Video 11:44:50 Ngày 16/04/2024 GMT+7
Các giải Nobel năm 2005
Giải thưởng Nobel năm 2005 cho 6 lĩnh vực đã được Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển và Uỷ ban Nobel Na Uy công bố quyết định trao cho các tổ chức và cá nhân xứng đáng...

Theo truyền thống, các Giải Nobel về Vật lý, Hóa học, Y học, Văn học và Kinh tế sẽ được đích thân vua Thụy Điển trao tặng, còn Giải Nobel Hòa bình sẽ được Chủ tịch ủy ban Nobel Na Uy trao tặng ở Oslo trước sự hiện diện của vua Na Uy và các thành viên Hoàng gia. Kể từ khi ra đời, Giải Nobel đã được trao tặng cho 758 cá nhân (33 nữ, 725 nam) và 18 tổ chức. Cho tới nay, người trẻ nhất đoạt Giải Nobel là William Lawrence Bragg, 25 tuổi (đoạt Giải Nobel Vật lý vào năm 1915, cùng với cha ông). Vật lý là lĩnh vực chiếm kỷ lục về số người được giải và số người trẻ nhất được giải (10 người từ 31-34 tuổi). Điều lý thú là những người được giải cao tuổi nhất cũng thuộc lĩnh vực Vật lý, với 2 người đoạt Giải Nobel ở tuổi 88 và 87 (vào năm 2002, đó là nhà vật lý Mỹ Raymond Davis Jr., và vào năm 2003, đó là nhà vật lý Nga Vitaly L. Ginzburg).

Giải Nobel Y học

Mở đầu mùa Giải Nobel năm 2005, ngày 3/10/2005, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã quyết định trao Giải Nobel Y học cho hai nhà nghiên cứu Australia - Barry J. Marshall và J. Robin Warren - do đã khám phá ra vi khuẩn Helicobacter pylori và vai trò của chúng trong bệnh viêm loét hệ tiêu hoá (chứng viêm dạ dày, loét dạ dày hoặc tá tràng).

TS Robin Warren, 68 tuổi, là nhà nghiên cứu bệnh học ở Perth, Australia. Ông đã quan sát những vi khuẩn nhỏ, có hình xoắn, sống ở phần dưới dạ dày của khoảng 50% bệnh nhân được lấy mẫu sinh thiết. Từ đó, ông phát hiện dấu hiệu viêm nhiễm luôn luôn xuất hiện ở niêm mạc dạ dày, gần nơi có vi khuẩn sinh sống. Còn GS Barry Marshall, 54 tuổi, thuộc ĐH Tây Australia, bắt đầu quan tâm tới những khám phá của Warren khi còn trẻ. Hai nhà khoa học này đã cùng nhau tiến hành nghiên cứu mẫu sinh thiết của 100 bệnh nhân. Sau nhiều nỗ lực không mệt mỏi, Marshall đã nhân nuôi thành công một loài vi khuẩn mà hồi đó giới khoa học chưa biết tên (sau này được gọi là Helicobacter pylori) từ nhiều mẫu sinh thiết nói trên. Cùng với nhau, hai nhà khoa học đã phát hiện sinh vật mới tồn tại ở hầu hết những bệnh nhân bị viêm dạ dày, loét tá tràng và loét dạ dày. Từ những kết quả thu được, họ đề xuất đưa khuẩn Helicobacter pylori vào nguyên nhân gây ra những căn bệnh này.

Trước khi có những phát hiện về vi khuẩn Helicobacter pylori năm 1982, người ta cho rằng chính lối sống và sự căng thẳng (stress) là nguồn gốc gây ra các vết loét dạ dày và tá tràng. Nhưng nay, các chuyên gia đã kiểm chứng và khẳng định vi khuẩn Helicobacter là nguyên nhân gây ra tới hơn 90% bệnh loét tá tràng và 80% bệnh loét dạ dày. Nhờ những khám phá tiên phong của hai nhà khoa học này mà bệnh viêm loét hệ tiêu hoá không còn bị coi là chứng bệnh mãn tính, mà là một căn bệnh có thể chữa khỏi bằng một đợt điều trị ngắn bằng kháng sinh và chất ức chế dạ dày tiết axít.

Khám phá của hai nhà khoa học Australia sẽ giúp các công ty dược phẩm điều chế loại thuốc tiêu diệt loại vi khuẩn này và thúc đẩy các nghiên cứu khác liên quan đến các bệnh ở hệ tiêu hoá. Trị giá của Giải Nobel Y học năm nay là 1,29 triệu đôla Mỹ.

Giải Nobel Vật lý

Ngày 4/10/2005, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thuỵ Điển đã công bố quyết định trao Giải Nobel Vật lý 2005 cho ba nhà khoa học: Roy J. Glauber (Mỹ), John L. Hall (Mỹ) và Theodor W. Hansch (Đức) do những nghiên cứu về ánh sáng mà cụ thể là những miêu tả lý thuyết về hoạt động của hạt ánh sáng cũng như việc nghiên cứu quang phổ dựa trên ánh sáng laser. Đây là yếu tố quyết định đến màu sắc của các nguyên tử và phân tử với độ chính xác tuyệt đối.

Đã từ rất lâu, các hiện tượng quang học và bản chất ánh sáng vẫn luôn là đề tài thu hút rất nhiều nhà khoa học. Giống như sóng radio, ánh sáng là một dạng của bức xạ điện từ mà lý thuyết thống nhất đã được Maxwell xây dựng từ năm 1850.

Lý thuyết của ông đã được ứng dụng trong nhiều công nghệ, kể cả những công nghệ rất hiện đại như điện thoại di động, phát thanh, truyền hình... Về mặt bản chất, ánh sáng được coi là một dạng vật chất đặc biệt, vừa mang tính chất của sóng điện từ, vừa mang tính chất của hạt. Roy Glauber đã có những đóng góp cơ bản trong nghiên cứu các hạt này. Nhờ vào phát hiện này mà người ta có thể giải thích sự khác nhau giữa các nguồn sáng nóng như bóng đèn tròn vốn là sự kết hợp của nhiều tần số và pha ánh sáng khác nhau và ánh sáng laser với chỉ một tần số và pha duy nhất.

Còn nghiên cứu của John Hall và Theodor Hansch giúp cho các nhà khoa học có thể đo đạc các tần số với độ chính xác rất cao. Kỹ thuật này có thể giúp các nhà khoa học thực hiện được những nghiên cứu chẳng hạn tính toán sự sai khác về thời gian để tăng thêm tính chính xác cho các bộ đếm đồng hồ trong các hệ thống và công nghệ định vị.

Với những đóng góp cho thuyết lượng tử gắn kết quang học, mô tả tính chất của các hạt ánh sáng về mặt lý thuyết, TS Roy J. Glauber (80 tuổi) thuộc ĐH Harvard sẽ được nhận 1/2 giải thưởng. Một nửa giải thưởng còn lại thuộc về TS John L.Hall (71 tuổi) ở ĐH Colorado và GS.TS Theodor W. Hansch (63 tuổi) thuộc Viện Quang học lượng tử Max-Planck. Hall và Hansch đã góp phần vào sự phát triển của quang phổ học chính xác dựa trên cơ sở laser, nghĩa là xác định màu ánh sáng của nguyên tử và phân tử với độ chính xác cực cao.

Giải Nobel Hoá học

Hai nhà khoa học người Mỹ Robert H. Grubbs (phải) và Richard R. Schrock (trái) cùng nhà khoa học người Pháp Yves Chauvin (ảnh bên) đã được trao giải Nobel Hóa học năm 2005 do các phát hiện của họ đã giúp cho ngành công nghiệp hoá chất chế tạo ra các loại dược phẩm và những chất dẻo tiên tiến hiệu quả hơn và ít chất thải độc hại hơn.

Robert H. Grubbs, 63 tuổi, là giáo sư Hóa học tại Viện công nghệ California, Richard R. Schrock là giáo sư Hóa học tại Viện Công nghệ Massachusetts và Yves Chauvin, 74 tuổi là chủ tịch danh dự của nhóm nghiên cứu tại Viện Dầu mỏ tại Ruel-Malmaison, Pháp.

Bộ ba này đã giành được giải thưởng vinh dự Nobel do đã khám phá ra phương pháp hoán vị trong tổng hợp chất hữu cơ - sắp xếp lại các nhóm nguyên tử trong phân tử mà Viện hàn lâm khoa học hoàng gia Thụy Điển ví như một vũ điệu mà trong đó các đôi đổi bạn nhảy cho nhau. Hoán vị được sử dụng hàng ngày trong ngành công nghiệp hoá chất, chủ yếu là để tạo ra các loại dược phẩm và những chất dẻo tiên tiến. Đó là những phương pháp hiệu quả hơn (ít phản ứng, cần ít nguyên liệu và tạo ra ít chất thải hơn), dễ sử dụng (ổn định trong không khí, ở nhiệt độ và áp suất bình thường) và thân thiện hơn với môi trường (các dung môi không gây thương tích, phế thải ít độc hại hơn). Đó là một bước tiến vĩ đại đối với “ngành hoá học sạch” (green chemistry), giảm chất thải độc hại thông qua tiến trình sản xuất thông minh hơn.

Hội đồng giám khảo giải thưởng Nobel đã nhận xét: “Phát hiện này là một bước tiến lớn đối với “ngành hóa học sạch”, giảm nguy cơ các chất thải độc hại. Phương pháp hoán vị là một minh chứng về tầm quan trọng của việc ứng dụng khoa học cơ bản phục vụ lợi ích của con người, xã hội và môi trường”.

Giải Nobel Văn học

Giải Nobel Văn học năm 2005 đã được quyết định trao cho Harold Pinter, nhà viết kịch người Anh, tác giả của những vở kịch “xuất phát từ những vấn đề tưởng như nhỏ nhặt hằng ngày nhưng có khả năng dồn đẩy người đọc vào một không gian ngột ngạt, bức bối”. Theo sự đánh giá của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, Harold Pinter chính là người bảo tồn hình thức nghệ thuật của thể loại kịch thông qua những tác phẩm nổi tiếng như: The Room, The Birthday Party, The Dumb Waiter và đặc biệt là The Caretaker. Pinter sinh ngày 10/10/1930 tại London, Anh. ông được xem là một trong những kịch tác gia đương đại lớn nhất của Anh, người có ảnh hưởng sâu sắc nhất đến thế hệ mình. Ngoài khối lượng tác phẩm gồm hơn 30 vở kịch, ông còn sáng tác thơ và viết văn. Kịch bản điện ảnh và truyền hình đáng nhớ của ông gồm “The Accident, The Servant” và “The Go-Between” và kịch bản phim “The French Lieutenant’s Woman” năm 1981 dựa theo tiểu thuyết của John Fowles.

Trước khi chạm tới vinh dự cao quý này, Pinter đã là chủ nhân của những giải thưởng như: Giải Wilfred Owen dành cho tác phẩm thơ tiêu biểu, giải Shakespeare (Hamburg), giải Văn chương Châu âu (Vienna), giải Pirandello (Palermo), giải David Cohen của Văn học Anh, giải thưởng của Hội phê bình sân khấu New York. Đến nay, Giải Nobel Văn học đã được trao cho 102 tác giả (tính cả giải thưởng đã bị nhà văn Pháp Jean-Paul Sartre khước từ năm 1964).

Giải Nobel Kinh tế

Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã quyết định trao Giải Nobel Kinh tế năm 2005 cho Robert J. Aumann, 75 tuổi - Đại học Hebrew của Jerusalem (phải), Israel và Thomas C. Schelling, 84 tuổi - Đại học Maryland, Hoa Kỳ (trái).

Nghiên cứu của hai ông giúp mọi người hiểu sâu thêm những xung đột và việc hợp tác thông qua những phân tích của lý thuyết trò chơi (game - theory) hay còn gọi là lý thuyết quyết định tương tác quan hệ, lý giải tại sao một số cá nhân, tổ chức hay một vài quốc gia lại thành công trong việc phát triển quan hệ hợp tác và quản lý các nguồn lực của mình, trong khi các nhóm khác lại gặp phải rất nhiều xung đột và thất bại. Trong những bối cảnh của thế giới hiện tại, việc hợp tác với nhau sẽ dễ dàng tạo ra những mối quan hệ bền vững hơn là việc đối đầu. Hai ông là người đầu tiên tiến hành những nghiên cứu một cách chính thức và tỷ mỷ về các hiện tượng lặp đi lặp lại, từ đó phát hiện một cách chính xác những kết quả sẽ phát sinh theo thời gian của những mối quan hệ lâu dài. Lý thuyết trò chơi đã được tiến hành nghiên cứu và có thể áp dụng rộng rãi cho nhiều cơ quan, tổ chức, từ những tổ chức kinh doanh nhỏ, các cuộc đàm phán kinh tế tới những hiệp ước thương mại.

Hội đồng xét chọn Nobel đã đoạn viết: “Công trình của họ đã chuyển khoa học xã hội sang khía cạnh kinh tế. Nó giúp tăng cường hiểu biết về cội nguồn mọi mối xung đột và hợp tác thông qua cách phân tích dựa trên lý thuyết của các trò chơi. Học thuyết này sẽ tiếp tục định dạng các loại hình quan hệ xã hội liên quan”.

Đây là lần thứ hai các nhà nghiên cứu Lý thuyết trò chơi giành giải thưởng Nobel kinh tế. Năm 1994, ba nhà kinh tế học là John Nash, John Harsanyi và Reinhard Selten cũng đã được trao giải thưởng Nobel về những đóng góp quan trọng của họ cho lý thuyết về trò chơi.

Giải Nobel Hoà bình

Uỷ ban Nobel Na Uy đã quyết định trao Giải Nobel Hoà bình năm 2005 cho Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và Giám đốc của IAEA, ông Mohamed Elbaradei (trái) vì những nỗ lực ngăn ngừa việc sử dụng năng lượng hạt nhân phục vụ cho mục đích quân sự, đồng thời đảm bảo chỉ sử dụng năng lượng này cho mục đích hoà bình theo cách an toàn nhất.

IAEA là tổ chức phối hợp quốc tế về hạt nhân, được thành lập năm 1957. Trong suốt 48 năm hoạt động, IAEA đã làm việc với các nước thành viên Liên hiệp quốc và nhiều đối tác trên toàn thế giới để phát triển công nghệ hạt nhân vì hoà bình và an ninh.

Trụ sở của IAEA đặt tại Trung tâm quốc tế Vienna, Áo. Văn phòng liên lạc hoạt động và các văn phòng khu vực của IAEA được đặt tại Geneva - Thuỵ Sĩ; New York - Mỹ; Toronto - Canada và Tokyo - Nhật Bản. IAEA điều hành hoặc ủng hộ các trung tâm nghiên cứu và phòng thí nghiệm khoa học tại Vienna, Seibersdorf - áo; Monaco và Trieste - Italia.

Nhiệm vụ của IAEA được định hướng bởi nhu cầu của các nước thành viên, các kế hoạch chiến lược và định hướng nêu ra trong quy chế của cơ quan này. Ba trụ cột chính trong hoạt động của IAEA bao gồm: An toàn - An ninh; Khoa học - Công nghệ; Bảo vệ - Thẩm định.

Ông ElBaradei sinh năm 1942 tại Ai Cập. Tốt nghiệp trường ĐH Luật Cairo, Elbaradei hành nghề luật trước khi bắt đầu sự nghiệp tại Bộ Ngoại giao Ai Cập năm 1964. ElBaradei lấy bằng Tiến sĩ về Luật quốc tế tại trường luật Đại học New York. Năm 1980, ông trở thành một thành viên cấp cao phụ trách về Chương trình Luật quốc tế tại Viện Nghiên cứu và Đào tạo của Liên hiệp quốc. Năm 1984, Elbaradei tham gia IAEA.

Mười ba năm sau đó, vào năm 1997, Elbaradei trở thành người đứng đầu tổ chức này. Tiến sĩ ElBaradei đã sử dụng tài ngoại giao khéo léo của mình để giải quyết những tranh cãi về hạt nhân của Iraq, CHDCND Triều Tiên và Iran, đồng thời khẳng định rằng cho dù là tình huống khó khăn nhất vẫn gặt hái được những tiến triển tích cực.

Là một nhà ngoại giao cẩn thận và giản dị, ông đã đặt ra một nguyên tắc kiên quyết, đưa IAEA qua hàng loạt khó khăn kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc. Những kiến thức ông thu được trong quá trình học về ngoại giao thể hiện rất rõ trong mọi điều ông thực hiện - từ cách thức ông phát biểu trước báo giới, thoải mái nhưng thận trọng, đến cách thức ông giải quyết các vấn đề liên quan đến hạt nhân của các quốc gia.

Elbaradei tiếp tục được bầu chọn làm Giám đốc IAEA nhiệm kỳ 3 sau khi Mỹ không phải đối ông mặc dù quan hệ giữa Washington và IAEA không phải lúc nào cũng “êm đẹp” trong những năm gần đây. Mặc dù Elbaradei đồng ý với chính quyền hiện thời ở một số vấn đề then chốt liên quan đến hạt nhân song ông thường không ngại ngần khi nói lên quan điểm của mình.

Trong thời điểm mà mối đe doạ hạt nhân ngày một lớn, Uỷ ban trao giải Nobel kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết vấn đề này thông qua các hoạt động hợp tác quốc tế rộng rãi. IAEA và ông Elbaradei đã đóng góp công sức rất lớn vào việc kiểm soát và đảm bảo rằng năng lượng hạt nhân sẽ không bị sử dụng sai mục đích và tìm ra những cách thức mới, mạnh mẽ để quản lý nguồn năng lượng này. Cũng trong thời điểm mà những nỗ lực giải trừ quân bị đang bị ngưng trệ, mối nguy hiểm tiềm tàng hạt nhân của các nhóm khủng bố luôn hiện diện và khi mà giải pháp năng lượng hạt nhân đang đóng một vai trò quan trọng thì công việc và đóng góp của IAEA có một ý nghĩa đặc biệt

 Ngọc Dung (Tổng hợp) - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 178, tháng 12/2005
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC