12:41:26 Ngày 20/04/2024 GMT+7
Vai trò, thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng công tác giảng dạy các môn lý luận chính trị ở ĐHQGHN
Trong thời gian qua, về cơ bản, việc giảng dạy các môn LLCT đã đảm bảo được nội dung chương trình, đóng góp một cách đáng kể vào mục tiêu chung đào tạo các thế hệ sinh viên.

Việc giảng dạy và học tập các môn lý luận chính trị (LLCT) trong các trường đại học cả nước nói chung, ở ĐHQGHN nói riêng có mục tiêu là bồi dưỡng lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, bồi dưỡng thế giới quan khoa học, nhân sinh quan cách mạng, xây dựng và củng cố lòng tin vững chắc cho sinh viên vào sự lãnh đạo của Đảng, vào tiền đồ tươi sáng của chủ nghĩa xã hội, góp phần quan trọng vào việc đào tạo một đội ngũ trí thức mới xã hội chủ nghĩa của nước ta. Các môn khoa học LLCT trên cơ sở của thế giới quan khoa học sẽ giúp sinh viên ra sức phấn đấu, hướng mọi suy nghĩ và hành động vào thực hiện các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế của nhà trường. Đây là những môn học có vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu chiến lược đào tạo toàn diện của giáo dục - đào tạo trong nhà trường Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trong công tác giảng dạy và học tập các môn LLCT, chúng ta đã đạt được một số thành tựu nhất định như chấm dứt được tình trạng thầy đọc, trò ghi, sinh viên đã có khả năng ghi chép tóm tắt bài giảng của thầy. Một số giảng viên đã đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực hoá quá trình học tập của sinh viên. Hình thức kiểm tra, đánh giá đã có những thay đổi rõ rệt, đánh giá chính xác hơn kiến thức của sinh viên, hạn chế được phần lớn hiện tượng quay cóp trong thi cử. Đồng thời, tài liệu phục vụ cho việc học tập các môn LLCT đã được quan tâm, chú ý. Chất lượng đội ngũ giảng dạy cũng đã được nâng lên một bước. Điều kiện vật chất phục vụ cho công tác giảng dạy cũng đã được cải thiện đáng kể. Các hoạt động nghiên cứu khoa học trong sinh viên về các môn LLCT có nét khởi sắc và mang diện mạo mới về nội dung và hình thức tổ chức.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, việc giảng dạy và học tập các môn khoa học này vẫn còn những bất cập, hạn chế. Trước tiên, cần nhận thấy rằng, đội ngũ cán bộ giảng dạy các môn LLCT còn thiếu so với yêu cầu, dẫn đến tình trạng quá tải giờ dạy của giảng viên, thiếu thời gian đầu tư cho nghiên cứu khoa học. Việc đổi mới phương pháp giảng dạy tiến triển chậm, hiệu quả chưa cao.

Hiện nay, trong khi giảng dạy các môn LLCT, hầu hết giảng viên sử dụng phương pháp truyền thống, diễn giảng, thuyết trình, độc thoại là chủ yếu. Cách thức giảng dạy còn thiên về lý luận, chưa tìm ra những phương thức hiệu quả giúp sinh viên chủ động hơn trong tiếp thu kiến thức và sử dụng những kiến thức lĩnh hội được để luận giải các vấn đề của cuộc sống. Trong quá trình giảng dạy, giảng viên chưa đặt ra yêu cầu cao đối với sinh viên. Việc tổ chức, hướng dẫn phương pháp học tập cho sinh viên chưa được chú trọng đúng mức. Thầy chưa đánh thức được sự đam mê, khả năng tư duy của người học. Lý thuyết khô khan, giáo điều, ít gắn với thực tiễn, chưa soi rọi vào những vấn đề phức tạp của cuộc sống. Điều đó làm cho sinh viên ít quan tâm đến môn học và ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giảng dạy.

Về người học, phần lớn sinh viên không đọc tài liệu tham khảo. Học chỉ cần “nói lại” những điều thầy đã nói, giáo trình viết, học thuộc lòng, thi hết học phần, niên luận. Mục đích học tập của sinh viên mang nặng tính thi cử, trả nợ môn học. Điều này dẫn đến hậu quả là chất lượng học tập của sinh viên thấp, khả năng nắm bắt kiến thức bài học không sâu, từ đó dẫn đến những nhận thức không đúng. Đặc biệt, tình trạng thờ ơ, chán học môn này rất phổ biến. Đa số sinh viên chưa có ý thức cao với môn học, cho rằng đây là môn học phụ, dẫn đến thái độ ỷ lại, thụ động, thiếu tích cực. Sinh viên hầu như không có phương pháp và hình thức học tập sáng tạo.

Về chương trình của các môn học cũng còn có những bất cập nhất định. Tuy giáo trình quốc gia của các môn học đã được biên soạn, nhưng nội dung có nhiều vấn đề vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của người học. Đứng trước tình trạng như vậy, việc đề ra các giải pháp để nâng cao chất lượng dạy và học các môn LLCT là việc làm cần thiết.

Nhằm khắc phục hạn chế, nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học các môn LLCT ở ĐHQGHN trong thời gian tới, chúng tôi đề xuất một số giải pháp chủ yếu sau:

Nâng cao hơn nữa nhận thức của giảng viên và sinh viên ĐHQGHN về vị trí, vai trò các môn lý luận chính trị trong chương trình đào tạo: Nhìn chung, cán bộ, giảng viên và sinh viên ĐHQGHN đã có nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò của các môn LLCT trong chương trình đào tạo. Song phải thừa nhận một thực tế rằng, ở một bộ phận không nhỏ sinh viên và một số ít giảng viên có biểu hiện coi thường, xem nhẹ các môn học này. Việc nhận thức về môn học như vậy chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học: Giảng viên không hoàn toàn chuyên tâm cho chuyên môn, chỉ dạy làm sao cốt xong việc, không thể truyền nhiệt huyết cho sinh viên - yếu tố quan trọng đảm bảo thành công của giờ giảng. Còn sinh viên rơi vào tình trạng học đối phó, trung bình chủ nghĩa, kém hào hứng trong học tập. Do vậy, việc làm đầu tiên và cần thiết là phải nhanh chóng khắc phục tình trạng này, có biện pháp nâng cao hơn nữa về mặt nhận thức trong toàn ĐHQGHN. Cần đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh một cách sâu rộng, khơi dậy tinh thần trách nhiệm của tất cả mọi người đối với việc học tập, nghiên cứu các môn LLCT.

Làm thế nào để tạo hứng thú học cho sinh viên? Ảnh: Bùi Tuấn

Tăng cường về số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên các môn lý luận chính trị: Như đã nêu ở trên, đội ngũ giảng viên LLCT ở ĐHQGHN vẫn còn thiếu nhiều về số lượng. Do vậy, trong thời gian tới, cần nhanh chóng phát triển đội ngũ, tránh tình trạng giảng viên phải đảm nhận số giờ vượt chuẩn quá cao. Để đạt mục tiêu này, một mặt cần chú trọng vào đối tượng sinh viên đang được đào tạo chuyên ngành LLCT tại trường, mặt khác cần tạo điều kiện thu hút tuyển dụng lực lượng giảng viên từ bên ngoài (đáp ứng đầy đủ tiêu chí mà ĐHQGHN đề ra). Đủ giảng viên là điều kiện tiên quyết đảm bảo việc nâng cao chất lượng giảng dạy.

Song song với việc chú ý số lượng, việc chú trọng chất lượng của đội ngũ giảng viên là vô cùng quan trọng. Phải không ngừng bồi dưỡng về phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, lương tâm và trách nhiệm nghề nghiệp cho đội ngũ giảng viên LLCT. Phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng là một trong những tiêu chuẩn của người giảng viên đại học. Đối với giảng viên LLCT, điều này càng cần thiết, bởi họ không chỉ là giảng viên khoa học, có nhiệm vụ truyền thụ kiến thức, mà còn là người giáo dưỡng cho sinh viên đạo đức, hình thành lý tưởng, chuẩn mực đạo đức cho thế hệ trẻ, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, của Nhà nước. Bên cạnh đó, việc nâng cao trình độ chuyên môn và khả năng nghiên cứu khoa học cho đội ngũ giảng viên LLCT là việc làm cấp bách, cần tiến hành thường xuyên. Để giảng dạy tốt, giảng viên LLCT trước hết phải có kiến thức sâu rộng. Cho nên, việc có ý thức tự trau dồi, tích luỹ kiến thức qua việc tự học, tự nghiên cứu, nhằm làm giàu tri thức phục vụ chuyên môn phải được coi trọng. Ngoài ra, việc cập nhật thông tin qua các phương tiện thông tin đại chúng đóng vai trò hết sức quan trọng, giúp cho giảng viên có nhiều kiến thức mới, phong phú.

Mặt khác, đối với giảng viên LLCT, công việc giảng dạy phải gắn liền với nghiên cứu khoa học. Đây là con đường ngắn nhất để không ngừng tích luỹ kiến thức, nâng cao trình độ, gọt sắc tư duy, góp phần tìm ra những hình thức, biện pháp thích hợp truyền đạt tri thức tới người học. Cần lưu ý rằng, để phục vụ đắc lực cho việc nâng cao chất lượng giảng dạy, hướng nghiên cứu của các giảng viên LLCT nên tập trung trực tiếp vào nội dung kiến thức môn học hay những yếu tố tham gia vào quá trình dạy và học như: Đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới nội dung chương trình học tập...

Đổi mới mạnh mẽ sâu, rộng phương pháp dạy và học, phương pháp kiểm tra, đánh giá: Giáo viên cần phải đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực hoá hơn nữa quá trình học tập của sinh viên, phải tạo ra được cơ chế buộc sinh viên phải tham khảo tài liệu, chủ động nắm bắt nội dung môn học, nhằm hiểu sâu hơn nữa kiến thức. Đồng thời, cần cải tiến phương pháp học tập của sinh viên, bởi hoạt động của giảng viên trên lớp đã bao hàm hoạt động của sinh viên; cũng như vậy, hoạt động học của sinh viên luôn chứa đựng vai trò giảng dạy của giảng viên. Để dự báo năng lực học tập, tự giáo dục của sinh viên, năng lực giảng dạy của giáo viên, từ đó điều chỉnh, cải tiến phương pháp học tập của sinh viên, phương pháp giảng dạy của thầy thì việc kiểm tra, đánh giá là một công cụ hữu hiệu. Việc kiểm tra, đánh giá đối với sinh viên phải kích thức được sự tự kiểm tra và đánh giá của sinh viên về quá trình học tập của mình. Có như vậy, chúng ta mới thực sự biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo. Ngoài mục đích đánh giá về kiến thức của sinh viên, phải đánh giá được kỹ năng của sinh viên, từ đó điều chỉnh việc học của sinh viên, việc dạy của thầy. ở đây, có thể sử dụng thường xuyên hơn nữa các hình thức: Kiểm tra giữa kỳ, bài tập về nhà, viết tiểu luận và thi vấn đáp.

Tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình, giáo trình các môn lý luận chính trị và tăng cường đầu tư cho cơ sở vật chất - kỹ thuật, các trang thiết bị, phương tiện hỗ trợ công tác dạy và học các môn lý luận chính trị: Bên cạnh những mặt tích cực của giáo trình, thì nội dung chương trình, giáo trình các môn LLCT ở ĐHQGHN nói riêng, cũng như của tất cả các trường đại học khác trong cả nước nói chung có phần thiên về các kiến thức khoa học xã hội và nhân văn, nhiều khi nặng về quan điểm chính trị, đôi chỗ còn hạn chế về hàm lượng khoa học. Chính vì vậy, các môn LLCT còn chưa có sức thuyết phục cao đối với những vấn đề do thực tiễn cuộc sống đặt ra. Các nội dung truyền tải đôi khi còn mang tính kinh viện, trích dẫn. Đổi mới nội dung, chương trình các môn học LLCT thời gian tới phải khắc phục được tối đa những hạn chế kể trên.

Một trong những vấn đề quan trọng, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học các môn LLCT ở ĐHQGHN là cơ sở vật chất, các phương tiện hỗ trợ cho quá trình dạy và học. Hiện nay, những điều kiện nêu trên mới chỉ dừng lại ở mức độ đáp ứng được một phần yêu cầu. Do vậy, cần trang bị thêm những phương tiện như: máy vi tính, máy chiếu... ở giảng đường và cho giảng viên, bổ sung các loại giáo trình, sách báo, tài liệu tham khảo trong hệ thống thư viện là vô cùng cần thiết. Đặc biệt là các loại tài liệu tham khảo phải được cập nhật thường xuyên; đảm bảo việc khai thác thông tin từ Internet, Intranet; xây dựng và hoàn thiện hệ thống học liệu điện tử... Tóm lại, để nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập các môn học này, cần phải thực hiện đồng bộ nhiều vấn đề, trong đó xây dựng, kiện toàn đội ngũ giảng viên lý luận chính trị đủ về số lượng, đảm bảo về trình độ, chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ được coi là trọng tâm, cơ bản. Nghiên cứu về thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học các môn LLCT là một vấn đề lớn, khó khăn và phức tạp, đòi hỏi nhiều công sức, trí tuệ tập thể. Đây không chỉ là yêu cầu đặt ra đối với riêng ĐHQGHN, mà là vấn đề cấp thiết trong cả hệ thống các trường đại học ở nước ta. Và vì vậy, để giải quyết vấn đề, cần có sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ giữa nhiều ban, ngành, cơ quan. Trong khuôn khổ hạn hẹp của một bài viết, những vấn đề mà chúng tôi đưa ra mới chỉ là những nghiên cứu bước đầu, với hy vọng sẽ nhận được những đóng góp thiết thực và quý báu của các nhà quản lý, của đội ngũ những người làm công tác LLCT, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học các môn LLCT ở ĐHQGHN, thực hiện tốt mục tiêu đào tạo chung.

 ThS. Nguyễn Thị Mai Hoa (Trung tâm Đào tạo, Bồi dưỡng giảng viên lý luận chính trị ĐHQGHN) - Bản tin ĐHQG Hà Nội - s00s 192, ra tháng 2/2007
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài mới hơn
  • Không có bài nào mới hơn !
Các bài cũ hơn
  • Không có bài nào cũ hơn !
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC