Sinh viên  Blog' SV 03:21:44 Ngày 19/04/2024 GMT+7
Một lần đi tác nghiệp
Sau 2 năm học Khoa Báo chí & Truyền thông, Trường ĐHKHXH&NV tôi quyết tâm làm theo lời dạy của thầy, cô trong trường là muốn học báo phải lao ra ngoài đường mà học, đó mới là giảng đường lớn để cho sinh viên báo chí học.

Tôi xin làm CTV cho tuần báo SVVN. Sau một số bài được đăng nhưng chưa có tiếng nói hay nói đúng hơn đó chỉ là những bài viết những vấn đề vụn vặt chứ có sự vượt trội nên khi được “sếp” động viên tôi quyết định làm một vụ cho ra ngô ra khoai. Vốn sẵn có mối quan hệ với ông thầy dạy của cậu em trai, hơn nữa nhà tôi lại đang có ý định “xin” cho cậu em trai vào một trường đại học nên tôi biết được đường dây chạy trường đại học của ông thầy. Cùng với ông thầy này còn có một đường dây khác nữa nên tôi bắt xe đò hàng trăm km về Quảng Ninh để lấy cho được bản giá chạy trường của đường dây này. Tôi được mấy tay anh chị ở đây đưa đi những nơi mà cả đời làm báo của tôi cũng không đủ tiền vào. Họ tưởng tôi là một “con mồi ngon” vì có em trai muốn chạy trường nên tôi biết đến sàn nhảy, đến hải sản và được đi thuyền ra thăm vịnh... tôi tự thán phục mình sao mình có thể diễn kịch giỏi như vậy trước những tay lừa đảo này.

Về Hà Nội, tôi gọi điện cho ông thầy của em trai tôi và trao đổi giá cả. Trong cuộc trao đổi đó ông thầy cũng không ngần ngại mà nói ra tên những vị có máu mặt ở ngôi trường nọ mà ông ta đang hợp tác. Sau khi bài báo của tôi được đăng, mấy ô tô chở những vị lãnh đạo của trường đại học được tôi nhắc tên đã kéo đến vây kín toà soạn làm cho toà soạn một phen rối bời. Tôi được “sếp” động viên làm tiếp một bài nữa với những thông tin chi tiết hơn, cụ thể hơn về cách thức chạy trường. Tôi hăng hái lên đường đi làm nhiệm vụ, nhưng vốn nghe danh về những vụ các anh chị làm báo khoá trước đã từng bị những “sinh viên đầu gấu” của trường hỏi tội, truy tìm gốc tích nên tôi cũng đề phòng trước mọi tình huống. Tôi nhờ một anh bạn làm ở Bộ Công an đi cùng theo đúng nghĩa trước là để bảo vệ, còn sau là để có dịp tìm hiểu để củng cố thêm tình bạn đồng hương. Mặc dù đã lên kế hoạch cho chuyến đi một cách cẩn thận nhưng đêm hôm trước tôi vẫn mất ngủ. Sáng hôm sau, tôi dậy từ rất sớm để chuẩn bị cho khâu trang điểm thực hiện kế hoạch dùng “mỹ nhân kế” của mình. Tôi trát lên mặt mình tất cả là 4 lớp từ kem dưỡng da, kem chống nắng, phấn trang điểm, phấn má hồng, rồi lại kẻ mắt, kẻ môi, tỉa lông mày... nó tiêu tốn của tôi tới hơn 2 tiếng đồng hồ. Tới khâu chọn trang phục cũng làm tôi và mấy “gia sư” cùng phòng mất không dưới 30 phút, đứa thì bảo mặc váy, đứa thì mặc quần bò, rồi áo kia hơi trễ, áo này cổ cao quá, màu áo này không hợp… Tôi để hết tất cả những vật dụng như chứng minh thư, thẻ sinh viên, giấy tờ xe... ở nhà, trong túi chỉ mang theo một quyển sổ, một máy ảnh và hai cái máy ghi âm để tránh trường hợp máy trục trặc.

Ngồi sau xe gần 2 giờ đồng hồ tôi mới tới được địa điểm cần tới. Theo kinh nghiệm, tôi ghé vào quán nước trà đá ở cổng trường để hỏi han về tình hình của trường sau vụ việc báo đăng vừa qua và cũng là để chỉnh trang lại nhan sắc. Khi tôi lấy giấy ăn ra lau mồ hôi thì “thôi rồi Lượm ơi!”, lau tới đâu phấn với bụi bám theo khăn ra hết. Nhìn mặt mình mà tôi chỉ muốn độn thổ vì xấu hổ với anh bạn và cũng là vì tôi không mang theo đồ trang điểm để trang điểm thực hiện kế hoạch của mình. Tôi đắn đo và rất mất tự tin với khuôn mặt nhem nhuốc phấn son của mình, lẽ nào cất công đi mấy chục cây số, mất bao thời gian, công sức lại bỏ cuộc. Theo kế hoạch, anh công an bảo vệ tôi sẽ đứng ngoài cổng đợi, sau 2 tiếng mà không thấy tôi ra thì sẽ vào tìm tôi. Tôi cúi mặt đi tìm nhà vệ sinh để rửa cái mặt mất mấy tiếng trang điểm của mình và làm nhiệm vụ. Tôi bắt quen với một anh chàng và nhờ anh chàng tìm cho tôi một anh bạn tên là T quê ỏ H.Y học ngành V ở trường này. Với nhiều những lí do và trông cái mặt có vẻ buồn khổ vì không tìm được bạn của tôi khiến anh chàng động lòng nghĩa hiệp đưa tôi lên tất cả các phòng ký túc xá nam để tìm anh bạn mà theo như tôi tả. Thực tình thì tôi cũng chỉ biết qua loa về anh bạn tên T này vì có đôi lần được nghe kể nên tôi diễn rất tự nhiên. Cuối cùng tôi cũng “an tọa” tại một phòng mà tôi cần tiếp cận để tìm hiểu các thông tin, trong vai một sinh viên Khoa Lịch sử đi tìm bạn T quê H.Y để hỏi cậu ta về tình hình cậu em trai tôi năm nay thi vào trường nên theo hình thức thi cử như thế nào, nhưng vì không gặp T nên hỏi các bạn cùng học với cậu ta cũng được. Tôi vào vai một bà chị rất tuyệt vời chăm lo cho việc học tập của cậu em trai, tôi càng hỏi kỹ càng về những thông tin cần biết cho bài báo bao nhiêu thì các “con mồi” của tôi lại càng khâm phục bà chị bấy nhiêu bởi theo như họ thì rất hiếm có một người chị nào cất công mấy chục cây số đến tận trường nơi em trai định thi để hỏi kỹ những thông tin về thầy cô, cách thức thi cử như vậy nên có bao nhiêu thông tin họ “dốc ra” cung cấp cho tôi bằng hết.

Sau khi tính bài chuồn vì công việc của mình thấy đã thành công ngoài mong đợi, tôi hí hửng gọi điện khoe với “sếp” về chiến công. Tới Hà Nội vừa mệt, vừa đói nhưng vì vui sướng khi đã làm xong công việc một cách nhanh chóng tôi ngồi vào bàn viết một mạch quên cả ăn tối. Tôi rất vui khoe với anh chàng công an vì chiến tích viết xong bài của mình và theo như “sếp” nói thì thứ tư bài này sẽ được đăng. Tôi thấp thỏm chờ đợi để xem thành quả của mình và cũng là để xem trường đại học đó họ sẽ phản ứng thế nào khi tôi có thêm những bằng chứng về việc làm sai trái của họ. Tôi tưởng tượng ra cảnh bài của mình sẽ được đăng với cái tít to nhất, nổi bật nhất trang báo ngày mai. Tôi tự hào với chiến tích rất đáng khâm phục của mình, và sẽ đem tặng cho anh bạn công an của tôi bài báo đó gọi là trả công.

Thứ tư, tôi bật dậy từ lúc 6 giờ sáng vội vàng chạy ra sạp báo mà chưa kịp đánh răng để xem sản phẩm của mình thì chẳng thấy tăm hơi đâu. Tôi lững thững đi về mà quên không mua mở hàng cho cô hàng báo một số làm cho cô vừa dọn hàng vừa lẩm bẩm chửi. Lên toà soạn tôi mới được “sếp” cho hay rằng bài đã được lên trang nhưng một nhóm khác nữa cũng đi làm với tôi ở bài này bị mất file ghi âm nên công sức của “sếp” lẫn cả nhóm bị vứt vào sọt rác mà thấy đau xót. Từ đó tôi cũng rút ra được một bài học cho nghề báo của mình đó là sự cẩn thận, thận trọng trong từng chi tiết bài vở nhỏ nhất cũng như đối với cả những phương tiện của mình để không xảy ra những tình huống đáng tiếc xảy ra làm mất đi thành quả lao động không những của bản thân mình mà của cả tập thể.

 Ngọc Phúc - Bản tin ĐHQG Hà Nội, số 209 - 2008
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC