05:48:43 Ngày 17/04/2024 GMT+7
Dịp tri ân ông bà tổ tiên
Cỗ cúng Táo quân
Vào ngày 23 tháng Chạp (tức ngày 23 tháng 12 âm lịch), không khí Tết bắt đầu nhộn nhịp với tục “tiễn” Táo quân về chầu trời. Theo sự tích của người Việt, Táo quân gồm hai ông và một bà, tượng trưng là 3 cỗ. Táo quân thường được thờ ở nhà bếp, cho nên được dân gian quan niệm là biết hết mọi chuyện trong nhà. Bởi thế, để “ông Công ông Táo” đem đến nhiều điều may mắn trong năm mới, người ta thường làm lễ tiễn đưa ông Táo về chầu Trời rất trọng thể.
Lễ vật cúng Táo quân gồm có: mũ ông Công: hai mũ đàn ông và một mũ đàn bà, kèm theo mỗi chiếc mũ là một chiếc áo và một đôi hia bằng giấy. Màu sắc của mũ, áo hay hia ông Công thay đổi hàng năm theo ngũ hành.
Theo tục xưa, riêng đối với những nhà có trẻ con, người ta còn cúng Táo quân them một con gà luộc. Đây phải thuộc loại gà giò mới tập gáy (tức gà mới lớn) để ngụ ý nhờ Táo quân xin với Ngọc Hoàng Thượng Đế cho đứa trẻ sau này lớn lên có nhiều nghị lực và sinh khí hiên ngang như con gà trống mới trổ mã! Ngoài ra, để các ông và các bà Táo có phương tiện về chầu trời, ở miền Bắc người ta còn cúng một con cá chép còn sống thả trong chậu nước, ngụ ý “cá hóa long” nghĩa là cá sẽ biến thành rồng đưa ông Táo về trời. Con cá chép này sẽ “phóng sinh” (thả ra ao hồ hay ra sông sau khi cúng). Ở miền Trung, người ta cúng một con ngựa bằng giấy với yên, cương đầy đủ. Còn ở miền Nam thì đơn giản hơn, chỉ cúng mũ, áo và đôi hia bằng giấy là đủ. Tùy theo từng gia cảnh, ngoài các lễ vật chính kể trên, người ta hoặc làm lễ mặn (xôi gà, chân giò luộc, các món nấu nấm, măng...) hay lễ chay (trầu cau, hoa quả, bánh trôi, bánh chay, giấy vàng, giấy bạc…) để tiễn Táo quân.
Cỗ cúng giao thừa
Giao thừa là thời khắc thiêng liêng nhất trong năm, là lúc trời đất giao hòa, vạn vật chuyển đổi từ cái cũ sang cái mới. Trong tâm linh mỗi con người, ai cũng mong muốn được tiễn cái cũ không vui đi và đón cái mới bình an về. Theo tục lệ cổ truyền thì “giao thừa” được tổ chức nhằm đón các thiên binh. Mâm lễ được sắp bày với lòng thành tiễn đưa người nhà trời đã cai quản mình năm cũ và đón người mới xuống làm nhiệm vụ cai quản hạ giới năm tới. Vì việc bàn giao, tiếp quản công việc hết sức khẩn trương nên các vị chỉ có thể ăn vội vàng hoặc mang theo, thậm chí chỉ chứng kiến lòng thành của chủ nhà. Cỗ cúng giao thừa luôn được chú trọng, chuẩn bị chu đáo, trang trọng với lòng thành kính. Lễ cúng giao thừa ngoài trời gồm: hương, hoa, đèn nến, trầu cau, quần áo, mũ thần linh và mâm lễ mặn với thủ lợn luộc, gà trống luộc, xôi, bánh chưng… tất cả được bày lên bàn trang trọng đặt ở trước cửa nhà. Vào đúng thời điểm giao thừa, người chủ gia đình phải thắp đèn, nến, rót rượu, rồi khấn vái trước án.
Thường khi nhắc đến việc cúng lễ, chúng ta hay nhắc đến mâm cơm – nghĩa là một mâm cúng có các món canh, mặn, xào để tưởng nhớ đến người đã khuất. Thế nhưng có một mâm cúng rất đặc biệt, thường không có các món cơm canh mà nghiêng về những thực phẩm có ý nghĩa. Chỉ nhìn vào cách bày biện và chuẩn bị đã thấy được ý nghĩa thiêng liêng của mâm cúng giao thừa trong đời sống văn hóa tín ngưỡng của người dân Việt. Không thể thiếu cặp bánh chưng màu cỏ úa, đôi quả dưa hấu xanh bóng, đĩa mứt đủ màu, những chiếc oản xanh đỏ, đĩa xôi gấc đỏ tươi, con gà vàng óng, đĩa hạt dưa tươi rói và khay ngũ quả đa sắc màu… Khi đã chuẩn bị xong các thứ, một cái bàn được đặt ở giữa sân, chỗ nào thoáng nhất. Xếp tất cả lên bàn với đủ nhang và hoa (thường là hoa cúc vàng hoặc lay ơn đỏ), vài nén nhang thơm, đôi cây nến đỏ… Khi đồng hồ đã điểm thời khắc giao thừa, cũng là lúc mọi nhà cùng đốt nhang khấn vái đất trời. Đó là những lời cám ơn trời đất đã ban cho cả nhà những may mắn, ấm no trong năm đã qua, cám ơn những người khuất mặt đã phù hộ con cháu bình yên và là những lời cầu xin cho một năm mới đang đến được bình an hơn, tốt đẹp hơn, vui vẻ hơn .
Mồng bảy tết gà, mồng ba tết cá
Không ai biết Tết cá có từ bao giờ, chỉ biết rằng ở nhiều làng quê miền Bắc hiện nay vẫn còn duy trì phong tục này. Ngày mồng ba nhà nào cũng phải có con cá trong mâm cơm cúng. Nhà giàu thì có dăm ba món chế biến từ cá, nhà nghèo cũng phải có con cá rán nho nhỏ bày lên cho phải phép. Từ ngày mồng bốn đến ngày mồng sáu, nề nếp sinh hoạt trở lại bình thường. Nhưng đến ngày mồng bảy, nhà nhà, người người đều phải gác lại mọi công việc đống áng để… ăn Tết tiếp. Tết này không ăn cá nữa mà ăn thịt gà. Dân gian truyền miệng, sự tích của Tết gà là do ngày xưa có một gia đình, khi Tết xong đã lâu, giò thủ, dưa hành đã hết, chiếc bánh chưng còn lại đã bị chuột cắp chẳng có gì để ăn, thế là đi bắt con gà làm thịt, rồi cái lệ ăn gà vào ngày mồng bảy cũng từ đó. Nhà nhà trong mâm cơm cúng tổ tiên ít nhất cũng phải có một đĩa thịt gà. Trong hai ngày mồng một, mồng hai Tết, người ta đi Tết nhau, chỉ uống chén trà, nhâm cái kẹo để “lấy may”. Sau lời chúc tốt đẹp đầu năm, chủ và khách đều mời nhau đến nhà ăn bữa cơm cá vào ngày mồng ba, nếu người được mời từ chối, thì sẽ được mời tiếp: mồng bảy rảnh rỗi đến ăn Tết gà!
 Duy Linh - Bản tin số 250-251
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC