Văn hóa  Văn học 04:16:36 Ngày 24/04/2024 GMT+7
THÔI XAO: “Đặc sản” của giới văn chương
Trong một lần lên lớp, nhân bàn chuyện thơ văn, nhiều bạn sinh viên K52, Khoa Ngôn ngữ học, Trường ĐH KHXH&NV – ĐHQGHN - có trao đổi với tôi như sau: “Chúng em đọc sách, đôi lần gặp một từ mà bọn em thấy rất lạ. Chẳng hạn, từ thôi xao, “Tác giả làm thơ một cách hồn nhiên, dung dị. Cứ như là nghĩ gì viết nấy chứ không hề có sự thôi xao ở đây cả”; “Thơ hay bởi tác giả rất cẩn thận, cân nhắc thôi xao từng từ, từng chữ...”.
Tra các cuốn từ điển tiếng Việt có trong tay, đặc biệt là cuốn Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học gần đây nhất (2010), chúng em không tìm thấy từ này. Thưa thầy, chúng em không rõ đây có sự nhầm lẫn, sai sót hay là một từ quá mới chưa được thu thập ạ?”.
Trước hết, tôi phải nói ngay, thôi xao là cách viết một từ Hán Việt chính xác chứ không phải là sự nhầm lẫn, một lỗi “morasse” như các bạn sinh viên phỏng đoán. Thứ hai, từ này cũng không phải từ mới trong kho tàng từ ngữ tiếng Việt. Từ có lâu rồi mà chúng ta tìm không thấy trong từ điển kể cũng lạ. Tuy nhiên, chúng ta không thể trách cứ các nhà biên soạn từ điển tiếng Việt phổ thông được. Cũng bởi lẽ từ này quá cổ, dùng rất hạn chế và nếu có dùng thì lại được dùng trong phạm vi hẹp (Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng mới xuất bản 2010, thu thập tới 45.757 mục từ, cũng không có từ này).
Thôi xao [thôi: đẩy (xuống), xao: gõ] có một xuất xứ khá thú vị, liên quan tới văn chương, mà cụ thể là thơ. Tương truyền vào đời nhà đường (Triều đại phong kiến Trung Quốc kéo dài từ thế kỉ 7 đến thế kỉ 10), có một nhà thơ tên là Giả đảo. Giả đảo nổi tiếng bởi sự nghiêm cẩn trong chữ nghĩa thi ca. Ông kĩ tính tới mức có bài tứ tuyệt thôi mà xem đi sửa lại cả năm trời vẫn chưa vừa ý. Một lần, trên đường lên kinh đô dự thi, Giả đảo làm hai câu thơ: điểu túc trì biên thụ / Tăng thôi nguyệt hạ môn, có nghĩa là “Chim ngủ trên cây ven hồ / Ông sư đẩy trăng xuống cửa”. Nhà thơ phân vân cho rằng, chữ “thôi” (có nghĩa là “đẩy”) đặt vào câu này chưa thật đắt lắm, bèn thay bằng chữ “xao” (có nghĩa là “gõ”). Song ông vẫn hết sức đắn đo mà không quyết được nên nghiêng về chữ nào, đến nỗi tâm thần trở nên ngơ ngẩn. đúng lúc ấy, có một nhà văn cùng thời là Hàn Dũ đi qua. Giả đảo mải suy nghĩ quá nên vô tình đâm sầm vào Hàn Dũ. Hàn Dũ ngạc nhiên lắm, nhưng khi biết nguyên do, không những không trách móc bạn mà ông lại còn vui vẻ cùng Giả đảo trao đổi thơ văn. Theo Hàn Dũ, chữ “xao” đặt ở đây hay hơn chữ “thôi”, vì ông cho rằng, trong cái tĩnh có cái động, đổi như thế thêm giàu ý thơ. Giai thoại này sau đã trở thành một điển cố văn học và từ thôi xao được dân gian dùng với nghĩa là “đắn đo, cân nhắc” (xem Từ điển thành ngữ điển cố Trung Quốc, Lê Huy Tiêu dịch, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993). Từ này gần như là “đặc sản” của giới văn chương và thường chỉ dùng trong phạm vi văn chương, nhằm nhắc nhở ai đó khi cầm bút viết văn làm thơ phải suy nghĩ sao cho kĩ để tìm ra tứ hay, ý đẹp, lời lẽ hàm súc. Có lẽ, câu chuyện xưa kia vẫn còn nguyên giá trị cho hôm nay. Nó nhắc nhở mọi người chúng ta, nhất là các em học sinh, cần có thái độ nghiêm túc, cẩn trọng trong việc viết văn, thêm câu đặt từ sao cho đúng, cho chuẩn và đặc biệt là sao cho hay:
“Thôi xao”, cân nhắc từng từ
Viết văn hay sáng tác thơ đều cần.
 
 PGS.TS Phạm Văn Tình - Bản tin ĐHQGHN số 246 tháng 8/2011
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC