Đô thị Hòa Lạc 09:55:13 Ngày 19/04/2024 GMT+7
GS. Ngụy Như Kontum và sự hình thành ngành Vật lý Việt Nam
Khi hai Trường mới được thành lập vào năm 1956 đội ngũ giảng viên của cả Trường đại học Tổng hợp Hà Nội lẫn Trường đại học Sư phạm Hà Nội đều còn nhỏ bé nên hai Trường thành lập chung một số Khoa, trong đó có Khoa Toán Lý gồm Bộ môn Toán và Bộ môn Vật lý. Là người đứng đầu ngành Vật lý nước ta, ngoài công việc lãnh đạo Trường đại học Tổng hợp Hà Nội trên cương vị Hiệu trưởng, thầy Ngụy Như Kontum đã dành nhiều công sức chăm lo việc tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học của Bộ môn Vật lý ngay từ những ngày đầu tiên khi Trường vừa mới được thành lập.
Vào thời kỳ đó, Liên Xô vừa xây dựng thành công Nhà máy điện nguyên tử đầu tiên trên thế giới và kêu gọi các nhà khoa học hợp tác nghiên cứu sử dụng năng lượng nguyên tử vào mục đích hòa bình. Là người đã từng có dịp làm vệc trong phòng thí nghiệm của nhà bác học Pháp được giải thưởng Nobel về nghiên cứu phóng xạ là giáo sư Joliot Curie, Thầy đã rất chú trọng việc phát triển Vật lý hạt nhân ngay từ những ngày đầu tiên ấy. Trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Ấn Độ Prasad, Bác Hồ đã cùng đi với Tổng thống Ấn Độ đến thăm Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau đó Chính phủ Ấn Độ tặng nhà trường một số suất học bổng để đào tạo giảng viên trẻ. Thầy đã cử anh Hoàng Hữu Thư, Trưởng Bộ môn Vật lý, đi thực tập về Vật lý hạt nhân ở Ấn Độ để thành lập nhóm nghiên cứu về phóng xạ. Sau đó, khi được Bộ Giáo dục thông báo về việc Liên Xô viện trợ xây dựng một số phòng thí nghiệm cho các trường đại học nước ta, Thầy đã đề nghị Bộ cho phép Trường được tiếp nhận Phòng thí nghiệm phóng xạ và mời chuyên gia Liên Xô sang hướng dẫn nghiên cứu trong một năm.
Đồng thời với việc ưu tiên tận dụng sự giúp đỡ của các nước bè bạn để phát triển hướng nghiên cứu mới nhất của Vật lý trên thế giới là Vật lý hạt nhân, Thầy đích thân đứng ra tổ chức nhóm nghiên cứu về Quang phổ với mục tiêu rõ rệt là phát triển các phương pháp phân tích quang phổ để ứng dụng vào y tế và nghiên cứu tài nguyên khoáng sản.
GS. Ngụy Như Kontum (giữa) và lãnh đạo CHND Trung Hoa chụp ảnh cùng
các nhà khoa học tham dự Hội nghị Vật lý quốc tế tại Bắc Kinh
Tiếp theo đó, anh Hoàng Phương, nguyên là giảng viên của Bộ môn Toán, sau khi đi nghiên cứu Vật lý lý thuyết ở Dubna trở về Trường đã được Thầy và Giáo sư Lê Văn Thiêm giao nhiệm vụ tổ chức nhóm nghiên cứu Vật lý lý thuyết. Tôi và cả hai anh học cùng lớp là Vũ Thanh Khiết và Phạm Quý Tư đều gia nhập nhóm nghiên cứu do anh Hoàng Phương hướng dẫn.
Thế là chỉ chưa đầy hai năm sau khi thành lập Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, trong Bộ môn Vật lý thuộc Khoa Toán Lý chung của cả hai trường đã hình thành ba nhóm nghiên cứu vật lý đầu tiên, hoạt động rất đều đặn và sôi nổi.
Ngành Vật lý Việt Nam đã ra đời khi miền Bắc nước ta vừa bắt đầu đi lên xây dựng Chủ nghĩa xã hội và nhân dân cả hai miền cùng đấu tranh để tiến tới thống nhất đất nước như thế đấy. Nhà khoa học yêu nước đã gây dựng và khai sinh ngành Vật lý nước ta vào thời kỳ lịch sử hết sức sôi động đó của đất nước là thầy Ngụy Như Kontum kính yêu của chúng ta.
Ảnh bên: Tấm ảnh của GS. Frédéric Joliot (hay Joliot Curie - Giải Nobel Hóa học năm 1935 cùng với vợ, ông là con rể và là phụ tá của nhà bác học Marie Curie) với chữ ký tặng cho người phụ tá nghiên cứu của mình là GS. Ngụy Như Kontum khi GS. Kontum về Việt Nam làm việc.
 GS.VS Nguyễn Văn Hiệu - Bản tin số 265 – VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC