Sinh viên  Nhịp cầu bè bạn 17:27:43 Ngày 19/04/2024 GMT+7
Khát vọng khẳng định mình
Họ, những người trong bài viết này đang còn rất trẻ, còn ngồi trên ghế các giảng đường đại học nhưng khát vọng khẳng định mình lại rất lớn. Họ không chấp nhận quan niệm rằng sinh viên chỉ học và học...

Nhiều người trong số họ thành công nhưng cũng không ít người thất bại trên con đường mà mình lựa chọn…

Tự nuôi thân

Mới là sinh viên năm thứ 3 nhưng Phong (ĐHKHXH&NV) đã được bạn bè phong danh hiệu “đại gia” vì có thể kiếm được 5 - 6 triệu đồng mỗi tháng, khoản thu nhập không hề nhỏ đối với nhiều người đã đi làm chứ chưa nói gì đến sinh viên. Học Khoa Báo chí, Phong rất chăm đi “vì đi để nghe và hiểu” rồi lên mạng tìm kiếm đề tài, thông tin, sục sạo khắp các thư viện để tra cứu… Tất cả những gì học được ở thầy cô Phong đều đem ra thực hành. Bài của Phong xuất hiện thường xuyên trên các báo lớn. Chỉ mới là cộng tác viên nhưng Phong đã có nhưng phóng sự dài kỳ không thua kém những cây bút kỳ cựu. Mỗi bài như vậy Phong kiếm được tiền triệu là chuyện thường. Bạn bè khâm phục sức sáng tạo, sự năng động tuyệt vời của chàng trai quê Hải Dương. Với số tiền kiếm được, Phong tự trang trải mọi chi phí ăn, ở, học hành và còn mua được nhiều thứ: di động, máy ảnh, máy tính… mà không phải xin bố mẹ phụ cấp.

Sơn (ĐHDL Hải Phòng) lại khá mạo hiểm khi góp vốn cùng hai người bạn mở quán cà phê - internet tại Hà Nội. Hàng tuần, Sơn phải bắt xe từ Hải Phòng lên Hà Nội để cùng kiểm tra, quyết toán sổ sách với bạn. Quán của Sơn làm ăn khá vì được điều hành nhịp nhàng, mỗi người phụ trách một lĩnh vực. Hồi đầu bố mẹ còn cản vì thương cậu quí tử vất vả nhưng sau thấy Sơn thành công, lại năng động hơn, mạnh mẽ hơn nên cũng ủng hộ. “Trong mắt hai bác nó còn nhỏ lắm nhưng không ngờ nó lớn thật rồi” - mẹ Sơn tự hào nói về cậu con trai cưng.

Phong, Sơn chỉ là hai trong rất nhiều người thành công trong “công cuộc” khẳng định mình. Họ còn rất trẻ. “Sống khác tồn tại”, họ quan niệm như vậy. Họ không muốn quãng đời sinh viên chỉ có hai việc là ăn và học. Đối với những con người năng động này, làm một cái gì đó không phải chỉ để giải quyết vấn đề tiền bạc mà quan trọng, để được thử thách, được chứng tỏ năng lực của mình, để tích luỹ kinh nghiệm sống kinh nghiệm làm việc phục vụ cho nghề nghiệp sau này.

Phong tâm sự: “Viết bây giờ vừa có tiền, vừa được rèn bút. Những gì non nớt, ngờ ngệch hôm nay mắc phải sẽ là những bài học bổ ích khi mình vào nghề thực thụ”. Và họ đã thành công. Thành công bởi biết phát huy sở trường, biết chọn những công việc phù hợp với bản thân. Đặc biệt họ rất tự tin và quyết đoán, thể hiện mình là một mẫu hình thanh niên hiện đại. Họ thu được rất nhiều kinh nghiệm bổ ích cho nghề nghiệp sau này.

Không phải ai cũng thành công

Ngược lại với những người thành công thì lại có khá nhiều người thất bại nặng nề. Nguyên nhân chủ yếu là họ quá tham vọng, quá ham làm giàu mà không lường hết sức mình. Dũng (ĐHKHXH&NV) học Khoa Lịch sử nhưng lại rất thích kinh doanh. Năn nỉ, thuyết phục mãi, cuối cùng cậu cũng được bố mẹ đồng ý đầu tư tiền để mở đại lý bưu điện. Tiền mua sắm trang thiết bị đã ngốn của Dũng hơn 10 triệu đồng. Lại còn tiền thuê địa điểm, các thứ lặt vặt khác nữa. Tốn kém là vậy nhưng khi đi vào hoạt động, đại lý bưu điện của Dũng không làm ăn được và chỉ ba tháng sau đành phải đóng cửa. Lý do là Dũng không chịu tìm hiểu kỹ, đặt thuê địa điểm tại một khu vực đã có nhiều đại lý, nhu cầu lại ít vì là khu dân cư, ít sinh viên, dân lao động trọ. Vậy là mười mấy triệu đồng bố mẹ vay mượn mãi mới được tiêu tan trong tay Dũng.

Câu chuyện của Nguyễn Khắc Điệp (người vừa nhận án tử hình vì giết người và cướp tài sản) cũng là một dẫn chứng đáng suy nghĩ. Từ một học sinh giỏi quốc gia, một sinh viên của một trường đại học danh tiếng, Điệp trở thành một tên sát nhân, giết chính bạn để cướp xe… Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tội ác của Điệp là nợ nần chồng chất, hậu quả của những phi vụ buôn điện thoại, máy vi tính, xe máy thất bại. Giá như Điệp không lao vào làm ăn buôn bán không suy tính như thế thì chưa chắc đã có kết cục đau lòng đó.

Điệp, Dũng cũng rất khát khao được khẳng định mình trước mọi người. Tuy vậy, họ đã chọn sai cách đi. Những công việc họ chọn vượt quá khả năng nhưng vì quá ham vọng mà họ đã không nhận ra hoặc cố tình không nhận ra điểm yếu của chính mình. Hậu quả có thể chỉ là mất thời gian, tiền bạc. Nhưng có lúc lại rất nặng nề, có thể phải trả bằng một cái giá rất đắt. Bố của Điệp trong phiên toà đã khóc, những giọt nước mắt đớn đau và có lẽ cả sự ân hận, tiếc nuối. Giá như ông quan tâm đến Điệp, theo sát những bước đi của Điệp hơn thì chưa chắc hậu quả đã đến nông nỗi ấy…

Tạm kết

Những người trẻ bao giờ cũng khao khát được khẳng định mình. Họ muốn chứng minh cho mọi người thấy họ giỏi giang, năng động. Nhiều người thành công nhưng cũng không ít người vấp ngã. Quan trọng là tìm được hướng đi cho phù hợp với khả năng, sở trường của mình. Thành công hay thất bại của ngày hôm nay đều là nhưng bài học bổ ích của ngày mai. Hãy thể hiện mình đúng là những người trẻ tuổi đầy khát vọng và mạnh mẽ.

 Thái Quang Minh - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 178, tháng 12/2005
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC