Video 16:20:37 Ngày 18/04/2024 GMT+7
Chính sách thu hút chất xám của các trường đại học Nhật Bản
Trong bối cảnh hiện nay, khi chất xám ngày càng có xu hướng vận động vượt ra ngoài biên giới quốc gia, các trường đại học của Mỹ và Châu Âu đang phải cạnh tranh gay gắt để thu hút được nhiều hơn nữa sinh viên nước ngoài xuất sắc...

 

 

Các sinh viên ưu tú đến từ Trung Quốc và các nước Châu Á khác thường nhắm tới các trường đại học của Mỹ trước tiên. Trước tình hình đó, để có thể bắt kịp các đối thủ từ Mỹ và Châu Âu, Nhật Bản đang xem xét lại một cách kỹ lưỡng các chính sách của các trường đại học đối với sinh viên nước ngoài.

Chính phủ Nhật, mới đây đã đề ra mục tiêu nhằm tăng số lượng sinh viên nước ngoài đang học tập, nghiên cứu tại các trường đại học, các viện giáo dục trên đất nước này từ con số hiện thời là 120.000 người lên đến 300.000 vào trước năm 2020.

Vậy là lần đầu tiên trong vòng 25 năm, kể từ sau 1983 khi Nhật Bản đưa ra chỉ tiêu chấp nhận 100.000 sinh viên nước ngoài, Chính phủ đã có những bước đi rõ ràng trong chính sách đối với du học sinh ngoại quốc.

Các trường đại học, sau đại học đang trong quá trình quốc tế hóa, những hoạt động nghiên cứu hiện đang được xúc tiến chắc chắn sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển khoa học kỹ thuật của đất nước này, đồng thời tăng thêm tính cạnh tranh cho nền công nghiệp Nhật Bản trên thị trường thế giới. Việc nuôi dưỡng và đào tạo nhân tài, những con người sẽ trở thành cầu nối giữa Nhật Bản với các quốc gia khác, là một nhân tố quan trọng giúp nước này được biết đến nhiều hơn nữa trong cộng đồng quốc tế.

Một lớp sinh viên tại ĐH Tokyo - Nhật Bản

Trong số các nước phương Tây, Mỹ cung cấp khoảng 580.000 suất học cho sinh viên nước ngoài, trong khi đó, Pháp, Ðức và cả các nước không nói tiếng Anh chấp nhận khoảng 250.000 sinh viên. Con số này vượt xa số sinh viên đang học và nghiên cứu tại Nhật trong thời điểm hiện tại là 120.000 người. Số lượng sinh viên nước ngoài theo học tại các trường đại học của các quốc gia được coi như thước đo đánh giá sức hấp dẫn các trường đại học đó.

Ðể có thể tăng số sinh viên nước ngoài lên đến 300.000 như đã nói ở trên, Chính phủ đã chọn ra 30 trường đại học hàng đầu để thực hiện nhiệm vụ này. Các trường học này sẽ trao các suất học bổng tham gia các khóa học được dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, nâng cao tiêu chuẩn giáo dục bằng cách sử dụng toàn bộ cán bộ giảng dạy không nói tiếng Nhật.

Trong năm 2008, trong bảng xếp hạng các trường Ðại học do Times Higher Education-Quacquarelli Symonds (THE-QS) công bố, đại học Tokyo đứng ở vị trí 19 và đại học Kyoto xếp ở vị trí 25. Bảng xếp hạng này đánh giá các trường đại học dựa trên cơ sở một hệ thống các tiêu chuẩn mà trong đó bao gồm cả tiêu chuẩn về tỉ lệ người nước ngoài trong tổng số sinh viên và giảng viên. Với kế hoạch mà chính phủ Nhật Bản vừa đưa ra, Chính phủ hy vọng rằng các trường đại học của Nhật sẽ đạt được các thứ hạng cao hơn một khi họ có thể thu hút được nhiều hơn nữa các sinh viên không nói tiếng Nhật.

Một nhân tố cản trở việc thu hút sinh viên nước ngoài đến học tại Nhật đó chính là những khó khăn trong việc tìm kiếm công ăn việc làm sau khi tốt nghiệp, bởi lẽ chỉ có một số ít các công ty của Nhật chấp nhận tuyển dụng những người nước ngoài. Từ năm 2006, Chính phủ đã để xướng và khởi động một chương trình giáo dục mang tên Career Development Programe (Chương trình phát triển sự nghiệp) dành cho sinh viên nước ngoài đến từ các nước Châu Á. Theo chương trình này, các trường đại học và các công ty tham gia sẽ mở các lớp học chuyên biệt nhằm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, bao gồm các lớp học tiếng Nhật kinh doanh và các khóa đào tạo kĩ năng nghiệp vụ tại các công ty, những sinh viên tham gia các lớp học ấy sẽ được nhận vào công ty làm việc sau đó. Chương trình này hy vọng sẽ mở rộng hơn nữa mô hình hợp tác giữa các trường đại học và các doanh nghiệp. Một phần quan trọng khác trong kế hoạch của chính phủ là việc thúc đẩy giảng dạy tiếng Nhật bên ngoài biên giới Nhật và tập trung liên kết quốc tế tới những người có nguyện vọng theo học tại Nhật Bản.

 Hương Giang (dịch từ Yomiuri) - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 214, tháng 12/2008
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC