06:48:09 Ngày 17/04/2024 GMT+7
Học theo vấn đề
Làm thế nào để người học chịu suy nghĩ, học chủ động, độc lập? Câu hỏi này là mối bận tâm của nhiều cơ sở giáo dục đại học trên thế giới, đặc biệt nó trở nên bức thiết cho nền giáo dục đại học Việt Nam hiện nay. Học theo vấn đề – HTVĐ (problem – based learning) được coi là một trong các giải pháp.

>>>> Bản tin số 256 (pdf)

>>>> Học theo vấn đề (pdf)

Học theo vấn đề

Thực ra học cách giải quyết vấn đề đã có từ hàng bao thế kỷ nay rồi, chẳng hạn từ thời đồ đá người tiền sử đã học cách sống sót - vấn đề của rất nhiều vấn đề khác, chỉ có điều thời đó không ai nói: “các bạn đang HTVĐ đấy”. Hoặc các đề tài nghiên cứu cũng là HTVĐ, nhưng người ta gọi đó là nghiên cứu, chứ không phải là HTVĐ. Nhưng vào những năm 1960, trường McMaster Medical School ở Ontario, Canada đưa HTVĐ vào chương trình như một phương pháp dạy và học, và từ đó thuật ngữ HTVĐ ra đời. HTVĐ là đưa vấn đề ra, tạo một môi trường học tập trong đó việc học được dẫn dắt theo vấn đề trong từng nhóm 4-5 sinh viên, sinh viên tự định hướng, giải quyết vấn đề, tự đánh giá, sau đó báo cáo trước cả lớp. Sinh viên làm quen với vấn đề trước khi học được kiến thức mới. Vấn đề được đưa ra theo cách khiến người học thấy cần đến kiến thức mới để giải quyết vấn đề. HTVĐ là một phương pháp buộc sinh viên phải “học cách học”, hợp tác với nhau theo nhóm để tìm ra giải pháp cho vấn đề có thật trong thực tiễn.

Các bước của HTVĐ bao gồm:

1) Sinh viên làm quen với vấn đề qua các nguồn như bài báo khoa học, cuốn sách, bộ phim… Sinh viên được phân theo nhóm, chia sẻ trong nhóm những ý tưởng, kiến thức đã thu nhận liên quan đến vấn đề, và cố gắng tìm kiếm giải pháp cho vấn đề;

2) Qua thảo luận trong nhóm, sinh viên nêu lên những câu hỏi về các khía cạnh của vấn đề mà họ chưa hiểu, và chúng được cả nhóm ghi nhận lại. Sinh viên được khuyến khích bộc lộ những gì họ biết, và quan trọng hơn - những gì họ chưa biết;

3) Cả nhóm phân công câu hỏi nào sẽ được tiếp tục thảo luận trong nhóm, câu hỏi nào từng sinh viên tự giải đáp để sau đó trao đổi với cả nhóm. Sinh viên và người dạy cùng bàn bạc lấy nguồn nào để nghiên cứu, nguồn lấy ở đâu;

4) Khi tập hợp lại lần sau, sinh viên cùng khám phá các câu hỏi lần trước chưa hiểu, áp dụng kiến thức mới vào ngữ cảnh của vấn đề, liên kết các lý thuyết mới thu nhận với các lý thuyết cũ. Họ cũng tiếp tục xác định các khía cạnh mới cần nghiên cứu.

Tìm kiếm vấn đề ở đâu?

Một trong những nội dung của HTVĐ là làm sao tìm ra vấn đề để học. Một vấn đề thực sự thường hàm chứa tình huống thực tiễn, với một chuỗi các thành tố liên tục, khá phức tạp đủ để thu hút nhóm sinh viên thảo luận, bàn bạc, tìm kiếm giải pháp trong khoảng thời gian nhất định, thường là một tuần. Các tình huống trong các môn kinh doanh và y học có những tiêu chí này, nhưng còn các môn học khác thì sao? Người dạy lấy từ đâu ra vấn đề cho sinh viên học? Thông thường các giảng viên nước ngoài tự nghĩ ra các vấn đề. Đó là sự thách thức thực sự cho giảng viên nào muốn khơi dậy trong sinh viên lòng ham muốn hiểu biết, đầu óc phân tích, khuyến khích việc học. Ban đầu công việc này đòi hỏi nhiều thời gian, công sức, nhưng khi đã vào guồng thì trở nên rất hứng thú. Các vấn đề thường được lấy từ tài liệu chuyên môn kinh điển, các cuộc tranh luận trong ngành, các sự kiện chuyên môn, từ kinh nghiệm riêng. Một trong những nguồn quan trọng là các tạp chí chuyên ngành xuất bản thường kỳ. Một giảng viên môn Sinh hoá của Trường ĐH Delaware, Mỹ nhận xét, sinh viên thường ít đọc các tạp chí chuyên ngành, mà chỉ chú ý đến sách giáo khoa, mà sách giáo khoa lại không phản ánh kịp các lý thuyết hiện tại, không bắt kịp chuyển động của khoa học. Trong khi đó, các bài báo khoa học lại có tính chất tranh luận, thậm chí gay gắt, hay nêu vấn đề nóng, chưa ngã ngũ.

Giảng viên nói trên chọn 10 bài báo của các nhà nghiên cứu có tiếng trong ngành, kèm theo là 1-2 trang giới thiệu tác giả, bối cảnh bài báo ra đời, danh sách một số bài liên quan. Bên cạnh đó là các câu hỏi bài tập cho từng bài báo. Thoạt đầu sinh viên có thể không hiểu nhiều điều trong bài báo, bởi vậy trước tiên họ phải học các thuật ngữ, lý thuyết, quy trình… để hiểu bài báo. Tìm ra những điều không hiểu là bước quan trọng đầu tiên của HTVĐ. Trong ngày đầu thảo luận theo nhóm 4-5 người, sinh viên chia sẻ suy nghĩ của mình trước cả lớp và cố gắng giải quyết vấn đề. Những vấn đề chưa được giải đáp sẽ được cả nhóm thảo luận ngoài giờ học để giờ sau tiếp tục đưa ra trước cả lớp. Sau vài buổi như thế, sinh viên được giao bài tập như: viết tóm tắt bài báo trong 200 từ; chuyển các kết luận của bài báo thành dạng sơ đồ, biểu đồ minh họa cho sách giáo khoa; tóm lược vấn đề để đưa vào chương trình giảng dạy của khoá học Sinh hoá đại cương; nhận định xem tác giả có định kiến về chủng tộc hay không; hoặc cuộc thí nghiệm có hợp đạo lý không… Thi giữa kỳ và cuối kỳ cũng dựa trên những dạng bài tập như vậy cho từng nhóm và từng sinh viên.

Một giảng viên môn Quan hệ quốc tế lại lấy vấn đề từ phim ảnh, tiểu thuyết để thảo luận các vấn đề toàn cầu hiện nay như đói nghèo, quyền con người, chiến tranh, bạo lực, giao lưu văn hoá… Ví dụ, vào thứ Hai, sinh viên thảo luận về cuốn tiểu thuyết được giao đọc, các nhân vật chính, các mối quan hệ, các vấn đề. Cuối buổi, giảng viên chia sinh viên thành nhóm, giao cho mỗi nhóm về nhà thảo luận để đến thứ Tư tranh luận bảo vệ quan điểm của mình về một vấn đề được nói đến trong tiểu thuyết. Vào thứ Tư, trong lớp hình thành nên hai nhóm quan điểm lớn: “ủng hộ” và “phản đối”. Giảng viên giao nhiệm vụ cho mỗi nhóm về nhà chuẩn bị các luận chứng, sự kiện, ví dụ để bảo vệ cho quan điểm của mình. Nhưng đến thứ Sáu, ông thầy lại đổi vai của sinh viên: ông buộc những ai theo quan điểm “ủng hộ” phải lập luận “phản đối”, và ngược lại. Bài học mà ông thầy muốn sinh viên ngộ ra ở đây là: chúng ta dễ bị trói buộc bởi cách nhìn nhận thế giới của mình, mà không chịu tiếp nhận quan điểm người khác, dẫn đến áp đặt, chống đối, bạo lực. Giải quyết vấn đề đòi hỏi người tham gia phải có cái nhìn đa chiều, biết nhận ra, phân tích và tiếp thu quan điểm trái ngược.

Môi trường học tập mới

Không phải cứ đặt sinh viên trong môi trường HTVĐ là phát triển ở họ các kỹ năng, thói quen giải quyết vấn đề, nhưng nó tạo cơ hội cho sinh viên làm điều đó. Những vấn đề được sử dụng để khơi gợi sự hứng thú nghiên cứu vấn đề, tạo cho người học thói quen suy nghĩ, phân tích, phản biện và cách sử dụng các nguồn thông tin tương ứng để phục vụ cho việc học. Sinh viên biết được tại sao mình lại cần học kiến thức mới; hơn nữa, học theo cách này cũng lưu giữ kiến thức trong bộ nhớ được lâu hơn, lúc cần có thể lôi ra để giải quyết vấn đề.

HTVĐ khiến sinh viên phải đối mặt với những vấn đề thường nhật trong lĩnh vực của mình như chẩn đoán bệnh, tranh chấp đất đai, giáo dục giới tính trong trường phổ thông, nạn hối lộ, lạm phát…và phải tìm cách giải quyết chúng. Nếu sinh viên thiếu thông tin, kiến thức, kinh nghiệm, họ buộc phải tìm kiếm chúng. Lúc đó trong họ tự nhiên nảy sinh câu hỏi: “mình cần biết những gì để giải quyết vấn đề này?”, và việc học đến với họ tự nhiên, không phải ép buộc từ ngoài vào, họ thấy có trách nhiệm hơn với việc học của mình, thấy cuốn hút vào nó. Lúc đó người dạy chỉ đóng vai trò theo dõi, khuyến khích, hướng dẫn. HTVĐ đưa sinh viên vào quá trình học chủ động, được thể hiện những quan điểm của chính mình bằng những lời của mình. HTVĐ khiến cho việc học trở nên đa dạng, hứng thú với nhiều hình thức khác nhau như học theo tình huống, học theo nhóm, nhìn nhận và giải quyết vấn đề, trao đổi đa chiều, phản hồi, thảo luận, báo cáo…

Phương pháp này buộc người dạy phải thay đổi, trước hết là thay đổi vai trò của mình từ trung tâm chú ý và là nguồn cung cấp kiến thức chính sang người theo dõi và khuyến khích sự khám phá kiến thức đó. Việc học lấy sinh viên làm trọng tâm, chứ không phải giảng viên làm trọng tâm. Sinh viên sẽ thấy rằng, việc học là một quá trình liên tục, trong đó các vấn đề mới mẻ luôn được khám phá.

 

 Nguyên Lâm - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài mới hơn
  • Không có bài nào mới hơn !
Các bài cũ hơn
  • Không có bài nào cũ hơn !
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC