Video 07:44:52 Ngày 25/04/2024 GMT+7
Nhịp đập châu Phi trong điệu nhạc Tango Achentina Nhịp đập châu Phi trong điệu nhạc Tango Achentina
Tango đối với người Achentina thiêng liêng như ngọn núi Phú Sĩ đối với người Nhật Bản. Người nước ngoài khó có thể tưởng tượng nổi tâm hồn người Achentina chao đảo đến mức nào khi một bản Tango được cất lên.

Đặc điểm của Tango là nó thường kết hợp giữa những lời ca buồn và một nhịp điệu dập dìu mạnh mẽ. Trong truyền thống Tango nhạc cụ tiêu biểu nhất là đàn bandonéon, một lọai phong cầm như accordéon.

Một bản Tango được cả nước Achentina hâm mộ, bài ca này được đánh giá đã lột tả sâu kín tâm hồn của điệu hát này đó là bài Vuelvo el sur - Tôi về miền Nam do nhà soạn nhạc Astor Piazzolla sáng tác. Tôi về miền Nam như người ta tìm về mối tình đầu. Tôi về Miền Nam với bao hy vọng nỗi sợ hãi. Tôi mang miền Nam trong tim như người ta mang trong tim một định mệnh. Ôi, miền Nam, bà mẹ đã sinh ra tôi và sinh ra tiếng đàn bandonéon réo rắt.

Trước khi biến thành một điệu hát bình dân, Tango đã xuất hiện ở Achentina vào đầu thế kỷ 20 như một phong trào khiêu vũ. Bắt đầu từ năm 1903 có nhiều bài phóng sự trên báo chí thủ đô Buenos Aires tường thuật về một vũ điệu cực kỳ táo bạo và gợi cảm mà các đôi nam nữ rất mê và được họ trình diễn trong các ngày lễ hội. Trong điệu vũ này, đôi nam nữ cọ xát với nhau, bước nhảy của họ rất thú vị nhờ vào hai động tác, một được gọi là Quebrada, nghĩa là người con gái phải gập đầu gối ngả người xuống phía sau. Động tác thứ nhì được gọi là Corte, đó là lúc đôi trai gái bỗng phải dừng lại, phải chững lại một hồi trước khi quay vòng tiếp.

Phong trào Tango cuốn hút giới trẻ và đặc biệt tầng lớp nghèo trong Buenos Aires đến mức mà những góc phố ngoại ô, nam giới nhảy với nhau giữa ban ngày ban mặt cũng như đám thanh niên ngày nay quây quần tụ tập để trình diễn nhạc Rap. Lối khiêu vũ ngoạn mục và hình tượng của Tango rất ăn khách trong các khu đông dân, trong các bến cảng của Buenos Aires đã lập tức bị quy kết là sinh hoạt đồi trụy khiêu dâm. Văn hào Jorge Luis Borges trong tác phẩm Evaristo Carriego xuất bản lần đầu tiên năm 1930, thuật lại rằng, sau khi tham vấn ý kiến của tất cả các nhà sọan nhạc Tango thời ấy, ông rút ra kết luận : Mọi người nhất trí đánh giá điệu vũ Tango xuất thân từ trong các nhà thổ, các hồng lâu của Buenos Aires.

Âm ỉ, nhen nhúm, rồi bập bùng ngây ngất, tiết tấu độc đáo của Tango, vào thế kỷ 20 từ BuenosAires đã từng chinh phục khắp thế giới. Thế nhưng, mấy ai biết nhịp điệu này bắt nguồn tận châu Phi xa xôi được du nhập cùng với người nô lệ da đen vào lục địa châu Mỹ. Cuối thế kỷ 19, vào năm 1870, tại Buenos Aires, người da đen bắt đầu đựoc phép tập hợp với nhau theo từng cộng đồng dân tộc. Kể từ đó người Achentina bắt đầu đặt tên Baile de Tango tức là vũ điệu Tango cho lễ hội người da đen khi họ múa hát tập thể theo tiếng trống dân gian. Đó là cội nguồn của Tango trước khi được người da trắng cải tiến theo cái gu của họ lúc bấy giờ là khiêu vũ theo từng cặp nam nữ. Từ điển Encyclopedia Universalis ghi rằng: Tango xuất phát từ Sango, tên một vị thần chiến tranh huyền thọai của sắc dân Yoruba châu Phi. Nhà nghiên cứu truyền thống âm nhạc Michel Bisson còn phát hiện được trong thời buổi ngày nay từ ngữ El Tango trong hai ngôn ngữ thuộc các sắc dân Kongo Bantu. Trong ngôn ngữ Kongo Nari, El Tango có nghĩa là thời gian, còn trong ngôn ngữ Kongo Lingala, El Tango chỉ định mặt trời. Từ châu Phi sang miền nam châu Mỹ rồi đến đầu thế kỷ 20, điệu vũ Tango cập bến châu Âu, trên bờ nước Pháp qua hải cảng Marseille. Thủy thủ đoàn con tầu Sarmiento của Achentina đã mang đến thành phố Marsaeille những bản nhạc xuất sắc như bài El Choclo, tức là Bắp Ngô.

Qua bao nhiêu bước thăng trầm, Tango giữ nguyên sức hấp dẫn với nhịp đập sôi nổi ấm áp, truyền cảm, cuốn hút hết thế hệ này đến thế hệ khác. Ngày nay, ở trung tâm thủ đô Paris mỗi buổi tối thứ bảy, từ 10 giờ đêm đến 2 giờ sáng, ở bên bờ dòng sông Seine, Quai Bernard đối diện với vườn Jardin des Plantes, khi thời tiết cho phép những người yêu Tango tụ tập nhau để thưởng thức và khiêu vũ. Có những đêm, tại đây hàng trăm con người làm quen với nhau qua giai điệu Tango. Nam hay nữ, già hay trẻ, và hàng giáo sư đại học, sinh viên học sinh hay nhân viên phục vụ các cửa hàng mậu dịch, bất kể giai cấp hay sắc tộc, người ta quây quần bên một chiếc radio cassette, trầm trồ tấm tắc khen ngợi một nhịp đôi cổ điển tài tình của một tác phẩm Arrabal Amargo và những lời thở than của phong cầm bandonéon. Cạnh đó các đôi nam nữ tập trung tử tưởng phóng mình theo nhịp điệu. Mỗi khi du thuyền chạy trên dòng sông Seine đi qua rọi ánh sáng vào buổi khiêu vũ ngòai trời này, khác nước ngoài vỗ tay ầm lên để cổ vũ, các máy ảnh được bấm đèn flash liên hồi, nhưng những đôi tài tử giai nhân lúc đó nhẹ nhàng như bóng đem đã bay theo cơn đam mê Tango chẳng còn để ý đến ngọai cảnh.

 Tùng Anh (Theo báo chí nước ngoài) - Bản tin ĐHQG Hà Nội số 209 - 2008
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC