06:40:30 Ngày 19/04/2024 GMT+7
Thổ cẩm giữa ngàn Tà Là Cáo
Nằm cao hơn mực nước biển khoảng 1.700 m, trước đây nhắc đến cái tên bản Tà Là Cáo, xã Sính Phình (huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên) không ít cán bộ địa phương lắc đầu ngán ngẩm bởi sự khó khăn, hẻo lánh vào bậc nhất của nó. Từ ngày có đường liên bản, có điện lưới quốc gia và chính sách hỗ trợ của Nhà nước đến được với từng hộ đồng bào thì diện mạo đời sống nơi đây đã thay đổi nhanh chóng.
Cái thuở ngày mùa cũng đói
Trong căn nhà sàn lợp proximăng khang trang và khá đầy đủ tiện nghi, chị Giàng Thị Mẩy - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Sính Phình bồi hồi nhớ và kể lại những tháng ngày chị cùng với bà con cả bản Tà Là Cáo phải sống trong cảnh “chạy ăn từng bữa mướt mồ hôi”, đói nghèo, thiếu thốn trăm bề, không chỉ những khi giáp hạt mà ngay cả giữa ngày mùa vẫn đói. Cả bản đều là người Mông với khoảng 80 hộ đồng bào, hơn 500 nhân khẩu chỉ sống dựa vào phát rừng, làm nương, khai thác trộm lâm sản nên đa phần thiếu đói quanh năm. Người lớn, trẻ con, người già lao động quần quật cả ngày, cái lưng còng đi vì địu nhiều vác nặng vậy mà vẫn không đủ ăn. Đất canh tác của bản khi ấy đã hẹp lại chỉ cấy được một vụ lúa, năng suất thấp đến mức nhiều gia đình vừa thu hoạch xong cũng là lúc cót thóc trống trơn. Rủi nhất là vào những năm thời tiết khắc nghiệt, trời lạnh, lúa không chín được, dân bản đi thu hoạch về làm thức ăn cho gia súc còn người thì “treo niêu”. Mèn mén, củ mài, sắn luộc, sắn nấu canh là thức ăn chủ yếu của dân bản. Để được ăn miếng thịt, gắp miếng cá phải chờ đến tết hoặc ngày giỗ chạp. Nỗi lo cái ăn, cái mặc cứ ám ảnh ngay cả vào giấc ngủ của mọi nhà, người nào gặp nhau cũng hỏi về cái đói, hết lo xuôi lại lo ngược. Bà Vàng Thị Dinh, người đã từng có một tuổi thơ côi cút phải đi ăn nhờ, ở đậu hàng xóm tâm sự: “Hồi xưa không có bố mẹ, cũng ở nhờ, ở thuê thôi, rất khó khăn. Cả bản không biết gì về khoa học kỹ thuật, trồng trọt thì quảng canh, năng suất thấp lại đẻ dày, đẻ nhiều nên đã khổ, càng khổ, quanh năm chỉ quẩn quanh với nỗi lo làm thế nào để không bị đói…”. Vì thiếu đói nên từ người lớn đến trẻ con trong bản khi ấy đa phần là mù chữ, thất học. “Nhưng đó là chuyện của ngày trước, Tà Là Cáo bây giờ khác rồi...” - chị Giàng Thị Hoa, cán bộ chi hội phụ nữ bản Tà Là Cáo vui vẻ cho biết.
No ấm nhờ thổ cẩm
Người già trong bản khoe rằng, tính đến đầu tháng 10/2012 này thì điện lưới của Nhà nước đã về chiếu sáng cuộc sống của bà con ở Tà Là Cáo được gần 5 năm và cũng bằng ngần ấy thời gian, cuộc sống bản làng thay đổi hẳn, hơn 90% số gia đình bà con sắm được xe máy, gần 100% số hộ có ti vi, tất cả trẻ nhỏ đến tuổi được đi học tại trường mẫu giáo, tiểu học, trung học và không có người mắc các tệ nạn xã hội. Với quyết tâm xóa đói giảm nghèo, bà con người Mông ở Tà Là Cáo đã đoàn kết cùng nhau để xây dựng cuộc sống mới ấm no, tiến bộ và liên tục mấy năm trở lại đây bản đều được tặng danh hiệu bản văn hóa cấp tỉnh.
Để có được bức tranh cuộc sống của Tà Là Cáo như ngày hôm nay, bên cạnh việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, thâm canh lúa nước, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh trồng và thu hái, chế biến chè, không thể không kể đến vai trò, công sức của chi hội phụ nữ, hội nông dân bản trong việc khôi phục và phát triển lại nghề thêu thổ cẩm truyền thống góp phần giải quyết vấn đề công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập cho bà con. Nếu trước đây phụ nữ Mông trong bản thêu chỉ hướng vào mục đích là giải quyết một phần nhu cầu mặc cho cá nhân và các thành viên trong gia đình nhà mình, thì từ khi Tổ thêu được thành lập đã đóng một vai trò rất quan trọng trong công tác xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế.
Đã thành lệ từ nhiều năm nay, sau khi kết thúc công việc ruộng nương, chị em trong bản Tà Là Cáo lại tập trung tại xưởng thêu của Tổ để “cải thiện thu nhập”. Bằng bàn tay khéo léo, chuyên cần và sáng tạo của những người phụ nữ Mông, cùng với sự hỗ trợ của Trung tâm Nghiên cứu, Liên kết và Phát triển Thủ công Mỹ nghệ Craft Link (một tổ chức phi chính phủ của Việt Nam) trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ, tìm kiếm đối tác đặt hàng, các sản phẩm thêu thổ cẩm từ bản Tà Là Cáo như vòng cổ, vòng tay, túi đeo, dây đeo kính, dây đeo điện thoại, vỏ gối, ví và các mảnh thêu được đính trên áo sơ mi nam, nữ và áo dài truyền thống... đã nhiều lần được tham dự hội chợ trong và ngoài nước, được người tiêu dùng khắp nơi ưa chuộng. Chị Giàng Thị Mẩy, người góp công đầu trong việc thành lập Tổ thêu nhớ lại: “Từ dự án JICA Nhật Bản, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư giúp đỡ, dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn, tập huấn, vai trò đầu mối của Hội phụ nữ huyện Tủa Chùa đã hỗ trợ chúng tôi rất nhiều trong những bước đi ban đầu của buổi lập nghiệp với vô vàn những khó khăn. Khi mới thành lập, nhóm thêu chỉ vẻn vẹn có 20 hội viên nhưng đến nay con số ấy đã lên trên 100, đa phần là phụ nữ trong bản, trong xã Sính Phình...”. 
Chỉ tính trong nửa đầu năm 2013, từ những sản phẩm bán ra, Tổ thêu thổ cẩm của phụ nữ Tà Là Cáo đã thu về hàng trăm triệu đồng. Với mức thu nhập bình quân của người lao động đạt từ 1.000.000 - 1.200.000 đồng/người/tháng cộng với những sản phẩm từ kinh tế nông nghiệp đem lại, cuộc sống của các hộ gia đình đồng bào ngày càng được cải thiện cả về vật chất và tinh thần. “Hi vọng rằng nghề thêu thổ cẩm truyền thống ở Tà Là Cáo này sẽ ngày càng phát triển và có sức cạnh tranh mạnh trong quá trình hội nhập. Sắp tới, nếu các chính sách đầu tư, hỗ trợ về cơ sở vật chất, nhà xưởng máy móc hiện đại được tiếp tục triển khai thì chúng tôi tin rằng thêu thổ cẩm sẽ làm giàu bà con người Mông ở Tà Là Cáo...” - anh Lý A Lâm, cán bộ Hội Nông dân xã Sính Phình tin tưởng.
 Nguyễn Minh Hùng - Bản tin số 266 – VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài mới hơn
  • Không có bài nào mới hơn !
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC