Sinh viên  Giảng đường - Cuộc sống 04:21:49 Ngày 20/04/2024 GMT+7
Niềm riêng ở trọ
“Tim em ở trọ là tôi
Mai kia về chốn xa xôi cũng gần”
(Trịnh Công Sơn)
Ở khu phố này, không ai biết tôi làm nghề gì, từ đâu chuyển tới. Những bóng người sớm tối túm tụm ở quán nước đầu ngõ chỉ biết bình phẩm về mặt mũi, áo quần mỗi lúc tôi đi ngang qua.
Không một ai biết, tôi đã mang theo cả kho kỉ niệm tuổi thơ cùng bao hoài bão son trẻ cất giấu vào căn phòng trọ cỏn con. Nơi đây, quanh năm ngày tháng cứ âm u thế, kí ức dù đắng cay hay ngọt ngào cũng chẳng bao giờ hao hụt. Tôi mang theo nỗi nhớ gửi đến lưng chừng ban công bên cạnh từng mầm cây xíu xiu vút lên đầy mơ mộng. Phông nền cho tất cả niềm vui, nỗi buồn là bức tường loang lổ quanh năm hết xanh lại ngả sang vàng. Các căn phòng ở đây khá giống nhau. Cánh cửa nâu xỉn, màu sơn tường xanh lạnh và những chậu cây nhỏ đặt ngay ngắn dọc hành lang. Đêm đêm, trong ánh điện mờ mờ của bóng đèn xưa cũ, hàng xóm vẫn có thể nhận ra nhau trong từng tiếng bước chân. Mọi thứ yên ắng, cũ kĩ đến mức, dường như bước chân run rẩy, lạ lẫm của tôi đã làm khuấy đảo tất cả sự quen thuộc của những mặt người, giọng nói, nếp sống nơi này.
Có lẽ, chỉ mình tôi biết, tôi đã gieo mầm kí ức miền quê vào lòng đô thị thế nào. Như những người hàng xóm sau buổi tan tầm lại miệt mài chăm tưới châu hoa, cây cảnh. Hà Nội trong mắt tôi, cách đây hai mươi năm, khi tôi còn là con bé lên ba lấm lem, bỡ ngỡ bước lên từ đồng ruộng là một Hà Nội của xích lô đậu ở bến xe thay vì xe ôm, xe bus, taxi; các thiếu nữ phương Tây ba lô quần soóc tung tăng vừa ăn kem vừa dạo phố; Hà Nội của cột cờ cao ngất, từng tốp nam nữ thỏa sức nô đùa, ôm hôn, thả vào không gian những tràng cười trong vắt.
Hà Nội của hai mươi năm sau là xứ sở của bụi bặm, cao ốc, tắc đường và… ở trọ. Khi rời khỏi quê hương mới biết thế nào là đời sống ở trọ phố phường. Là đôi khi phải nín thinh, nuốt ngược giọng nói của mình vào thẳm sâu để nở một nụ cười gượng gạo; là đôi khi nên học cách lãng quên thật nhanh những gì mất mát; là đôi khi lấy nỗi buồn để an ủi những cơn vui quá độ; là đôi khi người dưng nước lã phải neo bám lấy nhau mà sống qua ngày…
Ở thành phố này, tôi nhận ra tôi giống với quá nhiều người. Phương châm ở phố thị là chỉ có khách thiếu nhà trọ chứ không có chuyện nhà trọ vắng khách. Tâm tính đổi thay lắm khi cũng chỉ vì mỗi căn phòng trọ. Lần lượt dọn đến, chuyển đi, rồi lại có những người khác chen chân vào. Rồi lại xích mích, cãi cọ, gói ghém đồ đạc, chuyển đi. Những lúc ấy, thứ cảm xúc cô độc và ủy mị lại ngấm ngầm trỗi dậy, bủa vây những khát khao. Khát khao mồ hôi nước mắt cho miếng cơm manh áo, khát khao máu xương thời tấc đất tấc vàng. Khi ấy lại thầm hờn trách rất trẻ con, những cô cậu học trò tỉnh lẻ đi ở trọ trong văn Thạch Lam sao mà mộng mơ thế, đẹp đẽ đến thế. Văn chương thuở ấy mê dụ dỗ biết bao đứa trẻ quê mùa.
Khu phố này đã mang lại sự bình yên cho tôi, khi tôi nhận thức rõ sự khác biệt giữa người bản xứ và người ở trọ. Và bây giờ, tôi ngồi lại đây, đối thoại với không gian bằng chính giọng nói của mình. Cái giọng nói quê mùa đôi khi vẫn phải nuốt ngược vào trong để đổi lấy những nụ cười thiên hạ. Giữa những ngày mùa xuân mưa bụi gối lên nhau mê mải, bao trăn trở lại lan man, trôi nổi tựa những kiếp phù du phiêu dạt giữa phố phường.
 Đoàn Lữ - Bản tin số 265 – VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC