10:58:22 Ngày 25/04/2024 GMT+7
Đại học Quốc gia Hà Nội vươn tới chuẩn mực quốc tế
"Phát triển ĐHQGHN gắn chặt với phát triển nền kinh tế tri thức, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cũng như chiến lược phát triển giáo dục đào tạo và khoa học - công nghệ của đất nước..." - Phó giám đốc Mai Trọng Nhuận cho biết.

Vừa qua, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã ban hành kế hoạch chiến lược phát triển ĐHQGHN đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020, trong đó xác định rõ: mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 của ĐHQGHN là trở thành đại học theo định hướng nghiên cứu, đa ngành đa lĩnh vực ngang tầm các đại học tiên tiến trong khu vực Châu Á; một số lĩnh vực và nhiều ngành, chuyên ngành đạt trình độ quốc tế, góp phần phát triển nền kinh tế tri thức và đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với GS.TS Mai Trọng Nhuận - Phó giám đốc, Chủ tịch Hội đồng Khoa học - Đào tạo ĐHQGHN.

PV: Thưa GS. Mai Trọng Nhuận, xin ông cho biết một cách khái quát về việc chỉ đạo, quản lý điều hành công tác đào tạo của Ban giám đốc ĐHQGHN trong năm học vừa qua?

GS. Mai Trọng Nhuận: Nhận thức được vai trò, sứ mệnh và xác định rõ mục tiêu và biện pháp phấn đấu trong từng giai đoạn, năm học 2005-2006 vừa qua, ĐHQGHN đã có sự điều chỉnh quy mô đào tạo để có tỷ lệ hợp lý giữa các bậc, hệ và loại hình đào tạo theo hướng: giữ quy mô đào tạo đại học chính quy hợp lý (có tăng quy mô chủ yếu do mở một số ngành đào tạo mới thuộc các lĩnh vực công nghệ cao, kinh tế - xã hội mũi nhọn), tăng mạnh quy mô đào tạo sau đại học, giảm quy mô đào tạo không tập trung. Năm qua, toàn ĐHQGHN có 3.843 học viên cao học và nghiên cứu sinh; 17.552 sinh viên đại học chính quy, trong đó hệ đào tạo tài năng có 126 sinh viên và hệ đào tạo chất lượng cao có 1.221 sinh viên; 21.833 sinh viên đại học tại chức; 115 sinh viên nước ngoài; 2.118 học sinh THPT chuyên. Được sự chỉ đạo, điều hành của Ban giám đốc, các đơn vị thành viên đã thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm và đạt được những kết quả quan trọng. Chất lượng đào tạo đã có bước tiến rõ rệt; đào tạo tài năng, chất lượng cao đã ổn định về quy trình đào tạo và trở thành hệ đào tạo thường xuyên; các chương trình liên kết đào tạo quốc tế tiếp tục được triển khai có hiệu quả. Hoạt động khoa học công nghệ phát triển mạnh và có bước tiến về chất lượng, hiệu quả; đã hình thành cơ chế đảm bảo sự gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học. Tiếp tục hoàn chỉnh cơ cấu tổ chức theo hướng đa ngành đa lĩnh vực.

PV: Thưa ông, mục tiêu phấn đấu của ĐHQGHN trong năm 2007 và những năm tiếp theo là gì?

GS. Mai Trọng Nhuận: Để thực hiện tốt sứ mệnh cũng như mục tiêu phấn đấu trong từng giai đoạn phát triển cần có sự cố gắng cao độ của lãnh đạo và mọi thành viên của ĐHQGHN. Lãnh đạo ĐHQGHN đã xác định triết lý phát triển và quan điểm chỉ đạo là: Phát triển ĐHQGHN gắn chặt với phát triển nền kinh tế tri thức, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cũng như chiến lược phát triển giáo dục đào tạo và khoa học - công nghệ của đất nước; Đào tạo tài năng, chất lượng cao kết hợp với nghiên cứu khoa học đỉnh cao là ưu tiên chiến lược trong suốt quá trình phát triển ở ĐHQGHN; Phát huy sức mạnh tổng hợp mọi nguồn lực, trong đó nội lực là chính và ngoại lực là yếu tố quan trọng; Từng bước phát triển toàn diện, bền vững kết hợp áp dụng các giải pháp mang tính đột phá, đi tắt đón đầu; ưu tiên đầu tư phát triển các hướng trọng điểm, mũi nhọn nhằm nhanh chóng đạt trình độ khu vực, quốc tế về một số lĩnh vực, ngành, chuyên ngành có chọn lọc.

PV: Trong lộ trình đưa chất lượng đào tạo của ĐHQGHN đạt chuẩn khu vực, từng bước đạt chuẩn quốc tế, ĐHQGHN đã dựa trên nguyên tắc nào để lựa chọn các giải pháp đột phá?

GS. Mai Trọng Nhuận: Trong hoàn cảnh còn nhiều hạn chế về nguồn lực và năng lực tổ chức thực hiện, ĐHQGHN không thể đầu tư dàn trải mà cần tập trung có trọng điểm, có chọn lọc để tạo ra sức mạnh, lựa chọn một số giải pháp đột phá để ưu tiên đầu tư cao độ mọi nguồn lực. Có 4 nguyên tắc được đưa ra để lựa chọn các giải pháp đột phá nâng cao chất lượng đào tạo. Đó là: 1 - Tính hiệu quả cao: Giải pháp đó có thể tác động trực tiếp tới tất cả hoặc một số khâu của quá trình đào tạo và trực tiếp nâng cao chất lượng đào tạo lên nhanh nhất, cao nhất, đảm bảo đưa chất lượng đào tạo một bộ phận đạt chuẩn khu vực quốc tế, lấy thí điểm có thể mở rộng trong ĐHQGHN; 2 - Tính khả thi cao và phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam và ĐHQGHN; 3 - Phát huy được thế mạnh, truyền thống về khoa học cơ bản, tính liên ngành của ĐHQGHN; 4 - Đảm bảo được liên thông, hội nhập với giáo dục đại học khu vực và quốc tế. Trên cơ sở đó, ĐHQGHN đã lựa chọn 3 nhóm giải pháp nhằm tạo bước tiến quan trọng về chất lượng đào tạo ĐHQGHN hướng tới chuẩn khu vực, quốc tế là: Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo chung; Những giải pháp đi tắt, đón đầu, tiếp cận ngay chuẩn mực chất lượng khu vực, quốc tế; Một số giải pháp khác do đơn vị đào tạo lựa chọn phù hợp với đặc điểm từng đơn vị.

Đồng thời với việc ưu tiên áp dụng các giải pháp đột phá, ĐHQGHN vẫn từng bước song song thực hiện các biện pháp cơ bản, có tính thường xuyên, lâu dài như: Các giải pháp triển khai nghiên cứu KHCN đạt trình độ quốc tế ở một số lĩnh vực chọn lọc; Các giải pháp phát triển đội ngũ cán bộ tiếp cận trình độ quốc tế trong đó cần ưu tiên xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ đầu đàn, đầu ngành; Các giải pháp đẩy nhanh tiến độ xây dựng ĐHQGHN tại Hoà Lạc; Hiện đại hóa cơ sở vật chất, hệ thống giáo trình, bài giảng và tài liệu tham khảo; Đẩy mạnh đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế nhằm tạo thêm nguồn lực, phát triển đội ngũ cán bộ khoa học, chuyển giao công nghệ đào tạo tiên tiến

PV: Ông có thể nói kỹ hơn về các giải pháp đột phá đặc biệt là giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo tiếp cận trình độ quốc tế được không?

GS. Mai Trọng Nhuận: Trong lộ trình nâng cao chất lượng đào tạo của mình, ĐHQGHN bao giờ cũng lựa chọn những khâu đột phá quan trọng để phát huy mọi tiềm năng và sức mạnh của toàn thể cán bộ giảng dạy, cán bộ quản lý, nhân viên và sinh viên đồng tâm hợp lực tạo nên bước chuyển biến về chất. Đó cũng chính là bài học thành công trong chỉ đạo của lãnh đạo ĐHQGHN trong suốt các chặng đường vừa qua. Cùng với một số các giải pháp như: Các giải pháp triển khai nghiên cứu khoa học đạt trình độ quốc tế một số lĩnh vực chọn lọc; Các giải pháp phát triển đội ngũ cán bộ tiếp cận trình độ quốc tế; Các giải pháp đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng ĐHQGHN tại Hoà Lạc; Triển khai một số đề án trọng tâm (Đề án xây dựng một số ngành, chuyên ngành khoa học cơ bản, công nghệ cao và kinh tế - xã hội mũi nhọn ở ĐHQGHN đạt trình độ quốc tế vào năm 2010 - gọi tắt là Đề án 16+23; Đề án áp dụng các yếu tố tích cực của phương thức đào tạo theo tín chỉ; Đề án thiết kế và xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm theo chuẩn quốc tế; Đề án chiến lược phát triển nguồn nhân lực ĐHQGHN đến năm 2010…), Các giải pháp đột phá nâng cao chất lượng đào tạo tiếp cận trình độ quốc tế được ĐHQGHN xác định là những giải pháp đột phá nhằm thực hiện kế hoạch chiến lược phát triển ĐHQGHN đến năm 2010, tầm nhìn 2020. Các giải pháp đột phá nâng cao chất lượng đào tạo tiếp cận trình độ quốc tế bao gồm các nội dung: “Quốc tế hóa” hệ đào tạo tài năng, chất lượng cao; nâng cao chất lượng đầu vào các chương trình liên kết đào tạo quốc tế; đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá; áp dụng các yếu tố tích cực của phương thức đào tạo theo tín chỉ và một số giải pháp cụ thể do từng đơn vị đào tạo trực thuộc ĐHQGHN đề xất phù hợp với đặc thù, thế mạnh của mình.

ĐHQGHN tin tưởng rằng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các bộ, ngành cùng với sự ủng hộ của đông đảo các lực lượng trong xã hội, sự phấn đấu nỗ lực của cán bộ giảng viên, sinh viên của ĐHQGHN, chiến lược phát triển đưa ĐHQGHN đạt chuẩn quốc tế sẽ thành công, góp phần đào tạo nhân tài cho đất nước và là một bước đột phá quan trọng nâng cao chất lượng đào tạo và thực hiện sứ mạng của ĐHQGHN là trở thành trung tâm đào tạo đại học, nghiên cứu khoa học và ứng dụng khoa học - công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao, ngang tầm khu vực, tiến tới đạt trình độ quốc tế, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế tri thức, đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển vào năm 2020.

PV: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

 Vũ Oanh (thực hiện) - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 191, ra tháng 1/2007
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài mới hơn
  • Không có bài nào mới hơn !
Các bài cũ hơn
  • Không có bài nào cũ hơn !
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC