Đô thị Hòa Lạc 02:36:55 Ngày 20/04/2024 GMT+7
Những người muôn năm cũ
Tôi lần đầu biết đến tên tuổi Giáo sư Ngụy Như Kontum vào năm 1944, khi đang học trường Quốc học Vinh. Số là tôi ở trọ gần nhà thầy Ngô Đức Thọ dạy Khoa học tự nhiên (Sciences naturelles), sau này là chuyên gia vô tuyến điện hàng đầu của quân đội ta, thỉnh thoảng sang chơi nhà thầy, có lúc còn được thầy giao trông nhà hộ khi thầy đi vắng. Thầy cho tôi mượn đọc Tạp chí Khoa học do ông Nguyễn Xiển (sau này cũng là thầy tôi ở bậc Đại học) chủ trì xuất bản để phổ biến kiến thức và “thí điểm” trình bầy kiến thức khoa học hiện đại bằng tiếng Việt, dựa trên cuốn Danh từ khoa học Pháp-Việt của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn. Nhờ đó tôi biết và rất ngưỡng mộ tên tuổi một số trí thức Việt Nam giàu tâm huyết với sự nghiệp mở mang dân trí, trong đó có giáo sư Ngụy Như Kontum. Tuy vậy, đối với một học sinh trung học mới 13-14 tuổi như tôi lúc ấy thì các vị là những vì sao sáng nhưng xa vời vợi.
Đón tiếp Bác Hồ tới thăm trường Đại học Tổng Hợp, năm 1956
Thế rồi dòng đời đưa đẩy tôi từ Khu IV lên Việt Bắc, để rồi một ngày cuối năm 1950 sau Chiến thắng Biên giới, tôi (mới tốt nghiệp trung học chuyên khoa) được anh Bảy (tức Phan Mỹ), thủ trưởng Văn phòng Phủ Thủ tướng gọi đến, giao nhiệm vụ sang Bộ Giáo dục giúp Giáo sư Lê Văn Thiêm mới từ Nam Bộ ra thành lập Trường Bách khoa theo chủ trương của Bác Hồ và Chính phủ, nhằm chuẩn bị cán bộ “kiến quốc” sau khi kháng chiến thành công. Ngoài Lê Văn Thiêm (Toán-Cơ), nhiều trí thức danh tiếng như Nguyễn Xiển (Toán), Ngụy như Kontum (Lý), Huỳnh Ngọc Cang (Hóa) và các thầy trẻ như Nguyễn Cảnh Toàn, Dương Trọng Bái, Nguyễn Thạc Cát được điều động về trường. Tại lễ khai giảng trong rừng, khách mời danh dự là ông Trần Văn Giàu, Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, khi phát biểu đã chúc mừng sinh viên chúng tôi được học với “Les sommités de la science vietnamienne” (sic), nghĩa là các đỉnh cao của nền khoa học Việt Nam!
Nhưng rồi vì nhiều lý do, trường chuyển sang Khu học xá Nam Ninh (Quảng Tây, Trung Quốc) và đổi tên thành trường Khoa học cơ bản với nhiệm vụ chuẩn bị kiến thức toán-cơ và lý-hóa cho sinh viên, trước khi chia họ thành các nhóm đi theo các kỹ sư danh tiếng đang công tác trong nước để học chuyên môn theo phương thức truyền nghề! Đến Nam Ninh, việc đầu tiên của ban giám hiệu là mua sắm sách giáo khoa và trang thiết bị thí nghiệm lý hóa. Giáo sư Kontum và vài người được cử đi Thượng Hải và đem về khá nhiều sách giáo khoa “in ảnh” bằng tiếng Anh cùng với đồ thí nghiệm. Tôi vẫn còn nhớ tên tác giả bộ sách vật lý đại cương là Sears và sinh viên gọi đó là bộ Sears!
Lúc bấy giờ, Khu Học xá Việt Nam đóng tại vùng nông thôn không điện nước, cách thành phố Nam Ninh chừng vài cây số. Hơn trăm sinh viên trường chúng tôi và trường Sư phạm cao cấp cùng học chung lớp, chung thầy, riêng môn Sinh vật thì các bạn sư phạm học với thầy Đào Văn Tiến. Hai trường cùng ở một thôn với trường Hoa ngữ, còn trường sư phạm trung cấp và Hiệu bộ Khu học xá đóng cách một quãng đường ngắn tại thôn bên cạnh. Cả thầy và trò đều ở trong làng, còn lớp học dựng ngoài rìa làng bằng cột thông, lợp rạ, bao quanh bằng vách lửng (cũng bằng rạ) để lấy ánh sáng. Mỗi sinh viên được cấp một ghế đẩu và một bảng gỗ kê lên đùi để làm bàn, khi lên lớp thì mang theo! Thỉnh thoảng lợn thả rông của dân ghé vào “dự lớp”, bị đuổi mới chịu ra!
Theo chúng tôi biết, thời thuộc Pháp thầy Kontum là một trong 4 giáo sư thạc sĩ (professeur-agrégé) ở phía Bắc Đông Dương, gồm 3 người Việt là Hoàng Xuân Hãn (Toán), Ngụy Như Kontum (Lý), Phạm Duy Khiêm (Ngữ văn) và một người Pháp là Brachet, giám đốc Nha Học chính Đông Dương, tác giả bộ sách toán trung học nổi tiếng. Thầy Kontum là người nghiêm nghị, mực thước, giảng bài với lời lẽ rõ ràng và súc tích khiến sinh viên phải chăm chú nghe, hễ hơi mất tập trung là khó theo kịp.
Chỉ có thầy Ngụy Như Kontum cùng với thầy Nguyễn Xiển và thầy Đào Văn Tiến là người có gia đình cùng sống trong khu vực trường. Vợ thầy Đào văn Tiến là chị Hồng, chưa có con, là sinh viên cùng lớp chúng tôi. Cuộc sống các thầy vô cùng đạm bạc. Sinh viên chúng tôi còn nhớ mãi đến bây giờ hình ảnh thầy Kontum oằn lưng hàng ngày gánh nước về nhà từ cái hồ cách làng vài trăm mét. Thầy không chịu để sinh viên gánh hộ! Lúc rỗi rãi thầy kể cho chúng tôi đôi câu chuyện về thời kỳ du học ở Pháp. Thầy đã có lúc làm trợ lý nghiên cứu cho nhà vật lý học nổi tiếng người Pháp là Jean Frédéric Joliot-Curie (1900-1958), giải Nobel năm 1938.
Khi gần kết thúc hai năm học tập thì một bộ phận khá đông chúng tôi được gọi về nước tham gia chỉnh huấn để chuẩn bị đi học nước ngoài, bộ phận còn lại học tiếp đến lúc tốt nghiệp rồi về nước phục vụ chủ yếu trong các ngành giao thông, khí tượng (theo thầy Xiển) và dạy học (theo thầy Thiêm và thầy Kontum). Trong số đi học nước ngoài, chỉ duy nhất có anh Đinh Ngọc Lân là đi theo chuyên môn của thầy Kontum nhờ chủ động xin được vào học khoa Vật lý Trường Đại học Thanh hoa (Bắc Kinh). Anh Nguyễn Đình Tứ, một sinh viên xuất sắc nổi tiếng của lớp chúng tôi, được phân công về học tại trường Đại học Thủy lợi Vũ Hán, nhưng sau gặp may, đang học thì anh được điều động tham gia nhóm chuyên gia Việt Nam đến nghiên cứu tại Trung tâm vật lý nguyên tử Đúp-Na (Mát-xcơ-va) và bảo vệ luận án phó tiến sĩ. Một sinh viên xuất sắc khác, anh Hoàng Phương về nước dạy môn vật lý rồi được cử sang Liên Xô thực tập, nhưng anh đã tự học và trở thành phó tiến sĩ toán-lý lớp đầu tiên của nước ta. Như vậy học trò của thầy Kontum đã có 3 người đi theo chuyên môn vật lý của thầy và đều đạt được thành tựu. Ngoài ra, gần đây tôi liên hệ được với anh Lê Nguyên Sóc, một cựu sinh viên nay là giáo sư tiến sĩ về tinh thể học đã về hưu ở Ca-na-đa nhưng vẫn tiếp tục hoạt động tích cực cho Hội Tinh thể học quốc tế. Điều này không chỉ nói lên đó là những con người thông minh, mà còn chứng tỏ họ được hấp thụ nền giáo dục rất cơ bản và vững chắc từ trung học đến đại học tại nhà trường Việt Nam thời đó. Còn chúng tôi cũng vậy, những người đi học tiếp về khoa học kỹ thuật để trở thành kỹ sư đều tốt nghiệp vào loại giỏi và xuất sắc, khi trở về nước đều tự mình phấn đấu để trở thành những người thầy về chuyên môn đầu tiên của các trường đại học kỹ thuật mới mở, hoặc là chuyên gia đầu tiên của các ngành cơ khí, gang thép, mỏ, địa chất… mới hình thành.
Các sinh viên Khoa học cơ bản và Sư phạm cao cấp ngày ấy, nay đã là những người ngoài 80 cả rồi, mỗi khi tụ tập đầu Xuân đều nhắc đến nhiều câu chuyện về các thầy với tấm lòng biết ơn, nhắc đến các bạn đã khuất như Nguyễn Đình Tứ, Lê Quý An, Nghiêm Chưởng Châu, Hà Học Trạc, Đỗ Quốc Sam và nhiều người khác nữa với niềm thương nhớ và cảm hoài. Than ôi, “những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ”! (thơ Vũ Đình Liên).
 Phạm Sỹ Liêm - Bản tin số 265 – VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC