Sinh viên  Nhịp cầu bè bạn 17:20:59 Ngày 23/04/2024 GMT+7
Chúng tôi học làm báo
"Làm báo là tự học”. Chúng ta không thể thụ động. Các thầy, cô giáo chỉ cho chúng ta cái cần câu thôi, còn câu như thế nào và cách câu ra sao, tiếp cận đề tài theo hướng nào... phụ thuộc vào mỗi chúng ta - những cử nhân Báo chí tương lai...

Xin được dẫn lời TS.Nguyễn Thị Minh Thái trong chuyến thực tập dọc miền Trung vừa rồi của chúng tôi: “Các anh các chị hãy gạt ngay ra khỏi đầu mình hai chữ du lịch, chúng ta đang đi làm báo”. Những môn đại cương, những giờ lý luận, những kiến thức nền tảng... là những điều kiện cần mà mỗi sinh viên năm thứ hai, thứ ba báo chí đều phải trang bị vững vàng. Bước sang năm thứ ba chúng tôi được “ném” vào thực tế, được lăn xả vào đời sống, được viết và ứng dụng các kiến thức đã học. Đấy là điều kiện đủ để sinh viên Báo chí đủ tự tin với tấm bằng cử nhân, với tập hồ sơ dày cộm bài viết khi đi xin việc.

Là những sinh viên Báo chí, ngay từ những ngày đầu bước vào giảng đường đại học, mỗi chúng tôi mang trong mình khát vọng học báo và sẽ làm báo. Chính vì vậy, gần hai năm học đại cương với đủ môn “xương xẩu” như Tâm lý học, Xã hội học, Logic học, Triết học... đã làm không ít người chán nản. Thầy Trần Quang - giảng viên bộ môn Thể loại Chính luận trong một lần đối thoại với sinh viên năm thứ nhất đã nói: “Tôi biết các anh các chị đang vỡ mộng. Mọi người đang băn khoăn có phải mình đang học báo không? Đang chờ đợi những kỹ năng làm báo, những chuyến thực tế lý thú... Nhưng các anh chị đừng nóng vội, hãy chuẩn bị cho mình cái gốc, cái nền có giá trị thực sự đã...".

Sinh viên báo chí cần được tạo diều kiện "thâm nhập" vào các sự kiện. Ảnh: Bùi Tuấn

Vào chuyên ngành, kiểu "đến hẹn lại lên", một vài cây bút của lớp bắt đầu thử nghiệm khắp các báo trung ương và địa phương. Hàng loạt tờ báo với đủ đối tượng độc giả, đủ lĩnh vực trở thành mảnh đất màu mỡ cho chúng tôi tập sự. Một số theo báo hình thì sớm tối lăn lộn, bám theo thầy, cộng tác viên cho các chương trình truyền hình... Họ lao vào "guồng quay", nhập cuộc... như những người làm báo thực sự. Riêng với báo viết (mà phần đa sinh viên của lớp theo) lại đang tồn tại hai thái cực đối lập nhau. Một số thành viên năng động, nhạy bén bắt kịp tác phong và có khả năng “ngửi nghề” tốt đang ngày càng vững vàng hơn. Văn Huyền, Minh Hương có "duyên kỳ ngộ" với báo Sinh viên; Vũ Thược với báo Giáo dục thời đại, Thể thao văn hoá; Minh Tiến với báo Tiền phong, Thanh niên... Một số người nhấm nháy: "Họ là những triệu phú của K47 đấy". Bên cạnh đấy, rất nhiều những sinh viên khác lại hầu như "chưa có khả năng". Có thể, họ là những con mọt sách học rất "tanh tưởi", hoặc những "thường thường bậc trung"... họ cũng bất lực với chính mình. Họ cũng viết, cũng thử nghiệm, cũng đọc, cũng học viết... thế nhưng... chưa một tờ báo nào chấp nhận những "đứa con tinh thần" của họ. Theo TS. Nguyễn Thị Minh Thái - giảng viên Khoa Báo ĐHKHXH&NV: "Tôi không dạy làm báo. Tôi chỉ truyền nghề thôi. Làm báo là một quá trình tự học, tự tích luỹ...".

Những môn chuyên ngành: thể loại thông tấn, thể loại chính luận, ngôn ngữ báo chí... lần lượt được tiếp cận. Giảng viên không ngừng đổi mới, kiếm tìm phương pháp truyền thụ. Sinh viên học, đọc và thậm chí còn trăn trở, nghi ngờ khả năng của chính mình. Thầy Trần Quang là một trong những nhà giáo tâm huyết, có trách nhiệm với sinh viên trong việc nghiên cứu khoa học, dạy lý luận và thực hành. Nhìn thực tế của lớp, thầy cùng một số giảng viên khác quyết định "truyền nghề" bằng phương pháp mới, từng bước lôi kéo mọi thành viên vào việc viết, vào quy trình sản xuất ra một tờ báo. Lớp đông, thầy phân tổ, tạo thành 6 toà soạn riêng biệt, cạnh tranh nhau, mỗi tuần phải ra 6 số báo khác nhau ở 6 tổ. Chúng tôi tận dụng tối đa các thiết bị của khoa như máy in, phòng vi tính, máy ảnh... cùng chuyên ngành của các giảng viên trẻ như cô Việt Hà, thầy Anh Đức. Các lớp học maket cấp tốc ra đời, những cuộc tranh luận tìm tên báo diễn ra sôi nổi. Mỗi tờ báo có một "tổng biên tập" chịu trách nhiệm thu bài, duyệt bài, hội ý nhóm. Với hơn 10 người, mỗi "toà soạn" phải phân công mỗi cá nhân phụ trách mỗi mảng kinh tế, văn hoá đến thể thao, giải trí... Sau đó là biên tập, làm các công đoạn maket, in ấn và phát hành nội bộ. Mỗi tuần chúng tôi có một buổi thảo luận trên lớp cùng thầy Quang và ban cố vấn. Mỗi tổ thuyết trình về tờ báo của mình và các tổ khác đánh giá, nhận xét trên cơ sở cùng thảo luận, cùng góp ý cho nhau. Và thầy giáo, ban cố vấn đưa ra ý kiến cuối cùng để đánh giá, tổng kết về những ưu khuyết của tờ báo đấy. Với các tờ “Giờ cao điểm”, “Tiến bước”, “Khởi nghiệp”, “Người lính”... chúng tôi mổ xẻ, soi vào lý luận để nhận biết bản chất từng thể loại. Chúng tôi biết thế nào là một bài phản ánh, bài phỏng vấn, cách bố trí một cột tin hiện đại ra sao; làm măng set như thế nào? Đổ khung ra sao? Lúc nào thì sử dụng filê kiểu nào? Tít báo, sapô... đã níu mắt độc giả chưa? Viết phần khởi ra làm sao... Sau đó, mỗi người sẽ có một phiếu đánh giá các tờ báo đấy, ban cố vấn tổng hợp và đưa ra thang bậc khác nhau, các thành viên sẽ trao đổi học tập kinh nghiệm, bổ khuyết cho nhau. Đấy là điều thành công nhất mà chúng chúng tôi rút ra từ phương pháp dạy học - truyền nghề mà các thầy cô đưa ra. Nó bắt buộc tất cả mọi người phải tham gia, phải có trách nhiệm với bài báo và tờ báo của mình. Ai cũng chuyên về một lĩnh vực nhưng nếu cần cũng phải biết thực hiện căn bản về trình bày, bố cục, về maket cũng như các yếu tố cơ bản, cần và đủ để cho ra một tờ báo... Mặt khác, chúng tôi có những buổi học mang tính chất đối thoại với những người làm báo. Các thầy luôn mời những nhà báo tên tuổi có kinh nghiệm tới lớp trao đổi, trò chuyện. Những pha tác nghiệp từ nhiếp ảnh gia Hoài Linh, cách lấy tin và đưa tin giáo dục từ Thanh Hà - phóng viên báo Tuổi trẻ, hay những băn khoăn ở bộ môn Truyền hình được TS. Đinh Thuý Hằng (giảng viên Truyền hình của Phân viện BC&TT, cựu biên tập viên chương trình thời sự Đài THVN)... từng bước gỡ rối. Thậm chí, cả những chuyện hậu kỳ trường quay, những “tai nạn nghề nghiệp” được chị Thu Thuỷ dẫn chương trình "ở nhà chủ nhật" sẻ chia... Tất cả những điều đó dù ít hay nhiều đã mang đến cho chúng tôi những hình dung sơ đẳng nhất về nghề báo, những công việc chúng tôi sẽ làm, các phương pháp chúng tôi sẽ áp dụng và cả những dụng và cả những tình huống để sau này xử lý một cách linh hoạt hơn nữa...

Một đầu không thể thiếu được xem là quan trọng hàng đầu với sinh viên báo chí là việc thực tế, được “lăn xả” vào đời sống để thể hiện mình và kiểm nghiệm tính hiệu quả từ các phương pháp học trong nhà trường. Chúng tôi tự hào khi chỉ Khoa Báo chí trường ĐHKHXH&NV đã làm được là tính thường xuyên của việc cho sinh viên đi thực tế. Hầu như, đã sinh viên Báo chí chúng tôi không có khái niệm nghỉ hè. Từ cuối năm thứ nhất, chúng tôi đã bắt đầu đi kiến tập. Chủ trương của Ban chủ nhiệm là gắn kết việc đào tạo ở Khoa với các cơ quan báo chí địa phương. Mỗi kỳ nghỉ hè, Khoa sẽ giới thiệu sinh viên về các địa phương kiến tập, làm quen dần, bước đầu ý thức được và hình dung thực tế nhất về mô hình tổ chức và hoạt động của tòa soạn. Từ đó, họ có thể nắm bắt được công tác phát hành, vai trò và hoạt động của ban trị sự, của các phóng viên cũng như mối quan hệ giữa tòa soạn với cơ quan chủ quản. Chính điều này tạo hiệu quả rất lớn để lúc vào năm học mới, tiếp cận vào một số môn học như: tổ chức và hoạt động tòa soạn, thể loại thông tấn, công tác biên tập... Với thực tế đã chứng kiến tại nhiều địa phương trên cả nước cùng sự phát triển khác nhau trong phong cách và nghệ thuật làm báo... mọi người sẽ cùng giảng viên tranh luận, lý giải và so sánh với những "chuẩn mực" trong giáo trình, thầy và trò đều được bổ khuyến và học hỏi. Điều này thể hiện rõ nhất tính hiệu quả, sự phản hồi, trao đổi đa chiều của sinh viên - người tiếp nhận và các giảng viên.

Từ năm thứ ba, đấy là lúc những cử nhân Báo chí tương lai bắt đầu thâm nhập thực tế, khởi hành những chuyến đi để nắm bắt đề tài, thu thập thông tin và xây dựng tác phẩm. Từ K45, đã có nhiều chuyến đi thực chất hơn, có tính chất tập thể, quy mô và được đầu tư đầy đủ hơn về kinh phí, về các địa điểm đến và các mối quan hệ. Tháng 4 vừa rồi, chúng tôi, 75 sinh viên K47 Báo chí, dưới sự điều hành của trưởng đoàn Nguyễn Thị Minh Thái đã làm một cuộc hành trình tới di sản miền Trung (từ Quảng Trị đến Quảng Nam). Có thể nói, bằng sự năng động, nhiệt tình và mối quan hệ rộng rãi của TS. Minh Thái với giới văn hóa và báo chí, chúng tôi đã có một chuyến đi đầy ý nghĩa, thực sự đúng nghĩa “học làm báo”. Đoàn giao lưu với Khoa Ngữ văn - Báo chí, ĐHKH Huế, tiếp cận với các vấn đề nóng tại miền Trung như đồi Vọng Cảnh, nạn cơm tù thông qua việc gặp gỡ với cơ quan thường trú báo Tuổi trẻ, Lao động tại miền Trung. Đồng thời, mỗi người được thoải mái trao đổi, học hỏi han về những kinh nghiệm tác nghiệp, về tổ chức và trình bày tờ báo với toà soạn báo Đà Nẵng, báo Thanh niên (thường trú tại miền Trung) cũng như được tiếp cận với việc thu thanh, phát thanh của Đài tiếng nói Việt Nam tại Đà Nẵng. Đặc biệt, đến với Hội An chúng tôi đến từng góc phố, từng nhà cổ, hội quán... để tìm hiểu, cảm nhận và thu thập theo đề tài tự do. Chúng tôi được tọa đàm với chú Nguyễn Sự - nguyên Chủ tịch thị xã Hội An 10 năm, là Chủ tịch Hội đồng nhân dân thị xã Hội An và là anh hùng lao động, người nhận được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế nhờ sự tâm huyết và những việc làm trong quá trình bảo tồn và phát triển phố thị cổ Hội An - di sản văn hoá thế giới...

Sau gần hai tuần thực tế, bằng nhiều hướng tiếp cận, nhiều cách nhìn và nhiều thể loại khác nhau, những thành quả của chúng tôi đã xuất hiện đầy trên các tờ báo: Những bài phỏng vấn trao đổi với chú Nguyễn Sự trên báo Giáo dục thời đại, báo Du lịch, những bài nêu ý kiến trên báo Tuổi trẻ, những bài viết về ca Huế trên sông Hương, bút ký, ghi chép... Đặc biệt tập san "Di sản” ra đúng vào ngày 21/6, làm quà tặng nhân dịp kỷ niệm 15 năm Khoa Báo chí - ĐHKHXH&NV.

Và lúc này, trong thời gian nóng nực của tháng 6, những sinh viên Báo chí, chúng tôi cũng đang bước vào mùa thi với những đêm dài thức trắng. Để sau đó, không phải là "xả hơi" mà bước sang một thời gian mới có độ chín chắn và vững vàng hơn khi thực tập tại các nhà soạn. Chúng tôi không thấy mệt mỏi mà ngược lại như thấy năng động hơn, không hổ thẹn với danh hiệu những sinh viên thế hệ 8x, thế hệ @...

Nhân đọc bài "Những bất ổn trong đào tạo cử nhân báo chí" (Người làm báo - 12/2004) cũng của một thành viên trong lớp nói về phương pháp dạy và học, những trăn trở của bạn về các cử nhân Báo chí tương lai... Chúng tôi vẫn nhìn vào thực trạng, vào những bất cập..., nhưng mặt khác, chúng tôi nhìn vào bản chất của vấn đề, vào những cái mà chính chúng tôi đã học được, đã tích luỹ “gạn đục khơi trong” trong mỗi môn học, mỗi phương pháp truyền đạt. Cái cốt yếu vẫn là chúng ta tiếp thu như thế nào và đón nhận vấn đề theo chiều hướng nào. Trở lại ý kiến của TS. Nguyễn Thị Minh Thái "làm báo là tự học". Chúng ta không thể thụ động ngồi chờ. Các thầy, cô giáo chỉ cho chúng ta cái cần câu thôi, còn câu như thế nào và cách câu ra sao, tiếp cận đề tài theo hướng nào... phụ thuộc vào mỗi chúng ta - những cử nhân Báo chí tương lai.

 Nguyễn Thuận Huế - Bản tin ĐHQG Hà Nội- số 172, tháng 6/2005
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC