Văn hóa 23:10:58 Ngày 18/04/2024 GMT+7
Body painting: Họa sĩ đôi lúc cũng phải liều
Nếu như ở nhiều nơi trên thế giới nghệ thuật body painting xuất hiện từ xa xưa trong các lễ hội truyền thống, tâm linh thì ở Việt Nam họa sĩ Phương Vũ Mạnh là một trong những người mở đầu cho dòng nghệ thuật này bằng nhiều cuộc triển lãm quy mô.

Theo anh thì cái khó là gì của những người đã và đang dấn thân đi theo dòng nghệ thuật đương đại nhất?

Có rất nhiều trở ngại khi muốn đưa tác phẩm của mình ra triển lãm bởi lẽ công chúng thì chưa trang bị cho mình nhận thức về nghệ thuật mới, các cơ quan cấp phép cũng không mặn mà. Bản thân người nghệ sĩ cũng khó khăn về tài chính khi làm nghệ thuật đương đại. Mình làm nghệ thuật mới vì nhiệt tâm nghề nghiệp, những mong đem đến cho cộng đồng dần hiểu về ngôn ngữ mới của nghệ thuật và ý nghĩa, hữu dụng của nó cho xã hội. Làm nghệ thuật mới luôn là thách thức đối với nghệ sĩ huống chi là người xem.

Các cuộc triển lãm sắp đặt và body painting tại L"espace (Trung tâm Văn hóa Pháp) được nhiều người đánh giá là có sự tìm tòi, mới lạ, sáng tạo nhưng cũng không ít người cảm thấy kệch cỡm, bắt chước một cách hời hợt nghệ thuật của nước ngoài. Là người thực hiện, anh thấy sao?

Muốn nhận xét về một tác phẩm nghệ thuật hay một sự kiện nghệ thuật thì trước hết phải có kiến thức về nó đã rồi sau đó tìm hiểu xem tác phẩm hay sự kiện đó muốn nói điều gì, tác giả muốn đưa tới công chúng thông điệp gì… nghệ thuật body painting có từ xa xưa của những người thổ dân châu Phi, châu Úc như một yếu tố quan trọng cho nghi lễ tâm linh, sau đó xuất hiện ở châu Mỹ, châu Âu, châu Á nhưng nó vẫn dừng lại ở mức độ trang trí cho lễ hội. Các cuộc triển lãm ở L’espace, tôi sử dụng nhiều loại hình nghệ thuật kết hợp với nhau như video art, tranh vẽ, âm nhạc đương đại để thông qua đó nói lên vấn đề báo động về ô nhiễm môi trường, thiên nhiên đang bị tàn phá, cuộc sống con người đang bị đe dọa, băng đang tan chảy ở hai cực, trái đất đang nóng dần lên, những tiếng ồn, mặt trái trong xã hội hiện đại trong quá trình phát triển của nó.

Ở triển lãm của anh, người mẫu vẫn rất “kín đáo”, điều đó có làm giảm bớt sự sáng tạo của anh?

Ðương nhiên là cảm hứng sáng tạo không còn nguyên vẹn khi phải vẽ trên một người mẫu cho body painting thừa ra hai miếng vải. Và sau khi vẽ xong, người mẫu biểu diễn, khi cơ thể họ chuyển động thì các hình vẽ trên da và trên 2 miếng vải thừa đó lệch nhau rất phản cảm.

Giả sử người mẫu nude hoàn toàn, liệu anh có dám đánh cược với chính mình bằng những triển lãm khác?

Nếu thực sự là như vậy thì tôi sẽ “cháy hết mình” vì nghệ thuật! Sẽ thuận lợi hơn khi tôi thực hiện tác phẩm và khi người người mẫu biểu diễn múa sau khi được vẽ sẽ tuyệt vời hơn, tự tin hơn, mọi chuyển động của họ sẽ đẹp hơn nhiều, hình ảnh đẹp của cơ thể con người sẽ được tôn vinh hơn nhiều và lúc đó ý nghĩa của tác phẩm sẽ rõ nét hơn!

Anh có chia sẻ gì về mong muốn đóng góp cho nền Mĩ thuật đương đại?

Khi tôi còn đi học tôi đã luôn mơ ước sau này mình tìm được một nghệ thuật mới riêng cho mình và cho thế hệ sau mình có thể hòa nhập với nền Mĩ thuật thế giới một cách tự tin hơn. Trên thực tế tôi thấy mình cứ phải vừa nghĩ vừa làm thì mới có thể tìm thấy điều mình mong muốn. Nếu nghệ thuật là một hành trình sáng tạo thì hành động là ánh sáng soi đường cho hành trình đó.

Cảm ơn anh và chúc anh luôn “cháy hết mình” với nghệ thuật body painting!

 Ðoàn Gia (thực hiện) - Bản tin ĐHQG Hà Nội số 239/2011
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC