Văn hóa  Văn học 11:36:50 Ngày 20/04/2024 GMT+7
Tre và măng cùng mọc
Chặng đường truyền thống 55 năm trưởng thành của Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp (nay là Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN) được ghi nhận trên nhiều phương diện đào tạo, nghiên cứu khoa học, hoạt động văn hoá - nghệ thuật. Riêng lĩnh vực sáng tác, trong số 1.245 nhà văn Việt Nam hiện đại, Khoa Ngữ văn đã đóng góp vào đội ngũ chung một lực lượng có thể nói là không nhỏ - 134 thành viên, với 63 nhà thơ, 37 nhà văn, 34 nhà nghiên cứu - lí luận - phê bình - dịch thuật ...
Rất hiếm nước nào như ở Việt Nam có những tên gọi rất đặc trưng "Văn nghệ Quân đội” hay "Văn nghệ Công an” trong nguồn mạch văn học chung của dân tộc thời hiện đại. Trong lực lượng Công an nhân dân, chúng ta biết đến các nhà văn Ngôn Vĩnh (nguyên TBT Báo Công an Nhân dân - CAND), Lê Hoài Nguyên (nguyên Giám đốc Điện ảnh CAND), Thu Trang (NXB CAND), Nguyễn Hồng Thái (Tổng thư ký Toà soạn Báo CAND). Trong lực lượng Quân đội, chúng ta biết đến Nguyễn Bảo (nguyên TBT Tạp chí Văn nghệ Quân đội) và các đồng nghiệp, những nhà văn mặc áo lính, như Lê Thành Nghị, Anh Ngọc, Vũ Thị Hồng, Sương Nguyệt Minh. Khối nhà trường, viện nghiên cứu văn học và cơ quan văn hoá của Đảng có 34 nhà văn, trong đó có 11 giáo sư (Đặng Thai Mai, Trương Tửu, Hoàng Xuân Nhị, Lê Đình Kỵ, Hà Minh Đức, Phan Cự Đệ, Phong Lê, Nguyễn Huệ Chi, Mai Quốc Liên, Mã Giang Lân, Đinh Xuân Dũng). Trong số 12 nhà văn Khoa Văn học đã mất (Đặng Thai Mai, Trương Tửu, Hoàng Xuân Nhị, Lê Đình Kỵ, Phan Cự Đệ, Phan Tứ, Chu Cẩm Phong, Cao Xuân Hạo, Diệp Minh Tuyền, Lữ Huy Nguyên, Nguyễn Trọng Định, Nguyễn Trung Thu) có một nhà văn - liệt sĩ Chu Cẩm Phong, được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang năm 2010. Hai nhà văn Khoa Văn học được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật là Đặng Thai Mai và Phan Tứ (tức Lê Khâm), 6 nhà văn khác được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật, (Lê Đình Kỵ, Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức, Định Hải, Chu Cẩm Phong, Phong Lê).
Trong số các nhà văn Khoa Văn học có những cặp "vợ chồng viết văn” được nhiều người biết đến như Phong Lê (GS, nguyên Viện trưởng Viện Văn học) - Vân Thanh (PGS, công tác ở Viện Văn học); Bùi Minh Quốc (tức Dương Hương Ly) - Dương Thị Xuân Quý (1941 - 1969, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, 2007); Lê Quang Trang (nguyên TBT báo Đại Đoàn kết) - Trần Thị Thắng; Chu Lai - Vũ Thị Hồng; Bế Kiến Quốc - Đỗ Bạch Mai; Hà Phương - Nguyễn Mạnh Tuấn; Sương Nguyệt Minh - Vũ Minh Nguyệt...
Có nhiều nhà văn Khoa Văn học đã và đang tham gia Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam như Phan Cự Đệ (1933 - 2007), Hà Minh Đức và Lê Quang Trang, Phan Trọng Thưởng, Nguyễn Thị Thu Huệ. Có 4 nhà văn Khoa Văn học đã và đang giữ chức Viện trưởng Viện Văn học là Đặng Thai Mai, Phong Lê, Hà Minh Đức và Phan Trọng Thưởng. Có nhà văn như Nguyễn Ngọc Ký là một tấm gương rèn luyện, phấn đấu và vươn lên chiến thắng số phận. Ông bị liệt cả hai tay từ khi mới bốn tuổi, bảy tuổi theo bạn bè đến lớp và tập viết bằng hai chân. Khi học phổ thông giỏi cả hai môn toán và văn, nhưng sau đó đã đem lòng yêu văn chương hơn nên thi vào Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1970 tốt nghiệp, về quê hương Nam Định dạy học, từ năm 1994 chuyển vào sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tự truyện "Những năm tháng không quên” đã chinh phục được nhiều thế hệ độc giả, nhất là học sinh phổ thông trước một tấm gương về nghị lực sống và tình yêu văn chương và nghề dạy học.
Nhiều nhà văn đã từng (hoặc đang) giữ chức Tổng biên tập các báo, tạp chí hoặc Tổng biên tập, Giám đốc nhà xuất bản như Hà Minh Đức (nguyên TBT Tạp chí Văn học), Bùi Hồng (nguyên TBT NXB Kim Đồng), Ngô Văn Phú (Giám đốc kiêm TBT NXB Hội Nhà văn), Ngôn Vĩnh (nguyên TBT Báo CAND), Lữ Huy Nguyên (nguyên Giám đốc NXB Văn học), Ngô Thảo (nguyên TBT Tạp chí Sân khấu), Bùi Công Hùng (nguyên TBT Tạp chí Quê hương của Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài thuộc Bộ Ngoại giao), Nguyễn Bảo (nguyên TBT Tạp chí Văn nghệ Quân đội), Nguyễn Văn Lưu (nguyên Giám đốc NXB Văn học), Lê Thái Sơn (nguyên TBT Tạp chí Sông Lam, Hội VHNT Nghệ An), Dương Kỳ Anh (nguyên TBT Báo Tiền phong), Từ Nguyên Tĩnh (nguyên TBT Tạp chí Xứ Thanh, Hội VHNT Thanh Hoá), Dương Trọng Dật (nguyên TBT Báo Sài Gòn giải phóng), Lê Quang Trang (nguyên TBT báo Đại đoàn kết), Mai Quốc Liên (TBT Tạp chí Hồn Việt, Hội Nhà văn Việt Nam), Phan Trọng Thưởng (TBT Tạp chí Nghiên cứu văn học), Bùi Sĩ Hoa (TBT Báo điện tử Vietnamnet), Nguyễn Ngọc Thiện (TBT Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam)...
Thơ có thể được xem là lĩnh vực mà các nhà văn Khoa Văn học có nhiều đóng góp nhất, 63 nhà thơ là một "con số biết nói”. Có một thế hệ nhà thơ trưởng thành đầu những năm 60 của thế kỉ XX như Ngô Văn Phú, Định Hải, Bùi Minh Quốc, Diệp Minh Tuyền, Đặng Hiển... Có một thế hệ nhà thơ chống Mỹ với tên tuổi của Nguyễn Trung Thu, Ngô Thế Oanh, Trần Nhật Lam, Vũ Duy Thông, Nguyễn Trọng Định, Thanh Thảo, Nguyễn Duy, Anh Ngọc, Hoàng Nhuận Cầm, Lâm Huy Nhuận, Mai Quỳnh Nam... Đặc biệt có một "giàn” thơ nữ từ người đàn bà "đan thơ” Ý Nhi đến những tên tuổi đáng nhớ khác như Trần Thị Thắng, Hoàng Kim Dung, Đoàn Ngọc Thu, Lê Minh Hoài, Tuyết Nga, Phan Huyền Thư, Bùi Sim Sim, Trương Kim Dung... Thơ của Thanh Thảo, Nguyễn Duy được chọn đưa vào sách giáo khoa Ngữ văn phổ thông (bậc THCS và THPT). Đặc biệt Nguyễn Duy là người có khả năng "chơi thơ”, "bán thơ” và "xuất khẩu thơ”.
Ở khoa Văn học trước đây và hiện nay vẫn có nhiều nhà giáo vừa tham gia quản lý, giảng dạy, vừa viết văn, làm thơ, như PGS. Mã Giang Lân là tác giả của nhiều tập thơ, đặc biệt bài thơ "Trụ cầu Hàm Rồng” được giải thưởng thơ Báo Văn nghệ năm 1969 - 1970 khá nổi tiếng và được lưu truyền rộng rãi trong làng thơ. Có một nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng xa xứ, định cư tại Cộng hòa Liên bang Nga 20 năm nay, tác giả của 7 tập thơ chứa chan nỗi niềm của một người yêu quê hương, đất nước.
Trong lĩnh vực văn xuôi và kịch, các nhà văn khoa Văn học cũng đã được đánh giá là một đội ngũ khá hùng hậu với 37 cây bút thuộc nhiều thế hệ: Đó là lớp nhà văn bước ra từ cuộc kháng chiến chống Pháp như Phan Tứ (tức Lê Khâm, 1930 -1995), Đoàn Minh Tuấn, Xuân Trình, Nguyễn Gia Nùng... Thuộc thế hệ sau có một nhà văn Ngôn Vĩnh chuyên viết về "đề tài nóng” trong lực lượng Công an, lại có một Hồng Duệ, Nguyễn Thị Thu Huệ có duyên khi viết về chuyện đời thường. Đội ngũ những "nhà văn mặc áo lính” rất hùng hậu - đó là Nguyễn Bảo, Minh Chuyên, Trịnh Đình Khôi, Từ Nguyên Tĩnh, Nguyễn Trọng Tân, Vũ Thị Hồng, Nguyễn Thế Tường, Lê Tấn Hiển, Phạm Ngọc Tiến, Sương Nguyệt Minh... Họ đã đi thẳng từ chiến tranh vào văn học. Đặc biệt, cây bút văn xuôi Chu Cẩm Phong (1941 - 1971) hi sinh ở chiến trường miền Nam.
Một số cây bút văn xuôi được đánh giá là có nội lực trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam gần đây nhất là Nguyễn Hồng Thái (vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 2006) và Nguyễn Phương Liên (SN 1972, vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010). Người nhiều tuổi nhất và người ít tuổi nhất trong lực lượng viết văn xuôi cách nhau 40 tuổi. Chúng tôi gọi đấy là sự kế tục thế hệ, nói hình tượng là "tre già măng mọc”. Trong số đó, người đọc đặc biệt chú ý đến tên tuổi của một số cây bút nữ đang có "thương hiệu” trên văn đàn như Mai Hương, Tôn Phương Lan, Nguyễn Thị Minh Thái, Bích Thu, Lý Hoài Thu, Lưu Khánh Thơ, Thành Đức Trinh Bảo... Các chị đúng là những người phụ nữ "đảm việc nhà, giỏi việc văn chương” mà không phải thời nào cũng có những gương mặt nữ như thế. Nếu Mai Hương cẩn trọng và toàn diện thì Nguyễn Thị Minh Thái sắc sảo và năng động, nếu Tôn Phương Lan có "duyên ngầm” trong phê bình thì Lưu Khánh Thơ xông xáo với phẩm tính của một cây bút thường trực, nếu Bích Thu thâm trầm và chắc chắn thì Lý Hoài Thu có những đột phá bất ngờ. Đúng là "mỗi người mỗi vẻ mười phân vẹn mười”.
Cuộc "ra quân” của các nhà văn khoa Ngữ Văn, như có người ví von, là một cuộc biểu dương lực lượng trên mặt trận văn hoá - văn nghệ thời hiện đại.
 
 Bùi Việt Thắng - Bản tin số 249 - Tháng 11/2011
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC