Quy chế đào tạo
Trang chủ   >  ĐÀO TẠO  >   Quy chế đào tạo  >  
Ký hiệu - Khái niệm - Thuật ngữ

GIẢI THÍCH KÝ HIỆU

VÀ MỘT SỐ KHÁI NIỆM, THUẬT NGỮ

 

1. Ký hiệu

Trong các chương trình đào tạo tài năng và chất lượng cao có sử dụng các ký hiệu (*), (**), (***) được hiểu như sau:

(*)       - là môn học nâng cao, giữ nguyên số tín chỉ so với chương trình đào tạo chuẩn.

(**)     - là môn học nâng cao và tăng số tín chỉ so với chương trình đào tạo chuẩn.

(***)   - là môn học bổ sung mới mở chương trình đào tạo chuẩn ch­ưa có.

 

2. Một số khái niệm và thuật ngữ

2.1. Tín chỉ (credit)

Tín chỉ là đại lượng đo khối lượng lao động học tập trung bình của người học, tức là toàn bộ thời gian mà một người học bình thường phải sử dụng để học một môn học, bao gồm: 1) thời gian học tập trên lớp; 2) thời gian học tập trong phòng thí nghiệm, thực tập hoặc làm các phần việc khác đã được quy định ở đề cương môn học; và 3) thời gian dành cho việc tự học ngoài lớp như đọc sách, nghiên cứu, giải quyết vấn đề hoặc chuẩn bị bài ... Tín chỉ còn được hiểu là khối lượng kiến thức và kỹ năng theo yêu cầu của môn học mà người học cần phải tích luỹ được trong một khoảng thời gian nhất định.

 

2.2. Một tín chỉ (credit unit)

Một tín chỉ là một trong các giá trị sau đây: 

a. Một giờ học lý thuyết trên lớp với 2 giờ chuẩn bị bài trong 1 tuần kéo dài trong 1 học kỳ 15 tuần (tương đương với 15 tiết lý thuyết và 30 tiết chuẩn bị ở nhà/học kỳ);

b. Hai giờ thực hành, thực tập (gọi tắt là thực hành) ở studio hay trong phòng thí nghiệm với 1 giờ chuẩn bị bài trong 1 tuần kéo dài trong 1 học kỳ 15 tuần (tương đương với 30 tiết thực hành và 15 tiết chuẩn bị ở nhà/học kỳ);

c. Ba giờ tự học, tự nghiên cứu được đánh giá và tích luỹ vào kết quả cuối cùng của môn học trong 1 tuần kéo dài trong 1 học kỳ 15 tuần (tương đương với 45 tiết tự học, tự nghiên cứu/học kỳ).

Một giờ ở đây là 50 phút. Môn học có số tín chỉ là một số nguyên.

 

2.3. Giờ tín chỉ (credit hour)

Giờ tín chỉ là một trong các giá trị sau đây:

a. 1 giờ học trên lớp và 2 giờ chuẩn bị bài / 1 tuần  

b. 2 giờ thực hành và 1 giờ chuẩn bị bài/ 1 tuần

c. 3 giờ tự học, tự nghiên cứu / 1 tuần

Tuỳ theo tính chất đặc thù của mục tiêu và nội dung môn học, hình thức tổ chức dạy học, giờ tín chỉ có thể thay đổi, song thời gian tuyệt đối cho 1 giờ tín chỉ không nhỏ hơn 3, trong đó giờ học lý thuyết hoặc các giờ thực hành, thảo luận ... được bố trí vào thời khoá biểu.

 

2.4. Hình thức tổ chức giờ tín chỉ

Hình thức tổ chức giờ tín chỉ là cách thức tổ chức thực hiện các hoạt động của giảng viên và sinh viên ứng với cách tổ chức chương trình môn học/bài học, trong đó coi trọng khâu tự học, năng lực nghiên cứu, thực tập, thực hành, thực tế nhằm tích luỹ đủ khối lượng kiến thức theo yêu cầu của phương thức đào tạo theo tín chỉ.

Có các hình thức tổ chức giờ tín chỉ như sau:

a. Dạy, học trên lớp: Thường là dạy, học giờ lý thuyết gồm nghe thuyết trình, ghi bài giảng, làm và chữa bài tập, thảo luận và các hoạt động khác do giảng viên yêu cầu;

b. Dạy, học trong phòng thí nghiệm, studio, hiện trường ...: Làm thí nghiệm, thực hành, thực tập, điền dã (gọi chung là dạy, học thực hành, thực tập);

c. Ngoài lớp, ngoài phòng thí nghiệm: Tự học, tự nghiên cứu, các hoạt động theo nhóm để hỗ trợ thảo luận, thực hành, thực tập ....

 

2.5. Các loại môn học

Có 3 loại môn học thường gặp:

a. Môn học lý thuyết: Là môn học giảng viên và sinh viên làm việc trên lớp, bao gồm thuyết trình, chữa bài tập, thảo luận, làm việc theo nhóm có thầy hướng dẫn ...

b. Môn học thực hành: Là môn học sinh viên làm thực hành, thí nghiệm, khảo sát thực địa, làm việc trong phòng thí nghiệm, studio, điền dã...

c. Môn học kết hợp lý thuyết và thực hành: Là môn học có một phần giảng lý thuyết hoặc thuyết trình của giảng viên; một phần sinh viên làm thực hành, thí nghiệm, khảo sát thực địa, làm việc trong phòng thí nghiệm, studio ...

 
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :