Quy chế đào tạo
Trang chủ   >  ĐÀO TẠO  >   Quy chế đào tạo  >  
Chương VI - GIẢNG VIÊN VÀ CỐ VẤN HỌC TẬP

Điều 38. Giảng viên
1. Trách nhiệm và quyền hạn của giảng viên
a) Thực hiện nhiệm vụ của công chức, viên chức theo quy định của Luật Giáo dục, Luật cán bộ, công chức và pháp luật có liên quan; Giữ gìn phẩm chất, uy tín, danh dự của nhà giáo; tôn trọng nhân cách của người học, đối xử công bằng với người học, bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của người học; Tham gia quản lý đơn vị đào tạo, tham gia công tác Đảng, đoàn thể khi được tín nhiệm và các công tác khác được trường, khoa, bộ môn giao;
b) Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy chế, quy định của đơn vị đào tạo và của Đại học Quốc gia Hà Nội;
c) Giảng dạy, kiểm tra, đánh giá môn học một cách khách quan, chính xác theo đúng đề cương môn học và kế hoạch giảng dạy đã được ban hành;
d) Vận dụng linh hoạt và thường xuyên cải tiến phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá để đảm bảo truyền thụ cho sinh viên phương pháp luận, phát triển năng lực nhận thức, năng lực sáng tạo, kỹ năng nghề nghiệp và kỹ năng mềm;rèn luyện cho sinh viên phương pháp tự học, tư duy sáng tạo và đạo đức nghề nghiệp;
e) Tham gia quản lý giờ học của sinh viên trên lớp, trong studio, phòng thí nghiệm hoặc trên thực địa và hướng dẫn sinh viên tự học, tự nghiên cứu, bao gồm:
- Xác định và giao các vấn đề, nội dung, yêu cầu để sinh viên hoặc nhóm sinh viên chuẩn bị cho nghe giảng và thảo luận trên lớp, thực hành, thí nghiệm; Xác định và giao các nhiệm vụ tự học, tự nghiên cứu cho sinh viên hoặc nhóm sinh viên;
- Hướng dẫn, nhận xét sinh viên thảo luận, làm thực hành, thực tập, thí nghiệm. Cung cấp hoặc giới thiệu địa chỉ tìm tài liệu tham khảo cho sinh viên đọc, nghiên cứu;
- Theo dõi và kiểm tra đánh giá sinh viên nghe giảng, thảo luận trên lớp, thực hành, thực tập, thí nghiệm, làm việc theo nhóm, tự học, tự nghiên cứu để tích hợp vào kết quả đánh giá cuối cùng của môn học. Biên soạn đề kiểm tra và các tiêu chí đánh giá;
f) Tham gia xây dựng chương trình đào tạo, xây dựng đề cương môn học, giáo trình, tài liệu phục vụ dạy – học;
g) Nghiên cứu khoa học, vận dụng kết quả nghiên cứu vào giảng dạy và ứng dụng thực tiễn. Hỗ trợ sinh viên tìm kiếm việc làm phù hợp chuyên môn;
h) Thực hiện nhiệm vụ khác do thủ trưởng đơn vị đào tạo giao.
2. Quyền lợi của giảng viên
a) Được hưởng các quyền lợi chung và ưu đãi do Nhà nước quy định, các chế độ bồi dưỡng, thù lao theo quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị;
b) Sau mỗi 3 năm giảng dạy, giảng viên được miễn giảng dạy 1 học kỳ để tập trung nghiên cứu khoa học và tu nghiệp nâng cao trình độ chuyên môn trong nước hoặc nước ngoài. Đơn vị đào tạo có kế hoạch, tạo điều kiện về thời gian và hỗ trợ một phần kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cho giảng viên; 
          c) Ngoài các quyền lợi chung, giảng viên tham gia đào tạo tài năng, chất lượng cao, chương trình đạt chuẩn quốc tế được hưởng các quyền lợi sau:
- Được hưởng chế độ bồi dưỡng ưu đãi đối với công tác giảng dạy, hướng dẫn học tập, nghiên cứu khoa học của các chương trình đào tạo này;
- Được ưu tiên sử dụng trang thiết bị phòng thí nghiệm, cơ sở vật chất kỹ thuật, tư liệu khoa học, thư viện, VNU-net để phục vụ công tác đào tạo;
- Được ưu tiên tạo điều kiện thực tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn ở trong và ngoài nước;
- Được hỗ trợ tạo điều kiện áp dụng các phương pháp và công nghệ dạy học tiên tiến phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế của Đại học Quốc gia Hà Nội.
          Điều 39: Cố vấn học tập
Cố vấn học tập là giảng viên có trình độ thạc sỹ trở lên, có ít nhất 2 năm trực tiếp giảng dạy, am hiểu chương trình đào tạo và được Chủ nhiệm khoa phân công.
          1. Trách nhiệm của cố vấn học tập
a) Tham gia phát hiện năng lực, sở trường của người học để định hướng nghề nghiệp, nghiên cứu khoa học, xây dựng kế hoạch học tập; hỗ trợ điều kiện để phát triển năng lực, sở trường đó;
b) Tìm hiểu chương trình đào tạo, hướng dẫn sinh viên xây dựng kế hoạch học tập, lựa chọn đăng ký các môn học trong chương trình đào tạo của ngành học và các môn học bổ trợ của các ngành học tại đơn vị đào tạo hoặc ở các đơn vị đào tạo khác trong Đại học Quốc gia Hà Nội phù hợp với điều kiện học tập của sinh viên và mục tiêu, yêu cầu của chương trình đào tạo;
c) Hướng dẫn phương pháp học tập, nghiên cứu khoa học, phát triển kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng mềm cho sinh viên; thường xuyên theo dõi kết quả học tập của sinh viên;
d) Giúp đỡ sinh viên giải quyết những khó khăn vướng mắc trong học tập. Nhắc nhở sinh viên khi thấy kết quả học tập của sinh viên giảm sút;
e) Phối hợp với các giảng viên, các đơn vị công tác liên quan, nhất là phòng Chính trị và công tác sinh viên và phòng Đào tạo để giúp đỡ và tạo điều kiện cho sinh viên học tập, đánh giá điểm rèn luyện của sinh viên.
 
2. Quyền lợi của cố vấn học tập
a) Được giảm số giờ dạy định mức, hưởng phụ cấp theo quy định;
b) Được bố trí thời gian tham gia khóa tập huấn nghiệp vụ cố vấn học tập.

 
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :