Đô thị Hòa Lạc 10:07:38 Ngày 20/04/2024 GMT+7
Cấp số nhân của những giá trị đặc sắc
Nhà nước đang dành nhiều ưu tiên phát triển KHCN và giáo dục đào tạo, coi đây là yếu tố nòng cốt cho sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động KHCN chưa cao do vướng mắc về cơ chế, hiệu quả đầu tư, đề tài trùng lặp, nghiên cứu cơ bản bị bỏ quên… Nhằm hóa giải những bất cập trên, hợp tác của 4 trụ cột (Viện KHCN Việt Nam, Viện KHXH Việt Nam, ĐHQGHN và ÐHQG-HCM) – gọi tắt là 4V được xem là giải pháp đột phá.

>>> Bản tin số 257 (pdf)

>>> Cấp số nhân của những giá trị đặc sắc (pdf)

“4 cây chụm lại nên hòn núi cao…”

4V là những cơ quan sự nghiệp giáo dục - đào tạo và KHCN hàng đầu, có vị trí trụ cột và đầu tàu trong hệ thống giáo dục đại học, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của đất nước. Theo GS.TS Mai Trọng Nhuận – Giám đốc ĐHQGHN, phát triển hợp tác bốn bên với tầm nhìn mới, phương thức và nội dung mới là tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn Nghị quyết TW2 khóa VIII về mô hình hợp tác trường - viện - doanh nghiệp, và là hành động thiết thực thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI: “Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo”, “Đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lí, tổ chức, hoạt động KHCN, xem đó là khâu đột phá để thúc đẩy phát triển và nâng cao hiệu quả của hoạt động KHCN”.

Theo GS.TS Võ Khánh Vinh - Phó Chủ tịch Viện KHXH Việt Nam, chúng ta cần phải nhận diện 4V ở tầm chiến lược vì đây là nơi đảm đương nhiệm vụ giải quyết những bài toán lớn, quan trọng của đất nước. Ông lí giải, muốn làm được điều này, đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ của nghiên cứu liên ngành. Sự hợp tác 4V sẽ không chỉ đáp ứng được yêu cầu đó mà còn tạo nên những đột phá mới của sự phát triển. Do đó, Chính phủ cần hỗ trợ hơn nữa để 4V trở thành bệ phóng cho sự phát triển KHCN Việt Nam, đặc biệt là đầu tư mang tính đột phá về nguồn nhân lực và cơ chế tài chính.

PGS.TS Phan Thanh Bình - Giám đốc ÐHQG-HCM khẳng định, 4V có vị trí chiến lược trong nền giáo dục và KHCN Việt Nam. Vì thế, cần thiết phải khẳng định địa vị pháp lí cũng như tăng cường cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao nhất, đầu tư chiến lược trọng điểm và xứng tầm để 4V phát huy hơn nữa tiềm lực vốn có.

Ðồng tình với nhận định trên, GS.TS Châu Văn Minh - Chủ tịch Viện KHCN Việt Nam chia sẻ: "Ðóng góp về KHCN của 4V chiếm tỷ trọng 60-70% KHCN cả nước, vì vậy cần phải có sự đầu tư trọng điểm cho bốn trụ cột này... Sự hợp tác 4V không chỉ bù trừ những mặt còn chưa mạnh của nhau mà sẽ tạo nên nhiều đột phá mới trong nghiên cứu và đào tạo".

Theo GS.TSKH Vũ Minh Giang – Phó Giám đốc ĐHQGHN, sự hợp tác chặt chẽ giữa các đơn vị sẽ cộng hưởng sức mạnh, đưa KHCN và giáo dục đại học Việt Nam lên tầm cao mới. KHCN như là bê-tông, cốt thép của một tòa nhà đẹp, nếu chỉ chạy theo công nghệ thì sẽ có lúc chúng ta phải trả giá. GS.TSKH Vũ Minh Giang cũng trăn trở làm sao sớm xây dựng cơ chế phối hợp hoạt động và chương trình hành động cụ thể giữa bốn đơn vị để hỗ trợ cũng như chia sẻ nguồn lực chung, phát huy thế mạnh của mỗi bên.

“4” trong “1”

“Sự hợp tác bền vững của 4V phải chú trọng gắn kết chặt chẽ nghiên cứu với đào tạo, và phát triển 4V không chỉ ở tầm quốc gia mà phải hướng đến tầm khu vực và quốc tế”, GS.TS Võ Khánh Vinh nhấn mạnh.

GS.TS Châu Văn MinhGS.TS Mai Trọng NhuậnGS.TS Võ Khánh VinhGS.TS Phan Thanh Bình

Ý kiến của nhiều nhà khoa học và quản lí đều cho rằng, 4V phải có trách nhiệm tiên phong đổi mới, tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, nghaiên cứu khoa học đỉnh cao, phát triển công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; sáng tạo ra các yếu tố cạnh tranh cho quốc gia và giải quyết các thách thức đặt ra trong quá trình phát triển đất nước. GS.TS Mai Trọng Nhuận cho rằng, đây vừa là vai trò và trách nhiệm của mỗi bên, vừa là mục tiêu của cả nhóm.

Theo GS.TSKH Vũ Minh Giang, hợp tác 4V nhằm khai thác và phát huy thế mạnh của mỗi bên, chia sẻ sử dụng hiệu quả các nguồn lực, liên kết cùng nhau giải quyết các vấn đề lớn của quốc gia về nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực; phát triển KHCN và tri thức, nâng cao vị thế quốc tế của giáo dục đại học và KHCN. Các bên sẽ cùng tích hợp các nguồn lực, gia tăng các giá trị để góp phần đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.

Còn PGS.TS Phan Thanh Bình nhấn mạnh, 4V sẽ phối hợp trình Ban chấp hành Trung ương Đảng, hợp tác tham gia xây dựng chiến lược, chính sách, kế hoạch phát triển theo sự phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trên các lĩnh vực như: cung cấp các luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách phát triển nhanh, bền vững đất nước, đặc biệt là kế hoạch và chính sách phát triển giáo dục – đào tạo, KHCN và phát triển kinh tế - xã hội; kiến nghị, đề xuất, tư vấn và phản biện chính sách. Hợp tác xây dựng, đề xuất và tổ chức triển khai các nhiệm vụ KHCN lớn, có ý nghĩa quan trọng ở tầm quốc gia, quốc tế, tham gia giải quyết các vấn đề KHCN có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện các chiến lược quốc gia về phát triển KHCN, giáo dục – đào tạo, phát triển bền vững, phát triển kinh tế tri thức.

GS.TS Châu Văn Minh nhấn mạnh, 4V phải đưa ra những đề xuất và tiên phong thực hiện thí điểm một số chính sách, cơ chế quản lí, cơ chế tự chủ, cơ chế khuyến khích và thu hút các nhà khoa học xuất sắc; các giải pháp tăng cường hiệu quả các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học của các đơn vị sự nghiệp.

Đặc biệt, 4V chính là những đơn vị tiên phong thực hiện đổi mới trong hoạt động KHCN và đào tạo đại học, sau đại học, đồng thời có chính sách đột phá thu hút cán bộ khoa học giỏi, người tài, sinh viên xuất sắc. Bên cạnh đó, 4V sẽ tập trung đầu tư xây dựng và phát triển các tổ chức nghiên cứu đạt trình độ tiên tiến khu vực và thế giới theo mô hình Trung tâm xuất sắc (COE). Các bên hợp tác công bố các sản phẩm KHCN quốc gia, quốc tế và xây dựng các trung tâm nghiên cứu xuất sắc quốc gia, tiến tới đạt đẳng cấp quốc tế.

Còn theo GS.TS Võ Khánh Vinh, bốn đơn vị trụ cột cần phát huy hiệu quả hợp tác đào tạo thông qua các hình thức trao đổi giảng viên thỉnh giảng, đồng hướng dẫn khoa học, sử dụng giảng đường, phòng thí nghiệm và các cơ sở vật chất khác; phát triển hợp tác đào tạo theo mô hình đơn vị phối thuộc, mô hình đào tạo kết hợp - kế tiếp “a + b”; tăng cường liên thông liên kết, hợp tác trong và ngoài nước dựa trên nền tảng liên ngành, liên lĩnh vực, gắn kết đào tạo với nghiên cứu khoa học. Đồng thời, thực hiện việc công nhận bằng cấp và trao đổi tín chỉ, tạo điều kiện thúc đẩy và tăng cường hiệu quả của phương thức đào tạo theo tín chỉ giữa các bên; trao đổi thống nhất sử dụng và khai thác hệ thống giáo trình, tài liệu, bài giảng của các môn học, ngành/chuyên ngành trong cùng lĩnh vực; trao đổi, chia sẻ nhân lực và các nguồn lực cơ sở vật chất, thông tin và hợp tác quốc tế.

Ngoài ra, 4V sẽ phối hợp xây dựng và cùng tham gia tổ chức đào tạo các chương trình đào tạo mang tính liên ngành, liên lĩnh vực mới và có triển vọng, chưa có trong danh mục đào tạo của Nhà nước, phát huy vai trò tiên phong trong hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam.

Sự quan tâm của Chính phủ

Để có được những thành tựu nổi bật trên, bốn đơn vị đã nhận được sự quan tâm rất lớn của Nhà nước và Chính phủ. PGS.TS Phùng Xuân Nhạ - Phó Giám đốc Thường trực ĐHQGHN khẳng định, 4V đã có nhiều đóng góp mang tính cốt yếu của KHCN nước nhà, tiên phong triển khai những nghiên cứu mũi nhọn và là những đơn vị chủ lực sáng tạo tri thức mới. Do đó cần phải có cơ chế thúc đẩy, khuyến khích các đơn vị của 4V hợp tác phát triển, liên thông, liên kết trên cơ sở gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học.

Đồng tình với nhận định trên, GS.TS Mai Trọng Nhuận nhận định, sự hợp tác của 4V không chỉ là phép cộng, mà thực chất đó là một cấp số nhân để tạo ra những giá trị đặc sắc. Sự giao thoa của 4 đơn vị sẽ tạo nên bước tiến ngoạn mục cho sự phát triển KHCN và giáo dục đại học Việt Nam.

Bên cạnh những thuận lợi, mô hình hợp tác "4V" cũng đặt ra những khó khăn cần vượt qua, mà trước hết là, làm thế nào để xây dựng một chỉnh thể liên thông, liên kết hiệu quả. Thứ hai, cơ chế tài chính có những quy định còn khá "cứng", vì vậy khi phối hợp chắc chắn sẽ nảy sinh khó khăn về kết hợp nguồn lực. Rồi những nảy sinh khi xây dựng kế hoạch, xây dựng chiến lược đều đòi hỏi cả bốn đơn vị phải có quyết tâm rất cao. Và cuối cùng là cần phải bảo đảm sự hợp tác bền vững. Do đó, vai trò chủ quản của Chính phủ là rất quan trọng, làm sao để tạo cơ chế phối hợp mềm dẻo, linh hoạt.

Hợp tác 4V sẽ không chỉ tạo ra hiệu quả từ phương pháp nghiên cứu liên ngành mà còn tận dụng tối đa nguồn lực của các bên. Do đó, Chính phủ cần có những chính sách phù hợp, tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm và tin tưởng giao những nhiệm vụ quan trọng, tiên phong trong giáo dục đào tạo, KHCN và chuyển giao tri thức sẽ là nền tảng để 4V trở thành trụ cột vững chắc cho sự phát triển KHCN Việt Nam. Chúng ta cùng hi vọng, sự hợp tác của 4V sẽ thật sự bền vững, gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu với đào tạo, tạo ra những giá trị mới không chỉ ở tầm quốc gia mà hướng đến tầm khu vực và quốc tế.

 

 Hồng Ngọt - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC