20:31:01 Ngày 20/04/2024 GMT+7
Thế trận vững chắc trên ba vùng chiến lược, tiến công đồng loạt, bất ngờ
Nhằm tạo ra hiệu lực chiến lược mạnh, làm tan rã ý chí xâm lược của đối phương, Đảng ta chủ trương trong Tết Mậu Thân 1968 vừa tiến công đồng loạt vừa táo bạo hướng sức mạnh của chiến tranh cách mạng vào các đô thị miền Nam, xem đó là mũi nhọn thọc sâu vào yết hầu của địch, có tầm quan trọng chiến lược đối với toàn bộ chiến trường và toàn bộ cuộc chiến tranh, là đòn ác liệt nhất, đánh vào "tim óc", "huyết mạch" của địch.
Đó cũng là cách tốt nhất để phối hợp ba mũi giáp công trên cả ba vùng chiến lược, tiêu diệt nhiều nhất sinh lực địch, làm sập chỗ dựa chính trị, đè bẹp ý chí xâm lược của chúng.
Trước khi tiến hành cuộc tổng tiến công và nổi dậy, bằng nhiều biện pháp, nhiều hình thức kết hợp, các cơ quan chỉ đạo chiến lược và các cấp chỉ huy chiến trường của ta đã tổ chức nghi binh chiến lược, nhằm phân tán lực lượng chủ lực địch, làm lạc hướng đề phòng của chúng. Từ những tháng cuối năm 1967, ta đã lần lượt mở một số chiến dịch ở vùng ven biên giới, ở Tây Nguyên, đồng thời duy trì các hoạt động quân sự ở vùng ven đô thị và các vùng nông thôn đồng bằng như lệ thường, làm cho địch lầm tưởng rằng lực lượng ta đã bị thương vong trong cuộc phản công chiến lược mùa khô 1966-1967, không còn khả năng mở các chiến dịch ở đồng bằng như trước.
Ban chỉ huy thống nhất Phân khu 5 (Thị xã Thủ Dầu Một) bàn kế hoạch tác chiến
trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Ảnh tư liệu.
Trên mặt trận ngoại giao, ta ngỏ ý rằng Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa sẽ đi vào đàm phán với Mỹ, càng làm cho nước Mỹ bị phân hóa giữa phái chủ chiến và phái chủ hòa, đồng thời giới lãnh đạo Mỹ càng tin là ta đã thực sự bị suy yếu trên mặt trận quân sự.
Tháng 1-1968, ta chủ động mở hai chiến dịch quân sự lớn trong đó có Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh và ngay lập tức thu hút sự chú ý của bộ chỉ huy quân sự Mỹ tại Sài Gòn và giới lãnh đạo Mỹ, khiến Mỹ nhận định và phán đoán sai lầm.
Hướng tiến công chủ yếu trong Tết Mậu Thân nhằm vào các đô thị ở miền Nam thực sự là một đòn bất ngờ lớn, khiến địch trên chiến trường không kịp trở tay, làm cho giới lãnh đạo Mỹ phải sững sờ, choáng váng. Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm kháng chiến, ta đã đưa được chiến tranh vào thành thị, biến hậu phương và hậu cứ địch thành chiến trường của ta. Đòn tiến công của ta đã nhằm trúng vào các mục tiêu yết hầu, huyết mạch của địch, bao gồm các cơ quan đầu não trung ương và địa phương của chính quyền Sài Gòn, các sở chỉ huy, sân bay, bến cảng, kho tàng, căn cứ truyền tin, đầu mối giao thông, đặc biệt là đánh vào Tòa đại sứ Mỹ… Đó là thành công lớn của Đảng ta trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh, làm thay đổi một cách đột biến, đẩy địch vào thế bị động cả về quân sự và chính trị.
Bất ngờ không chỉ là hướng tiến công mà còn ở thời điểm tiến công. Thời điểm đó là dịp Tết Nguyên đán, lúc địch dễ bộc lộ sơ hở, chủ quan và lơi lỏng nhất trong việc đề phòng. Thực tiễn đã cho thấy việc chọn thời điểm tiến công bất ngờ vào dịp Tết của ta là rất sáng suốt, khi các đơn vị quân đội Sài Gòn chỉ còn một nửa quân số, khiến cho bộ chỉ huy quân sự Mỹ lúng túng ứng phó.
Nghệ thuật chọn hình thức và phương thức tiến công trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 rất sáng tạo. Chúng ta đã tiến công đồng loạt, tiến công bằng nhiều hình thức, nhiều lực lượng; không tiến công tuần tự từ ngoài vào trong mà kết hợp từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong, khiến cho địch đã bị bất ngờ càng thêm bất ngờ và lúng túng. Việc nghi binh chọn hướng, chọn thời điểm, mục tiêu, hình thức và phương thức tiến công chứng tỏ bước phát triển mới trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh, trong nghệ thuật tiến công của Đảng, của quân và dân ta trên chiến trường. Trong khi chiến lược quân sự của Mỹ là "tìm và diệt", nhằm đưa chiến tranh tới tận xứ sở của đối phương. Trong khi bộ chỉ huy quân sự của Mỹ tại Sài Gòn vẫn nhất mực tin rằng chiến lược của đối phương là "lấy nông thôn bao vây thành thị", thì chiến tranh lại nổ ra mạnh mẽ, đồng loạt ngay giữa Sài Gòn và một loạt các thành phố, thị xã, thị trấn trên toàn miền Nam. Đầu năm 1968, lực lượng quân sự địch tại miền Nam lên tới gần 1 triệu 200 nghìn tên, với hệ thống chính quyền tay sai, ấp chiến lược và mạng tình báo đặc vụ giăng khắp mọi nơi, thì cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 của ta, mà hướng chính nhằm vào các đô thị là một hành động "xuất thần", khiến các nhân viên tình báo địch phải thú nhận thất bại cay đắng.
Để có được cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, hy sinh, nêu cao quyết tâm tiến công địch, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân ngày càng vững chắc trên khắp ba vùng chiến lược, tổ chức và bố trí hợp lý lực lượng chính trị và LLVT ba thứ quân ở đô thị, vùng ven, vùng nông thôn đồng bằng và rừng núi. Đó là kết quả của quá trình nắm bắt thực tiễn trên chiến trường và tình hình nội bộ nước Mỹ, từ đó tính toán, chọn lựa và tìm ra cách đánh, cách thắng Mỹ phù hợp với điều kiện thực tế Việt Nam. 
 Đại tá, TS NGUYỄN THÀNH HỮU - QĐND
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài mới hơn
  • Không có bài nào mới hơn !
Các bài cũ hơn
  • Không có bài nào cũ hơn !
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC