15:40:46 Ngày 18/04/2024 GMT+7
Vị tướng của những trận đánh lịch sử
Với 40 năm tuổi quân, từ một người lính, trưởng thành qua năm tháng, tướng Phạm Xuân Thệ đã đảm nhận nhiều trọng trách mà Đảng, nhân dân và quân đội giao phó. Ông là người tham gia nhiều trận đánh lịch sử mang tính bước ngoặt như: Chiến dịch Tây Nguyên; Huế - Đà Nẵng. Đặc biệt, ông là người chỉ huy đơn vị thọc sâu trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử và trực tiếp dẫn giải Tổng thống Dương Văn Minh ra đài phát thanh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện ngày 30/4/1975 giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Đầu năm 1965, hưởng ứng phong trào “Thanh niên làm theo lời Bác” và “Thanh niên ba sẵn sàng”, Phạm Xuân Thệ đã tình nguyện xung phong đi tham gia xây dựng công trình thủy điện Thác Bà - Yên Bái (khi đó chưa đầy 18 tuổi). Ông kể: “Ban đầu lên đây, tôi làm công nhân lao động phổ thông, chuyên xây dựng lán trại cho công nhân và khai thác đá làm đường. Lần đầu tiên đi thoát ly gia đình, phải sống tự lập trong môi trường tập thể, tôi không khỏi nhớ nhà. Tuy nhiên, với khí thế của tuổi trẻ, tôi luôn lao động tích cực và hàng tháng đều đạt lao động tiên tiến. Sau một năm lao động tích cực, tôi được lãnh đạo Nhà máy tuyển chọn cho đi học lái xe ô tô. Sau 3 tháng học tập, tôi được điều về công tác tại công trường 3 Nhà máy Thủy điện Thác Bà.
Cuối năm 1967, theo yêu cầu chi viện cho chiến trường miền Nam, ông được lệnh gọi nhập ngũ (lúc đó mới hơn 19 tuổi), được phân công về Tiểu đội 9 Trung đội 3 Đại đội 3 Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 2 A thuộc Đoàn 250 - Quân khu Việt Bắc. Ông tâm sự: “Sau ba tháng huấn luyện, chúng tôi được bắn đạn thật các loại súng. Sau đó, tôi được điều động về tổ hỏa lực và được phân công là xạ thủ chính trung liên RPĐ. Từ đó, hàng ngày tôi làm bạn và huấn luyện với khẩu trung liên nặng hơn 7kg”.
Đầu năm 1968, đơn vị của ông được nhận lệnh hành quân đi B. Với khẩu trung liên RPĐ, 300 viên đạn cùng ba lô và trang bị cá nhân (nặng gần 30kg) hành quân bộ từ huyện Đại Từ (Thái Nguyên), đêm đi, ngày nghỉ. Hành quân đến Quảng Trị, ông được điều động về Đại đội 11 Tiểu đoàn 9 Trung Đoàn 66 Sư đoàn 304 chiến đấu trên chiến trường Bắc Quảng Trị. Cũng trong năm 1968, ta mở Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh để tạo điều kiện và phối hợp với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam. Ông là người trực tiếp cầm súng chiến đấu và chỉ huy tiểu đội tại chiến trường ác liệt này. Không những vậy, Sư đoàn 304 còn là sư đoàn đảm nhiệm tác chiến trên địa bàn chủ yếu của chiến dịch ở huyện Hướng Hóa - Quảng Trị. Trong đó, những chiến dịch “mang tính quyết định” như: Huội San, Làng Vây, Sân bay Tà Cơn…đã gắn liền với những chiến công vang dội của các đơn vị thuộc Sư đoàn, trong đó có cá nhân ông.
Phạm Xuân Thệ nhớ lại: Những trận đánh tại điểm cao 595, 425, 622 và các điểm cao xung quanh Khe Sanh và khu vực sân bay Tà Cơn; dãy núi U Bò (Quảng Bình); Khe Đong; động Cô Tiên... là những trận đánh vô cùng khó khăn, gian khổ và có vị trí chiến lược của chiến dịch. Quân ta và quân địch giành giật nhau từng tấc đất, từng điểm cao trong nhiều ngày liền. Riêng tại các điểm cao này, tôi đã tiêu diệt hàng chục tên địch và thu được nhiều vũ khí, đạn dược. Và cũng tại “chảo lửa” ác liệt này, tôi đã nhiều lần bị thương. Tuy nhiên, khi điều trị khỏi, tôi đã trở lại chiến trường và tiết tục được làm nhiệm vụ tại Trung đoàn. Trung đoàn 66 anh hùng, bí danh “Trung đoàn Kí Con” Sư đoàn 304, là một trong những trung đoàn chủ lực được thành lập đầu tiên của Liên khu 3 trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Đây không chỉ là đơn vị có bề dày truyền thống chiến đấu mà còn là đơn vị từng có thời kỳ đóng quân và chiến đấu trên mảnh đất quê hương tôi trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong kháng chiến chống Mỹ, các thế hệ đàn anh của Trung đoàn 66 đã cùng các đơn vị bạn làm nên chiến thắng vang dội, đánh dập đầu quân viễn chinh Mỹ ở thung lũng La Đrăng ngay khi chúng vừa đặt chân đến Tây Nguyên.”
Ngay sau khi thành lập Quân đoàn 2, Sư đoàn 304 được Bộ Quốc phòng và Quân đoàn giao nhiệm vụ phối thuộc chiến đấu với Quân khu 5, tiêu diệt một số vị trí định lấn chiếm sâu vào vùng giải phóng nhằm xóa các điểm lõm, tạo thế cho chiến trường. Đầu năm 1974, thực hiện nhiệm vụ cấp trên, đơn vị của ông được giao nhiệm vụ hành quân vào phía Nam tham gia các chiến dịch lớn như mặt trận Quảng Đà, Nông Sơn – Thượng Đức… Trong đó, mặt trận Thượng Đức được xác định là khu vực tác chiến trọng yếu. Chiến dịch Nông Sơn – Thượng Đức được mở ra nhằm đánh thắng quân địch cả về quân sự và chính trị. Tại chiến dịch này, quân và dân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn một vạn tên địch, tiêu diệt 4 tiểu đoàn, đánh thiệt hại nặng 9 tiểu đoàn, thu 2.106 súng các loại, 24 xe quân sự và nhiều đạn dược, trang thiết bị quân sự của địch.
Đầu năm 1975, thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị và kế hoạch tác chiến chiến lược của Quân ủy Trung ương, ngày 4/3/1975, quân và dân Tây Nguyên đồng loạt nổ súng tiến công địch, mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Lực lượng ta tiến công cắt đường số 19 và 21 từ Tây Nguyên nối với đồng bằng Khu 5. Tiến công nghi binh quy mô vừa và nhỏ ở Pleiku, Kom Tum. Tiếp đó, quân ta đánh chiếm Thuần Mẫn, cắt đường 14 nối giữa Pleiku với Buôn Ma Thuột. Ngày 10/3/1975, ta tập trung lực lượng binh chủng hợp thành tiến công quân địch ở Thị xã Buôn Ma Thuột, tiêu diệt toàn bộ quân địch ở đây, đập vỡ một mảng lớn hệ thống phòng thủ của địch trên chiến trường Tây Nguyên.
Khi chiến dịch Tây Nguyên mở màn, ở phía Bắc lực lượng chủ lực của Quân đoàn 2 bắt đầu đánh địch ở Thừa Thiên - Huế. Tại mặt trận Quảng Đà, để chi viện cho các chiến trường, Sư đoàn 304 hoạt động ghìm chân địch, không cho địch rút khỏi các khu vực phía Tây thành phố Đà Nẵng. Địch ở thế lúng túng, bị động, ta ở thế chủ động tiến công, Trung đoàn 66 và Trung đoàn 24 tổ chức các trận tập kích, đánh vào vị trí nào thì địch phải rút chạy khỏi vị trí đó. Ngày 20/3/1975, ông được giao nhiệm vụ xuống Tiểu đoàn 8 cùng Ban chỉ huy Tiểu đoàn bàn cách tổ chức một trận tập kích vào cụm địch đóng đối diện. Trong chiến dịch Huế - Đà Nẵng, ông được giao nhiệm vụ trinh sát, thọc sâu, truy kích địch ở sân bay Đà Nẵng. Đến 10 giờ sáng 29/3/1975 tiểu đội do ông chỉ huy vào được cổng phía Tây sân bay Đà Nẵng và chiếm giữ toàn bộ sân bay Đà Nẵng. Đến chiều, thành phố Đà Nẵng được hoàn toàn giải phóng.
Sau khi giải phóng Huế - Đà Nẵng, Trung đoàn 66 của ông tiếp tục được giao nhiệm vụ cùng Sư đoàn vào vị trí tập kết ở rừng cao su đồn điền Ông Quế (cách Sài Gòn khoảng 60 km) về phía Đông. Tại đây, đơn vị của ông được cấp trên giao nhiệm vụ tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử - trận quyết chiến chiến lược của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trung đoàn 66 có nhiệm vụ cùng trong đội hình Binh đoàn thọc sâu của Quân đoàn 2 tiến công theo trục đường số 15, xa lộ Sài Gòn – Biên Hòa tiến vào nội đô Sài Gòn. Lúc này, cán bộ, chiến sĩ trong Trung đoàn với khí thế rất cao, mọi người đều hồ hởi được tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đánh vào sào huyệt cuối cùng của chính quyền Sài Gòn.
Trung tướng Phạm Xuân Thệ nhớ lại: “Đúng 17 giờ ngày 26/4/1975, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử bắt đầu, những phát pháo đầu tiên hỏa lực chuẩn bị của Quân đoàn 2 và Sư đoàn 304 bắn vào căn cứ Nước Trong và trường sĩ quan bộ binh của địch…Sáng 28/4, chỉ huy Sư đoàn 304 lệnh cho Trung đoàn 66 đưa Tiểu đoàn 7 lên tăng cường chiến đấu cho Trung đoàn 9. Và tôi được giao nhiệm vụ chỉ huy Tiểu đoàn 7 cơ động lên chi viện cho Trung đoàn 9. Trong ngày 29 rạng sáng 30/4 khi các mũi tiến công của ta tiến vào khu vực trung tâm Sài Gòn, quân địch vẫn chống trả rất quyết liệt. Đến khoảng 8 giờ ngày 30/4, quân địch bắt đầu bỏ chạy. Khi đơn vị do tôi chỉ huy cùng một số đơn vị khác tiến vào dinh Độc lập, toàn bộ nội các Dương Văn Minh đã ngồi chờ trong đó. Khi quân giải phóng bước vào phòng, Dương Văn Minh bước lại gần và nói với chúng tôi: “Chúng tôi đã biết Quân giải phóng tiến công vào nội đô, chúng tôi đang chờ Quân giải phóng vào để bàn giao…”. Theo phản ứng tự nhiên, tôi nghiêm mặt nói lớn: “Các anh là kẻ thất bại, các anh bị bắt làm tù binh, các anh phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, không có bàn giao gì cả! Ai có vũ khí bỏ xuống giao cho Quân giải phóng!”. Và tôi kiên quyết bắt Dương Văn Minh phải ra đài phát thanh để tuyên bố đầu hàng. Trước đó, đồng chí Đào Ngọc Vân vác lá cờ giải phóng chạy lên ban công sảnh tầng 2 dinh Độc lập cùng một số chiến sĩ khác liên tục phất cờ báo hiệu quân ta đã chiếm được dinh Độc lập”.
Chiến tranh kết thúc, ông được điều động về công tác tại nhiều đơn vị. Từ một người lính, trưởng thành qua năm tháng, Trung tướng Phạm Xuân Thệ đã đảm nhận nhiều trọng trách mà Đảng, nhân dân và quân đội giao phó: cán bộ tiểu đoàn, trung đoàn, sư đoàn, quân đoàn và giữ trọng trách Tư lệnh Quân khu I. Là Tư lệnh Quân khu, ngoài việc thực hiện chiến lược của Bộ Quốc phòng, xây dựng lực lượng quân đội trên địa bàn quân khu ngày một chính quy, hiện đại, Tướng Thệ rất chú trọng quan tâm chỉ đạo hoạt động nghiên cứu khoa học – công nghệ, biên soạn lịch sử và tổng kết chiến tranh. Bên cạnh đó, với cương vị Chủ tịch Hội đồng khoa học – Công nghệ Quân khu I tham mưu, tổ chức biên soạn nhiều tài liệu về nghệ thuật quân sự, tổ chức tổng kết chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, biên soạn lịch sử lực lượng vũ trang Quân khu thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (1975 – 2010). Đặc biệt, năm 2007, Quân khu I đã phối hợp với Bộ Quốc phòng và Quân khu II tổ chức thành công Hội thảo khoa học “60 năm chiến thắng Việt Bắc Thu – Đông 1947” và nhiều cuộc hội thảo khoa học khác… Bên cạnh đó, Tướng Phạm Xuân Thệ còn chủ biên nhiều công trình khoa học quân sự, chủ biên các tài liệu tham khảo cho cán bộ và chiến sĩ Quân khu I. Và cuối năm 2011, Trung tướng đã xuất bản cuốn Kí ức thời trận mạc của riêng mình.
Ở mọi cương vị công tác, ông luôn nỗ lực học tập, rèn luyện, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Với những thành tích đã đạt được trong chiến đấu và công tác, ông đã được tặng thưởng nhiều Huân chương, Huy chương cao quý. Đặc biệt, nhân dịp kỉ niệm ngày giải phóng miền Nam (30/4/2011), Trung tướng Phạm Xuân Thệ vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

 

 Ngô Lộc - Bản tin số 266 – VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài mới hơn
  • Không có bài nào mới hơn !
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC