Quy chế đào tạo
Trang chủ   >  ĐÀO TẠO  >   Quy chế đào tạo  >  
Chương II - CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO

 
 
 
Điều 9. Cấu trúc chương trình đào tạo  
Chương trình đào tạo được sắp xếp theo các khối kiến thức:
1. Khối kiến thức chung được tổ chức giảng dạy thống nhất ở tất cả các đơn vị đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội.
2. Khối kiến thức theo lĩnh vực được tổ chức giảng dạy thống nhất ở tất cả các đơn vị đào tạo có ngành học thuộc cùng lĩnh vực.  
3. Khối kiến thức theo khối ngành được tổ chức giảng dạy ở tất cả các khoa của một đơn vị đào tạo có ngành học thuộc cùng khối ngành.
4. Khối kiến thức theo nhóm ngành được tổ chức giảng dạy ở một khoa của một đơn vị đào tạo có các ngành học thuộc cùng nhóm ngành.
5. Khối kiến thức ngành bao gồm các môn học của ngành, chuyên ngành, nghiệp vụ, thực tập, thực tế, khóa luận hoặc đồ án tốt nghiệp được tổ chức giảng dạy ở một khoa chuyên ngành.
Chương trình đào tạo có hai phần kiến thức: Phần kiến thức cốt lõi của ngành học gồm các khối kiến thức 1, 2, 3, 4, 5 và phần kiến thức bổ trợ là các môn học tự chọn có điều kiện thuộc các khối kiến thức 2, 3, 4 của ngành học khác.
          Điều 10. Nguyên tắc xây dựng ngành học mới
Đơn vị đào tạo xây dựng đề án mở ngành học mới theo nguyên tắc:
1. Có nhu cầu xã hội cao, được minh chứng qua điều tra khảo sát tại các cơ sở sử dụng người học sau tốt nghiệp.
2. Phù hợp với sứ mệnh, gắn liền với chiến lược phát triển của Đại học Quốc gia Hà Nội và của đơn vị đào tạo; có vai trò thí điểm tiên phong cho hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam.
3. Ưu tiên xây dựng các ngành học có tính liên ngành, độc đáo, phát huy thế mạnh của các đơn vị; thúc đẩy liên thông, liên kết trong Đại học Quốc gia Hà Nội; hợp tác với các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp và các cơ sở sử dụng người học sau tốt nghiệp. Khuyến khích mở ngành học mới nhưng không làm tăng quy mô tuyển sinh chung của Đại học Quốc gia Hà Nội.
4. Không trùng với ngành học do đơn vị đào tạo khác trong Đại học Quốc gia Hà Nội đang làm đầu mối phụ trách.
5. Xây dựng theo cách tiếp cận chuẩn đầu ra để sau khi tốt nghiệp người học có thể làm việc đúng với ngành học.
6. Phù hợp với các điều kiện đảm bảo chất lượng hiện có và khả năng bổ sung của Đại học Quốc gia Hà Nội, của đơn vị đào tạo, thu hút và khai thác được nguồn lực của các cơ sở sử dụng người học sau tốt nghiệp, các nhà tài trợ, nguồn vốn ngoài ngân sách và các khả năng xã hội hóa khác.
7. Phát huy được hiệu quả hợp tác quốc tế để hoàn thiệnchương trình đào tạo và phương thức quản lý, tổ chức đào tạo, nâng cao trình độ giảng viên, nhanh chóng đạt chuẩn quốc tế về nội dung, phương pháp, mô hình đào tạo và hệ thống văn bằng.
          Điều 11. Chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo
1. Chuẩn đầu ra là quy định về nội dung kiến thức, kỹ năng, thái độ (ý thức và phẩm chất) của người học, công việc mà người học có thể đảm nhận được sau khi tốt nghiệp và các yêu cầu đặc thù khác đối với từng trình độ, từng ngành học;
2. Xây dựng và ban hành chuẩn đầu ra là yêu cầu bắt buộc khi xây dựng  chương trình đào tạo để công khai với xã hội và người học về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, các kiến thức, kỹ năng sẽ được trang bị sau khi tốt nghiệp làm cơ sở xây dựng và phát triển chương trình đào tạo, đổi mới công tác quản lý đào tạo, đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá, đổi mới phương pháp học tập; tạo cơ hội và tăng cường hợp tác, gắn kết giữa đơn vị đào tạo và cơ sở sử dụng người học sau tốt nghiệp trong đào tạo và sử dụng nhân lực;
3. Chuẩn đầu ra bao gồm các nội dung sau:
a) Tên ngành đào tạo: Tiếng Việt và tiếng Anh;
b) Trình độ đào tạo: Đại học;
c) Yêu cầu về kiến thức: Tri thức chuyên môn, năng lực nghề nghiệp (kiến thức chung, kiến thức cơ bản, cơ sở của nhóm ngành, ngành và chuyên ngành; các kiến thức cập nhật của ngành, lĩnh vực…); khả năng cập nhật kiến thức, khả năng tự học, tự nâng cao trình độ chuyên môn, kiến thức xã hội;
d) Yêu cầu về kỹ năng:
- Kỹ năng nghề nghiệp: Kỹ năng chuyên môn, kỹ năng thực hành nghề nghiệp, kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng phát hiện và giải quyết vấn đề; kỹ năng lập kế hoạch, …
- Kỹ năng mềm: Kỹ năng giao tiếp bằng văn bản, bằng công nghệ thông tin và các phương tiện truyền thông; kỹ năng giao tiếp bằng ngoại ngữ; kỹ năng làm việc theo nhóm; kỹ năng thuyết trình và giao tiếp với đồng nghiệp và các kỹ năng cần thiết khác.
e) Yêu cầu về thái độ:
          - Phẩm chất đạo đức, trách nhiệm công dân;
- Trách nhiệm, đạo đức, ý thức và tác phong nghề nghiệp, thái độ phục vụ.
- Thái độ tích cực.
f) Vị trí làm việc của người học sau khi tốt nghiệp;
g) Khả năng học tập, nâng cao trình độ sau khi tốt nghiệp;
h) Các chương trình, tài liệu đạt chuẩn quốc tế mà đơn vị đào tạo tham khảo.
4. Chuẩn trình độ ngoại ngữ đầu ra của các chương trình đào tạo đại học ở Đại học Quốc gia Hà Nội quy định như sau:
a) Chuẩn B1 (ví dụ đối với tiếng Anh: tương đương 4.0 IELTS) đối với các chương trình đào tạo chuẩn, bằng kép, văn bằng thứ 2, liên thông, ngành chính – ngành phụ, ngành kép và liên kết quốc tế do Đại học Quốc gia Hà Nội cấp bằng;
b) Chuẩn B2 (ví dụ đối với tiếng Anh: tương đương 5.0 IELTS) đối với chương trình đào tạo chất lượng cao;
c) Chuẩn C1 (ví dụ đối với tiếng Anh: tương đương 6.0 IELTS) đối với các chương trình đào tạo tài năng, đạt chuẩn quốc tế.
5. Thủ trưởng đơn vị đào tạo chỉ đạo việc xây dựng chuẩn đầu ra chi tiết và định lượng cho từng chương trình đào tạo, tổ chức hội thảo rộng rãi để lấy ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, các nhà khoa học, giảng viên, các cơ sở sử dụng người học sau tốt nghiệp, cựu sinh viên…, hoàn thiện và công bố chuẩn đầu ra của từng chương trình đào tạo.
Điều 12. Thiết kế chương trình đào tạo 
1. Chương trình đào tạo được thiết kế dựa vào chuẩn đầu ra và áp dụng theo quy trình 4 bước nhằm đổi mới nội dung, phương pháp và công nghệ đào tạo:
a) Hình thành mục tiêu, điều tra nhu cầu và xây dựng chuẩn đầu ra;
b) Thiết kế chương trình đào tạo đáp ứng chuẩn đầu ra;
c) Thực hiện đào tạo thí điểm, điều chỉnh chương trình đào tạo;
d) Triển khai đào tạo đại trà.
2. Thiết kế chương trình đào tạo đơn ngành
Chương trình đào tạo đơn ngành được thiết kế gồm phần kiến thức cốt lõi của ngành học tối thiểu là 120 tín chỉ và phần kiến thức bổ trợ tối đa là 15 tín chỉ. Các chương trình đào tạo được thiết kế như sau:
a) Chương trình đào tạo chuẩn đào tạo nguồn nhân lực đạt chuẩn chất lượng quốc gia, được thiết kế từ 120 đến 140 tín chỉ;
b) Chương trình đào tạo chất lượng cao đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đạt chuẩn khu vực trong các lĩnh vực khoa học cơ bản, công nghệ cao, kinh tế - xã hội mũi nhọn và ngoại ngữ, được thiết kế từ 140 đến 155 tín chỉ trên cơ sở nâng cao, bổ sung một số môn học so với chương trình đào tạo chuẩn của ngành học tương ứng;
c) Chương trình đào tạo tài năng đào tạo nguồn nhân lực đạt chuẩn quốc tế đối với những sinh viên xuất sắc, có năng khiếu về một ngành khoa học cơ bản để tạo nguồn nhân tài cho đất nước, được thiết kế từ 160 đến 170 tín chỉ trên cơ sở nâng cao, bổ sung một số môn học với yêu cầu trình độ cao hơn và nội dung rộng hơn, sâu hơn so với chương trình đào tạo chuẩn của ngành học tương ứng;
d) Chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế đào tạo theo chương trình và công nghệ đào tạo của các trường đại học tiên tiến có uy tín cao trên thế giới đã được điều chỉnh phù hợp với khả năng, điều kiện của Đại học Quốc gia Hà Nội, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đạt mức độ cao nhất theo các tiêu chí kiểm định chất lượng của Đại học Quốc gia Hà Nội, được thiết kế từ 140 đến 155 tín chỉ;
e) Chương trình đào tạo bằng kép được thiết kế dựa trên hai chương trình đào tạo chuẩn có khối lượng kiến thức trùng nhau ít nhất là 40 tín chỉ, gồm 2 phần: phần 1 là các môn học chung của hai chương trình đào tạo, sinh viên chỉ cần tích lũy một lần; phần 2 là các môn học còn lại của hai chương trình đào tạo, sinh viên phải tích lũy đủ. Sinh viên tích lũy đủ số tín chỉ theo yêu cầu của cả hai chương trình đào tạo, khi tốt nghiệp được cấp hai bằng.
f) Chương trình đào tạo văn bằng thứ hai được thiết kế dựa trên chương trình đào tạo văn bằng thứ nhất của người học và chương trình đào tạo chuẩn của ngành học mà người học tham dự. Người học phải tích lũy đủ các môn học có trong chương trình đào tạo của ngành học thứ hai mà khi học ngành học thứ nhất chưa được học hoặc đã học nhưng chưa đủ khối lượng quy định.
g) Chương trình đào tạo liên thông đ­ược thiết kế trên cơ sở bổ sung những kiến thức cần thiết cho những người đã có bằng tốt nghiệp cao đẳng để đảm bảo tích lũy được khối kiến thức tương đư­ơng với chương trình đào tạo chuẩn.
3. Thiết kế chương trình đào tạođa ngành
a) Chương trình đào tạo ngành chính – ngành phụ
Ngoài nội dung chương trình đào tạo được thiết kế cho ngành đơn thứ nhất với khối lượng kiến thức tối thiểu là 120 tín chỉ, có thể bổ sung các môn học của chương trình đào tạo ngành đơn thứ hai hoặc các môn học bổ trợ kiến thức khác với khối lượng kiến thức từ 15 đến 29 tín chỉ để tạo thành chương trình đào tạo ngành chính – ngành phụ. Các môn học bổ sung được thể hiện trong bảng điểm cấp kèm theo bằng tốt nghiệp. Việc quản lý và tổ chức đào tạo được thực hiện liên thông giữa các khoa trong cùng một đơn vị đào tạo hoặc giữa các đơn vị đào tạo trong Đại học Quốc gia Hà Nội.
b) Chương trình đào tạo ngành kép
Chương trình đào tạo ngành kép gồm hai phần: Nội dung chương trình đào tạo ngành thứ nhất với tối thiểu là 120 tín chỉ và khối lượng kiến thức của chương trình đào tạo ngành thứ hai (trong cùng nhóm ngành hoặc nhóm ngành gần) từ 30 tín chỉ trở lên (không tính những môn học giống nhau, tương đương trong ngành thứ nhất và phù hợp với ngành thứ hai). Việc quản lý và tổ chức đào tạo được thực hiện liên thông giữa các khoa trong cùng một đơn vị đào tạo hoặc giữa các đơn vị đào tạo trong Đại học Quốc gia Hà Nội.
4. Thiết kế chương trình đào tạo liên kết quốc tế
Chương trình đào tạo liên kết quốc tế đào tạo nguồn nhân lực theo chuẩn của đối tác nước ngoài có uy tín cao trên thế giới, được kiểm định chất lượng bởi các tổ chức có tư cách pháp nhân được Nhà nước thừa nhận (đối với các nước có kiểm định chất lượng các trường đại học) và đáp ứng nhu cầu xã hội.
a) Chương trình đào tạo do Đại học Quốc gia Hà Nội cấp bằng được thiết kế theo quy định của Đại học Quốc gia Hà Nội và tham khảo chương trình đào tạo của đối tác nước ngoài để điều chỉnh, bổ sung đáp ứng yêu cầu và điều kiện thực tế của Việt Nam.
b) Chương trình đào tạo do Đại học Quốc gia Hà Nội và đối tác nước ngoài cùng cấp bằng được thiết kế trên cơ sở quy định về thiết kế chương trình đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội và quy định về xây dựng chương trình đào tạo của đối tác nước ngoài theo thỏa thuận hợp tác ký kết giữa hai bên. 
c) Chương trình đào tạo do đối tác nước ngoài cấp bằng được đơn vị đào tạo lựa chọn từ các chương trình đào tạo của đối tác nước ngoài và có đề nghị bổ sung, thay thế một số môn học phù hợp, đáp ứng yêu cầu của Việt Nam.
Điều 13. Tổ chức xây dựng, ban hành chương trình đào tạo và giao nhiệm vụ tổ chức đào tạo
1. Tổ chức xây dựng, ban hành và giao nhiệm vụ tổ chức đào tạo đối với các chương trình đào tạo hiện hành do Đại học Quốc gia Hà Nội cấp bằng bao gồm các chương trình đào tạo quy định tại Điều 6 (trừ mục b, c, khoản 3) của Quy chế này được phân cấp thực hiện như sau:
a) Cấp Đại học Quốc gia Hà Nội:
- Chỉ đạo xây dựng chương trình đào tạo, quy định cơ cấu và khối lượng các khối kiến thức, trực tiếp xác định danh mục và khối lượng kiến thức của các môn học thuộc khối kiến thức 1, 2 được quy định tại Điều 9 của Quy chế này.
- Tổ chức xây dựng, nghiệm thu và ban hành đề cương các môn học thuộc khối kiến thức 1, 2 quy định tại Điều 9 của Quy chế này.
b) Cấp đơn vị đào tạo:
- Xác định danh mục và khối lượng kiến thức của các môn học thuộc các khối kiến thức 3, 4, 5 và phần kiến thức bổ trợ được quy định tại Điều 9 của Quy chế này, báo cáo Đại học Quốc gia Hà Nội để tổng hợp và tổ chức thẩm định chương trình đào tạo.
- Tổ chức xây dựng, nghiệm thu đề cương môn học thuộc các khối kiến thức 3, 4, 5 được quy định tại Điều 9 của Quy chế này.
2. Tổ chức xây dựng, ban hành chương trình đào tạo và giao nhiệm vụ tổ chức đào tạo đối với các ngành học mới chưa có trong danh mục ngành đào tạo của Nhà nước hoặc đã có nhưng chưa tổ chức đào tạo ở Đại học Quốc gia Hà Nội được thực hiện theo bốn bước:
a) Bước 1: Đơn vị đào tạo thành lập nhóm xây dựng chương trình đào tạo, trong đó mời đại diện cơ sở sử dụng người học sau tốt nghiệp và tổ chức xây dựng đề án mở ngành đào tạo để trình Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội. Ban Đào tạo làm đầu mối tổ chức thẩm định và trình Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội quyết định ban hành chương trình đào tạo sau khi đơn vị đào tạo đã hoàn thiện đề án đáp ứng yêu cầu;
b) Bước 2: Trên cơ sở chuẩn đầu ra và chương trình đào tạo đã ban hành, đơn vị đào tạo tập trung củng cố và tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng để thực hiện đúng cam kết theo chuẩn đầu ra: đảm bảo các chuẩn về đội ngũ giảng viên, cơ sở học liệu, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, thực hành, nguồn kinh phí, phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá, các phương thức liên kết với đơn vị sử dụng và các tổ chức xã hội nghề nghiệp khác;
c) Bước 3: Ban Đào tạo làm đầu mối, phối hợp với các ban chức năng và các đơn vị liên quan tổ chức khảo sát, kiểm tra tình hình thực tế, thẩm định điều kiện đảm bảo chất lượng, báo cáo để Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội xem xét, quyết định giao nhiệm vụ đào tạo cho đơn vị có đủ điều kiện đảm bảo chất lượng theo quy định của Đại học Quốc gia Hà Nội và báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo;
d) Bước 4: Sau khi được giao nhiệm vụ đào tạo, đơn vị đào tạo xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh và thực hiện đúng các quy trình quy định đối với từng chương trình đào tạo và hình thức đào tạo. Sau khóa đào tạo đầu tiên, đơn vị đào tạo tổ chức đánh giá và đề xuất phương hướng phát triển chương trình đào tạo.
3. Xây dựng chương trình đào tạo liên kết quốc tế quy định tại mục b, mục c, khoản 3, Điều 6 của Quy chế này được thực hiện như sau:
a) Căn cứ tình hình cụ thể về cơ sở vật chất, cán bộ quản lý, giảng viên và các điều kiện khác để đảm bảo chất lượng đào tạo, đơn vị đào tạo xây dựng đề án đào tạo liên kết quốc tế, lập kế hoạch dự kiến tổ chức thực hiện trong năm học, trình Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội xem xét phê duyệt. Chậm nhất là 3 tháng trước thời gian tuyển sinh, đơn vị đào tạo báo cáo Đại học Quốc gia Hà Nội về các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo theo đề án đã được phê duyệt;
b) Ban Quan hệ Quốc tế thẩm định tư cách pháp nhân của đối tác nước ngoài, gửi kết quả thẩm định về Ban Đào tạo;
c) Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục thẩm định văn bản kiểm định chất lượng và thứ hạng của đối tác nước ngoài, gửi kết quả thẩm định về Ban Đào tạo;
          d) Ban Đào tạo tiếp nhận hồ sơ xin phép thực hiện chương trình đào tạo liên kết quốc tế; thẩm định nội dung chương trình đào tạo liên kết quốc tế; làm đầu mối phối hợp với các ban Tổ chức cán bộ, Khoa học Công nghệ, Kế hoạch -Tài chính tổ chức thẩm định điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo theo chuẩn của đối tác nước ngoài;
         e) Ban Đào tạo tổng hợp kết quả thẩm định trình Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội quyết định cho phép đơn vị đào tạo triển khai thực hiện chương trình đào tạo liên kết quốc tế.   

 
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :