Văn hóa  Văn học 22:10:02 Ngày 18/04/2024 GMT+7
Tiếng vọng từ chân trời
Tôi về lại nơi chôn rau cắt rốn của mình sau những tháng ngày miệt mài trên giảng đường đại học. Quê tôi là một vùng đất chiêm trũng của đồng bằng Bắc Bộ. Người dân sống cần cù và lam lũ như chính từng tấc đất nâu nơi đây.

Về lại nơi mình đã sinh ra và lớn lên, tôi được về với tuổi thơ của mình. Trước đây, cũng trong hương rơm ngai ngái này, chúng tôi được thả mình theo tiếng sáo diều, được tắm mình trong những cuộc vui lúc chiều tà bên những đàn trâu buộc.

Tôi hít một hơi dài như muốn uống hết tất cả mùi rơm mới trải vàng khắp quãng đường tôi về để cảm nhận hết những nỗi niềm người dân gửi vào từng cây lúa. Xốc lại chiếc ba lô trên vai, tôi rảo bước trên từng cọng rơm nơi đường làng để về nhà mình. Bất chợt một tiếng động làm tôi giật mình. Nó vang lên từ lưng chừng núi. Cái tiếng nghe mà thân thuộc quá - tiếng chuông chùa. Chùa ở rìa làng, nằm ẩn sau rặng cây già. Mây sà xuống tận những lưỡi đao cong vút làm cho không gian vốn cổ kính, tôn nghiêm thêm vẻ thiêng liêng, huyền bí. Mây và núi lưu giữ cho ngôi chùa nét đẹp của văn hoá tâm linh, của nét văn hoá làng. Có lẽ lâu lắm rồi tôi mới nghe lại âm thanh quen thuộc ấy. Tiếng chuông chùa khơi dậy ký ức tuổi thơ tôi. Khi đàn trâu được nới thừng thong thả gặm cỏ ngoài bãi, lũ trẻ trâu chúng tôi lại men theo triền núi. Cụ chùa rất quý chúng tôi mỗi lúc đám trẻ bước vào cổng chùa. Cụ để dành phần cho bọn trẻ con từng phẩm oản xôi, từng quả chuối tiêu trứng cuốc. Chúng tôi lấy đó làm phần thưởng cho cuộc thi bơi ngoài bãi sông hay những trận đấu cỏ gà. Nhưng thú vị nhất có lẽ là được theo chân chú tiểu trèo lên gác chuông gióng lên những tiếng chuông chiều. Hồi chuông ngân xa như chiếc đồng hồ của nông dân, gọi người làng lên khói bếp. Cụ sư bảo tiếng chuông chùa gọi những linh hồn còn vơ vẩn đâu đó trong không gian trở về với Đức Phật mỗi buổi chiều tà. Cửa Phật từ bi sẽ lưu giữ các vong hồn, giúp cho các linh hồn có thể phù hộ cho gia đình mình thêm êm ấm, hạnh phúc hoặc ít ra cũng cho chúng chỗ để đi về mỗi khi nhà chùa lên hương…

Tiếng chuông chùa, ráng hoàng hôn, mùi khói bếp vì thế trở nên quen thuộc với chúng tôi. Ở thành phố, có lẽ những thanh âm của cuộc sống nông thôn đối với tôi là điều quá xa xỉ. Tôi không thể nghe thấy tiếng dế, tiếng chão chuộc trong đêm vắng. Tôi không thể gặp được tiếng sáo diều réo rắt tấu lên khúc nhạc của đồng quê. Cũng chưa bao giờ tôi nghe lại được tiếng gõ nhịp đuổi cá của nhà chài. Và cả những tiếng đầm ấm, mượt mà của những người mẹ ru con cũng bị thay thế bởi âm nhạc hiện đại. Từ ngày xa nhà, tôi không còn được hít thở mùi thơm của rơm mới, không thể được nghe tiếng thở của đất đai nơi quê nhà… Một chút gì hơi quen đối với tôi có chăng chỉ là tiếng chuông chùa Trấn Vũ thong thả ngân xa trên sóng nước Tây Hồ, là tiếng rao bánh khúc, xôi đỗ hay tào phớ của gánh hàng đêm. Nhưng càng ngày những tiếng dân dã ấy càng thưa thớt và chỉ những con hẻm chật chội mới lưu giữ được…

Ký ức tôi tan biến theo một tiếng gọi vọng lại từ xóm trại ven chùa: “Thắng ơ ơ ơi! Vềề ăăăn cơơơơm!”. Đó là tiếng gọi con của một bà mẹ nào đó, nghe chừng thân thuộc quá! Phải chăng đó còn là thanh âm vọng lại từ vô thức tuổi thơ tôi, tiếng gọi thầm của mẹ tôi thiết tha và sâu lắng vọng về từ tâm khảm…

 Phúc Sơn - K55C, Khoa Ngữ văn, Trường ĐHSPHN - Bản tin ĐHQG Hà Nội, số 209 - 2008
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC