Video 07:39:20 Ngày 18/04/2024 GMT+7
Trung Quốc đối diện với khủng hoảng thừa lao động trình độ đại học
Trước kia, những sinh viên tốt nghiệp đại học bị thất nghiệp là rất hiếm ở Trung Quốc. Nhưng hiện nay, địa vị xã hội của những sinh viên tốt nghiệp đại học đang bị đẩy xuống mức rất thấp đó là vì Trung quốc đang phải trải qua cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất trong vòng 2 thập kỷ qua.

Khoảng một phần ba trong số 5,6 triệu sinh viên tốt nghiệp năm ngoái hiện vẫn đang phải tìm việc làm và năm nay sẽ có khoảng 6,1 triệu sinh viên tốt nghiệp gia nhập đội ngũ tìm việc làm. Tìm việc cho các sinh viên tốt nghiệp đột nhiên trở thành ưu tiên số một của Trung Quốc. Chính quyền trung ương đã yêu cầu chính quyền địa phương và các xí nghiệp quốc doanh tuyển dụng nhiều sinh viên mới tốt nghiệp hơn nữa để có thể duy trì “sự ổn định chung” của Trung Quốc.

Trung Quốc đang chịu ảnh hưởng của việc dư thừa lao động trình độ cao trong xu hướng toàn cầu đang ở giai đoạn bong bóng tài chính (giai đoạn trước khi suy thoái). Theo lệnh của Chính phủ, các trường đại học ở Trung Quốc – phần lớn các trường đại học ở Trung Quốc đều được kiểm soát bởi Chính phủ - mỗi năm lại tăng chỉ tiêu tuyển sinh đầu vào lên khoảng 30% trong thập kỷ vừa qua và xây dựng rất nhiều trường đại học mới. Vấn đề mấu chốt ở đây chính là vấn đề tài chính: nhiều sinh viên đồng nghĩa với việc có thể khoản thu từ học phí để trả những món nợ cho việc mở rộng trường đại học. Nhưng những kế hoạch quá lạc quan trên đã khiến hàng trăm trường đại học ở Trung Quốc chìm trong nợ nần. Điều nghiêm trọng hơn là về lâu dài là do tốc độ phát triển quá cao của giáo dục đại học đã tạo nên áp lực rất lớn cho việc trả nợ khiến cho rất nhiều trường đại học đã trở thành những máy sản xuất bằng đại học, kết quả là những sinh viên đầu ra có chất lượng rất thấp.

Bây giờ, các công ty là người lựa chọn và nhiều công ty từ chối tuyển dụng những “sản phẩm của nền giáo dục trình độ cao của Trung Quốc”. Robert Ubell, người đứng đầu chương trình của ĐH New York ở Trung Quốc đào tạo những sinh viên trẻ để làm việc cho các công ty nước ngoài nói: “Có một sự không tương thích giữa hệ thống giáo dục và nhu cầu của nền kinh tế. Những sinh viên Trung quốc sau khi ra trường có rất ít kĩ năng làm việc thực tế”.

Vấn đề nằm ở chỗ khâu giáo dục trung học của Trung quốc. Nền giáo dục phổ cập đảm bảo phần lớn người Trung Quốc đều biết đọc biết viết, điều này có nghĩa là thậm chí cả những người nông dân nghèo khi đi xin việc ở các nhà máy ở vùng duyên hải cũng có thể được đào tạo để sử dụng máy móc rất dễ dàng. Ở đỉnh tháp của hệ thống giáo dục Trung Quốc là 75 trường đại học được tài trợ một cách hoang phí bởi chính quyền trung ương. Vì phần lớn sự mở rộng các trường này được điều khiển bởi chính quyền Bắc Kinh, nên các trường này hầu như không gặp rắc rối về mặt tài chính. Bên dưới những trường đại học “quí tộc” này là 2.100 trường đại học khác mà phần lớn những sinh viên Trung Quốc đang theo học. Và theo nhiều nhà nghiên cứu độc lập nhau, cũng như từ những nguồn tin chính thức thì phần lớn các trường này đang sở hữu những món nợ hầu như không thể trả nổi.

Chính quyền địa phương với tiềm lực tài chính của mình hiện đang tổ chức cứu trợ cho các trường đại học. Năm ngoái, tỉnh Quảng Đông, một tỉnh có tiềm lực tài chính mạnh đã phải yêu cầu các ngân hàng, phần lớn ngân hàng ở đây nằm dưới sự điều hành của chính phủ, phải tái cấu trúc lại các khoản nợ của các trường đại học. Năm nay, tỉnh đã phải sử dụng khoảng 30 triệu đôla để ngăn chặn một loạt các trường đại học không bị vỡ nợ.

Ông Yang Dongping, người đứng đầu một tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực cải cách giáo dục đã phát biểu: “Một cách khách quan chúng ta cần phải mở rộng giáo dục. Nhưng chúng ta vừa trải qua một thảm họa giáo dục”.

Một số người khác lại nhìn xu thế trên một cách lạc quan hơn. Hu Angang, một nhà kinh tế học kiệt xuất ở đại học Tsinghua đã nói rằng Trung Quốc đang ở tình trạng giống như nước Mĩ sau chiến tranh thế giới thứ 2. Khi đó G.I. Bill đã cho phép những quân nhân sau khi hoàn thành nhiệm vụ được gia nhập vào các trường đại học, mở ra một nền giáo dục chất lượng cao hơn cho quảng đại xã hội, và củng cố cho sự phát triển kinh tế của Mĩ về lâu dài. Vấn đề hiện tại sẽ tự nó được giải quyết bằng một quá trình dài hạn. Tiến sĩ Hu nói rằng: “Sự phát triển của Trung Quốc là đúng đắn, nó là một phần của kế hoạch mở rộng nền giáo dục trên cơ sở nền giáo dục quí tộc trước đây”.

Thành phố đại học

Sau đó đến năm 1998, vào giữa thời điểm mà cuộc suy thoái kinh tế ở Châu Á đang trở nên trầm trọng, thì thủ tướng của Trung Quốc là Chu Dung Cơ, quyết định cho các trường đại học phải mở cửa. Ông giải thích rằng, một lực lượng lao động với trình độ cao sẽ tạo nên một bước nhảy cho nền tiêu dùng nội địa, giúp cho nền kinh tế Trung Quốc không còn phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu.

Vào năm 1998, 3,4 triệu người Trung Quốc đã gia nhập các trường đại học. Và năm ngoái (2008) con số này đã là 21,5 triệu. Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu Trung Quốc, để có thể kiểm soát được số lượng sinh viên nhập học lớn như vậy, các trường đã phải chi gần 100 tỉ đôla để xây dựng những khu kí túc xá lớn, những khu giảng đường đồ sộ ở những thành phố đại học. Nhưng Chính phủ quá ngặt nghèo trong vấn đề tài chính. Các trường được thông báo là có thể vay tiền để mua những gì họ cần. Ngân hàng, dưới sự kiểm soát của Chính phủ tất nhiên rất hài lòng về vấn đề này. Như vậy, các trường đại học có 2 cách giải quyết để có thể thanh toán những khoản nợ của mình: Tăng học phí và tuyển thêm sinh viên. Theo những con số thống kê của chính phủ thì: lương của giáo viên thường xuyên bị cắt giảm, việc mua sắm trang thiết bị giảng dạy thường bị trì hoãn và qui mô lớp học thường bị tăng gấp đôi.

Trong khi các chuyên gia giáo dục nói rằng đất nước cần những công nhân kĩ thuật trung cấp thì rất nhiều trường đại học lại có xu hướng tuyển sinh sinh viên thuộc các ngành như: tiếng Anh, du lịch, luật và báo chí. Những ngành này đòi hỏi chi phí đầu tư thấp và không cần nhiều cơ sở vật chất kỹ thuật và dường như đang là xu hướng thịnh hành của người Trung Quốc, xu hướng coi giáo dục là công cụ để kiếm một công việc nhẹ nhàng với thu nhập cao mà không phải là một công việc lao động chân tay.

 Việt Tuyên (dịch) - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 221, 2009
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC