18:52:01 Ngày 19/04/2024 GMT+7
Đổi mới phương thức tuyển sinh tiếp cận chuẩn mực quốc tế
ĐHQGHN dự kiến tổ chức theo hình thức của kì thi SAT cho thí sinh thi tuyển sinh ĐH; thi GMAT, GRE cho thí sinh muốn lấy bằng thạc sĩ. Đây là lựa chọn đổi mới tuyển sinh của ĐHQGHN. Hình thức đưa ra các bài thi đánh giá đúng năng lực người dự thi đang được hệ thống giáo dục các nước, nhất là Hoa Kì, áp dụng. Xung quanh vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Văn Nhã - Trưởng ban Đào tạo ĐHQGHN cho biết:

Phương án tuyển sinh riêng đã được lãnh đạo các nhà trường nghiên cứu hơn một năm. Năm 2011, ĐHQGHN đã tổ chức thi thử thành công ở bậc sau đại học, chuyên ngành biến đổi khí hậu.
Vì sao phải đổi mới tuyển sinh, thưa Phó Giáo sư ?
Tuyển sinh vẫn là một khâu quan trọng trong đổi mới giáo dục đại học, thể hiện ở các mặt:
Thứ nhất, các kì thi của Việt Nam được đánh giá là mới chỉ kiểm tra kiến thức của thí sinh mà chưa đánh giá khả năng học tập - tiềm năng của người dự thi. Nhưng việc đánh giá và bồi dưỡng năng lực học tập và tự học tập của người học là quan trọng hơn rất nhiều việc kiểm tra kiến thức của người học.
Thứ hai, việc tổ chức thi tuyển sinh tập trung theo các đợt: 1 lần/năm đối với hệ đại học và 2 lần/năm đối với hệ sau đại học, vừa gây sức ép thi cử lên người học vừa gây tốn kém cho trường tổ chức thi và cho cả xã hội.
Thứ ba, do khâu thi cử chỉ tập trung vào đánh giá kiến thức của một số môn nhất định nên quá trình đào tạo ở các cấp học dưới có xu hướng tập trung vào các môn thi cử, học lệch hay học tủ, vì vậy mục tiêu phát triển toàn diện thường không đạt được. Các hoạt động khác như dạy thêm, học thêm, luyện thi theo đó rất phát triển nhằm đào luyện khả năng nhớ bài của học sinh, sinh viên, đây là một vấn đề gây rất nhiều bức xúc cho xã hội và cơ quan quản lí. Chỉ có thay đổi phương thức thi tuyển một cách toàn diện, đánh giá đúng năng lực của thí sinh mới khắc phục được các vấn đề trên.
Vì thế, yêu cầu đổi mới phương thức tuyển sinh cũ theo hướng tiên tiến, hiện đại là một yêu cầu cấp thiết nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đại học và sau đại học, đáp ứng được yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam hiện nay.PGS.TS Nguyễn Văn Nhã
Xây dựng một đề án đổi mới triệt để kì thi tuyển sinh đại học và sau đại học đáp ứng yêu cầu về chất lượng giáo dục và công bằng xã hội, là bước tiếp theo của phương án “ba chung” và ĐHQGHN với sứ mệnh của mình cần chủ động đề xuất phương án tự chủ trong tuyển sinh cả bậc đại học và bậc sau đại học.
ĐHQGHN đang nghiên cứu kĩ về cách thức áp dụng, mức độ và lộ trình áp dụng cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam nói chung và ĐHQGHN nói riêng. ĐHQGHN đã thí điểm trên quy mô nhỏ, đúc rút kinh nghiệm trước khi có thể áp dụng cho toàn ĐHQGHN, cũng như đề xuất Bộ GD&ĐT triển khai áp dụng trên toàn quốc.
Đổi mới phương thức tuyển sinh theo hướng tiếp cận các chuẩn mực quốc tế có phù hợp với Việt Nam, thưa Phó Giáo sư?
Đối với chất lượng đầu ra, Việt Nam đang nỗ lực triển khai công tác kiểm định, đánh giá các cơ sở và chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận các chuẩn mực quốc tế. Tương tự như vậy, đổi mới việc tuyển sinh đầu vào theo tiêu chuẩn quốc tễ không chỉ thúc đẩy quá trình kiểm định chất lượng đầu ra mà còn cho phép giáo dục Việt Nam liên thông được với quốc tế.
Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt là Hoa Kỳ, cho thấy việc sử dụng các bài thi nhằm đánh giá năng lực học tập và kiến thức tổng hợp như ACT hoặc SAT (thi tuyển sinh vào ĐH), GMAT, GRE (tuyển sinh SĐH), LSAT (dành cho những người học ngành Luật), NBPTS (đối với những người học các ngành Sư phạm), CLEP (Chương trình thi các môn học ĐH đại cương) là rất phổ biến ở các trường đại học hàng đầu trên thế giới trong việc xét tuyển thí sinh.
Các thí sinh muốn đăng kí dự học tại các trường đại học chỉ cần thi để đạt các chứng chỉ trên, rồi nộp vào các bộ hồ sơ xét tuyển. Cách thức này sẽ giảm tải rất nhiều cho các kì thi tập trung, cho các đơn vị đào tạo và giúp cho các trường đại học có các chuẩn mực chung để đánh giá người học. Từ đó, giúp các trường đại học có thể hợp tác liên thông, liên kết đào tạo và đánh giá sinh viên của nhau.
Phó Giáo sư có thể giới thiệu khái quát về SAT, GRE?
SAT là một trong những kì thi chuẩn hóa cho việc đăng kí vào một số đại học tại Hoa Kì. Kì thi SAT được quản lí bởi tổ chức phi lợi nhuận College Board của Hoa Kì, và được phát triển bởi tổ chức ETS - Educational Testing Service (tổ chức giáo dục chuyên về dịch vụ thi cử). SAT là kì thi quan trọng để đánh giá kiến thức tự nhiên và xã hội, đánh giá trình độ thí sinh đầu vào của chương trình cử nhân. Điểm thi SAT thường được các đại học Hoa Kì sử dụng làm một trong những căn cứ thiết yếu để xét tuyển sinh viên đại học và xét cấp học bổng vì qua SAT sẽ đánh giá được kỹ năng học tập cần thiết mà sinh viên đại học cần có bao gồm kĩ năng đọc tài liệu có hiệu quả, khả năng suy luận tính toán và giải các bài toán, vốn từ vựng phong phú, khả năng hiểu và phán đoán được các từ ngữ mới theo ngữ cảnh. Điểm thi SAT có giá trị trong vòng 5 năm. Bài thi SAT làm bài trên giấy thời gian là 3 giờ 45 phút. Nội dung thi gồm toán, đọc, viết , điểm tối đa là 2400 điểm.
GRE (Graduate Record Examination) là một hệ thống kiểm tra, đánh giá nhằm giúp cho các trường đại học các cơ quan tài trợ đánh giá một cách đúng đắn năng lực của các ứng cử viên. GRE kiểm tra thí sinh về 3 năng lực cơ bản là ngôn ngữ (verbal), toán học (quantitative) và viết luận (analytical writing).
Hầu hết các trường đại học của Hoa Kỳ đều yêu cầu ứng viên phải tham dự kì thi này. Kết quả của kì thi cộng với điểm học trong quá trình đại học sẽ là một trong những sở cứ để cán bộ xét tuyển quyết định chấp nhận hay từ chối một ứng viên vào chương trình sau đại học của khoa/trường mình.
Kì thi GRE trên giấy bao gồm 5 phần nhỏ, ngoài ra người ta thường lồng vào kì thi này một phần thử nghiệm nữa nhưng thí sinh không biết phần nào là phần thử nghiệm cả. Nhiệm vụ của phần thử nghiệm là nhằm giúp ETS xây dựng được các bộ đề thi GRE tốt hơn trong tương lai. Phần thi viết bao giờ cũng là phần thi đầu tiên, thứ tự các phần thi còn lại là hoàn toàn ngẫu nhiên.
Phó Giáo sư có thể cho biết bao giờ thì ĐHQGHN trình Đề án với Bộ GD&ĐT để triển khai và làm như thế nào?
Mặc dù ý tưởng về đổi mới đã được hình thành từ rất sớm ở ĐHQGHN, nhưng do điều kiện chưa thích hợp nên ĐHQGHN chưa triển khai sớm được. Người học vẫn còn duy trì thói quen học gì thi nấy, chưa quen với những cách thi mới. Bên cạnh đó, kinh nghiệm về các phương thức tuyển sinh của ĐHQGHN còn chưa được tích luỹ. Đến nay, có thể nói, trong bối cảnh phải thực hiện đổi mới, với đội ngũ đã được tích lũy kinh nghiệm, ĐHQGHN phải thực hiện ngay và quyết liệt quá trình đổi mới trên. Song thi ĐH là rất quan trọng cho mỗi thí sinh nên các nhà quản lí phải hết sức thận trọng, nếu năm 2012 chưa chuẩn bị được chu đáo thì lùi đến năm 2013 sẽ trình Bộ GD&ĐT.
Có một số yêu cầu về cơ chế, chính sách trong công tác tuyển sinh thì phải là Bộ GD&ĐT mới có thẩm quyền và các đại học phải ngồi lại với nhau thảo luận kĩ, chu đáo mới áp dụng có hiệu quả được.
Xin cảm ơn Phó Giáo sư!
 Bùi Tuấn (thực hiện) - Bản tin số 250 - 251
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài mới hơn
  • Không có bài nào mới hơn !
Các bài cũ hơn
  • Không có bài nào cũ hơn !
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC