12:31:25 Ngày 20/04/2024 GMT+7
Cần đổi mới cơ bản công tác quản lý giáo dục
Nền kinh tế nước ta đã có những bước tiến rất dài về mọi mặt, đặc biệt trong công tác quản lý, và đã đạt được những thành tựu kỳ diệu. Còn ngành giáo dục - nơi tập trung cao nhất trí tuệ của cả nước - vì sao lại vẫn trì trệ? Giáo dục vẫn đang là nỗi lo, nỗi bức xúc của toàn xã hội? Có nhiều nguyên nhân, song trong bài viết này chúng tôi sẽ chỉ bàn về một vài vấn đề liên quan và đặc biệt nhấn mạnh đến công tác quản lý giáo dục.
Cần tiến hành đổi mới cơ bản công tác quản lý giáo dục
Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy hiểm hoạ với sự đua tranh quyết liệt giữa các quốc gia trên mặt trận kinh tế trong thời đại phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ, khi mà 60 ngàn kỹ sư tin học có trình độ có thể làm ra một lượng sản phẩm phần mềm trị giá hàng tỷ đô la trong một năm, tương đương với hàng chục triệu nông dân lao động đầu tắt mặt tối trên đồng ruộng để sản xuất ra lúa gạo xuất khẩu. Chính sự bùng nổ của khoa học và công nghệ đã gây ra cuộc khủng hoảng về giáo dục trên toàn cầu, buộc tất cả các quốc gia phải xem xét lại chương trình và cách thức đào tạo.
Việt Nam chúng ta đang nằm ở vùng trũng nhất của thế giới về kinh tế, giáo dục, về khoa học và công nghệ. Mặc dầu chúng ta đã có những nỗ lực to lớn, đã tiến bộ nhiều so với chính mình trước kia, song chúng ta đang bị tụt hậu so với nhiều nước trong khu vực và ở vị thế rất thấp trong bảng xếp hạng của thế giới. Những người ở tuổi 40 hẳn thấy ngỡ ngàng khi nhận ra rằng lúc mình mới chào đời (1965) nước ta ngồi cùng chiếu với Singapore về kinh tế, ấy thế mà ngày nay GDP tính theo đầu người của họ lớn gấp 50 lần của ta. Khi lên 10 tuổi (1975), nước ta ở cùng điểm xuất phát với Thái Lan và Malaysia, thì ngày nay GDP của Thái Lan vượt ta năm lần, Malaysia vượt ta gần mười lần. Chúng ta đã tiến rất xa so với chính mình trước kia, sau 20 năm đổi mới. Song với nhịp độ phát triển hiện tại, để ta có được mức sống như ngày hôm nay của Thái Lan, cần có thời gian 25 năm; như của Malaysia - cần hơn 30 năm và như của Singapore - cần 60 năm. Đương nhiên là đến khi đó họ đã bỏ cách xa ta rất nhiều rồi. Vậy làm sao để đất nước chúng ta sớm thoát ra khỏi tình trạng nghèo nàn và lạc hậu này so với thế giới? Câu trả lời duy nhất đúng đắn là chúng ta phải đi lên bằng giáo dục. Sự lạc hậu về tư duy và phương thức quản lý giáo dục và về nội dung chương trình, phương pháp đào tạo của ta là thủ phạm chính của sự lạc hậu, nghèo nàn của ta. Một sự đổi mới căn bản, triệt để trong giáo dục sẽ là một phương thuốc màu nhiệm để đưa đất nước ta phát triển, sánh vai được cùng các nước tiên tiến, đặc biệt là với cơ hội chưa từng có trong lịch sử của nền kinh tế tri thức. Khác với nền văn minh nông nghiệp, cần tới hàng chục ngàn năm, nền văn minh công nghiệp cần hàng trăm năm, nền văn minh tri thức ngày nay chỉ đòi hỏi một hoặc vài chục năm để một quốc gia từ nghèo đói có thể trở thành giàu có phát triển.
Nếu chỉ bằng vào những suy nghĩ theo lối mòn với tư duy cũ kỹ thì làm sao mà chúng ta có thể hiểu được những hiện tượng có thực đã và đang diễn ra trong thế giới ngày nay: Michael Dell ở tuổi 19, năm1984, với số vốn ban đầu 1000 USD dám cạnh tranh với các tỷ phú bậc đàn anh để sau 20 năm (2004) trở thành người giầu thứ 9 trên thế giới với số vốn 14,2 tỷ USD. Bill Gates còn làm nên điều kỳ diệu hơn khi dám đem mấy chục mét vuông nhà kho đua tranh làm giàu với vua xe hơi Ford, đang sở hữu những dây chuyền sản xuất trải dài hàng trăm kilômet với mấy trăm ngàn công nhân, để rồi chỉ sau 20 năm tất cả các ông vua sắt, thép, dầu khí, ôtô, ngân hàng, tài chính… đều phải ngả mũ chào thua, tôn vinh Bill lên ngôi người giàu nhất thế giới.
Ngày nay, ai cũng nhận thức được rằng giáo dục và khoa học, công nghệ chính là động lực để phát triển xã hội, để vươn lên giàu có, thịnh vượng. Song chắc chắn không phải là nền giáo dục của 40 năm về trước, mà về cơ bản chúng ta đang song hành với nó. Đã đến lúc phải đổi mới căn bản nền giáo dục của nước nhà, đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục.
Trường đại học cần được giao quyền tự chủ đầy đủ
Báo cáo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XI ngày 17/10/2006 đã nói rõ nội hàm của chức năng quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo (dưới đây gọi tắt là Bộ). Đó là định hướng phát triển, tạo lập khung pháp lý và kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực thi pháp luật, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong giáo dục và đào tạo. Rất tiếc rằng lâu nay Bộ đã sa đà vào các công việc cụ thể của nhà trường và tự biến mình thành Ban Giám hiệu của các trường đại học trong cả nước mà quên đi chức năng quản lý nhà nước của mình, làm thui chột sức sáng tạo và tính năng động vốn có của các trường đại học (dưới đây gọi tắt là trường). Có ý kiến cho rằng Bộ phải quản lý chặt để đảm bảo quyền lợi của người học. Song, với cách quản lý theo kiểu “cầm tay, chỉ việc” đối với các trường đại học như hiện nay thì có tăng gấp ba biên chế của Bộ lên cũng không làm nổi. Vì vậy, thực tế là trong những năm vừa qua Bộ không quản lý được các trường và chất lượng giáo dục của ta vẫn thấp, người được đào tạo ra, nhìn chung, không đáp ứng được yêu cầu của việc làm. Cách duy nhất đúng đắn để thực hiện ước nguyện của Bộ “vì quyền lợi của người học, vì trách nhiệm của Bộ trước Nhà nước, Quốc hội và nhân dân” là Bộ cần làm đúng chức năng quản lý nhà nước của mình, giao quyền tự chủ đầy đủ và tự chịu trách nhiệm cho tất cả các trường đại học. Làm như vậy là biết dựa vào quần chúng (các trường) để tiến hành cuộc cách mạng trong quản lý giáo dục. Lẽ đương nhiên, ban đầu cũng có thể có trường còn lúng túng nhưng sau sẽ quen dần. Và quan trọng hơn nữa đây là phương thức quản lý có hiệu quả nhất, sớm muộn gì rồi cũng sẽ phải thực hiện. Sự lúng túng đã nói của các trường có nguyên nhân từ cách quản lý lâu nay theo kiểu bao cấp của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhân đây cũng xin nói thêm rằng với cách quản lý các trường đại học theo kiểu “xin - cho” như hiện nay, thì hàng ngày sẽ nảy ra tiêu cực, làm hư hỏng cán bộ, làm tê liệt bộ máy quản lý. Đã và sẽ có những trường vốn yếu kém nhưng vẫn được lợi thế về chỉ tiêu đào tạo, về mở các chương trình đào tạo và các hoạt động khác nếu họ chấp nhận tiêu cực, gây ra sự thiếu minh bạch, thiếu công bằng trong giáo dục!
Khác với trường phổ thông, ở đó hàng vạn trường có thể dùng chung một chương trình, một bộ sách giáo khoa, một phương thức đào tạo, mỗi trường đại học có những đặc thù và sắc thái riêng, không trường nào giống trường nào và chỉ có tập thể lãnh đạo và giáo viên của trường mới thấu hiểu. Do vậy, giáo dục đại học chỉ có thể phát triển nhanh, mạnh và đúng hướng, “trăm hoa đua nở”, khi các trường đại học được trao quyền tự chủ đầy đủ dưới sự quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Xin nhấn mạnh là Bộ sẽ chỉ thực hiện đúng chức năng quản lý nhà nước, không can thiệp quá sâu vào các công việc cụ thể của trường. Từng trường đại học phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về các hoạt động của mình theo đúng luật pháp và chịu sự kiểm tra, thanh tra của Bộ và sự giám sát của người dân. Từng trường phải chăm lo giữ gìn “học hiệu” của mình bằng cách không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo mà tiêu chí hàng đầu là sinh viên tốt nghiệp phải có việc làm, làm được việc dựa trên chuyên ngành được đào tạo và có thu nhập cao.
Về tài chính cho giáo dục
Vấn đề rất quan trọng này cũng đã được nêu trong báo cáo của Thủ tướng trước Quốc hội. Đó là cần sửa đổi chế độ học phí đi đôi với đổi mới cơ chế tài chính giáo dục và đào tạo, xác định đầy đủ chi phí dạy và học, chia sẻ hợp lý trách nhiệm chi trả giữa Nhà nước, xã hội và người học...
Đối với giáo dục phổ cập bắt buộc được quy định trong Hiến pháp, Nhà nước cần bao cấp 100% để đảm bảo cho mọi trẻ em được học tập và bình đẳng với nhau về điều kiện học tập, đảm bảo cung cấp các kiến thức tối thiểu cho các công dân trẻ. Song, vì sự đầu tư của Nhà nước cho giáo dục phổ cập bắt buộc cũng chỉ có hạn cho nên Nhà nước vẫn cho phép mở các trường ngoài công lập chất lượng cao trong phạm vi kiến thức phổ cập bắt buộc nhằm đáp ứng yêu cầu của những người có nguyện vọng và điều kiện.
Để có trình độ học vấn cao hơn mức phổ cập bắt buộc và để có những kiến thức hành nghề sau này, người học phải có trách nhiệm đóng góp kinh phí, mức đóng góp tuỳ thuộc từng địa phương, từng trình độ, từng ngành nghề. Vấn đề miễn giảm học phí, cấp học bổng hoặc cho vay vốn để học đối với học sinh nghèo học giỏi, học sinh thuộc diện chính sách sẽ được thực hiện ở mọi nơi, mọi lúc ở bậc học phổ thông cũng như bậc học đại học. Tâm lý ngại đi vay nợ của người dân cần được xoá bỏ. Vay nợ cho con em đi học là cách làm khôn ngoan, gia đình cần theo dõi, giúp đỡ động viên con em mình học cho giỏi sau này ra đời có việc làm, có thu nhập sẽ trả nợ.
Điều phi lý đang diễn ra hiện nay làm nảy sinh biết bao tiêu cực trong giáo dục ở nước ta là việc định giá không đúng và chi trả thấp cho các hoạt động giáo dục. Lương giáo viên thấp, chưa đủ bù đắp cho một nửa nhu cầu cuộc sống tối thiểu của họ để nuôi sống bản thân và những người trong gia đình mà họ có bổn phận nuôi dưỡng. Học phí rất thấp, không đủ để đảm bảo cho nền giáo dục có chất lượng. Đầu tư cho giáo dục vừa chưa đủ, vừa bị sử dụng kém hiệu quả, thất thoát. Lúc này, một mặt cần phải chống thất thoát nâng cao hiệu quả và nguồn đầu tư cho giáo dục, mặt khác cần phải tăng cường hơn nữa các nguồn đầu tư cho giáo dục từ ngân sách nhà nước, từ sự đóng góp của nhân dân, chi trả thoả đáng cho giáo viên để đảm bảo cuộc sống cho họ và gia đình họ. Thật là không tưởng và duy ý chí khi chúng ta có mong muốn có một nền giáo dục chất lượng cao, theo kịp các quốc gia tiên tiến trong khi đầu tư cho giáo dục thấp, học phí thấp.
 “Khoán 10” trong giáo dục
Trong các phần trước chúng tôi cũng đã lý giải vì sao cần giao quyền tự chủ đầy đủ cho các trường đại học. ở đây, chỉ xin nhắc lại rằng việc làm này cũng tương tự như khoán 10 trong nông nghiệp trước kia, đã giải phóng sức sản xuất của nông dân, đưa Việt Nam từ chỗ một nước thiếu ăn đến chỗ xuất khẩu gạo đứng hàng thứ hai, thứ ba trên thế giới. Mỗi trường đại học là một trung tâm trí tuệ, có hiểu biết sâu về lĩnh vực đào tạo của mình, thấu hiểu nhất các vấn đề của nội bộ nhà trường, có tổ chức đảng và các đoàn thể quần chúng có đủ điều kiện cần thiết để hoạt động (các điều kiện này đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm tra kỹ lưỡng khi ra quyết định thành lập trường). Họ cần được trao quyền tự chủ đầy đủ để phát huy cao nhất tính năng động và sáng tạo của tập thể nhà trường, để các hoạt động của nhà trường đạt được hiệu quả cao.
Trường cần được tự quyết định nội dung đào tạo về chuyên môn. Kiến thức của loài người đang tăng lên nhanh chóng và luôn luôn biến động, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Nội dung chuyên môn cũng phải thay đổi kịp thời để theo kịp với thực tiễn (thời gian trung bình là sáu tháng đối với công nghệ thông tin). Chính là nhà trường chứ không phải là Bộ, là nơi có hiểu biết và cập nhật nhanh nhất các thông tin trong lĩnh vực chuyên môn mà họ đào tạo. Vì vậy, nhà trường cần được trao quyền tự quyết định nội dung đào tạo về chuyên môn. Bộ sẽ thực hiện chức năng quản lý nhà nước của mình thông qua các tổ chức kiểm định chất lượng theo phương thức “hậu kiểm” - kiểm tra chặt chất lượng đầu ra trong khi mở rộng đầu vào.
Trường cần tự quyết định chỉ tiêu và phương thức tuyển sinh. Căn cứ vào các khung pháp lý và quy chuẩn do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, căn cứ vào nhu cầu nhân lực của việc làm (do các bộ, ngành, các doanh nghiệp đưa ra hàng năm) và khả năng thực tế của nhà trường, trường được tự quyết định chỉ tiêu và phương thức tuyển sinh. Như vậy không nên tổ chức kỳ thi đại học trong toàn quốc theo kiểu ba chung như đã làm, vừa tốn kém, vừa căng thẳng và chưa chắc đã lựa chọn được người tài theo đúng chuyên môn cần đào tạo. Chẳng hạn, một trường chuyên đào tạo công nghệ thông tin nhằm đáp ứng yêu cầu nhân lực cho xuất khẩu phần mềm sẽ đòi hỏi thí sinh không chỉ kiến thức về các khoa học cơ bản mà còn khả năng tư suy sáng tạo, ngoại ngữ, tính năng động v.v...
Từng trường có mẫu văn bằng riêng, đặc trưng cho trường mình. Trường được quyền in ấn, cấp phát bằng và chứng chỉ cho các học viên và tự chịu trách nhiệm về chất lượng văn bằng của mình.
Luật giáo dục và các nghị quyết, chính sách của Nhà nước đã có đủ để ngành giáo dục nước ta tự vận động, đổi mới. Nếu chúng ta biết phát huy trí tuệ của cả đội ngũ các nhà giáo, các nhà khoa học và của toàn dân thì chắc chắn rằng giáo dục nước ta sẽ mau chóng tiến lên, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế và xã hội, theo kịp các nước tiên tiến.
 GS.VS NGUYỄN VĂN ĐẠO - Nguyên Giám đốc ĐHQGHN - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài mới hơn
  • Không có bài nào mới hơn !
Các bài cũ hơn
  • Không có bài nào cũ hơn !
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC