học ASEAN, Chất lượng được xem là một mục tiêu quan trọng nhằm khẳng định với quốc tế về sự hội nhập của giáo dục Ðại học Ðông Nam Á, mặt khác tạo ra sự liên thông và công nhận lẫn nhau trong mạng lưới các trường đại học trong khối ASEAN (AUN).

AUN-QA có 18 tiêu chuẩn bao gồm khoảng trên 70 tiêu chí đánh giá. Mỗi tiêu chí sẽ được chấm điểm theo mức thang từ 1 đến 7, trong đó 7 là mức cao nhất. Ðể đạt được chuẩn kiểm định chất lượng của khu vực và quốc tế thì chương trình đào tạo cần đạt được từ mức 4 trở lên (tức là trong mọi hoạt động liên quan đến xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình đào tạo phải có minh chứng đính kèm và phải thể hiện được tính hiệu quả trong các hoạt động đó). Tuy nhiên có thể nói rằng để đạt được mức 6 hoặc 7 là rất khó, kể cả các trường hàng đầu với bề dày về mặt thời gian.

Tiến sĩ có thể cho biết lý do chính đằng sau việc đem chương trình đào tạo trong nước ra kiểm định chất lượng quốc tế?

Sứ mạng của ÐHQGHN là xây dựng, phát triển và trở thành trung tâm đào tạo đại học, sau đại học và nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học – công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, ngang tầm các đại học tiên tiến trong khu vực, tiến tới đạt trình độ quốc tế. ÐHQGHN cũng là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Là một đơn vị thành viên, mục tiêu của Trường ÐHKT đến năm 2020 là trở thành đại học theo định hướng nghiên cứu hàng đầu ở Việt Nam, được xếp hạng ngang tầm với một số đại học tiên tiến trong khu vực Ðông Nam Á, trong đó có một số ngành và nhiều chuyên ngành được kiểm định theo tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục quốc tế (gồm có cả AUN-QA). Kể từ khi được trở thành Trường vào năm 2007, Chương trình đào tạo cử nhân Kinh tế Ðối ngoại chất lượng cao là chương trình đầu tiên của Trường ÐHKT và chương trình đào tạo thứ 2 của ÐHQGHN được kiểm định theo tiêu chuẩn quốc tế AUN-QA.

Trên thực tế vào năm 2009, chúng tôi đã tiến hành kiểm định chất lượng chương trình này theo tiêu chuẩn kiểm định chất lượng của ÐHQGHN và kết quả đã đạt được cấp quốc gia trong đó có nhiều tiêu chí đạt cấp khu vực và quốc tế. Khi chúng tôi quyết định tiếp tục kiểm định chất lượng chương trình KTÐN CLC theo tiêu chuẩn kiểm định quốc tế AUN-QA, trước tiên điều này phù hợp với sứ mệnh của cả ÐHQGHN và Trường ÐHKT cũng như xu thế của các nền giáo dục tiên tiến. Song song với điều này, việc chúng tôi tự đánh giá chương trình đào tạo và được đánh giá ngoài bởi các chuyên gia kiểm định chất lượng quốc tế cũng là cơ hội để chúng tôi nhìn nhận lại chương trình đang ở đâu và từ đó có kế hoạch phát triển tiếp theo. Mặt khác việc kiểm định quốc tế cũng giúp chúng tôi xây dựng năng lực tự đánh giá chất lượng chương trình đào tạo và tiếp cận sâu hơn nữa với các chuẩn mực quốc tế cho cán bộ và giảng viên của Trường ÐHKT - ÐHQGHN.

Vậy đâu là thuận lợi và khó khăn trong việc kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo AUN-QA?

Thuận lợi đầu tiên có thể kể đến chính là tính tiên phong của ÐHQGHN trong việc đảm bảo chất lượng các chương trình đào tạo cũng như trong việc áp dụng các mô hình đào tạo tiên tiến quốc tế để xây dựng, đổi mới hay cải tiến các chương trình đào tạo. Kể từ năm 2004 khi chương trình đào tạo cử nhân KTÐN CLC đi vào thực hiện, ÐHQGHN định kỳ hàng năm yêu cầu chúng tôi cập nhật cải tiến chương trình. Năm 2009, ÐHQGHN đã giao cho Trường ÐHKT (cụ thể là Khoa KT&KDQT) thực hiện đề án nghiên cứu mô hình quốc tế CDIO về xây dựng và tổ chức chương trình đào tạo để áp dụng cho các chương trình đào tạo của ÐHQGHN. Chúng tôi đã nghiên cứu thành công và hiện đã và đang triển khai áp dụng cải tiến chương trình đào tạo cử nhân KTÐN CLC. Chính việc áp dụng và cải tiến này đã đem lại kết quả ban đầu nhất định với minh chứng được thể hiện qua đợt kiểm định quốc tế thành công vừa qua - cụ thể là một số khía cạnh về chuẩn đầu ra và khung chương trình cũng như việc tổ chức thực hiện chương trình đào tạo theo một qui trình chuẩn khoa học được hội đồng kiểm định quốc tế đánh giá cao và đáp ứng yêu cầu của chuẩn khu vực và quốc tế (các trường đại học trong khu vực và trong nước thường bị đánh giá không cao về các khía cạnh này).

Thuận lợi chính tiếp theo có thể đề cập chính là xuất phát từ thực chất của chương trình Kinh tế đối ngoại chất lượng cao mà chúng tôi đã triển khai kể từ năm 2004. Ngoài việc thường xuyên cải tiến chương trình và phương pháp giảng dạy, học tập, đảm bảo chất lượng hay nâng cao chất lượng tuyển sinh đầu vào, có thể 7 khóa Chất lượng cao (3 khóa đã ra trường và 4 khóa hiện tại) không phải là một thời gian dài nhưng có nhiều kết quả minh chứng cho những thành quả nỗ lực của các thế hệ thầy cô và sinh viên Khoa KT&KDQT đã cùng nhau xây dựng nên thương hiệu chương trình kinh tế đối ngoại chất lượng cao trong suốt thời gian qua.

Vừa rồi Tiến sĩ có nhắc đến mô hình CDIO. Tiến sĩ có thể đưa ra định nghĩa đầy đủ và dễ hiểu nhất về mô hình này?

CDIO được viết tắt của cụm từ tiếng Anh Conceive - Design - Implement - Operate (nghĩa là: hình thành ý tưởng, thiết kế ý tưởng, thực hiện và vận hành). Ðây là năng lực cốt lõi mà các kỹ sư khi tốt nghiệp cần đạt được (vì xuất phát điểm của đề xướng này từ ngành kỹ sư). Tuy nhiên, về bản chất cần phải khẳng định rằng CDIO là một giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu xã hội trên cơ sở xác định chuẩn đầu ra để thiết kế nội dung chương trình và kế hoạch đào tạo. Quy trình này được xây dựng một cách khoa học, hợp lý, logic và về phương pháp tổng thể mang tính chung hóa có thể áp dụng để xây dựng quy trình chuẩn cho nhiều lĩnh vực đào tạo khác nhau ngoài ngành kỹ sư. Sinh viên trong chương trình đào tạo theo cách tiếp cận CDIO được phát triển và cần đạt được 4 năng lực chính (hay còn gọi là chuẩn đầu ra) khi tốt nghiệp, bao gồm: Khối kiến thức (lý thuyết) và lập luận ngành; Các kỹ năng, phẩm chất cá nhân và nghề nghiệp; Các kỹ năng và phẩm chất xã hội; Năng lực áp dụng kiến thức vào thực tiễn (năng lực C-D-I-O) đặt trong bối cảnh xã hội và doanh nghiệp.

4 năng lực chính này được xây dựng đến cấp độ rất chi tiết nên rất cụ thể và riêng biệt cho từng ngành hay từng chương trình đào tạo. Một chương trình đào tạo hướng tới việc đạt được 4 năng lực chính này sẽ giúp sinh viên có được các kỹ năng cứng và mềm cần thiết khi ra trường và đáp ứng được yêu cầu của xã hội cũng như bắt nhịp được với những thay đổi của môi trường, thậm chí là có thể dẫn dắt sự thay đổi đó.

Ngoài việc cung cấp một bản mẫu về chuẩn đầu ra, đề xướng CDIO cũng cung cấp những hướng dẫn rất cụ thể về đào tạo và phương pháp quản lý giáo dục như tinh thần doanh nhân, lãnh đạo trong giáo dục đại học, phát triển giảng viên chuyên nghiệp, kết gắn doanh nghiệp với giáo dục đại học, quốc tế hóa giáo dục đại học, học tập dựa trên dự án, cải cách khung chương trình bền vững, đào tạo sinh viên các kỹ năng giao tiếp không chính thức, học tập kinh nghiệm và học tập chủ động, thiết kế chương trình, khung chương trình, môi trường học tập, kiểm tra, đánh giá… nên rất hữu ích trong việc áp dụng và triển khai.

Là người được học và tiếp xúc với nền giáo dục quốc tế, Tiến sĩ thấy việc áp dụng mô hình này có hiệu quả thế nào đối với giáo dục?

Thực tế ở các đại học thuộc các quốc gia phát triển và đang phát triển đã chứng minh việc áp dụng phương pháp hay cách tiếp cận CDIO sẽ đem lại các lợi ích sau:

• Ðào tạo theo cách tiếp cận CDIO gắn với nhu cầu của người tuyển dụng, từ đó giúp thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo của nhà trường và yêu cầu của nhà sử dụng nguồn nhân lực.

• Ðào tạo theo cách tiếp cận CDIO sẽ giúp người học phát triển toàn diện với các “kỹ năng cứng” và “kỹ năng mềm” để nhanh chóng thích ứng với môi trường làm việc luôn thay đổi và thậm chí là đi đầu trong việc thay đổi đó;

• Ðào tạo theo cách tiếp cận CDIO sẽ giúp các chương trình đào tạo được xây dựng và thiết kế theo một quy trình chuẩn. Các công đoạn của quá trình đào tạo sẽ có tính liên thông và gắn kết chặt chẽ;

• Cách tiếp cận CDIO là cách tiếp cận phát triển, gắn phát triển chương trình với chuyển tải và đánh giá hiệu quả giáo dục đại học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học lên một tầm cao mới.

Tiến sĩ có thể nói gì về sự cần thiết áp dụng CDIO ở Việt Nam?

Cho đến thời điểm hiện nay, có thể khẳng định rằng ÐHQGHN đang tiên phong trong việc nghiên cứu, áp dụng đề xướng CDIO để xây dựng, cải tiến và tổ chức chương trình đào tạo tại Việt Nam và cả trong khu vực. Ðã có nhiều trường đại học trên cả nước và một số trường đại học quốc tế tiếp cận với chúng tôi đề nghị chia sẻ kinh nghiệm trong việc áp dụng cách tiếp cận CDIO (đặc biệt là trong lĩnh vực Kinh tế - Kinh doanh). Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tích cực thực hiện điều này theo đúng phương châm mà ÐHQGHN đề ra là “Ðóng vai trò nòng cốt trong hệ thống giáo dục đại học, hỗ trợ chuyên môn cho các trường đại học, cao đẳng trong cả nước”.

Vậy theo Tiến sĩ chúng ta cần thay đổi gì trong mô hình CDIO cho phù hợp với Việt Nam?

Khi tiến hành phát triển và thực hiện chương trình đào tạo theo cách tiếp cận CDIO, chúng tôi có đặt trong bối cảnh xã hội và kinh tế/kinh doanh của Việt Nam. Mặt khác, ở cấp độ cụ thể hơn, mỗi chương trình đào tạo có đặc thù riêng nên mặc dù về cách tiếp cận là chung nhưng cần có sự thích ứng phù hợp trong áp dụng. Tuy nhiên cần phải nhấn mạnh rằng mặc dù nền giáo dục của Việt Nam đúng là có những nền tảng và sự khác biệt nhất định đối với thế giới, nhưng việc ngày càng hội nhập sâu hơn với thế giới cũng đòi hỏi chúng ta cần bắt nhịp và có những điểm chung.

Là người trực tiếp tham gia vào việc áp dụng cách tiếp cận CDIO để phát triển chương trình đào tạo tại Trường ÐHKT - ÐHQGHN, theo Tiến sĩ đâu là thuận lợi, đâu là khó khăn mà nhà trường gặp phải?

Thuận lợi lớn nhất và quan trọng nhất theo tôi chính là sự tiên phong và tầm nhìn của Ban Giám đốc ÐHQGHN và Ban Giám hiệu Trường ÐHKT. Chính sự quyết tâm cao và ủng hộ mạnh mẽ này giúp cho việc nghiên cứu, triển khai và áp dụng cách tiếp cận CDIO tại Khoa KT&KDQT - Trường ÐHKT - ÐHQGHN trở thành hiện thực và giúp vượt qua những thách thức mà tôi đề cập dưới đây.

Thứ nhất do khái niệm và quy trình CDIO cũng như cách thức áp dụng cách tiếp cận CDIO là mới với các trường đại học ở Việt Nam, đặc biệt khi Trường ÐHKT - ÐHQGHN là trường tiên phong áp dụng CDIO trong toàn ÐHQGHN và cũng là một trong các trường tiên phong áp dụng cách tiếp cận CDIO cho một ngành ngoài ngành kỹ sư là ngành Kinh tế đối ngoại (có thể nói trên thế giới) nên cần có thời gian và minh chứng cụ thể về sự thành công để thống nhất trong nhận thức về đề xướng CDIO và từ đó tạo ra sự đồng thuận và sự hưởng ứng nhiệt tình của tất cả các giảng viên, cán bộ lãnh đạo quản lý, chuyên viên và cả sinh viên trong quá trình triển khai thực hiện.

Thứ hai, việc áp dụng cách tiếp cận CDIO đòi hỏi có những điều kiện cơ bản về mặt cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng của trường học, đội ngũ giảng viên, nhân viên đáp ứng được những tiêu chuẩn của CDIO và phải có một hệ thống quy trình xử lý chuẩn và thống nhất để đảm bảo sự thành công của chương trình. Do vậy, sự đầu tư ban đầu và tái phân bổ về nguồn lực là cần thiết. Ðiều này cũng là thách thức lớn nhưng có thể vượt qua.

Thách thức thứ ba là cần phải đổi mới khung chương trình đào tạo (trong đó có thể gồm cả việc thay đổi cả những môn bắt buộc được quy định hiện nay) khi áp dụng cách tiếp cận CDIO. Ðiều này đòi hỏi cơ chế linh hoạt về tầm vĩ mô theo yêu cầu tại các Ðại học trên cả nước.

Thứ tư, đào tạo theo cách tiếp cận CDIO đòi hỏi có sự đầu tư lớn về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, thời gian, kinh phí và nguồn nhân lực. Ðể giải quyết điều này đòi hỏi cơ chế tự thu học phí theo đúng với chất lượng của chương trình đào tạo được xây dựng theo phương pháp tiếp cận CDIO giống với cơ chế thu học phí đối với các chương trình tiên tiến và các chương trình chất lượng cao tương đương quốc tế.

Thứ năm, xây dựng chương trình đào tạo theo cách tiếp cận CDIO liên quan đến rất nhiều yếu tố như: giảng dạy, học tập, công tác đào tạo, quản lý sinh viên, cơ sở vật chất, môi trường học tập... Mỗi yếu tố này lại liên quan đến nhiều phòng ban và cá nhân, từ sinh viên, giảng viên, chuyên viên đến các cán bộ quản lý. Ðiều này là khó khăn nên rất cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa tất cả các cá nhân, các phòng ban và bộ phận trong tổ chức.

Hiện áp dụng CDIO vào các trường đại học vẫn đang còn ở giai đoạn ban đầu. Theo Tiến sĩ, phải mất bao lâu mới có thể đánh giá được hiệu quả của chương trình này?

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy rằng cần 4 năm để thực hiện một chương trình đào tạo (kể từ khi sinh viên nhập học đến khi tốt nghiệp), sau đó cần thêm 2 năm để có thể đánh giá kết quả của những sinh viên đó khi họ đã ra trường và làm việc trong một tổ chức. Do vậy, về cơ bản cần từ 5 - 7 năm để đánh giá hiệu quả của chương trình. Ðiều này là thông thường trong lĩnh vực giáo dục đào tạo đại học.

Tuy nhiên, có những hiệu quả chúng ta có thể nhìn thấy ngay là việc áp dụng cách tiếp cận CDIO đòi hỏi tuân theo một quy trình nghiêm ngặt từ khâu điều tra khảo sát để xác định yêu cầu của xã hội về các sản phẩm đào tạo tới khâu xây dựng, thiết kế, tổ chức và đánh giá chương trình. Do vậy, chúng ta có thể thấy ngay việc các nhà quản lý giáo dục, các giảng viên và sinh viên khi tuân theo các qui định đó thì phần nào đã thực hiện việc đảm bảo chất lượng giáo dục và điều này phục vụ chính cho việc kiểm định chất lượng chương trình.

Xin cảm ơn Tiến sĩ!

 Minh Đức – Mạnh Tuấn (thực hiện) - Bản tin ĐHQG Hà Nội
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 388 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC