09:18:00 Ngày 19/04/2024 GMT+7
Ngọc đã hoàn nguyên
Hoàng Việt là nhạc sĩ tài hoa về tình ca. Ông đã được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh đợt ++đầu vào năm 1996 cùng với 4 nhạc sĩ khác. Và năm 2012, ông còn được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang kí phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND vì sự hy sinh anh dũng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta.
Từ những giai phẩm trữ tình đầu tiên
“Tiếng còi trong sương đêm” là một trong những tác phẩm đầu tiên được nhạc sĩ Hoàng Việt sáng tác vào năm 1944 - 1945 với bút danh Lê Trực, bị coi là “lạc điệu” so với các hành khúc cách mạng cùng thời của Lưu Hữu Phước như “Lên đàng”, “Tiếng gọi thanh niên”.
Thật ra, nếu nghe cho kỹ cả giai điệu và lời ca nó vẫn biểu hiện lòng quyết tâm theo cách mạng của thế hệ thanh niên đô thành được thức tỉnh bởi “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến nay, đã gần 70 năm ra đời, ca khúc trữ tình thấm đẫm tinh thần yêu quê hương, đất nước của người nhạc sĩ tài hoa này vẫn là một trong những ca khúc mãi vang ngân bởi nhiều giọng ca trong nước lẫn hải ngoại như: Thanh Thuý, Khánh Ly, Thanh Tuyền, Ngọc Ánh, Vân Khánh,...
Năm 1954, nhạc sĩ Hoàng Việt tập kết ra Bắc và vào học Trường Âm nhạc Việt Nam, nay là Học viện Quốc gia Hà Nội khóa đầu tiên. Ngay sau khi tốt nghiệp, năm 1958, ông được cử sang Nhạc viện Sofia, Bulgaria tu nghiệp và tốt nghiệp hạng ưu với bản giao hưởng nổi tiếng “Quê hương”. Nhạc sĩ Hoàng Việt là người đầu tiên được cử đi đào tạo ở nước ngoài và thuộc thế hệ đàn anh của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam.
Ông cho rằng: “những kí ức quê hương” và “trách nhiệm của một công dân” đã giúp ông viết nên bản giao hưởng với lời đề tặng “Kính dâng Nam bộ trong cuộc chiến đấu anh dũng chống ngoại xâm”... Theo đánh giá của giới chuyên môn, Hoàng Việt là một nhạc sĩ đi đầu trong việc phát triển nhạc giao hưởng Việt Nam. “Quê hương” gồm 4 chương là tác phẩm nhạc giao hưởng đầu tiên của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam đương đại.
Giáo sư Ca Lê Thuần sau này cho rằng bản giao hưởng “Quê hương” của Hoàng Việt đã đánh dấu một bước tiến mới quan trọng của nền âm nhạc Việt Nam dân tộc, hiện đại, có giá trị tinh thần sống mãi với non sông đất nước. Tuy nhiên bản giao hưởng “Quê hương” của Hoàng Việt cũng phải đợi tới bảy năm sau (1965) mới được trình diễn lần đầu tiên tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Hai bản “Tình ca” hai số phận long đong
Lòng nhớ thương vô hạn người vợ ở miền Nam đã trào dâng, khiến ông viết nên bản “Tình ca” bất hủ. Ca khúc này được ca sĩ Quốc Hương thể hiện từ năm 1957. Ngay sau đó, nó bị một số người cho là “bi lụy”, “yếu đuối”, “cá nhân chủ nghĩa”,... không thích hợp với tâm trạng của số đông công chúng theo như cách nhìn nhận đánh giá lúc bấy giờ, khi mà cả miền Bắc xã hội chủ nghĩa đang bừng bừng khí thế tiến quân vào xây dựng phong trào tập thể, hợp tác hóa nông thôn. Khi ấy có người còn cho rằng, giữa lúc mọi người đang lo cấy cày, dồn ruộng vườn, trâu bò vào Hợp tác xã lại có bài hát ca ngợi tình cảm cá nhân “sặc mùi tiểu tư sản”.
“Tình ca” của Hoàng Việt được viết vào năm 1957 khi “hai miền còn cách chia”. Hoàng Việt tập kết ra Bắc để lại miền Nam người vợ trẻ và ba đứa con thơ, cháu lớn nhất mới lên năm. Vì thế, nỗi thương vợ, nhớ con của ông càng thêm da diết. Nhưng phải đợi hai năm sau, lần đầu tiên ông nhận được thư của người vợ ở miền Nam, chuyển từ Pháp về, vì lúc ấy mọi thư từ liên lạc không được chuyển thẳng từ Nam ra Bắc, mà phải chuyển vòng qua Pháp, niềm vui như vỡ òa khi cầm lá thư của vợ trên tay khiến ông không thể kìm nén được. Chính lúc ấy nhạc sĩ Hoàng Việt đã xuất thần cho ra đời bản “Tình ca” bất hủ.
Đối với ông, “Tình ca” như là một tâm sự cá nhân với người vợ yêu dấu sau nhiều tháng năm cách xa, nhưng, không vì thế mà sầu đau, bị lụy, trái lại nó vẫn mượt mà đằm thắm, là ca khúc ca ngợi nỗi niềm nhớ nhung bất tận của tình yêu lứa đôi trong xa cách, không phải chỉ ở thời điểm ấy, mà nó là tình cảm chung của con người ở mọi thời đại mọi quốc gia.  
Dù vậy, bản “Tình ca” của Hoàng Việt vẫn có một số phận khá long đong giống như một số giai phẩm trữ tình của ông trước đó. Cho đến mãi năm 1967, tức là sau 10 năm, kể từ khi nó được công diễn lần đầu tiên và sau một năm khi tác giả của nó, nhạc sĩ Hoàng Việt lên đường vào chiến trường miền Nam đánh Mỹ.
Người đồng thời với ông là nhà thơ Bảo Định Giang đã thật có lí khi viết: “Sau hơn 40 năm, “Tình ca” vẫn ngân vang khắp nước. Hoàng Việt nằm lại dưới lòng đất nhưng bài ca về những người mình yêu quý vẫn còn in đậm trong suy tư và tình cảm của nhiều người”.
So với bản “Tình ca”, thì “Vẳng từ quê mẹ” được coi là bản “Tình ca” số Hai của người nhạc sĩ đa đoan này lại long đong theo một kiểu khác, mà cho đến bây giờ chưa ai đưa ra được một kiến giải thấu đáo về số phận của nhạc phẩm ấy.
Đây là tác phẩm ông viết trong thời gian đi học ở Bulgaria có cả ảnh chụp và kí tên Hoàng Việt. Cũng vẫn chất giọng trữ tình đằm thắm, thiết tha vốn có ở người nhạc sĩ này và nỗi niềm nhớ thương vô hạn của ông đối với người vợ trẻ và đàn con thơ nơi quê nhà, đang sống và chiến đấu trong đạn bom của quân thù, nên ở bản Vẳng từ quê mẹ ông đã viết:
“... Đây còn đây sông núi xưa vẫn đẹp
Như tình em chung thủy đợi tháng năm chưa hề nhạt phai
Quê hương dù bóng đêm còn che mờ nửa trời
Nhưng trái tim yêu đời
Sáng như ánh dương ngời ngời
Cho dù sao dời vật đổi
Cho dù núi lấp sông ngăn
...
Nối liền tình ta trên Tổ quốc mênh mang...”
Sau 13 năm trời xa cách, kể từ khi tập kết ra miền Bắc, rồi đi học nước ngoài, cho đến lần trở lại chiến trường miền Nam năm 1967, nhạc sĩ Hoàng Việt mới được gặp lại vợ con. Thời gian vào lại chiến trường quá ngắn ngủi, khoảng hơn một năm, lại do bận quá nhiều công việc, nên ông cũng không có nổi thời gian để nhớ đến những gì mình đã viết trước đó. Nhưng trời cũng có mắt đã xe duyên ông với một người vợ thực sự trung hậu đảm đang là bà Lâm Thị Ngọc Hạnh. Bà chính là người biết cất giữ những gia tài quý báu của chồng và cũng là tài sản vô giá của quốc gia để đến hôm nay bản “Tình ca” số Hai, sau nửa thế kỷ phiêu bạt, lại hiện lên tươi rói như chính tấm lòng của người nhạc sĩ tài ba Hoàng Việt với vợ con gia đình, cũng như với quê hương đất nước, dù chúng có phải trải qua những bước đường đời đầy trái ngang, nhưng rồi cuối cùng ngọc vẫn hoàn nguyên.      
Có thể nói sự cạn hẹp của lòng người, sự trớ trêu của cuộc đời là nguồn cơn dẫn đến việc làm thui chột biết bao tài năng của đất nước, dân tộc. Điều ấy các thế hệ con cháu phải chịu trả giá bằng sự thiệt thòi trong thưởng thức những sản phẩm âm nhạc đỉnh cao.
Tiếc thay, sự ganh ghét, thói đố kỵ tài năng ấy dường như thời nào cũng có. Lật lại các sự việc đã diễn ra với Nguyễn Ngọc Tư, Hoài Tường Phong và gần đây nhất ngày 14/8 vụ việc vừa mới xảy ra với Đàm Chu Văn ở Đồng Nai, khi các nhà chức trách vẫn cố tình “làm khó” với văn chương- nghệ thuật thì biết đến bao giờ người Việt ta mới có cơ may vươn ra biển lớn cùng nhân loại.
Ô hô, buồn thay lòng người, thói đời!
 GS. Đỗ Ngọc Yên - Bản tin số 259
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài mới hơn
  • Không có bài nào mới hơn !
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC