Sinh viên  Lăng kính sinh viên 16:36:54 Ngày 24/04/2024 GMT+7
Cô gái Việt 20 tuổi đi khắp thế giới với 700 USD
Tình cờ tôi đã gặp cháu gái này khi cùng tham gia đối thoại với thanh niên Hà Nội trong ngày 5-8 vừa qua với sự tổ chức của TEDxYouth@ Hanoi. Cô gái nhỏ nhắn nhưng rất mạnh mẽ này tên là Nguyễn Thị Khánh Huyền, nick name là Huyền Chíp, sinh ngày 19-9-1990. Cô kể về mình như sau: "Mình không phải mẫu con gái bạn sẽ bắt gặp với giày cao gót hay trang điểm đậm đà thường xuyên. Hầu hết thời gian bạn sẽ thấy tôi với áo phông, quần cộc/ quần bò, giầy thể thao/dép lê. Tôi thích trượt ván, leo núi. Tôi cũng đã từng tập quyền Anh 6 tháng. Tất cả những điều đó khiến tôi khỏe mạnh hơn khá nhiều so với một cô gái trung bình. Đây là một lợi thế rất lớn của tôi khi đi du lịch như thế này. Tôi có thể sống sót trong những điều kiện khó khăn, đi bộ hàng giờ liền dưới ánh nắng gay gắt hay đi hàng ngày liền không ngủ. Tôi cũng không bị say tàu xe hay bất cứ cái gì. Tôi bắt đầu sống tự lập từ khi chưa tròn 15 tuổi. Tôi đã đi vòng quanh Việt Nam 2 lần một mình. Các chuyến đi ra nước ngoài của tôi hầu hết cũng là đi một mình. Tôi thực tập một thời gian ngắn ở Singapore năm 18 tuổi và sống ở Malaysia 6 tháng năm 19 tuổi. Tôi thích được ở một mình và hoàn toàn thoải mái khi tự mình làm mọi thứ, nhưng điều đó không có nghĩa là tôi không cần sự giúp đỡ! Tiếng mẹ đẻ của tôi là tiếng Việt, nhưng tôi có thể sử dụng tiếng Anh thành thạo và tiếng Tây Ban Nha ở mức độ giao tiếp. Tôi sẽ học tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Pháp và tiếng Trung trên đường đi. Tôi phải thừa nhận rằng tôi là một con bé cực kỳ may mắn khi có bạn bè ở khắp nơi trên thế giới. Bạn bè của tôi đều cực kỳ tốt bụng và nhiệt tình. Họ là những người đã động viên tôi thực hiện chuyến đi và tôi biết, họ đang nỗ lực hết sức để giúp tôi thực hiện giấc mơ của mình".
Ngoài các chuyến đi lẻ Huyền đã dấn thân vào một chuyến đi vòng quanh thế giới trong gần 2 năm trời từ 13-5-2010 đến 24-4-2012. Khi khởi hành cô mới 20 tuổi. Sau khi mua vé máy bay và một chiếc máy ảnh trong túi chỉ còn đúng 700 USD. Hành trình cụ thể như sau: 13-15/5: Brunei; 15-11/6: Malaysia (bao gồm Miri, Sarawak, Kuching, Kota Kinabalu, Sabah, Kuala Lumpur); 11-12/6: Singapore; 12/6-4/7: Việt Nam, Lào, Campuchia; 4-18/7: Thái Lan; 18-30/7: Myanmar (Yangoon, Mandalay, Bagan); 31/7-15/11: Ấn Độ (Kolkata, Sunderbans, Mumbai, Delhi, Kashmir, Punjab. Agra, Diwali,Varanasi, Gorakhpur); 16-29/11: Nepal (Lumbini, Kathmandu,  Lalitpur,Karkavita); 30/11-21/12: Ấn Độ (Dajeerling, Nagaland, Guwahati,  Assam, Sikkim); 19/3-6/4: Nepal (Holi, Kathmandu); 6/4: Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất (Dubai); 7/4-7/5: Ai Cập   (Alexandria, North Coast, Siwa, Cairo, Luxor, Aswan, Sinai); 7/5-1/8: Israel; 1-5/8: Ai Cập; 5/8-16/9: Ethiopia; 16/9-23/11: Kenya; 23/11-23/1: Tanzania; 23/1-6/2: Malawi; 6-7/2: Tanzania; 7/2- 17/3: Zambia; 17-30/3: Zimbabwe; 30/3-24/4: Mozambique.
Khó có thể kể hết Huyền Chíp đã phải lao động như thế nào để sống và quan sát ngần ấy nước trong gần 2 năm trời. Các bạn có thể tìm thêm qua các trang web của Huyền như http://huyencip.com; http://travel.huyenchip.com...
Tâm sự với các bạn trẻ Thủ đô Huyền Chíp nói: Trước hết, hãy cứ đồng ý với tôi rằng du lịch là một thứ quá tuyệt vời.
Thứ hai, du lịch không chỉ tuyệt vời, mà còn thực sự rất có ích không chỉ với bản thân chúng ta mà còn với cả những người xung quanh. Tôi tin rằng sự hiểu biết lẫn nhau là chìa khoá cho hoà bình, và du lịch cho ta cơ hội trực tiếp để thực sự hiểu thế giới xung quanh chúng ta. Khi chúng ta hiểu nhiều hơn, chúng ta sẽ đánh giá ít đi. Khi chúng ta đánh giá ít đi, chúng ta sẽ sẵn lòng chấp nhận những khác biệt hơn thay vì ghét bỏ hay sợ hãi nó. Chúng ta sẽ không ghét ai đó chỉ vì người đó có một màu da khác, một tôn giáo khác, hay một nền văn hoá khác. Chúng ta sẽ không để những vụ tấn công thực hiện bởi một nhóm người khiến chúng ta quay lưng lại với cả một dân tộc. Chúng ta sẽ nhìn con người như những gì họ thực sự là, chứ không phải những gì truyền thông nghĩ. Ví dụ, khi tôi ở Israel, ai cũng bảo tôi đừng có sang Palestine. “Palestine toàn người xấu. Họ cướp, họ giết.” Và khi tôi ở Palestine, tôi nghe đúng những điều như vậy về Israel. “Tại sao em lại muốn về lại Israel? Ở đó toàn người xấu.” Sự thật là tôi đã gặp những con người tuyệt vời ở cả hai mảnh đất này, và đã có những trải nghiệm quý giá. Nhưng thật khó để giải thích cho những người tôi gặp rằng con người phía bên kia bức tường cũng là người đang cố gắng bám trụ vào cuộc sống. Họ cũng cần đi làm để kiếm sống, họ cũng có gia đình để yêu thương, họ cũng muốn cùng những thứ chúng ta muốn và cũng sợ cùng những thứ chúng ta sợ.
Tôi đã nhận ra rằng du lịch là một cơ hội tuyệt vời để học hỏi. Trong 2 năm đi du lịch, tôi đã học được nhiều thứ quan trọng không thua kém gì 12 năm trên ghế nhà trường. Khi đi, tôi học được về lịch sử, về địa lý, về chính trị, về kinh doanh và về tất cả mọi thứ còn lại. Tôi đã được sử dụng những trang web và dịch vụ vô cùng sáng tạo ở Ấn Độ, những công nghệ tối tân ở Israel. Tôi học về làm phim khi ở cùng một nhà làm phim tài năng ở Ấn Độ, theo đuôi một nữ diễn viên đến khắp các phim trường ở Bollywood, giao du với một nhóm đang đi khắp thế giới làm phim về sữa lạc đà. Tôi học về đỏ đen khi nhìn bạn tôi kiếm sống bằng chơi poker ở Nepal, khi làm việc trong một sòng bạc ở Tanzania. Tôi học về đạo Phật trong văn hoá Tây Tạng khi ở cùng một gia đình Tây Tạng, khi gặp Đại La Lạt Ma. Tôi đã học chèo thuyền, học leo núi, học nấu những món ăn từ các quốc gia khác nhau, học cách làm đồ trang sức từ vật liệu tái chế. Nhờ đi, tôi phát hiện ra những điều thú vị mà chưa bao giờ tôi nghĩ đến.
Quyết định đi là quyết định đúng đắn nhất tôi đã làm trong cuộc đời mình, bởi đi thực sự giúp tôi trưởng thành. “Đi” đặt tôi vào những hoàn cảnh khác nhau để tôi có thể hiểu con người thực sự của mình. “Đi” dạy tôi sống độc lập, sống thoải mái, rèn luyện khả năng thích nghi và sức chịu đựng. Khi đi, tôi có cơ hội tiếp xúc với những con người phi thường mà tôi sẽ không bao giờ có cơ hội gặp nếu chỉ ở một chỗ: những người đã dạy tôi, những người đã truyền cảm hứng cho tôi, những người đã trở thành bạn thân nhất của tôi và cả những người đã làm tim tôi đập loạn nhịp.
Khó khăn lớn nhất đối với cô là tấm hộ chiếu Việt Nam không bình đẳng với hộ chiếu của nhiều nước phát triển. Vì vậy trừ nhiều nước có thể xin visa ngay tại biên giới, còn ở nhiều nước việc xin visa ở các sứ quán của họ thường rất khó khăn và tốn nhiều thời gian. Chính vì vậy hiện nay Huyền Chíp đang phấn đấu thành lập một Tổ chức lấy tên là Traveling is an Equal Opportunity Foundation (TEOF) để giúp mọi người thực hiện ước mơ khám phá thế giới của mình. TEOF sẽ Vận động thực hiện mục tiêu “Du lịch là một cơ hội bình đẳng”: Kêu gọi Bộ ngoại giao của các quốc gia miễn visa hoặc nới lỏng quy trình visa cho thành viên tổ chức TEOF; Tài trợ visa; Giúp đỡ về mặt tài chính (giới hạn). TEOF sẽ hoạt động với các chapter tại từng địa phương ở khắp nơi trên thế giới. Các chapter này sẽ đảm bảo những thành viên TEOF đang du lịch tại địa phương họ không làm việc gì bất hợp pháp. TEOF trợ giúp và tư vấn cho thành viên, thành viên sẽ phải tự lo về mặt an toàn và tài chính. Mong Huyền sẽ thành công cho ý định lớn lao này để nhiều thanh niên các nước đang phát triển như nước ta có điều kiện "du lịch ba lô" khắp thế giới như Huyền.

 

 GS.NGND Nguyễn Lân Dũng
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC