06:44:16 Ngày 19/04/2024 GMT+7
Kính chẳng bõ phiền
Joe” ở đây chính là Ruelle Joseph, một chàng trai người Canada, sang Việt Nam khá lâu và đã trở nên nổi tiếng về tài nói (nhất là viết) tiếng Việt (Lao Động Cuối tuần những năm trước đây đã từng đăng loạt bài trên blog của anh, sau đó được tập hợp in thành cuốn Tớ là Dâu, NXB Kim Đồng, 2008). Joe còn tiếp tục làm “nóng” diễn đàn Văn hoá đọc xứ ta khi cuốn Ngược chiều vun vút của anh (NXB Hội Nhà văn & Công ty Nhã Nam xuất bản, 2011) trở thành một trong những cuốn sách bán chạy kỉ lục tại Hội sách TP Hồ Chí Minh (lần thứ 7, 3-2012) vừa qua.

>>>> Bản tin số 254 (pdf)

>>>> Kính chẳng bõ phiền (pdf)

Bài Tạm biệt Hello trong sách trên liên quan đến ngôn ngữ giao tiếp tiếng Việt. Nhân chuyện này mà tôi cũng xin góp thêm vài ý kiến. Trong bài,  Joe viết: “...tại sao ở Việt Nam cứ khách Tây đến là “Hêlô! Hêlô!... Tiếng Việt nghe rất thanh lịch và tình cảm - kể cả khi không hiểu nghĩa. Tại sao không dùng nó?”

Tôi nhớ lại một chuyện vui mà dân du lịch Việt hay kể với nhau. Số là, có một khách Tây mới sang Việt Nam. Ngày đầu tiên, ông ngồi ở quầy phục vụ ăn sáng của khách sạn, khi cô nhân viên phục vụ đi qua, ông liền mỉm cười, giơ tay lên và nói “Chao!”. Ông rất ngạc nhiên là ngay sau đó, cô bưng ngay đến cho ông một... tô cháo. Ngày hôm sau, hôm sau nữa, ông lại thân thiện giơ tay lên vẫy và nói “Chao!”. Lại tiếp tục một tô cháo nữa, không hơn. Hoá ra, cô chạy bàn cứ nghĩ là ông ta gọi “Cháo” chứ không hiểu đó là câu chào thân thiện mà ông đã cố công học từ bè bạn trước khi đến Việt Nam.

Thực ra, không ít lần ta nghe bạn bè quốc tế nói “Xin chào” hoặc “Chào anh/ Chào bạn/ Chào em...” bằng tiếng Việt khi gặp chúng ta. Cũng không ít lần ta nói “Hello!” (theo tiếng Anh), “Bonjour!” (theo tiếng Pháp), hay “Ní hảo” (theo tiếng Trung)... và được tán thưởng. Nhưng phải thừa nhận đó là trong những trường hợp “trộn mã” có điều kiện. Tức là khi hai bên đã khá quen thân, trong bối cảnh xã giao đời thường có thể vui vẻ, thân mật, tếu táo và cũng nên sử dụng ít thôi. Chứ trong những hoàn cảnh quan hệ với nghi thức nghiêm túc (nhất là với tư cách “phương diện quốc gia”) thì mỗi người cần phải phát ngôn bằng tiếng của quốc gia mình. Anh Joe nói đúng, không phải vì tiếng Anh đang phổ biến khắp thế giới mà gặp khách Tây nào cũng mang “Hello!” ra chào. Người không nói tiếng Anh như một bản ngữ (nhất là dân theo đạo Hồi) sẽ “dị ứng” và không thiện cảm với thái độ “Anh hoá” của bạn.

Tôi đã từng tiếp xúc với một Công ty của một ông chủ người Mỹ (chuyên về công việc tiếp thị tên hiệu, hàng hóa, slogan...) có trụ sở tại Việt Nam. Cùng làm việc với nhóm có một vị giáo sư người Việt. Theo như giới thiệu, ông biết tiếng Pháp, tiếng Trung và cả tiếng Anh. Tự tin về học thức, học hàm và năng lực ngoại ngữ của mình, nên trước ông chủ Mỹ nọ, ông toàn nói tiếng Anh. Nhưng khốn nỗi, vốn tiếng Anh học chưa lâu, với giọng phát âm “giả cầy” nên dù ông có múa may đủ kiểu thì cả Tây lẫn ta chẳng ai hiểu. Vì xã giao, ông bạn người Mỹ chỉ cười nhẹ nhàng và gật đầu đưa đà. Giáo sư nọ cứ ngỡ là mình đang nói tốt lắm, càng cao hứng tợn. Cho đến khi cô thông dịch viên ngắt lời, hỏi lại ông bằng tiếng Việt, rồi dịch lại từ đầu bài “đít-cua” sang tiếng Anh thì ông mới ngớ người (vì lời ông thao thao bất tuyệt nãy giờ đều theo gió bay đi hết sạch). Thú thực, “cánh” Việt Nam chúng tôi ngồi nghe mà ngượng chín cả mặt. Thà cứ nói tiếng Việt lại hay (mà Joe cho rằng “cách của Việt Nam luôn là an toàn nhất, là sướng tai nhất, là chu đáo nhất”). Bởi khi ta chưa thật rành thứ ngoại ngữ ta học, thì nói bằng tiếng mẹ đẻ mới có khả năng chuyển tải nội dung ngữ nghĩa và “hồn vía” của tiếng nói. Đấy là chưa nói, rất có thể ta sẽ dùng sai nghĩa từ và điều này có thể dẫn đến “sự cố rủi ro” do chính ngôn ngữ đem lại.

Vì vậy, dù nghi thức của tiếng Việt hiện nay có rất nhiều cách chào (với các đối tượng khác nhau, các hoàn cảnh khác nhau...), nhưng với khách nước ngoài, tốt nhất (và hay nhất) là khi gặp họ, ta cứ nói “Xin chào!” thay vì “Hello!”. Nếu không, kính chẳng bõ phiền!

 

 PGS.TS PHẠM VĂN TÌNH - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC