Video 01:59:31 Ngày 20/04/2024 GMT+7
Trung Quốc: Nền giáo dục không đạt hiệu quả mong muốn
Nền giáo dục Trung Quốc đang bị chỉ trích mạnh mẽ việc đầu tư không gắn liền với chất lượng giáo dục. Mới đây, Công ty nghiên cứu và tư vấn Horizon đã làm một cuộc điều tra trên 3.355 người, tuổi từ 16 đến 60 tại cả vùng nội và ngoại thành trong 7 thành phố lớn của Trung Quốc, trong đó có cả Bắc Kinh và Thượng Hải.

Kết quả điều tra cho thấy chỉ 16% số người được hỏi là cảm thấy hài lòng với số tiền mà họ đã đầu tư vào việc học. Và học càng cao bao nhiêu, thì người ta lại càng thất vọng với chất lượng đào tạo bấy nhiêu. "Mặc dù có bằng thạc sỹ, nhưng tôi vẫn trượt khi thi tuyển vào một vị trí tốt tại một hãng lớn" - anh Mao Xin, 26 tuổi, người Bắc Kinh nói - "Kiến thức học được từ sách vở không phải là lợi thế của tôi so với các ứng viên khác". Anh Mao đã đành phải chấp nhận làm việc cho một hãng nhỏ hơn, với mức lương chỉ tương đương với người vừa tốt nghiệp đại học. "Tôi làm bố mẹ thất vọng, họ đã phải đầu tư cho tôi ít nhất 30.000 yuan (4.250 USD) cho 3 năm học thạc sỹ tại một trường hàng đầu".

 

Một kết quả khác của cuộc điều tra cho thấy những người sống ở ngoại ô cảm thấy hài lòng hơn với chất lượng giáo dục, so với những người sống trong nội thành. "Phương châm giáo dục của chúng tôi là tập trung quá nhiều vào các kỳ kiểm tra" - ông Huo Qingwen, Phó giám đốc một trung tâm ngoại ngữ, trực thuộc Đại học Ngoại Ngữ Bắc Kinh nói. "Kết quả điều tra không làm tôi bất ngờ, bởi không chỉ có sinh viên mà ngay cả giáo viên cũng thường xuyên phàn nàn với chúng tôi về chuyện bị quan tâm quá nhiều tới tỷ lệ đỗ trong các kỳ thi" - ông Huo bình luận.

 

Mới đây, Bộ giáo dục đã yêu cầu các trường trung học và đại học tiến hành việc loại bỏ từng bước hệ thống giáo dục chú trọng quá nhiều tới điểm kiểm tra, nhằm loại giảm bớt tình trạng sinh viên quan tâm quá nhiều đến bảng điểm hơn là kinh nghiệm và các kỹ năng thực tế. "Thị trường lao động đang thiếu trầm trọng nguồn nhân lực trình độ cao, nhưng rất nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học lại thiếu kỹ năng bởi công việc đòi hỏi rất nhiều kinh nghiệm thực tế cũng như khả năng sáng tạo" - ông Huo cho biết. Tuy nhiên, một vài chuyên gia giáo dục lại cho rằng không nên quá thất vọng về chất lượng giáo dục. "Ít nhất, không thể đổ tại tình trạng gia tăng thất nghiệp ở Trung Quốc là bởi chất lượng giáo dục" - bà Hong Chengwen, một giáo sư về Quản lý tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh đánh giá. "Từ vài năm nay, thị trường lao động đã không theo kịp được tốc độ phát triển kinh tế." - bà Hong nói thêm. Bà Hong cho rằng sẽ có một hiệu ứng domino diễn ra nếu như chính phủ không nỗ lực giữ tỷ lệ thất nghiệp. "Mọi người thường quá hy vọng vào mức lương cao mỗi khi họ đầu tư vào việc học". "Tỷ lệ người có việc làm sẽ ảnh hưởng đến mong muốn của mọi người khi họ quyết định đi học, nhất là đối với những người theo học ở bậc đại học" - bà Hong nhận định.

 

Những ý kiến trên của bà Hong được đưa ra đúng vào thời điểm lần đầu tiên trong vòng 10 năm qua, lượng ứng viên thi đầu vào các chương trình học cao học giảm đi - theo số liệu của Bộ Giáo Dục Trung Quốc cho biết. Số liệu này cho thấy năm nay, trong khắp cả nước chỉ có 1,2 triệu người dự thi cao học, giảm 6% so với năm ngoái. Vivian Guo - Giám đốc điều hành của một công tư ty nhân tại Bắc Kinh cho biết công ty của cô muốn thuê nhân viên có thể đóng góp nhiều nhất với giá rẻ nhất.

 

Phần lớn sinh viên tốt nghiệp đại học thích làm việc tại các thành phố lớn, điều này dẫn đến tình trạng mất cân bằng nhân lực giữa khu vực thành thị và nông thôn, bà Hong nói - Các sinh viên đó sẽ có nhiều cơ lựa chọn hơn nếu họ chịu chấp nhận làm việc ở các vùng nông thôn, bởi chính phủ có chính sách ưu tiên về thu nhập đối với các khu vực tỉnh lẻ và miền Tây. Cũng theo số liệu của Bộ Giáo dục, Khoảng 580.000 sinh viên tốt nghiệp đã tìm được việc làm ở các khu vực nông thôn và 550.000 sinh viên tốt nghiệp đã tìm được việc tại khu vực miền Trung và miền Tây. "Bởi vì nhiều sinh viên tốt nghiệp chỉ quan tâm đến công việc lương cao và gần với chuyên ngành, nên họ để lỡ nhiều cơ hội tốt khác" - Kong Xiang, một sinh viên tốt nghiệp tại Bắc Kinh đang làm giảng viên tiếng Anh tại một trường trung học tại tỉnh Yunnan cho biết.

 

Tiền học phí cũng là một yếu tố chịu nhiều chỉ trích từ phía người dân. Một cuộc điều tra gần đây cho biết tiền học phí cho con em chiếm 1/4 thu nhập của các gia đình trong các thành phố, tỷ lệ tương ứng đối với các gia đình ở nông thôn là 1/3. Khoảng 150 triệu học sinh tiểu học và trung học trong cả nước đã được hưởng lợi nhờ chính sách miễn học phí kể từ năm 2006. Trong khi đó, một số nơi lại vi phạm chính sách này khi họ yêu cầu phụ huynh phải trả thêm tiền nếu họ muốn con em được vào những trường tốt, Sun nói. Để giải quyết vấn đề này, chính phủ cần phải tìm cách thu hẹp khoảng cách chất lượng giáo dục giữa các trường, ông Tian Shulan thành viên của Ủy ban tư vấn chính phủ nhân dân Trung Quốc cho biết.

 Trí - Anh (tổng hợp) - Bản tin ĐHQG Hà Nội, 205 - 2008
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC