Sinh viên 20:54:40 Ngày 18/04/2024 GMT+7
Điều con chưa nói
Con chưa bao giờ nói rằng con yêu bố. Con chưa bao giờ ôm cổ bố như bao đứa con gái khác. Con cũng chưa bao giờ ngồi kể với bố về tất cả mọi chuyện như con vẫn tâm sự với mẹ… Con và nhiều thứ chưa bao giờ. Nhưng bố biết không? Con yêu bố rất nhiều. Con yêu bố giống như tình yêu thầm lặng mà bố vẫn dành cho chị em con vậy!

Mọi người vẫn thường bảo con là đứa con gái lì lợm. Mà cũng đúng thật bởi con chưa bao giờ thê hiện tình cảm của con đối với ai hết. Con rất yêu và thương bố mẹ nhưng con chưa bao giờ nói cho ai biết về điều đó. Con chỉ hay khóc thầm mỗi lần thương bố mẹ. Trong tâm trí non nớt của con, lúc nào con cũng ước có thể lớn và làm được tất cả mọi việc, cả những việc phi thường để bố mẹ không bao giờ vất vả. Nhưng sau cùng cũng chỉ mình con biết. Con thật lì lợm phải không bố?

Bố ơi! Bố biết không? Con hay có khoảng cách đối với bố- nói đúng hơn là nỗi sợ của những đứa con đối với người cha. Nhưng rồi, một lần, con chợt nhận ra con yêu bố thật nhiều! Ngày ấy con học lớp Tám, bố làm thợ điện. Bố là người rất hiền, ít nói và hay giúp đỡ người khác. Hồi đó, trên tỉnh có yêu cầu tất cả mọi hộ dân đều phải bỏ loại công tơ điện Liên Xô thay bằng công tơ Việt Nam và phải qua kiểm định lại cho chuẩn. Kiểm định xong một thời gian có một số người rất hay kiện tụng đã thắc mắc về số điện quá nhiều. Bố giải thích cho họ nghe về việc đồng hồ do Cục đo lường của tỉnh làm nên rất chính xác nhưng họ không nghe vì nghĩ rằng bố kiểm định và học đòi kiện bố. Bố đã rất buồn. Ngày ấy, cứ mỗi chiều con học xong lại hay ra đầu hiên nhà để hóng mát. Chiều đó, cũng như mọi chiều, học bài xong con ra đầu hiên nhà. Con vừa bước ra gần đầu hè chợt thấy bố đang ngồi đó, yên lặng và thật buồn. Mắt bố nhìn xa xăm. Bố đã ngồi đó từ bao giờ? Giờ này mọi khi bố đang chơi cùng mấy bác hàng xóm nhưng hôm nay bố lại ngồi đây một mình. Và con biết bố đang rất buồn, buồn vì chuyện mà người ta đã gây sự và nghĩ sai về bố. Con vội lùi bước chân lại và nép vào góc tường để bố không nhìn thấy con. Rồi con đứng lặng đó mà nhìn bố. Con nhìn thấy nỗi buồn đọng đầy trong mắt bố. Chưa bao giờ con thấy con thương bố đến vậy. Lúc ấy, trong suy nghĩ ngây thơ của con, con rất căm ghét những con người xấu xa kia bởi con biết bố của con đã làm đúng. Con đã ước mình trở thành một luật sư để có tiếng nói để có thể nói cho những con người kia tỉnh ngộ ra, phải hối hận vì đã làm bố buồn.

Bố biết không? Bố mà hàng ngày con vẫn biết là người đàn ông rất mạnh mẽ, cứng rắn. Con cứ ngỡ rằng bố không bao giờ khóc như mẹ, không bao giờ buồn như mẹ. Và giây phút đó con cũng biết bố của con sống rất nội tâm. Nhưng không vì thế con có cái nhìn khác về bố mà con càng thấy yêu bố hơn. Lúc đó con chỉ muốn chạy ra ôm bố và nói rằng: “ Bố ơi! Bố đừng buồn! Con sẽ không để ai được phép hỗn với bố, làm bố buồn đâu!” Nhưng đứa con gái lì lợm như con đã im lặng vào phòng và khóc.

Rồi con đỗ đại học và xa nhà. Ngày con đi học xa nhà mẹ khóc rất nhiều vì nhớ con. Con là đứa lì lợm vậy mà khi xa bố mẹ con thấy mình yếu đuối và nhớ nhà nhiều đến thế! Con nhớ con đã khóc rất nhiều và con biết dù không khóc nhưng bố cũng rất nhớ con. Nhiều hồm chẳng có chuyện gì quan trọng bố cũng gọi điện cho con hỏi mấy câu cho đỡ nhớ. Mẹ kể cho con rằng bố là đàn ông nhưng khi con đi xa cũng nhớ con lắm, nhắc con suốt và cũng hay ngồi thẫn thờ trong phòng vì nhớ con. Bố ơi! Con thấy hạnh phúc vì con có bố mẹ yêu con và con có một gia đình thân yêu như thế! Ngày hôm qua con đọc câu chuyện về tình yêu thầm kín của một người cha, con đã bị ám ảnh bởi câu chuyện đó và nó đã đánh thức tình yêu của con đối với bố. Con chợt nhớ ra câu chuyện của con mười năm về trước - câu chuyện đã giúp con biết bố của con thật tình cảm, cũng có những phút giây yếu đuối; để con biết được con yêu bố thật nhiều! Và con sẽ không bao giờ để lỡ những cơ hội thể hiện tình yêu với bố mẹ thân yêu của con nữa!

 

 Hương Thu - Bản tin ĐHQG Hà Nội số 238/2010
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC