01:35:20 Ngày 17/04/2024 GMT+7
Nhọc nhằn con chữ bản xa
Cái lạnh tê tái của buổi mai vùng cao cộng với tiếng mõ trâu ngược dốc khô khốc khiến chúng tôi chẳng thể ngủ rốn thêm. Mới vào mùa đông nhưng những rặng núi xa xa đã phủ một màn sương mờ đục. Áng chừng còn rất sớm, vậy mà anh Hưng - giáo viên cắm ở bản Tùng Sáng đã ra khỏi nhà từ lúc nào? Chắc anh lại cuốc bộ đến từng nhà để gọi học sinh đến lớp.
Tay bế em, tay “nhặt” chữ
Chẳng biết có phải ca từ, giai điệu đẹp của bài hát “Gửi em ở cuối sông Hồng” đã rủ chúng tôi ngược đường lên với mảnh đất A Mú Sung địa đầu Tổ quốc, cách thành phố Lào Cai ngót 100 cây số này. Bản Tùng Sáng có địa thế xa trung tâm nhất xã A Mú Sung, nằm bên hữu ngạn, nơi con sông Hồng đổ vào đất Việt, bờ bên kia là nước bạn Trung Quốc. Lúc thầy Hưng hoàn thành công việc gọi học trò trong bản đến lớp, trời đã sáng bạch. Anh vội vàng vào bếp, tất bật chuẩn bị bữa sáng để thết khách. Nói như vậy cho oai chứ kỳ thực bữa sáng mỗi anh em được một gói mì tôm Hảo Hảo úp trong bát loa, ăn rồi mà cứ ngỡ là chưa. Hưng kể với tôi rằng, anh may mắn hơn mấy anh, chị em giáo viên trẻ cắm bản là được dạy lớp 5, không phải lớp ghép, nhưng bù lại, thầy thường phải dậy sớm để đi gọi học sinh đến lớp vì học sinh vùng dân tộc mà học đến lớp 5 đã phổng phao lắm, đa phần các em thích đi nương hơn đi học. Việc học của lũ trẻ nơi này phải dùng cụm từ “đi nhặt từng chữ” mới đúng. Cái đói nghèo, lạc hậu hình như cũng làm cho khả năng tiếp thu của các em bị hạn chế rất nhiều. Vừa học đã quên, việc kiểm tra bài cũ đầu giờ học đối với các thầy cô ở đây là điều không tưởng. Buổi học hôm ấy, tới giờ vào lớp, mặc dù đã đến nhà từng học sinh gọi nhưng điểm danh đi, điểm danh lại lớp của thầy Hưng vẫn thiếu 6 trong tổng số 15 học sinh. “Bài giảng vẫn phải bắt đầu, những em vắng này, tôi sẽ phải dạy bù vào buổi tối. Tội nghiệp, hầu hết các em ngồi học mà có tập trung được đâu…” - anh chép miệng, thở dài như một ông giáo già.
Trong tổng số 21 giáo viên cắm bản gieo chữ ở 9 phân hiệu của trường A Mú Sung thì có tới 15 cô giáo còn rất trẻ, tuổi trung bình chỉ mới 24. Trường chính nằm ở trung tâm của xã, còn các phân hiệu được đặt rải rác trong các bản, phân hiệu gần nhất cũng cách trường gần chục cây số. Chia tay thầy Hưng, rời phân hiệu bản Tùng Sáng, chúng tôi lội tắt rừng tìm sang bản Pho, cách xã 20 km với 19 hộ dân. Quả thực đặt chân được tới phân hiệu trường ở bản Pho, tôi mới thở phào nhẹ nhõm bởi dọc đường đi hỏi người dân nào họ cũng chỉ lắc đầu “chi pâu” (không biết). Đồng bào chỉ lo làm ăn, kiếm sống chẳng ai quan tâm đến trường lớp của con cái mình, có nhiều người còn không biết là con mình được đi học. Thế mới thường xuyên xảy ra tình trạng phụ huynh “tiếp tay” cho học sinh trốn học để đi nương. Phân hiệu trường ở bản Pho là một ngôi nhà tường đất, mái lợp proximăng chỉ có một phòng học ghép 2 lớp 1 và 2 với vẻn vẹn 10 học sinh. Trên danh sách là như thế nhưng khi tôi đếm thì lại có tới 17 em nhỏ trong lớp học. Hoá ra, bản Pho chưa có trường mầm non nên khi bố mẹ lên nương, nhiều học sinh phải bế em đến lớp cùng. Đã mấy tháng nay, mỗi khi đi học, cậu bé Vàng A Chư phải cõng theo 2 đứa em nhỏ, đứa lớn 3 tuổi, đứa nhỏ chưa đầy 2 tuổi. Đứa em lớn thì Chư thả cho chơi dưới gầm bàn hoặc ngoài sân, đứa nhỏ thì Chư địu ở trên lưng. Ngắm cậu bé 8 tuổi cắm cúi tập viết và đánh vần từng con chữ trong khi đứa em nhỏ nằm ngủ trên lưng, chốc chốc lại giật mình tỉnh giấc mếu máo chực khóc, tôi cứ day dứt mãi, không biết sau mỗi buổi học nhọc nhằn như thế, Chư sẽ “nhặt” được bao nhiêu chữ? Cô Thuận, giáo viên phụ trách lớp kể: “Rất nhiều học sinh do nhà neo người nên đi học phải kiêm luôn cả nhiệm vụ trông em. Khi lũ trẻ quấy khóc quá, đành phải cho các em ra ngoài dỗ đến khi chúng ngủ mới vào học tiếp. Có hôm, em bé không chịu ngủ, anh chị chúng phải đưa về và tiện thể ở nhà luôn…”. Thương học sinh, cô Thuận nghĩ ra cách “nhử” để giữ chân các em. Mỗi khi có đứa bé nào quấy khóc, cô sẽ dỗ bằng một chiếc kẹo hay một mẩu bánh nhỏ. Đã mấy năm rồi, trong hành trang của cô Thuận và cả một số cô giáo cắm ở các bản khác cũng thế, mỗi khi đi họp hay đi chợ trên trung tâm xã trở về không bao giờ thiếu “bảo bối” là những bọc bánh kẹo. Cô nhặt những chiếc kẹo đưa cho những em nhỏ để mong học sinh của mình cóp nhặt được thêm những kiến thức, con chữ quý báu cất vào hành trang để các em lớn hơn mỗi ngày…
4 lần đi gọi học sinh đến lớp 1 ngày
Cho đến giờ, tôi vẫn nhớ như in tiếng kẻng báo hiệu hết giờ ra chơi ở bản Pho hôm ấy. Cô giáo trẻ tay cầm con dao cùn gõ vào cái lưỡi cày treo ở đầu hồi để gọi học sinh vào lớp. Tiếng kẻng thay cho tiếng trống giữa giờ, tuy không to nhưng cũng đủ để 19 hộ dân trong bản nghe thấy. Thế nhưng, cô Thuận gõ đến hồi thứ 4, lớp vẫn vắng tanh, không bóng một học trò. Tôi chưa kịp thở dài thì cô giáo lắc đầu: “Tình trạng này ở đây là phổ biến, nên chúng em quen rồi”. Học sinh cứ đến giờ ra chơi là tranh thủ về nhà ăn cơm, nếu cô giáo không đến gọi sẽ rất ít em chịu đến lớp lại. Một ngày 2 buổi lên lớp, đồng nghĩa với việc cô giáo phải 4 lần lặn lội đến từng nhà gọi học sinh. Nhiều cô giáo cắm bản tâm sự rằng: Vì còn trẻ, vì vẫn sống một mình, lúc thiếu học sinh buồn không chịu nổi nên coi việc đi gọi các em là một niềm vui. Nếu có gia đình rồi, phải lo chăm sóc cho chồng, cho con thì không biết sẽ như thế nào…?
Cách bản Pho không xa là phân hiệu trường A Mú Sung ở bản Lũng Pô, đây cũng chính là địa danh đánh dấu dòng Hồng Giang “nhập tịch” Việt Nam. Không khí núi rừng tiết cuối thu lạnh se se và yên bình kỳ lạ ngả bóng xuống dòng nước sông đỏ nặng phù sa. Nếu chẳng vương vấn câu chuyện nặng trĩu nỗi buồn về sự học của trẻ em bản này, thì có lẽ chúng tôi đã có những giây phút ngoạn cảnh thật tuyệt vời. Phụ trách phòng học ghép 3 trình độ từ lớp 1 đến lớp 3 của bản là cô giáo Đồng Thị Hương. Phải dạy cả 3 lớp nhưng cô Hương chỉ soạn bài được của lớp 1 và lớp 2, còn chương trình lớp 3 cô đành nghiên cứu tài liệu rồi hướng dẫn các em học, hơn nữa cả bản chỉ có 2 em là học đến lớp 3. Sang năm, nếu theo đúng niên chế thì 2 em này sẽ bước vào lớp 4, nhưng cứ duy trì cách thức học này thì làm sao các em có đủ kiến thức mà theo học tiếp. Chẳng ai trách móc được Hương bởi điều đó hoàn toàn vượt quá sức lực và trình độ của cô. Chỉ tính bình quân thời gian soạn bài, lên lớp cả ngày rồi đi gọi học sinh cô đã mất gần 17 tiếng/ngày. Hơn thế, lớp học của phân hiệu Lũng Pô do cô phụ trách vẫn phải ở nhờ một ngôi nhà dân tạm bợ với vách nứa, mái lợp proximăng xiêu vẹo. “Lớp học quá tuềnh toàng nên những hôm nắng nóng, cả cô và trò dầm dề mồ hôi. Còn mùa đông đứng lớp, gió mùa lùa tứ phía, lạnh thấu xương, nhiều khi tay cóng không thể cầm nổi viên phấn…” - cô giáo Hương tâm sự một cách dè dặt. Đã xây dựng gia đình nhưng chồng, con cô ở tận thị trấn Bát Sát, cách nơi này hơn 80 cây số. Mỗi tuần nhớ con, nhớ chồng, cô về nhà một lần thành thử tiền lương quy ra chẳng còn là bao…
Chia tay A Mú Sung, chúng tôi đi theo dòng chảy sông Hồng chở phù sa xuôi về phía biển. Rồi mai này, những em nhỏ vùng cao lớn khôn, các em sẽ theo cái chữ về xuôi, liệu có ai mỗi dịp 20/11 nhớ gửi niềm biết ơn ngược theo dòng nước đến với các thầy, cô giáo tiểu học ở phía thượng nguồn…?
 Phong Trương Minh - Bản tin số 249 - Tháng 11/2011
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài mới hơn
  • Không có bài nào mới hơn !
Các bài cũ hơn
  • Không có bài nào cũ hơn !
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC