Đô thị Hòa Lạc 07:54:53 Ngày 19/04/2024 GMT+7
Đổi mới phải mang tính đột phá
Ngày 10/1/2011 Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã kí quyết định số 189/QĐ – BGDĐT bổ nhiệm PGS.TSKH Nguyễn Hồng Sơn giữu chức vụ hiệu trưởng Trường ĐHKT – ĐHQGHN nhiệm kì 2011 – 2016, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với tân hiệu trưởng.

Trước hết, Bản tin ÐHQGHN xin chúc mừng ông. Trên cương vị mới, hẳn ông sẽ tiếp tục có những đổi mới?

Trường ÐH Kinh tế đã bước sang một giai đoạn phát triển mới, giai đoạn tạo bản sắc để khẳng định vị thế. Vì thế, trong giai đoạn này, bên cạnh việc tiếp tục đổi mới để phát triển mang tính đột phá, Nhà trường sẽ phải tính đến sự bền vững theo hướng chất lượng, hiệu quả và có trọng tâm, trọng điểm.

Như đã công bố trong Chiến lược phát triển, Trường ÐH Kinh tế - ÐHQGHN theo đuổi mục tiêu chất lượng cao và đẳng cấp quốc tế. Ðể đạt mục tiêu này, chúng tôi đã có lộ trình với các kế hoạch chi tiết 5 năm và từng năm, trong đó công tác đổi mới quản trị đại học được xem là điểm nhấn trọng tâm để phát huy mọi nguồn lực nhằm tạo bước phát triển đột phá về chất lượng, hiệu quả đào tạo và nghiên cứu khoa học trong giai đoạn tới.

“Ðổi mới” còn được thể hiện ở đổi mới cơ chế quản lý điều hành, phân cấp, phân quyền để có thể tạo dựng được môi trường làm việc, giảng dạy, nghiên cứu và học tập thuận lợi, khuyến khích sự đoàn kết, nhất trí, say mê và sáng tạo của mọi thành viên trong việc thực hiện các nhiệm vụ, góp phần đạt được mục tiêu chung của nhà trường.

Ðổi mới quản lý giáo dục đại học đang là vấn đề “nóng” của ngành giáo dục nói chung, các trường đại học nói riêng. Ông đánh giá thế nào về những trở ngại đối với Trường ÐH Kinh tế?

Trường ÐH Kinh tế luôn có được sự đồng thuận và thống nhất từ trên xuống dưới là phải đổi mới để phát triển bền vững cũng như nhận được sự ủng hộ, hậu thuẫn của các cơ quan quản lý cấp trên và liên quan. Mặt khác, các hoạt động của Nhà trường, đặc biệt là đào tạo và nghiên cứu khoa học đã bước đầu đạt được một số thành tựu cơ bản như: Chương trình đào tạo cử nhân Kinh tế Ðối ngoại chất lượng cao được kiểm định theo Bộ tiêu chuẩn của Mạng lưới các trường đại học ASEAN (AUN); Ban tổ chức Trung ương đặt hàng đào tạo cán bộ nguồn cho các bộ, ngành và địa phương trong cả nước (Ðề án 165); Công bố và xuất bản ấn phẩm đặc thù - Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam bằng 2 thứ tiếng Việt và Anh; 3 đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước do cán bộ của Trường chủ trì đã có địa chỉ ứng dụng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam; Tham gia vào mạng lưới nghiên cứu quốc tế, thực hiện các chương trình nghiên cứu do các quỹ và Ngân hàng Quốc tế tài trợ, đạt giải thưởng của Chương trình WTO Chair; v.v… Những thành tựu bước đầu này sẽ là nền tảng để Trường tiếp tục phát triển đột phá theo hướng chất lượng và hiệu quả. Như vậy, có thể nói không có gì là trở ngại lớn.

Nói như vậy, con đường phát triển phía trước của Trường ÐH Kinh tế khá là thuận lợi?

Ðúng vậy, nhưng không phải là không có thách thức. Khi chính thức nhận nhiệm vụ mới, tôi đã cảm nhận được rất rõ những thách thức với tư cách là người đứng đầu một tổ chức. Áp lực lớn nhất đối với tôi trong nhiệm kỳ này là làm thế nào để tiếp tục đáp ứng được kỳ vọng cao và niềm tin của toàn thể cán bộ, giảng viên, học viên và sinh viên về sự phát triển bền vững của Trường trong điều kiện các nguồn lực còn đang hạn hẹp? Khó khăn, thách thức luôn luôn hiện hữu và ở mỗi giai đoạn lại không giống nhau. Song, điều quan trọng hơn cả là chúng ta phải đối mặt, dám làm và vững tin để chế ngự được những thách thức, biến chúng thành động lực để tiếp tục phát triển.

Ðể thành công, một trong những yếu tố quan trọng là các nhà lãnh đạo phải có khả năng quy tụ và sử dụng nhân tài. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Ông cha ta đã nói: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Và điều này không chỉ đúng trên phương diện quốc gia mà cả trên phương diện của một tổ chức. Người ta thường nói, nhân tài là tài sản quý giá nhất của mọi tổ chức nhưng tôi cho rằng hiền tài còn quý hơn nhiều. Có được hiền tài sẽ có được mọi thứ và nếu càng dùng được nhiều hiền tài thì sẽ càng có nhiều hiền tài được quy tụ cũng giống như tri thức vậy, nếu càng nhiều tri thức được sử dụng thì sẽ có càng nhiều tri thức được sản sinh.

Một trong những điểm mạnh của Trường ÐHKT trong thời gian qua là đã thu hút được nhiều cán bộ trẻ, có năng lực tốt về công tác tại Trường. Trong thời gian tới, công tác quản trị nguồn nhân lực của Trường sẽ được đặc biệt chú trọng với những cơ chế và chính sách phù hợp nhằm thu hút người tài, nuôi dưỡng sự say mê, khuyến khích sự sáng tạo, hợp tác, chuyên nghiệp và nâng cao năng lực bản thân. Hy vọng rằng, Trường ÐH Kinh tế - ÐHQGHN sẽ tiếp tục là nơi quy tụ được các giảng viên, các nhà khoa học, quản lý, doanh nhân có tâm huyết với chất lượng và sẵn sàng cống hiến cho sự phát triển của Trường nói riêng và đất nước nói chung.

Với tư cách là lãnh đạo Trường ÐH Kinh tế - ÐHQGHN, ông có điều gì muốn chia sẻ?

Là một thành viên trong ÐHQGHN, Trường ÐHKT không ngừng vươn lên, tích cực đóng góp vào sự phát triển chung của ÐHQGHN. Thời gian qua, sự đóng góp tích cực này được thể hiện ở 3 điểm chính: Thứ nhất, những thành tựu đã đạt được trong việc tiến dần tới đẳng cấp quốc tế và khu vực như việc trường đưa chương trình đào tạo cử nhân ngành Kinh tế Ðối ngoại Chất lượng cao vào đánh giá, kiểm định theo tiêu chuẩn của AUN đang góp phần hoàn thành sứ mệnh của ÐHQGHN, đó là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao cho xã hội. Thứ hai, những thành tựu của trường đang góp phần tạo dựng và phát triển thương hiệu của ÐHGQHN thông qua các sản phẩm độc đáo, những nghiên cứu mang tính đặc thù như Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam, sản phẩm đầu ra của các đề tài cấp nhà nước, các hội thảo khoa học có tầm ảnh hưởng lớn... Thứ ba, đó là tác động lan tỏa. Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam năm 2010 được xuất bản bằng 2 thứ tiếng (Việt và Anh) không chỉ góp phần tư vấn chính sách cho các cơ quan chức năng mà mô hình này còn đang được nhân rộng trong ÐHQGHN. Ðược biết, ÐHQGHN đã có kế hoạch triển khai các Báo cáo thường niên trong lĩnh vực môi trường và giáo dục. Ðây sẽ là một điểm mới góp phần tạo nên tính độc đáo và thế mạnh cho ÐHQGHN.

Tôi mong rằng, mỗi cán bộ, giảng viên, học viên và sinh viên Trường ÐH Kinh tế, với trí tuệ, sức trẻ và nhiệt huyết của mình, tiếp tục phát huy tinh thần cộng đồng, đoàn kết, chủ động hội nhập và phát triển, cùng chung sức đồng lòng xây dựng Nhà trường. Bên cạnh đó, tôi cũng mong rằng Trường sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ và hợp tác có hiệu quả về mọi mặt (từ tinh thần, cơ sở vật chất cho đến nguồn nhân lực và cơ chế) của Bộ Giáo dục - Ðào tạo, ÐHQGHN và các cơ quan liên quan cũng như của các đối tác ở trong và ngoài nước. Tôi cho rằng bài học về sự kết hợp hài hòa giữa nội lực và ngoại lực vẫn còn nguyên giá trị đối với Trường ÐHKT. Nó sẽ tạo thành sức mạnh tổng hợp giúp Nhà trường vượt qua những thách thức và rút ngắn con đường đi đến mục tiêu chất lượng và đẳng cấp quốc tế.

Cảm ơn ông. Chúc ông đạt được nhiều thành công trên cương vị mới!

 Lưu Mai Anh (thực hiện) - Bản tin ĐHQG Hà Nội số 239/2011
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC