06:24:50 Ngày 19/04/2024 GMT+7
“Nhiệm vụ chiến lược” tại một số đại học trên thế giới
Ngày 7/7/2012 vừa qua, ĐHQGHN đã tổ chức lễ tốt nghiệp đầu tiên cho 129 sinh viên thuộc chương trình Nhiệm vụ chiến lược khoá QH-2008. Có thể nói, đây là một trong những thành tựu quan trọng trong nỗ lực quốc tế hoá; đồng thời đưa ĐHQGHN sớm trở thành ĐH nghiên cứu đạt trình độ khu vực và quốc tế. Sử dụng Anh ngữ trong giảng dạy và nghiên cứu như là một hoạt động bắt buộc cũng là cách thức được nhiều trường ĐH trên thế giới đang áp dụng trong nỗ lực cải cách và quốc tế hoá. Bản tin ĐHQGHN trân trọng giới thiệu kinh nghiệm thực hiện “Nhiệm vụ chiến lược” tại một số nước trên thế giới.

>>> Bản tin số 257

>>> “Nhiệm vụ chiến lược” tại một số đại học trên thế giới (pdf)

Kể từ năm 2014, Đại học Bách Khoa Milan (Politecnico di Milano), một trong những trường đại học uy tín nhất của Ý, sẽ tổ chức giảng dạy và đánh giá hầu hết các chương trình đại học và hầu hết các chương trình sau đại học bằng tiếng Anh. Trong khi vấn đề này vẫn đang gây tranh cãi tại Ý, nó đã không còn quá xa lạ đối với các trường đại học khác trên thế giới. Có rất nhiều nguyên nhân khiến nhiều trường đại học ngày nay quyết định chuyển sang giảng dạy toàn phần hoặc bán phần bằng tiếng Anh.

Một cuộc khảo sát gần đây với các chuyên gia và các nhà quản lí giáo dục đại học tại nhiều quốc gia trên thế giới đã góp phần làm sáng tỏ những nguyên nhân này.

Nguyên nhân đáng kể nhất của việc chuyển đổi ngôn ngữ giảng dạy sang tiếng Anh, đặc biệt đối với các chương trình sau đại học, là nó sẽ giúp sinh viên tăng cơ hội có việc làm cũng như thuận lợi hơn trong việc di chuyển tới những vùng nói tiếng Anh sau khi tốt nghiệp; ngoài ra còn có thể kể đến lượng cầu ngày càng tăng đối với người lao động biết sử dụng Anh ngữ trên thị trường quốc tế.

Tuy vậy, việc chuyển đổi ngôn ngữ giảng dạy này cũng gặp không ít thách thức, ví dụ như tình trạng thiếu giảng viên có khả năng giảng dạy bằng tiếng Anh, sự gia tăng chi phí đào tạo cũng như những phản ứng từ phía địa phương.

Rwanda

Châu Phi là một ví dụ điển hình. Rwanda, một thuộc địa cũ của Bỉ, từng giảng dạy chủ yếu bằng tiếng Pháp hoặc tiếng Kinyarwanda bản địa, nhưng đã chuyển sang sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ chính thức trong giáo dục từ năm 2008.

Sự thay đổi phần nào giúp cho nước này hội nhập tốt hơn với các quốc gia trong cộng đồng Đông Phi vốn sử dụng tiếng Anh trong các hoạt động chính thức – bao gồm Kenya, Uganda, Tanzania, Rwanda và Burundi.

Việc chuyển đổi cũng giúp tách Rwanda khỏi tầm ảnh hưởng của Pháp, chính phủ Rwanda cáo buộc Pháp đã trang bị vũ khí cho quân Hutu giết hại dân tộc thiểu số Tutsi năm 1994.

Viện Khoa học và Công nghệ Kigali (KIST) ở thủ đô là một trong những cơ sở đầu tiên chuyển đổi toàn bộ sang giảng dạy bằng tiếng Anh. Ban đầu, KIST tập trung tại các vào khối ngành kĩ thuật, đến nay mở rộng sang các ngành khoa học xã hội và nhân văn.

Tuy nhiên, theo GS. John Severin Mshana, Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo của KIST, sau bốn năm, sinh viên và giáo viên hướng dẫn vẫn còn phải vật lộn với tiếng Anh. "Giúp sinh viên có thể hiểu những gì giảng viên nói vẫn còn là một vấn đề", ông cho biết.

Điều này bắt nguồn từ việc không có đủ giáo viên tiểu học và trung học thông thạo ngoại ngữ, ông nói thêm. Do vậy, KIST đã phải mở thêm các khoá học bổ túc tiếng Anh cho sinh viên.

Dù còn nhiều thách thức, GS. Mshana cho biết ông chưa bao giờ nghe thấy bất cứ chất vấn nào về quá trình chuyển đổi, bởi vì "biết song ngữ là một lợi thế".

Trung Quốc

Theo yêu cầu của chính phủ năm 2007, nhiều trường đại học Trung Quốc đã bổ sung các bài giảng song ngữ Trung - Anh vào giáo trình, nhằm cải thiện chất lượng tổng thể của sinh viên như Bộ Giáo dục nước này đã đề ra.

Đại học Ninh Ba ở khu cảng thương mại chính phía đông Trung Quốc, tỉnh Chiết Giang, bắt đầu thử nghiệm giảng dạy song ngữ tiếng Anh, bao gồm một số bài giảng bán phần bằng tiếng Anh. Khoảng một nửa trong số đó thuộc lĩnh vực liên quan tới tài chính, như thanh toán quốc tế, tài chính quốc tế và kế toán.

"Giảng dạy bằng tiếng Anh giúp sinh viên của chúng tôi trở nên cạnh tranh hơn nếu họ muốn tìm việc làm trong các công ty nước ngoài hoặc ngân hàng. Nó cũng sẽ mang lại nhiều lợi thế cho những sinh viên có kế hoạch tiếp tục đi học ở nước ngoài", ông Zhang Ying, một cán bộ phụ trách đào tạo tại Đại học Ninh Ba, nói.

Các chương trình khác, như khoa học xã hội và nhân văn, vẫn sử dụng tiếng Trung. "Một mặt do trình độ tiếng Anh của sinh viên Trung Quốc không tốt. Mặt khác do chúng tôi thiếu giáo viên có thể giảng dạy được bằng tiếng Anh", Zhang cho biết thêm.

Ngân sách hạn hẹp cũng là một vấn đề khác. Ninh Ba thường tìm kiếm giảng viên trong số những người ở nước ngoài trở về hoặc gửi giảng viên của mình ra nước ngoài để đào tạo ngoại ngữ ngắn hạn. "Việc chỉ mời giảng viên ngoại quốc sẽ tốn kém hơn nhiều."

Tuy vậy, ông Zhang nói thêm, “không thể cải thiện nhanh chóng ngoại ngữ chỉ trong vòng 6 tháng. Đó là lý do tại sao chúng tôi vẫn chỉ đang dừng ở mức độ thử nghiệm."

Trung Đông

Tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức của các trường đại học lâu đời của Mỹ tại Li bang, Ai Cập, các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, và nhanh chóng trở thành ngoại ngữ được lựa chọn nhiều tại các trường đại học mới thành lập khác trong khu vực.

Ví dụ tại Li băng, trong thập kỷ qua, số học sinh lựa chọn tiếng Anh thay vì tiếng Pháp tại trường đại học ngày càng nhiều mặc dù tiếng Pháp được giảng dạy ở cấp học thấp hơn. Một lần nữa, cơ hội nghề nghiệp thường được coi là lý do chính cho tình trạng này.

Ngay tại một số nước vùng vịnh vốn có truyền thống bảo thủ, vai trò của tiếng Anh cũng dần trở nên lớn hơn.

Tại Qatar, tiếng Anh dần dần được áp dụng vào trường học cũng như các trường đại học công lập, nơi mà hầu hết các môn học được dạy bằng tiếng Anh. Bên cạnh đó, tại Thành phố Giáo dục do Quỹ Qatar thành lập, hiện nay đã có 6 chi nhánh của các trường đại học hàng đầu Mỹ.

Một nhà nghiên cứu giấu tên từ Qatar cho biết: "Một số người dân Qatar không hài lòng khi tiếng Anh trở thành ngôn ngữ chính, vì họ cảm thấy đó như một khoản phí tổn và là một đòn đánh mạnh vào văn hóa của họ”.

Châu Mỹ Latinh

Tại các trường đại học tại khu vực này, dạy học bằng tiếng Anh ngày càng phổ biến do cơ hội làm việc tại các công ty nước ngoài đầu tư vào Mỹ Latinh ngày càng rộng mở. Và nhiều sinh viên tìm kiếm cơ hội được làm việc ở nước khác.

Đại học San Francisco de Quito ở thành phố Quito, thủ đô của Ecuador là một điển hình.

Sinh viên phải đạt trình độ tiếng Anh nâng cao trước khi tốt nghiệp. Số lượng các khóa học giảng dạy chủ yếu bằng tiếng Anh ngày càng tăng, bao gồm xã hội học, tâm lý học và giáo dục, với quy định cụ thể về số lượng tín chỉ mà sinh viên phải đạt được.

"Việc sử dụng tiếng Anh tăng dần trong năm năm qua," ông Rhys Davies, điều phối viên chương trình tiếng Anh tại Đại học San Francisco de Quito, nói. "Chúng tôi luôn luôn tìm kiếm các giáo viên có thể giảng dạy bằng tiếng Anh, và hiện tại có nhiều người đến từ Mỹ và Anh”.

"Sinh viên biết điều gì là quan trọng đối với nghề nghiệp của họ và họ nắm bắt tất cả các cơ hội để cải thiện kỹ năng ngôn ngữ." Một lý do khác là số lượng sinh viên đến Mỹ học sau đại học ngày càng tăng, Davies nói thêm.

Châu Âu

Tại châu Âu, các giáo sư ở Hà Lan phàn nàn rằng tiếng Hà Lan chỉ là ngôn ngữ giảng dạy đứng thứ hai, và sinh viên nhìn chung không hài lòng về sự mở rộng của việc sử dụng tiếng Anh.

Kể từ năm 2009, cạnh tranh trong việc thu hút sinh viên quốc tế đã dẫn đến việc tiếng Anh dần dần chiếm được ưu thế, mức độ tuỳ thuộc vào từng lĩnh vực và trình độ đào tạo. Tiếng Hà Lan vẫn chiếm ưu thế ở cấp cử nhân, còn tiếng Anh ở cấp độ thạc sĩ. Các chương trình quốc tế chủ yếu bằng tiếng Anh.

Ví dụ như tại trường Đại học Amsterdam, hai chương trình cử nhân (kinh tế, kinh doanh) cùng với 87 chương trình thạc sĩ khác đang sử dụng tiếng Anh.

Từ năm 1996, gần như tất cả các khóa học tại Đại học Maastricht đã chuyển sang, hoặc bắt đầu bằng tiếng Anh. Do một số giảng viên và sinh viên chưa đủ trình độ về ngoại ngữ, nên trường này đặt ra các yêu cầu nhập học cho sinh viên dựa trên các kỳ thi tiếng Anh TOEFL và IELTS.

“Các khóa học nâng cao trình độ tiếng được mở ra cho giảng viên và đội ngũ cán bộ phục vụ,” một phát ngôn viên của trường cho biết.

Sử dụng tiếng Anh đã thu hút sinh viên từ các nước nói tiếng Anh. Hà Lan được xem là lựa chọn của các sinh viên đến từ Vương quốc Anh, nơi gần đây học phí đã tăng gấp ba. Trong chiến lược dài hơi này, dạy bằng tiếng Anh đã giúp tỉ lệ sinh viên nước ngoài đăng kí tại Đại học Maastricht tăng gấp đôi trong vòng 10 năm qua.

Việc sử dụng tiếng Anh trong các trường đại học của Hà Lan đã được một số nước châu Âu khác học tập, trong đó có Đức và các quốc gia Scandinavia.

Nguồn: University World News

 

 Phạm Lê - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài mới hơn
  • Không có bài nào mới hơn !
Các bài cũ hơn
  • Không có bài nào cũ hơn !
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC