14:55:37 Ngày 18/04/2024 GMT+7
Nghề luật sư cũng cần hội nhập quốc tế
Sau 5 năm thi hành Luật Luật sư, đội ngũ luật sư đã phát triển nhanh về số lượng, với hơn 7.072 luật sư và gần 3.500 người tập sự hành nghề luật sư, hoạt động trong 2.831 tổ chức hành nghề luật sư, trong đó số luật sư đã qua đào tạo nghề luật sư chiếm hơn 75%. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, tổ chức và hoạt động luật sư ở nước ta vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế.

>>>> Bản tin số 256 (pdf)

>>>> Nghề luật sư cũng cần hội nhập quốc tế (pdf)

Giảng mà không hành còn tệ hơn

Cầm tấm bằng cử nhân luật học chính quy mới toanh, các chủ nhân hăm hở đi tìm việc và sớm thất vọng nhận ra rằng, những thứ học được trên giảng đường rất xa lạ với những thứ mà nhà tuyển dụng đòi hỏi. Nhà tuyển dụng hầu như không cần đến mớ khái niệm, phạm trù, nguyên tắc, đặc điểm mà sinh viên học được trong giảng đường; họ cần đến kỹ năng thực hành, kiến thức về sự vận hành của luật pháp trong thực tiễn chứ không phải là lời văn trong các văn bản quy phạm pháp luật; quan trọng nhất trước một vụ tranh chấp, thân chủ cần biết được trong thực tiễn tòa án sẽ phán quyết thế nào chứ không phải là kết quả sẽ ra sao nếu vận dụng các nguyên tắc luật học chung chung.

Sự thiếu hụt các kiến thức, kỹ năng của sinh viên bắt đầu từ sự thiếu hụt của người thầy. Ông Lê Hữu Thể - Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao - đã chỉ ra “...một ông giáo sư chưa chắc đã nhiều kinh nghiệm bằng một ông thẩm phán 4 năm. Tôi khẳng định họ xử lý vấn đề còn tốt hơn ông giáo sư”. Điều này rất đúng, đơn giản vì ông giáo sư không được trao cơ hội tích lũy kinh nghiệm của một luật sư, một thẩm phán, một kiểm sát viên. Khi không có tiếp xúc với các vụ án, xa lạ với thủ tục tố tụng, những điều còn lại mà các giáo sư luật học có thể truyền thụ chỉ còn là một mớ lý thuyết suông.

Cũng có một vài người thầy tâm huyết, bằng các quan hệ cá nhân, chạy vạy đó đây để có trong tay một vài hồ sơ vụ án, làm vốn giảng dạy cho sinh viên. Nhưng vốn liếng này cũng rất khiêm tốn, vì các hồ sơ xin được không bao giờ đầy đủ, mà chỉ có phần tóm tắt vụ án, phần tuyên án, luận án, chứ không thể nào có được một hồ sơ đầy đủ các bút lục, hóa đơn, chứng từ làm chứng cứ cho vụ án. Không có hồ sơ bản án trong tay, không có kinh nghiệm tố tụng, các thầy giáo chỉ có thể xây dựng giáo trình, bài giảng dựa vào hai nguồn: sách báo và các văn bản quy phạm pháp luật; dĩ nhiên bài giảng này sẽ nghèo kỹ năng và không chứa đựng kinh nghiệm. Nếu có bài tập tình huống thì đa phần dựa vào trí tưởng tượng của thầy giáo, mà không phải là các vụ án có thật.

Hiếm hoi đâu đó vẫn có những bài giảng sinh động, chứa đựng kỹ năng, kinh nghiệm của một vài ông thầy làm “luật sư chui”, bằng việc góp vốn thành lập các công ty luật và núp danh các công ty này hành nghề.

Nếu các giáo sư y học đồng thời là các bác sĩ uy tín hàng đầu và nhà nước chủ trương gắn liền giảng đường với bệnh viện (Bệnh viện đại học Y dược TP.HCM đã được thành lập theo chủ trương này), thì ngành luật học lại đi theo một nguyên lý ngược lại: “Dạy mà không hành”. Từ khi Pháp lệnh luật sư 2001 cấm viên chức làm luật sư, thì những luật sư tên tuổi như PGS.TS Phạm Hồng Hải – Nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu Pháp luật hình sự, Viện Nghiên cứu Nhà nước và pháp luật, TS. Ngô Ngọc Thủy – Nguyên Trưởng Khoa Tư pháp, Trường Đại học Luật Hà Nội - buộc phải từ bỏ nghiệp làm thầy, nhường giảng đường luật học cho các nhà kinh viện giáo điều.

Đi ngược lại với thông lệ quốc tế

Nhằm tạo ra các sinh viên luật có chất lượng, đạt chuẩn quốc tế. Các quốc gia có nền luật học phát triển áp dụng ba cơ chế:

Thứ nhất, trong các quy định về lưu trữ, tiếp cận thông tin có các điều khoản tạo điều kiện cho sinh viên, giảng viên luật học tiếp cận toàn văn hồ sơ các vụ án, chỉ ngoại trừ các vụ án liên quan bí mật nhà nước. Điều này làm phong phú nguồn học liệu cho các giảng đường đại học. Giờ giảng sẽ trở nên sống động với các vụ án thực tế, giáo sư có quyền bình luận ủng hộ hay phản đối, nhưng bắt buộc phải phân tích quan điểm và phán quyết của tòa án. Các sinh viên sẽ thuộc lòng từng điều khoản của luật, cách giải thích từng từ trong lời văn của văn bản quy phạm pháp luật, vì mỗi điều luật, mỗi cách giải thích lời văn đó được minh họa bằng một vụ án tương ứng trong thực tế.

Thứ hai, tạo điều kiện cho các giảng viên tích lũy kỹ năng và kinh nghiệm hành nghề. Nền luật học các quốc gia phát triển không chủ trương tạo ra các cử nhân lý thuyết lý thuyết suông, mà cung cấp cho xã hội các sản phẩm hoàn thiện, các cử nhân luật học vững về lý thuyết, đầy đủ về kỹ năng kinh nghiệm. Để làm được điều này thì các giáo sư phải truyền thụ kỹ năng và kinh nghiệm hành nghề cho sinh viên trong các giờ giảng. Để có cái mà truyền thụ thì bản thân các giáo sư phải có cơ hội được tích lũy kinh nghiệm kỹ năng. Để giáo sư có cơ hội tích lũy kinh nghiệm kỹ năng thì phải cho họ cơ hội hành nghề luật sư. Các giáo sư luật học ở các quốc gia này thường là các đại luật sư, đặc biệt là luật sư luật công.

Thứ ba, đẩy mạnh sự trao đổi giữa “giảng đường và thực tiễn”, bằng cách cho phép các thẩm phán tham gia giảng dạy ở các giảng đường. Thẩm phán hưởng quy chế tương tự công chức; đã là công chức thì bị cấm làm thêm bất cứ việc gì phát sinh thu nhập. Một buổi nói chuyện có nhận tiền thù lao của Thủ tướng Thái Lan trên kênh truyền hình dạy nấu ăn khiến cho ông Samak mất chức Thủ tướng vì đã vi phạm điều cấm của công chức. Dù khắt khe như vậy, nhưng riêng đối với công chức là thẩm phán có ngoại lệ: bị cấm làm thêm bất cứ việc gì, ngoại trừ việc tham gia giảng dạy luật học tại các trường đại học, cao đẳng thì không bị cấm.

Bằng ba giải pháp nói trên, nền giáo dục của các quốc gia này đã cho ra lò những cử nhân luật học đạt chuẩn quốc tế, sẵn sàng bắt tay vào công việc. Họ không cần thêm thời gian để tích lũy kinh nghiệm, mà họ chỉ cần khẳng định năng lực của mình thông qua kỳ thi quốc gia được tổ chức một cách công bằng, khách quan. Kỳ thi quốc gia còn có tác dụng khắc phục sự không đồng đều trong chất lượng đào tạo cử nhân luật học giữa các cơ sở đào tạo trên toàn quốc.

Việc cho phép các giảng viên luật học làm luật sư cũng góp phần tăng cường trao đổi hai chiều giữa “giảng đường và thực tiễn”. Vì các bài bào chữa của các giáo sư có thể chứa đựng những tư tưởng luật học tiến bộ, những giá trị mới của nhân loại mà các thẩm phán ít khi có thời gian đọc sách báo nước ngoài, nghiên cứu các vụ tranh chấp quốc tế. Điều này đặc biệt cần thiết đối với thẩm phán Việt Nam, khi họ ít dành thời gian nghiên cứu các vụ án mà Nhà nước Việt Nam hoặc doanh nhân Việt Nam là bị đơn. Qua việc tranh tụng và những bài bào chữa có giá trị này thì những điểm bất cập trong thủ tục tố tụng, những lỗ hổng pháp luật sẽ được khắc phục nhanh hơn; các thẩm phán Việt Nam tiếp cận nhanh hơn với trào lưu luật học quốc tế.

Việc tạo ra các thẩm phán, luật sư đạt chuẩn quốc tế là chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, là một nhu cấu cấp thiết để đối phó với các hệ lụy phát sinh từ các vụ kiện tụng quốc tế khi Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu. Việc tạo ra các cử nhân luật học đạt chuẩn quốc tế là tiền đề để tạo ra các luật sư, thẩm phán đạt chuẩn quốc tế. Nhưng tạo ra bằng cách nào?

Bằng việc tiếp tục cấm các giảng viên luật học làm luật sư, phải chăng chúng ta đang cố gắng tạo ra các cử nhân luật học, thẩm phán, luật sư đạt chuẩn quốc tế bằng một quy trình đi ngược lại thông lệ quốc tế, đi ngược lại với logic giáo dục “học phải đi đôi với hành”?

Xung đột lợi ích mơ hồ

Hiện nay một vài tác giả quan ngại việc cho phép giảng viên làm luật sư sẽ dẫn đến xung đột lợi ích. Những quan ngại này quá khắt khe không hợp lý và có phần mơ hồ. Quan ngại này cần phải được xét trong mối tương quan của các quan ngại dưới đây:

Hiện nay có nhiều Giáo sư, Phó giáo sư luật học đang là công chức, chưa bao giờ làm việc tại các viện nghiên cứu, trường đại học. Nhưng họ đã dành thời gian không ít cho việc giảng dạy sinh viên, các bài giảng của họ trên thực tế đã có đóng góp rất lớn trong việc lấp khoảng trống kỹ năng, kinh nghiệm cho các giảng đường luật học. Vì sự đóng góp thời gian quý báu này, họ được phong giáo sư luật học. Tại sao xung đột lợi ích công chức không xuất hiện ở đây? Hẳn phải có lý do hợp lý đằng sau.

Trước các vấn đề liên quan tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa và vấn đề hội nhập WTO, Chính phủ lại thuê các luật sư đồng thời là giáo sư luật công pháp quốc tế của Pháp, Hoa Kỳ... Liệu chúng ta đã thuê những luật sư không chuyên nghiệp? Liệu cứ làm giáo sư luật học thì sẽ không đủ trình độ của một luật sư chuyên nghiệp? Tại sao không để khách hàng, thân chủ đánh giá tính chuyên nghiệp của từng luật sư mà Nhà nước phải đánh giá hộ . Đặc biệt khi Nhà nước là chủ thể không có lợi ích trực tiếp liên quan các vụ án hình sự, dân sự quốc nội?

Khi đánh giá tính chuyên nghiệp, thì cần nhấn mạnh trình độ, kỹ năng, kiến thức hay nhấn mạnh thâm niên công tác? Nếu nhấn mạnh thâm niên công tác, số lần thực hành công việc thì tại sao thẩm phán ở Việt Nam không được cộng đồng quốc tế công nhận là chuyên nghiệp, và chính lãnh đạo ngành tòa án bất đắc dĩ phải dùng từ “vơ vét bổ nhiệm” để nói về năng lực của họ?

Theo tôi, khi đánh giá “xung đột lợi ích” cần phải cân nhắc các yếu tố sau, để tránh sự thái quá:

Thứ nhất, nguyên tắc “xung đột lợi ích” áp dụng rất khắt khe đối với công chức, vì công chức là những người nắm giữ quyền lực nhà nước, nên phải khắt khe với họ, vì nếu cho phép họ hành nghề luật sư thì có thể họ sẽ dùng các ảnh hưởng quyền lực của mình, lạm dụng các yếu tố công quyền của người công chức trong các vụ kiện làm cho vụ án trở nên không công bằng. Viên chức không làm việc trong các cơ quan nhà nước, mà trong các đơn vị sự nghiệp không có chức năng quản lý nhà nước, hầu như không có cơ hội “lạm dụng quyền lực nhà nước” trong hoạt động tranh tụng, vì bản thân họ không có thứ để có thể lạm dụng. Đặc biệt đối với các giảng viên giảng dạy tại các trường đại học tư thục thì “xung đột lợi ích” lại càng trở nên mơ hồ.

Thứ hai, viên chức được tuyển theo Hợp đồng làm việc và kèm theo Hợp đồng làm việc là bản miêu tả công việc khá rõ ràng. Đặc biệt đối với giảng viên thì định mức công việc: mỗi năm 260 tiết giảng. Việc kiểm soát giảng viên hoàn thành nghĩa vụ là khá dễ thông qua hệ thống sổ đầu bài, bằng sự chứng kiến của hàng trăm sinh viên.

Công chức được tuyển theo chế độ làm việc “suốt đời” bằng một quyết định bổ nhiệm công chức và trong cuộc đời làm việc có thể được thuyên chuyển qua nhiều vị trí, vì vậy đối với công chức không có bản miêu tả công việc kèm theo tương ứng với từng cơ quan, từng vị trí công chức trong cơ quan, mà chỉ có các điều khoản chung về tiêu chuẩn chức danh công chức của pháp luật công chức. Việc khó lượng hóa công việc của công chức, dẫn đến khó kiểm soát việc công chức hoàn thành công việc hay không. Vì điều này các quốc gia thường không cho phép công chức làm thêm các công việc có phát sinh thu nhập (công việc tình nguyện thì vẫn được phép) vì sợ rằng công chức sa đà vào việc làm thêm. Bù lại, nguồn lương công chức được bảo đảm bằng ngân sách nhà nước.

Ngược lại, nguồn lương của viên chức phụ thuộc vào nguồn thu của đơn vị sự nghiệp; ngân sách nhà nước hỗ trợ không có, hoặc không đáng kể.

Thứ ba, yếu tố xung đột lợi ích cần xem xét trong mối tương quan với các lợi ích khác mà khi cho phép công chức, viên chức làm thêm. Có những trường hợp có xung đột lợi ích nhưng vẫn được phép khi lợi ích bị xung đột rất bé so với lợi ích mang lại. Mà việc công chức thành giáo sư ở Việt Nam là một trường hợp có xung đột lợi ích, những xung đột này nên bỏ qua để đạt được lợi ích lớn hơn trong bối cảnh hiện nay. Việc cho phép công chức giảng dạy ở trường đại học có thể dẫn đến tình huống “công chức biết nhiều nghề, giỏi nhiều nghề, ngoại trừ nghề chính của mình”. Tuy nhiên xác suất và hệ lụy của tình huống này không lớn khi xét trong tương quan những lợi ích mà họ mang lại: mang thông tin thực tiễn vào giảng đường, cung cấp kỹ năng, kinh nghiệm hành nghề cho sinh viên. Vì vậy, việc công chức thành giáo sư được chấp nhận, cho dù có xung đột lợi ích.

 

 Vũ Văn Huân - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài mới hơn
  • Không có bài nào mới hơn !
Các bài cũ hơn
  • Không có bài nào cũ hơn !
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC