Video 16:53:02 Ngày 18/04/2024 GMT+7
Chế độ tiền lương đối với giảng viên đại học ở Mỹ
Theo Niên giám do Tổ chức biên niên sử giáo dục đại học Mỹ phát hành thì tiền lương trung bình của các giáo sư làm việc ở các trường đại học ở Mỹ trong năm 2006 là 99 ngàn đô la. Lương của phó giáo sư là 70 ngàn đô la, còn lương của giảng viên là 59 ngàn đô la.

Các trường đại học và cao đẳng tư, độc lập trả lương giảng viên cao hơn so với các trường công. Vậy thu nhập của giảng viên so với thu nhập của những người làm trong các ngành khác thì sao? Để trả lời câu hỏi này, ta xem các số liệu do Cục thống kê lao động Mỹ công bố.

Trong năm 2006, thu nhập của giảng viên tương đương thu nhập của các nhân viên làm việc trong lĩnh vực kinh doanh và tài chính. So với các lập trình viên máy tính thì thu nhập của giảng viên thấp hơn khoảng 10%.

Nhóm việc làm có thu nhập cao nhất ở Mỹ là quản lý. Tiền lương trung bình năm 2006 của các nhân viên làm việc trong lĩnh vực này là 92 ngàn đô-la. Tiếp theo là tiền lương của luật sư và các nhân viên làm việc trong lĩnh vực luật pháp, 85 ngàn đô-la.

Ngoài tiền lương, các giảng viên còn được hưởng các chế độ khác như bảo hiểm sức khoẻ, bảo hiểm xã hội (để nhận trợ cấp khi về hưu). Các chế độ này ở các trường khác nhau thì khác nhau.

Theo Niên giám thì trong năm 2006, lương trung bình của giảng viên tiếng nước ngoài mới vào nghề là 48 ngàn đô la. Mức lương này nhỉnh hơn một chút so với mức lương trung bình của giáo viên toàn quốc. Nhưng lương trung bình chưa phản ánh toàn bộ vấn đề.

Sally Hadden là phó giáo sư lịch sử và luật học tại Trường đại học tổng hợp FloridaTallahassee. Cô cho biết các giảng viên ngôn ngữ thường có lương thấp hơn so với các giảng viên thuộc các lĩnh vực công nghệ.

Ngày nay, các giảng viên dạy một số ngôn ngữ, trong đó có tiếng ả rập có lương cao hơn nhiều so với các giảng viên dạy tiếng Tây ban nha. Các trường đại học đang phải cạnh tranh với các cơ quan chính phủ và doanh nghệp để thu hút các giảng viên dạy các ngôn ngữ đó.

Phó giáo sư Sally Hadden cũng cho biết rằng các trường đại học và cao đẳng ở các vùng khác nhau có chế độ trả lương khác nhau. Một số bang có các hiệp hội mạnh nhằm đàm phán để tăng lương cho giảng viên.

Các trường đại học và cao đẳng khác nhau cũng có cách đánh giá khác nhau về kỹ năng của giảng viên. Các trường đại học và cao đẳng cộng đồng hoặc các trường thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn thường coi trọng kỹ năng giảng dạy của giảng viên hơn so với các trường đại học nghiên cứu lớn.

Chế độ lương cũng phụ thuộc vào một yếu tố khác - đó là giảng viên đang hưởng chế độ tập sự hay chính thức.

Chúng ta hãy tìm hiểu vấn đề này qua một ví dụ cụ thể, có tính điển hình:

Andrew McMichael là phó giáo sư trẻ thuộc chuyên ngành sử học. Anh nhận học vị phó giáo sư vào năm công tác thứ 6 ở Trường Đại học Tây Kentucky. Anh đã bắt đầu công việc ở đó với tư cách giảng viên, giảng dạy 7 học phần mỗi năm. Lương khởi điểm của anh là 43 ngàn đô la, cộng với một số khoản hỗ trợ khác bao gồm bảo hiểm y tế cho anh và gia đình cùng với bảo hiểm thân thể và bảo hiểm xã hội (để được nhận lương hưu).

Vị trí ban đầu của anh là tập sự. Điều đó có nghĩa là trường đại học sẽ quyết định hoặc bổ nhiệm anh làm giảng viên chính thức – nghĩa là sẽ bảo đảm việc làm cho anh suốt đời, hoặc yêu cầu anh rời khỏi trường.

Anh có thể được bổ nhiệm làm giảng viên chính thức sau 5 năm giảng dạy tại trường. Anh phải chứng tỏ được khả năng nghiên cứu, giảng dạy và phục vụ cộng đồng.

Kỹ năng giảng dạy được lượng hoá thông qua sự đánh giá của sinh viên và nhận xét của các giáo sư. Yêu cầu nghiên cứu khoa học được lượng hoá bằng việc công bố 3 công trình khoa học hoặc viết một cuốn sách hoặc dịch một tác phẩm từ tiếng nước ngoài sang tiếng Anh.

Các giáo sư có thể nghĩ rằng họ đáp ứng tất cả các yêu cầu để được bổ nhiệm làm giảng viên chính thức, nhưng không có sự đảm bảo chắc chắn cho nhận định này. Qúa trình xét có thể khó hiểu và không công bằng.

Trong những năm gần đây, nhiều trường đại học ở Mỹ đã giảm số lượng giảng viên chính thức. Việc làm này giúp các trường tiết kiệm kinh phí và mang lại nhiều quyền lực hơn cho các nhà quản lý. Điều này cũng có nghĩa là có nhiều sự cạnh tranh hơn cho một số lượng việc làm ít hơn.

Đầu năm 2007, Andrew McMichael nhận được quyết định về tương lai của anh ở Trường Đại học Tây Kentucky. Đó là một tin vui: anh được bổ nhiệm làm giảng viên chính thức.

Điều đó có nghĩa là anh được nhận học hàm phó giáo sư. Thêm vào đó là sự tăng lương 10% và một lần thưởng mỗi năm nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Bây giờ anh được nhận khoảng 58 ngàn đô la mỗi năm. Theo anh, đó không phải là một khoản tiền lớn. Anh biết rằng thậm chí lương khởi điểm cho một giảng viên không thuộc lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn, chẳng hạn trong lĩnh vực kế toán, cao hơn con số đó rất nhiều.

Anh cũng biết rằng, chỉ với 15 ngàn đô la, trường đại học của anh hoàn toàn có thể thuê một người khác giảng dạy một khối lượng giờ dạy như anh đảm nhận. Nhưng trở thành giảng viên đại học còn có nhiều điều có ý nghĩa, ngoài việc giảng dạy.

Phó giáo sư McMichael nói rằng được bổ nhiệm làm giảng viên chính thức có nghĩa là anh được tự do phát biểu chính kiến của mình và tự do nghiên cứu những gì mình muốn. Lịch sử không phải là mối quan tâm duy nhất của anh. Sắp tới anh sẽ cùng một nhà sinh học trình bày một loạt bài giảng về lịch sử và khoa học của bia và việc sản xuất rượu bia.

 TS. Đinh Phan Khôi (dịch) - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 223, 2009
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC