Sinh viên  Nhịp cầu bè bạn 00:11:42 Ngày 26/04/2024 GMT+7
Sinh viên học các ngành xã hội ít nam tính?
Cách đây khoảng 3, 4 năm, có một chủ đề được các bạn trẻ nói đến rất nhiều trong các cuộc bàn luận: sinh viên học các ngành thuộc khối khoa học xã hội ít nam tính, giống con gái, ẻo lả, yếu ớt, hiền lành quá mức, nên "mặc quần lụa"… là những từ được không ít bạn trẻ dành để nói về các bạn nam sinh viên học khối C, khối khoa học xã hội.

Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của các bạn nam sinh viên các trường khối khoa học xã hội. Vậy đâu là sự thật?

Một sinh viên Trường ĐH Luật đã trở thành con người tự ti, mặc cảm khi không thể chịu nổi sức ép của dư luận. Anh bắt đầu ngại giao tiếp với mọi người, ra ngoài không dám nhận mình là sinh viên Trường ĐH Luật…, rồi tệ hại nhất là đã có ý định bỏ học.

Vậy ai là "chủ nhân" của những nhận xét "chết người" ấy? Một nữ sinh Trường ĐHKHXH&NV đã nói: "Sinh viên nam trường này có tới hai nhiễm sắc thể X" (nghĩa là cặp nhiễm sắc thể thứ 23 không phải là XY mà là XXY)?! "Sinh viên nam khối khoa học xã hội hiếm thì hiếm thật nhưng không quý. Trông chẳng đàn ông tí nào cả!"

Còn những "người trong cuộc" khác? Đã có những cuộc trao đổi rất thẳng thắn về vấn đề này trong các dịp sinh hoạt Đoàn, giao lưu, văn nghệ… Có ý kiến nữ đồng tình, có ý kiến nữ phản đối quan điểm cho rằng sinh viên nam khối khoa học xã hội ít nam tính. Lại cũng có bạn nam tự nhận mình là "khác" so với nam sinh viên các trường khác.

Vậy đâu là sự thật? Về mặt sinh học, họ hoàn toàn bình thường: có đầy đủ lượng hóc môn giới tính nam testosteron như những người đàn ông khác, có đủ các đặc điểm ngoại hình tạo nên sự khác biệt về giới, có khả năng lấy vợ, sinh con… Sự nghiệp, công danh vẫn bình thường.

"Nghề dạy tính" - một nữ sinh viên Khoa Báo chí Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG TP.HCM đã nói. Đó cũng là điều chúng tôi muốn nói với các bạn. Do phải học ở môi trường có rất nhiều con gái (sinh viên nữ thường chiếm khoảng 60 - 70% tổng số sinh viên các trường khối khoa học xã hội) nên lời ăn tiếng nói, tác phong của con trai các trường này cũng thường phải nhẹ nhàng, tế nhị… để phù hợp với con gái. "Thói quen trở thành hành vi", nhẹ nhàng, tế nhị với con gái nhiều dần trở thành "bản chất", "bản tính".

Ngay cả việc học môn thể dục tại các trường này cũng góp phần hình thành nên mẫu con trai khối khoa học xã hội. Giáo trình được soạn để phù hợp đặc thù nhiều con gái: các bài tập nhẹ nhàng, đơn giản, các môn đòi hỏi sử dụng thể lực ít, cường độ vận động thấp… Vậy thì làm gì có cơ hội để cá bạn nam rèn luyện một thân hình… như kiểu lực sĩ?

Cũng có thể có cách giải thích khác. Kiểu hình thần kinh quy định chiều hướng hoạt động của con người. Người có kiểu hình thần kinh nghệ sĩ sẽ có thiên hướng hoạt động (trước đó là học tập) trong lĩnh vực hội họa, âm nhạc, văn chương. Khối C và D có môn Văn, các trường khối khoa học xã hội thường thi khối C hoặc D. Để học tốt môn Văn, thường phải có tâm hồn nghệ sĩ, giàu tưởng tượng, bay bổng… Tâm hồn nghệ sĩ, phong cách nghệ sĩ là nhẹ nhàng, không khô như gỗ, nặng như đá…

Quan niệm - đó chính là vấn đề. Rất nhiều người đã đánh đồng quan niệm về vấn đề với bản chất của vấn đề, trong khi đó là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau. Quan niệm về nam tính của con trai học khối khoa học xã hội không liên quan gì đến bản chất vốn có của họ. Nam tính ít hay nhiều là tuỳ theo phong cách của mỗi người và tuỳ theo cách nhìn nhận của mỗi người đánh giá. Bạn có đồng ý như vậy không?

 Minh Hoàng - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 175, tháng 9/2005
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 388 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC