23:14:03 Ngày 23/04/2024 GMT+7
Lễ cúng trâu ở xứ sở Mù Cang
Chia tay Mù Cang Chải, già bản Mù Sang tiễn chúng tôi về xuôi bằng điệu hát về hội Gàu Tào cuối năm dương lịch, hội Sắn Sải đầu xuân chơi rừng. Chiều cuối đông đại ngàn mù sương nhưng hoa mận đã nở trắng khe suối, lộc đào, lộc mơ đang mơn mởn nảy. Hình như đất rừng và người Mông nơi đây là vậy. Cứ đắng cay với ngọt bùi, sâu sắc, bí ẩn mà nguyên sơ, đẹp đẽ xoắn quyện lấy nhau khó mà gỡ ra được...
Những bản làng cheo leo
Nằm chênh vênh bên dãy Hoàng Liên Sơn, Mù Cang Chải là huyện “vùng sâu, vùng xa” vào hạng nhất của tỉnh Yên Bái, một mạn giáp với Lào Cai, mặt kia tựa vào Sơn La. Toàn bộ các xã thuộc huyện đều có độ cao trung bình 800m, cao nhất là đỉnh Nậm Khắt hơn 2.000m. Nhắc đến địa danh Mù Cang Chải ai cũng nhớ ngay đến gỗ Pơ mu và mật ong rừng. Ngôi nhà ông trưởng bản Mù Sang nơi tôi ở nhờ cũng được làm đa phần bằng gỗ Pơ mu từ cái ngày ông mới lấy vợ, qua gần 60 năm đến giờ vẫn vững chãi và uy nghi lắm. Hầu hết nhà cửa ở đây đều làm kín mít nên ban ngày trong nhà luôn tối mờ mờ, thỉnh thoảng người ta lại dùng gậy đẩy “tấm ngói” lệch sang bên để lấy sáng. Cả bản chỉ có 2 cái máy phát điện nhỏ chạy bằng sức nước dưới lòng khe, thành thử điện có nhưng yếu nên bà con bảo nhau tiết kiệm dành để xem ti vi hoặc nghe đài. Cho đến thời điểm này, Mù Cang Chải có khoảng gần 5 vạn dân trong đó người Mông chiếm chừng 90%. Dù là Mông Trắng, Mông Đen, Mông Hoa hay Mông Đỏ, họ đều coi Lồng Mù, Lồng Cống là đất Tổ, khi chết phải chỉ đường cho linh hồn về đó. Ở chốn rừng xanh núi thẳm này, các tộc người ít hơn là người Thái, người Kinh lại quần cư dưới những vùng thấp dọc theo dòng Nậm Kim hay tập trung tại thị trấn vừa buôn bán, vừa “làm cán bộ”. Người Mông thì vẫn giữ “nỗi niềm” từ thủơ xa xưa, yêu rừng, yêu nương rẫy vậy nên bản làng thường nằm cheo leo, nghiêng nghiêng lưng chừng núi. Nhắc đến Mù Cang Chải nhiều lần, vậy mà phải đến tận hôm nay, khi hơi men đã chếnh choáng, già bản Mù Sang mới giải thích cho tôi biết vì sao huyện lại mang cái tên ấy. Hóa ra tên huyện Mù Cang (đồi cây thông khô) Chải lại được ghép chính từ tên của các xã đầu tiên đi theo cách mạng hồi kháng chiến chống Pháp. “Dân bản mấy đời tin theo Đảng, con cháu bây giờ vẫn vậy...” - ông cụ cười móm mém, thả những sợi khói thuốc quăn queo vào màn sương lạnh. Dù ở tít tắp trên núi cao, người Mông cũng tự tạo ra được những “thương hiệu tinh xảo” cho cộng đồng mình đó là cách xếp đá làm ruộng bậc thang, cách kè nền nhà và cả cách rèn kim loại. Tôi đã từng chứng kiến ở lò rèn La Pán Tẩn, người ta khoan một thanh sắt thành nòng súng kíp nhờ sức nước, chế những lá đồng mỏng dính cho chiếc khèn réo rắt hay rèn ra con dao chém một nhát đứt đôi cây hóp. Cương, cường, độc lập, khó pha trộn, người Mông một mực xử thế theo nếp nhà, nếp bản của mình, hoàn cảnh có thay đổi kiểu gì chứ cái tính, cái thói quen thì không thể thay đổi...
Cuối năm cúng trâu để cầu thịnh vượng
Dù đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng đồng bào Mông ở Mù Cang Chải vẫn gìn giữ và phát huy những phong tục, tập quán tốt đẹp đã có từ ngàn đời trong đó có một tục lệ rất độc đáo mỗi dịp Tết đến, xuân về đó là lễ cúng cống con trâu cho các thần linh, ma trời, ma đất.
Người già trong các bản kể rằng, ngày trước vào đúng dịp đã định của tháng cuối năm, những thanh niên khỏe mạnh sẽ buộc con trâu được chọn để tế lễ thật chặt vào cọc giữa sân, lấy sợi lanh dài, một đầu xâu vào mũi trâu, đầu kia dẫn thẳng vào trong nhà sàn chung của bản buộc vào bàn thờ. Xong khâu chuẩn bị, thầy cúng sẽ làm lễ bắt đầu giao con trâu sống cho ma trời, ma đất. Thầy cúng khấn rằng: “Nay con trâu béo tròn như tảng đá núi là của các ngài, các vị bô lão trong bản đã dắt tới đây. Đây là con trâu khỏe nhất rừng, to nhất bản, có cặp sừng chọi bụng trời, chân đạp lở núi, đuôi trâu quét đổ lá đa. Nay kính mời các ngài, các vị tới nhận lễ cho. Khi đến nhận lễ, các ngài, các vị nên mời từ ma cụ, kị, cha, mẹ, anh, em, chú, bác, con cháu đến cùng nhận. Các ngài nhận lấy vật sống từ mũi, mắt, tai, sừng, đầu, thân, bốn chân, đuôi, móng của con trâu béo bự cho đầy đủ…”. Khi “cảm thấy” các thần linh đã nhận rồi (gieo được đài) thì thầy cúng sẽ tự đi bẻ lấy bất kỳ một thứ lá cây gì (trừ lá nán và lá ngón) đem vào để xua đuổi hồn vía của con trâu về với chủ cũ của nó và cho phép dân bản xẻ thịt. Người thanh niên có thân hình vạm vỡ nhất sẽ được đại diện cầm búa bổ nhát đầu tiên vào đầu trâu, những người khác thì bê chậu nước, chảo nước xếp xung quanh con vật. Đúng lúc hiệu lệnh của thầy cúng vang lên, người cầm búa lao tới, giơ cao, bổ thẳng vào đầu trâu; đến lúc con vật lăn đùng ra đất, mọi người cầm gáo múc nước hất tung vào con vật, hất tung lên trời, hất tung tóe ra bốn phía. Tất cả người dự lễ cùng hô thật to: “Hãy cứu sinh linh loài trâu, cứu sinh linh loài trâu” (Phuôk nhux sar, phuộk nhux sar) thực nghĩa của câu hô này là nhân lúc con người hóa kiếp cho con trâu thì ai cũng phải hô to như vậy để còn cứu vớt cả sức sống của mình và người khác; đồng thời cùng lúc đánh thức tất cả sự sống của loài người đang bị lạc lõng, chìm ẩn ở cõi vĩnh hằng hãy trở về với thực hiện cuộc sống (theo quan điểm của người Mông thì ở thế giới âm con trâu chính là linh hồn của con người).
Khi dọn cỗ lễ vật, người ta chọn lấy đầu, đuôi, chân trâu bày lên bàn thờ đặt trong nhà sàn chung. Thầy cúng lại làm lễ dâng vật chín cho trời, đất. Ông ta đọc tiếp rằng: “Lúc trước tôi đã giao cho các ngài, các vị vật sống, giờ đây những quân sai, quân khiến đã hóa kiếp con vật thành vật chín cả, các ngài, các vị đừng tham lòng, tham dạ nữa, hãy vui lòng nhận lấy phần ngon của mình. Bà con bản Mông chúng tôi chỉ biết cống nạp đầy đủ, chẳng biết phân chia. Các vị, các ngài tự biết, vậy các ngài, các vị hãy tự phân, tự chia cho công bằng, đầy đủ, đừng nên bỏ sót một ai. Người lớn đi thì phải dẫn theo người già, trẻ nhỏ cùng theo, có nhiều dùng nhiều, có ít dùng ít, cốt sao cho mọi người có vai vế đều có phần. Nhận phần rồi, các ngài phù hộ cho dân bản Mông khỏe mạnh, không mắc bệnh tật gì, không gặp hoạn nạn, bão giông, lũ ống, lũ cuốn. Chúng tôi đi làm ăn các ngài phải đi trước mở đường, dẹp lối, bắc cầu xua đuổi gian tham, gian tà; giúp ngăn cản mọi điều thói hư, tật xấu, giúp chúng tôi một lợi, trăm lãi, làm ăn phát tài, phát lộc để rồi lại đến kỳ dân bản Mông lại lễ trọng ăn cống hàng năm không quên ơn...”.
Ngày nay, vào những dịp năm hết Tết về, lễ cúng trâu đã được đổi mới, không còn rườm rà, tốn kém như xưa. Vật tế là con trâu có thể làm hình nộm tượng trưng, thay vào đó có thể làm thịt các con vật nhỏ hơn để lễ ăn cống vẫn duy trì tín ngưỡng mà không bị lạm dụng mê tín dị đoan sát sinh gia súc, gia cầm bừa bãi. Nhưng có một điều không khi nào thay đổi đó là trong những dịp sinh hoạt chung toàn bản cuối năm, bao giờ những người già cũng nhắc lại để thế hệ sau ghi nhớ về lễ tục này. Già bản Mù Sang bảo rằng: “Cái cách cuối năm kể chuyện, đầu năm nhắc việc là để cháu con ghi nhớ không quên truyền thống của tổ tiên từ đó mà hăng say học tập, lao động sản xuất để xây dựng một năm mới tốt đẹp hơn”...
 Giàng Vinh Minh - Bản tin số 250-251
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC