Văn hóa  Văn học 02:59:25 Ngày 17/04/2024 GMT+7
Xôn xao bến nước sông quê
Chiều. Nắng cuối ngày xiên xiên nhúng vạn vật trong một màu vàng suộm. Cái nắng cuối hạ này dễ làm lòng người bâng khuâng. Tôi chợt nôn nao, giá được về quê để ngồi bên dòng Châu Giang mà hít căng lồng ngực mùi sông nước…
Mà cũng lạ thật, cứ khi nào gặp những khúc quanh trên ngả đường đời, những lúc buồn…tôi lại tha thiết muốn về quê, và cứ về quê thì tôi lại như lấy lại được năng lượng để mà tiếp tục bươn đi trên con đường đời với niềm tin mãnh liệt rằng cuộc đời mà ta đang sống còn nhiều ý nghĩa, nhiều niềm vui lắm. Nhớ quê trong tôi lúc này cũng là nhớ dòng Châu Giang hiền hòa, phẳng lặng như không từng chảy.
Sông Châu được tách ra từ sông đáy, tổng chiều dài 30km đi qua và làm ranh giới giữa các địa phương của tỉnh Hà Nam: Thành phố Phủ Lý, huyện Duy Tiên, Bình Lục, Lý Nhân.
Dòng sông ngút ngát, nước trong vắt nhìn thấy rõ cả những con cá người mỏng dính lấp lánh vẩy bạc, những con ốc phủ đầy rêu lặng lẽ bò. Hai bên bờ sông có những khóm tre già trầm mặc, những vạt hoa cải vàng rực và những ruộng ngô xanh ngút ngát. Những buổi sáng sớm, khi làn sương nước mỏng tang còn vương trên mặt sông thì những chiếc thuyền câu đã khỏa nước lướt đi, tiếng chèo khua nhẹ và tiếng gõ cạch cạch lùa cá vào lưới vang khắp một quãng sông. Buổi chiều, khi cái nắng quái cuốn dần vào bờ bãi phía bên sông, bến nước bỗng nhộn nhịp hẳn lên. Các bà, các chị rửa rau, giặt giũ chuyện trò râm ran, vài cậu nhỏ ngụp lặn nhảy loi choi trên mặt nước… Những người chài lưới đem những sản vật đánh bắt được vào xóm cất tiếng rao “Ai cá, tôm đơi…” vang vang qua các rặng râm bụt trên đường làng. Những con cá sông thịt dai và ngọt sẽ được mẹ kho bằng niêu đất, ủ trấu cho nhừ ngấu ăn được cả những chiếc xương bùi bùi, những con tôm chắc nịch đeo một bụng trứng xanh ngắt được rim khô, sẽ “trôi” vèo vèo cả nồi bảy, nồi ba cơm… Những nếp nhà thấp thoáng sau những cây mít, cây cau. Đâu đó trong không gian thoảng mùi khói bếp, mùi phân trâu ngai ngái. Một điệu chèo cất lên da diết từ chiếc loa trên cây đa đầu làng… Chao ơi là thanh bình.
Nhưng khoảng chục năm trở lại đây dòng Châu Giang không còn hình dáng cũ. Nó như cô gái lỡ thì đã già nua, bệnh tật lại còn bệ rạc. Phía thành phố Phủ Lý cá chết phơi bụng trắng ven bờ do khu công nghiệp xả hóa chất độc hại xuống sông. Đoạn qua quê tôi (làng đại hoàng của Nam Cao) bèo Nhật Bản phủ kín mặt sông. Cái thứ bèo ngày xưa chỉ loáng thoáng trôi, chúng tôi thường thích thú ngắm những bông bèo tây có nhành hoa phớt tím, ngắt một bó về cắm vào cốc nho nhỏ để trên bàn học thì bây giờ bạt ngàn một thảm bèo xanh sẫm, cứ như thể bèo đã hút cạn hết nước dòng Châu Giang mất rồi. Hai bên bờ rác rến đầy ắp, những ruộng ngô, ruộng rau không đủ nước tưới tiêu nên cũng chẳng thể xanh ngút ngát như thuở nào, cá tôm cạn kiệt và chẳng còn đâu những làn gió mát thổi hây hây từ mặt sông như lá phổi của làng, chẳng còn đâu cái thú chiều xuống, sau một ngày lao động vất vả người dân quê ra sông quẩy đôi thùng nước, trao đổi những câu chuyện làm… xôn xao bến nước sông quê.
Tôi đưa con về quê và muốn kể con nghe về dòng sông quê mình ngày xưa ấy nhưng lại nghĩ làm sao gửi bằng hết cái cảm, cái hương, cái vị của sông quê (như tôi đã được hưởng) cho con thấm, khi mà sông giờ đã tiều tụy nhường này. Thôi thì, đành cùng con sống với những hồi ức về sông và cầu mong một ngày dòng Châu Giang sẽ lại đẹp như xưa.                                                                
 Song Long - Bản tin ĐHQGHN số 245, tháng 7/2011
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC